Sự kiện & Bình luận

Chuyện dạy văn

Hoàng Tuệ
Tiếng nói nhà văn
07:49 | 21/11/2024
Baovannghe.vn - Có tiên đoán là thế kỷ XXI, môn Văn chẳng còn mấy ý nghĩa ở trường học. Một tiên đoán không phải không có lý nhất định. Nhưng buồn quá.
aa

1 - VĂN CHƯƠNG, VĂN HỌC

Có ý cho văn là nói tắt, theo thói quen trường học. Và có ý cho cái từ văn đơn tiết cổ truyền này là rất hay, nó súc tích. Nhưng súc tích hay tắt mà khi phải hiểu rõ ra thì hiểu thế nào?

Cho nên, có câu hỏi: dạy Văn là dạy gì? Câu hỏi về chất liệu của môn học trong quan hệ giữa chất liệu với mục tiêu đào tạo. Tức dạy gì để đạt tới cái gì? Một câu hỏi mà nhà sư phạm không thể không nghĩ tới. Người Pháp dùng từ matière (chất liệu) để chỉ môn học là có lý do.

Có thể đáp lại câu hỏi trên rằng dạy văn là dạy văn chương, song không chỉ văn chương mà còn văn học.

Tưởng có thể phân biệt hai khái niệm văn chươngvăn học bằng hai từ đang có trong tiếng Việt.

Từ văn chương thường khiến người ta hiểu trước hết là văn chương viết, có văn bản viết. Mà trong văn chương viết thì trước hết là văn chương nghệ thuật. Nhưng trong văn chương viết, còn có văn chương khoa học, chính trị... ngày càng quan trọng. Cũng có thể mở rộng nghĩa của từ này để nói tới văn chương truyền miệng, dân gian.

Nói chung, văn chương là những sáng tạo bằng ngôn ngữ theo các loại hình. Còn văn học là khoa học về văn chương. Chủ yếu là lịch sử văn chương qua các thời đại, các trào lưu và lý thuyết văn chương bao gồm lý thuyết văn chương nghệ thuật và lý thuyết văn chương khoa học, chính trị...

Cách phân biệt này là có ích hơn cách dùng từ văn học tương ứng với littérature đa nghĩa, để chỉ khi thì văn chương, khi thì văn học. Và để sinh ra tùy tiện, như nói "văn chương Lý, Trần" cũng nói "văn học Lý, Trần"... Mà tùy tiện ở nhà nghiên cứu có thể gây lẫn lộn cho học sinh.

Chuyện dạy văn
Ảnh pixabay

2 - VĂN CHƯƠNG THẾ GIỚI

Cũng có câu hỏi: dạy gì trong văn chương thế giới? Có thể tìm lời giải cho câu hỏi này trong cái ý “giữ gìn", phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại thường gặp trong những nghị quyết gần đây của Đảng.

Nhưng lại có câu hỏi cụ thể hơn: thế nào là tinh hoa văn hóa nhân loại được biểu hiện trong văn chương thế giới, văn chương nghệ thuật và văn chương khoa học, chính trị.

Nên thấy cái tinh hoa ấy là tinh thần nhân văn trong các tác phẩm văn chương về cuộc sống đấu tranh sáng tạo cũng là cuộc sống đau thương của con người trong lịch sử tiến hóa của nhân loại. Tinh hoa ấy còn là các kĩ thuật sáng tạo văn chương thế giới rất đa dạng.

Thanh niên Việt Nam cần và có quyền hiểu biết văn chương thế giới. Đó là chất liệu bổ sung không thể thiếu đối với văn chương dân tộc. Tuy vậy, văn chương thế giới là mênh mông. Nên cụ thể hơn nữa là những câu hỏi: dạy tác gia nào, tác phẩm nào của tác gia ấy, và trích giảng đoạn nào trong tác phẩm ấy? Đấy là diện vi mô của vấn đề chỉ có thể giải quyết được trong một hội đồng chuyên gia.

Cuối cùng, vấn đề dịch thuật. Dạy văn chương được thế giới qua nguyên ngữ là lí tưởng không đạt tới được. Cần cho trường học những bản dịch tốt được xuất bản thành bộ sách về văn chương thế giới. Học sinh, nhất là học sinh chuyên ban khoa học xã hội, không thể dừng lại ở bài trích giảng, mà cần đọc toàn tác phẩm.

3 - LÝ THUYẾT VĂN CHƯƠNG

Từ Hy Lạp cổ đại với Aristotle cho tới ngày nay, có sự nghiên cứu riêng về lí thuyết sáng tạo văn chương nghệ thuật. Tức Poétique, mà theo nghĩa gốc không phải chỉ là thơ. Xưa nay, đối tượng của môn này là thơ và cả văn xuôi, văn xuôi nghệ thuật, mặc dù vẫn có những tác gia poétique chuyên bàn về thơ... Nếu mình dịch từ đó thành thi pháp thì e gây hiểu lầm là chỉ về luật thơ. Dịch thành thi học cũng không tránh được hiểu lầm... Trong sự xây dựng thuật ngữ tiếng Việt, quan trọng là cách chuyển dịch thuật ngữ các tiếng có truyền thống khoa học lâu đời, nhưng trong cách này, vẫn phải luôn luôn chú ý tới khái niệm và quá trình phát triển của khái niệm.

Nếu dùng thi học để thay cho văn học thì thiết nghĩ lại càng không nên. Khái niệm của một thuật ngữ có thể được mở rộng qua khái quát hóa. Nhưng khái quát hóa không có nghĩa xóa bỏ những phân biệt.

Cũng từ Hy Lạp cổ đại cũng với Aristotle, và cũng cho tới ngày nay, vẫn có sự coi trọng riêng đối với lí thuyết sáng tạo văn chương khoa học, chính trị. Tức Rhétorique, mà đối tượng là văn xuôi khoa học, chính trị. Từ này thường được dịch thành nghệ thuật hùng biện là có lí do. Vì thời Hy Lạp - La Mã cổ đại, các thuyết gia (triết gia, pháp gia chính trị gia...) phải nói và phải hùng biện để hấp dẫn đông đảo người nghe ở các diễn đàn công khai. Từ yêu cầu này, sinh ra dần dần sự nghiên cứu riêng về các phép mỹ từ (ẩn dụ, hoán dụ, ngoa dụ...) và các phép bố cục, lập luận. Nhưng về thực chất thì xưa nay, Rhétorique là khoa học thuyết phục, bằng lời nói và cả lời văn viết. Trong đó, tất nhiên có mặt nghệ thuật song còn có mặt nội dung rất quan trọng. Nói chung là thái độ của người có trách nhiệm thuyết phục đối với người cần được thuyết phục. A-rít-xtốt đã đối lập giữa thuyết phục với bạo lực và cho rằng "dọa nạt, cũng như lừa dối, nịnh hót đều là bạo lực" (Paul Ricœur). Thật là một tư tưởng lớn của nền dân chủ đô thị Hy Lạp - La Mã cổ đại mà những nền dân chủ hiện đại cần tiếp nhận. Tư tưởng ấy là chủ nghĩa nhân văn chân chính, cao đẹp...

Rõ là trong lý luận văn học, tên gọi quen thuộc, có sự coi nhẹ, nếu không muốn nói bỏ qua, lý thuyết văn chương khoa học, chính trị.

Còn có chuyện lý thuyết hay lý luận? Thực ra có thể coi hai từ này là đồng nghĩa. Nhưng hình như lý luận được hiểu thu hẹp trong những khuôn khổ nhất định. Nên chú ý tới yêu cầu về giá trị thích đáng cao của lý thuyết hoặc lý luận, tức là hiệu lực cao của nó trong sự giải thích, đánh giá thực tiễn văn chương đa dạng và ngày càng đa dạng, phong phú, trong nước và trên thế giới. Yêu - cầu này đã phải đặt ra ở trường học, theo nguyên tắc tôn trọng trí thông minh, óc phán đoán của học sinh.

4 - VĂN CHƯƠNG, NGÔN NGỮ

Nói tới ngôn ngữ là nói tới một hệ thống những qui tắc, những đơn vị. Đó là ngôn ngữ - hệ thống của dân tộc, của xã hội. Và còn nói tới ngôn ngữ - thực tiễn của cá nhân, thực tiễn nói, viết những lời, lời thông thường và lời văn chương. Thực tiễn ấy là một mặt những bó buộc mà cá nhân tuân theo trong sự vận dụng hệ thống ngôn ngữ và chuẩn mực ngôn ngữ; mặt khác là những lựa chọn của cá nhân trong sự thể hiện phong cách ngôn ngữ. Đúng thế, phong cách là một sự lựa chọn của cá nhân, cá nhân bình thường trong những lời thông thường và đặc biệt, cá nhân là nhà nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà chính trị, trong những lời văn chương. Cho nên, dạy ngôn ngữ có tác dụng quan trọng đối với sự xã hội hóa đồng thời nhân cách hóa con người.

Vì thế, cần có sự liên kết giữa dạy ngôn ngữ với dạy văn chương. Sự liên kết ấy cần được thể hiện trong các phân môn dạy ngôn ngữ, dạy văn chương ở trường học, nhất là trong các phân môn Giảng vănlàm văn... Có qua sự liên kết ấy mới xây dựng được cho học sinh tri thức ngôn ngữ cần thiết và rèn luyện được cho học sinh năng lực ngôn ngữ cần thiết.

Ở diện lý thuyết, đó là sự liên kết, sự hội nhập đã thấy từ xưa tới nay, và từ nay ngày càng rõ hơn, có hiệu lực hơn giữa khoa học ngôn ngữ với khoa học văn chương, trong sự xây dựng lý thuyết văn chương nghệ thuật và lý thuyết văn chương khoa học, chính trị. Đã qua rồi cái thời của sự chuyên biệt hóa triệt để từng khoa học!

Văn nghệ, 13/1993
Thời tiết ngày 11/12: Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ chuyển mưa rét

Thời tiết ngày 11/12: Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ chuyển mưa rét

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 11/12: Bắc Bộ đón đợt không khí lạnh. Nam Bộ mưa rào và giông vài nơi.
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.