Sự kiện & Bình luận

Chuyên gia "mách" chiến thuật đăng ký xét tuyển đại học

Thu Hà
Chính trị xã hội
15:40 | 21/07/2024
Hiện nay, hơn 100 trường ĐH đã công bố điểm chuẩn cho các phương thức xét tuyển và nhiều thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.10 ngày nữa, hệ thống xét tuyển sẽ đóng
aa

Dự báo điểm chuẩn

Hiện nay, hơn 100 trường đại học đã công bố điểm chuẩn cho các phương thức xét tuyển và nhiều thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Để hỗ trợ các thí sinh đưa ra quyết định về việc lựa chọn nguyện vọng một cách hợp lý nhất, ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra dự báo điểm chuẩn cho 64 chương trình đào tạo tuyển sinh năm 2024.

Căn cứ theo điểm chuẩn các năm gần đây, số lượng tuyển sinh theo từng phương thức, xu thế lựa chọn các chương trình đào tạo, kết quả thi Đánh giá tư duy, thi tốt nghiệp THPT và chỉ tiêu năm 2024, ĐH Bách khoa Hà Nội dự báo điểm chuẩn cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT thấp nhất từ 20 đến 22,75 điểm và cao nhất khoảng 28 điểm. Ngành Công nghệ thông tin, bao gồm: Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, có điểm chuẩn dự báo cao nhất. Một số ngành như Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường có thể tăng 0,75 điểm so với năm 2023.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra dự báo mức điểm chuẩn vào trường trong năm 2024 dao động từ 20 đến 26,5 điểm, tính trên thang 30. Trong đó, ngành Kỹ thuật điện tử và tin học dự kiến lấy điểm chuẩn cao nhất vào trường, khoảng 25 đến 26,5 điểm. Tiếp đó là ngành Hóa dược khoảng 24 đến 25,5 điểm; ngành Công nghệ sinh học, Khoa học và công nghệ thực phẩm từ 23,5 đến 25 điểm. Các ngành Môi trường, sức khỏe và an toàn, Hải dương học, Tài nguyên và môi trường nước, Địa chất học dự kiến sẽ có điểm chuẩn thấp nhất, khoảng 20 đến 20,5 điểm...

3 nguyên tắc khi đặt nguyện vọng xét tuyển: Sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mức độ yêu thích và phù hợp của bản thân. Tham khảo mức điểm chuẩn dự báo của trường để lựa chọn các nguyện vọng theo các mức điểm chuẩn khác nhau giúp tăng cao khả năng trúng tuyển. Khi tìm hiểu các chương trình đào tạo của trường, thí sinh và gia đình có thể liên hệ đến các kênh tuyển sinh và các chương trình đào tạo của nhà trường để có thông tin đầy đủ nhất.

Dựa trên phổ điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT, TS Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Dù phổ điểm năm nay tăng so với năm 2023 nhưng trường cũng tăng 150 chỉ tiêu, do đó dự báo điểm chuẩn năm 2024 tương đối ổn định, nếu có chỉ tăng nhẹ. Thí sinh cần căn cứ trên phổ điểm năm trước và năm nay, đề án tuyển sinh của trường, cùng mức điểm chuẩn dự kiến để có chiến thuật sắp xếp và lựa chọn nguyện vọng phù hợp cho mình”.

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay ngay trong ngày đầu hệ thống xét tuyển mở, đã có nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống. Tuy nhiên, các em còn hơn một tuần nữa để cân nhắc kỹ, lựa chọn và sắp xếp các nguyện vọng.

“Việc lọc ảo là quá trình sắp xếp nguyện vọng của thí sinh để xác nhận trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện. Thí sinh cần xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Nếu trúng tuyển nguyện vọng số 1, hệ thống sẽ không xét các nguyện vọng khác, dù đủ điều kiện. Về phía các trường, theo quy định hiện nay không phải các trường ưu tiên nhận hết thí sinh có nguyện vọng 1 rồi mới xét nguyện vọng 2 hay 3... mà sẽ xét công bằng với tất cả các nguyện vọng, thí sinh đủ điều kiện sẽ được xét trúng tuyển. Vì thế thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh”, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy cho biết.

PGS, TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ “công thức” để xếp số nguyện vọng xét tuyển theo 3 nhóm: Nhóm ước mơ là các nguyện vọng thí sinh yêu thích nhất; nhóm vừa sức là các nguyện vọng thí sinh muốn học và có khả năng đỗ cao; nhóm có cơ hội đỗ cao để “chống trượt”.

Tránh “bẫy điểm sàn”

Cùng với mức điểm chuẩn dự kiến, các trường cũng đồng loạt công bố điểm sàn với mức điểm tùy thuộc vào sức hút và chỉ tiêu tuyển sinh. Các ngành “hot” ở các trường tốp trên có điểm sàn từ 20 trở lên, còn lại phổ biến từ 15 đến 20 và một số trường/ngành dưới 15 điểm.

Tuy nhiên, thí sinh cần hết sức thận trọng, tránh “bẫy điểm sàn”. Đây là ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, điều kiện căn bản để nộp hồ sơ xét tuyển của thí sinh vào trường ĐH, chưa phải điểm chuẩn đầu vào. Xu hướng công bố điểm sàn thấp với nhóm trường có mức độ cạnh tranh cao, có trường/ngành điểm chuẩn cao hơn sàn từ 6 đến 8 điểm. Điều này khiến nhiều thí sinh chủ quan, không ít người còn nhầm tưởng điểm sàn là điểm chuẩn, nên chỉ cần bằng hoặc cao hơn điểm sàn 1 đến 2 điểm đã vội chốt nguyện vọng. Những mùa tuyển sinh trước, không ít thí sinh đã trượt ĐH dù điểm thi cao.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng thí sinh cần phải cân nhắc thận trọng khi đăng ký chọn ngành học. Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), bên cạnh ngành yêu thích, thí sinh nên cân nhắc tới điều kiện kinh tế gia đình để lựa chọn trường phù hợp, tránh bị "đứt gánh giữa đường" vì gia đình không lo nổi học phí.

Do đó, khi sắp xếp nguyện vọng xét tuyển, cùng một ngành sẽ có ở nhiều trường, các thí sinh tìm hiểu xem điều kiện của mình phù hợp học ở đâu. Sự giao thoa ngành nghề hiện nay khá rộng nên bên cạnh các ngành yêu thích, thí sinh cũng có thể tìm hiểu các ngành gần. Ngành nào thích nhất đặt nguyện vọng cao nhất.

TS Lê Thị Thanh Mai, chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho biết: Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển trên số thí sinh đăng ký xét tuyển năm trước khoảng 93%. Do đó, việc trúng tuyển ĐH không khó. Cái khó là chọn đúng ngành mình thích, đúng mục tiêu nghề nghiệp.

Với những thí sinh là học sinh lớp 12 nếu trượt năm nay thì vẫn có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. PGS, TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý: “Về nguyên tắc, thí sinh học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó. Thí sinh cũng có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng vào năm sau. Tuy nhiên, có thể các trường sẽ dành ít chỉ tiêu hơn để xét tuyển với nhóm thí sinh này nên các em sẽ ít lợi thế hơn so với việc tham gia xét tuyển năm nay”.

----------------------

Mời xem các tin, bài liên quan:

GS. Nguyễn Lân Dũng: Đăng ký xét tuyển đại học, tránh "xôi hỏng bỏng không" Hôm nay chính thức công bố điểm sàn xét tuyển đại học 2017 Thêm môn Văn vào tổ hợp xét tuyển đại học ngành Y là phù hợp và cần thiết Điểm chuẩn xét tuyển đại học năm 2024 dự báo tăng nhẹ Chuyên gia: Đừng vội “chốt đơn” trường đã đậu vào nguyện vọng 1
www.qdnd.vn
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".