Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đằm thắm, sâu lắng, nặng lòng. Mỗi bài đều có những câu thơ hoặc ý thơ mới. Chẳng hạn: “hình như ai vấp chân mình/ hớ hênh chân bước gập ghềnh bàn chân” hoặc: “một đời lụy với câu thơ/ còn bao nhiêu chuyến, bao giờ đò ơi?”. Viết lục bát được như thế không dễ. “Chạm đáy sông đầy” cũng cho tôi những liên tưởng, ẩn dụ mới như: “trong vườn lá chuối khô thô tháp/ tiếng khóc chạm tiếng ve/ khúc hát/ trưa hè/ sông dọc bờ quê”... Hoặc nữa: "ai gõ mạn thuyền trên sông vắng/ mà mái chèo cằn cựa đến xa xăm"...
Tôi không nghĩ tĩnh tự kép "cằn cựa” là cụm từ có trong tự điển. Với tôi, nó gần như chưa từng xuất hiện trong thi ca của chúng ta (?), nên, cũng với tôi, đó là hai con chữ ghép riêng của Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện giấc mơ “được một lần làm mẹ để sinh con” của mình.
Mời các bạn bước vào một khoảng trời thơ Nguyễn Ngọc Hạnh để cùng tác giả "Phơi cơn mưa lên chiều" với một nỗi lòng: “Một đời lụy với câu thơ/ Còn bao nhiêu chuyến, bao giờ đò ơi?”
Tự thân câu hỏi này cho chúng ta thấy nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã sớm tạo cho mình những thao thức kiếm tìm một-nhân-cách-thơ-riêng.
Du Tử Lê
Cơn mưa phơi lên chiều
Cơn mưa phơi lên chiều trôi
Như tóc em bay lưng trời
Cứ thong thả thế không cần vội
Mưa rơi chầm chậm cùng tôi
Cứ thản nhiên rơi
Thản nhiên trôi
Đừng khép hoàng hôn tôi mờ mịt
Đừng lấp đầy đêm hao khuyết
Xa mờ nửa mảnh trăng treo
Lấp ló chân trời cô tịch
Về đâu bến đợi trầm luân
Yêu hết một đời cạn kiệt
Thà rơi như là chiều buông
Thà em mây bay về nguồn
Chân trời xa khuất mờ sương
Nơi ấy quê nhà mong đợi
Mây trôi về phía vô thường
Thà tôi phiêu dạt dặm trường
Thà cứ yêu người lận đận
Mưa ơi hãy rơi chầm chậm
Ngày tôi bay ngang qua đời
CHẠM ĐÁY SÔNG ĐẦY
1.
bất chợt nhớ
chợt quên
bất chợt
ngày nằm mơ, đêm thức mong chờ
mơ được chết hiền lành như cỏ
mong là mơ bất chợt
đêm trôi
giấc mơ
về ngày mẹ sinh tôi
trong vườn lá chuối khô thô ráp
tiếng khóc chạm tiếng ve
khúc hát
trưa hè
sông dọc bờ quê
tiếng khóc lịm dần
rơi giữa cơn mê
rơi trong vườn bắp tẻ
rơi xuống trần gian một kiếp người
mẹ ẳm đầy vơi tiếng cười
chôn nhau tiếng khóc
cha gánh vải lên rừng
trĩu nặng bờ vai khổ nhọc
gánh cả đàn con thơ dại, đói nghèo
cha đi rồi
lều tranh một mái
mẹ một mình
sanh nở những niềm đau
giọt nước mắt đắng cay
ngày mẹ tôi trở dạ...
bất chợt nhớ ngày xưa đến lạ
mơ được một lần làm mẹ để sinh con
2.
bất chợt nhớ
dòng sông quê đầu nguồn
nơi tôi tắm giấc mơ tuổi nhỏ
nơi mẹ một mình ra sông giặt áo
cứ lặng lờ con nước trôi
bất chợt nhớ
một ngày xa xôi
bỏ làng ra đi, cha tôi không về
mẹ dẫn đàn con chạy giặc
con đò trôi xuôi
mà gió nồm thổi ngược
cánh buồm căng bịn rịn phía quê nhà
làng nhỏ khuất dần
bóng núi mờ xa
mẹ nhớ làng
tôi đâu hề biết
lúc ra đi
mẹ quấn quít mấy giàn trầu
tôi thì khôn nguôi
nhớ ánh nắng chiều vàng
nhớ tiếng trâu gọi bầy
thương anh em tôi đứt ruột
rồi đây mỗi đứa một phương
mẹ nhớ gì đâu ai biết
tôi thì thương hoài tiếng chim dồng dộc hót
trước lúc chia tay ở cuối cổng làng
mang theo hết bầu trời thơ dại
dễ gì quên tiếng chim ấy, quê ơi
bất chợt nhớ
chợt yêu đến lạ
phút xa làng chim dồng dộc bay xa...
3.
tôi xa làng từ ngày thơ bé
đêm mưa
gió rét căm căm
ai gõ mạn thuyền trên sông vắng
mà mái chèo cằn cựa đến xa xăm
tiếng dầm khuya lạnh buốt
đêm giông
con nước cứ dùng dằng
không chảy
con thuyền trôi xuôi
lòng tôi ở lại
cứ thương hoài
mùi bếp lửa chiều quê
bồng bềnh trôi
một mình mẹ
trôi
đàn con lưu lạc
cả đời mẹ là những ngày đói khát
rồi mai đây biết phiêu dạt về đâu?
đêm xa làng
đong đầy nước mắt
đâu biết lòng mẹ đau như cắt
tôi cứ lơ ngơ nhớ đàn trâu mỗi lúc chiều về
cứ nhớ hoài tiếng chim dồng dộc hót
nơi cổng làng trước phút xa quê
tôi đâu biết
cái ngày ly biệt ấy
ngày anh em tôi tan tác lìa đàn
khi chợt hiểu điều này
thì đã muộn
đàn chim lạc bầy từ đó cũng ly tan
đâu biết xa quê
tiếng chim buồn lẻ bạn
tuổi thơ tôi ở mãi với làng.
LỤY
Lụy đò mà chẳng qua sông
cứ rong ruổi bến, cứ trông ngóng bờ
một đời luỵ với câu thơ
còn bao nhiêu chuyến...
bao giờ đò ơi?
VẤP
hình như ai vấp chân mình
hớ hênh chân bước gập ghềnh bàn chân
một đời ngập ngụa phân vân
biết đâu mình lại dẫm chân ai rồi!