Vừa qua, thông tin về việc một vài trường đại học đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y và các ngành nghề liên quan đến khoa học sức khỏe khác đang gây ra cuộc tranh luận trái chiều giữa các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục.
Xin nói ngay, về quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ cách làm này. Dẫu vậy, tôi cũng chia sẻ với những ý kiến hoài nghi, lo lắng thậm chí phản đối, không đồng tình. Những ý kiến này theo tôi, hoặc đang có một cái nhìn định kiến và sai lầm vì không hiểu đặc trưng và vai trò môn Văn trong đời sống tinh thần của con người cũng như sự vận hành của xã hội nói chung. Vậy nên, việc trao đổi, thảo luận để hiểu rõ hơn bản chất vấn đề là cần thiết.
Vai trò của môn Văn hay là mối quan hệ giữa y thuật và y đức
Có thể nói, nhiệm vụ hay sứ mạng quan trọng và cao cả của người bác sĩ là cứu người. Điều này là không phải bàn cãi. Nhưng để hoàn thành sứ mạng này thì cần thỏa mãn 2 điều kiện: người bác sĩ phải giỏi về y thuật và “giàu” về y đức. Trong đó, y thuật thuộc về chuyên môn, kỹ năng, kỹ thuật y khoa; còn y đức thuộc về thái độ, phẩm chất lương thiện trong tư cách con người.
Bác sĩ giỏi y thuật sẽ giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân chuẩn xác và hiệu quả. Bác sĩ giàu y đức sẽ thấu hiểu những đớn đau về thể xác và sự tuyệt vọng về tinh thần của bệnh nhân. Quan trọng hơn, bác sĩ giàu y đức sẽ không xem bệnh nhân như một cơ hội để kiếm tiền; không bỏ mặc bệnh nhân khi họ đang trong cơn nguy khốn.
Ngoài ra, bác sĩ giàu y đức sẽ luôn xem việc điều trị cho bệnh nhân mau chóng lành bệnh là niềm vui và sự hạnh phúc của bản thân. Ngược lại họ sẽ luôn trăn trở, ray rứt nếu việc cứu người của họ chậm trễ hoặc không thành công. Từ đó, sẽ không ngừng trau dồi, nghiên cứu và rèn luyện y thuật. Nói cách khác, bác sĩ giàu y đức là người đầy tự trọng, bao giờ cũng nghĩ đến lời thề Hippocrates trước tiên chứ không phải chỉ nhìn vào túi bệnh nhân trong khi cứu người và thực hành y thuật.
Môn Văn (chính xác hơn phải gọi là Ngữ văn theo đúng tên gọi môn học này trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay) có vai trò quan trọng trong việc bồi đắp và nuôi dưỡng phẩm tính lương thiện của con người nói chung.
Lâu nay, không ít người đang có suy nghĩ đầy định kiến thậm chí sai lầm về việc học Văn. Đừng nghĩ học Văn là để thành nhà văn, nhà thơ; cũng đừng nghĩ những người học Văn là những người suốt ngày chỉ biết mộng mơ, bay bổng [1], không thực tế vì tâm hồn, lúc nào cũng “treo ngược cành cây”.
Người học Văn thật ra, cũng rất lý trí vì luôn phải “vật lộn” với từng con chữ để có thể “thâm nhập” vào tác phẩm văn chương, từ đó khám phá vẻ đẹp của con người và cuộc sống.
Trên thực tế, những tác phẩm văn chương lớn đều chứa đựng, lưu giữ trong đó những giá trị văn hóa lớn lao của một cộng đồng, một dân tộc...
Ngoài ra, qua tác phẩm văn chương người ta sẽ nhìn thấy những số phận, thân phận người khác nhau. Người học Văn, đọc Văn nhiều sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về con người từ đó có cái nhìn và cách ứng xử, hành xử tử tế, nhân văn, nhân ái hơn.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy nên không thể nói môn Văn chỉ có giá trị “tham khảo” trong khi xét tuyển ngành Y như ý kiến của một chuyên gia nọ [2]. Ngược lại, cần thấy rằng, lâu nay việc xét tuyển ngành Y nhưng ít chú ý đến vai trò của môn Văn là một sự thiên lệch, sai lầm. Đó phải chăng cũng là nguyên nhân tạo ra một đội ngũ không bác sĩ dù rất giỏi y thuật nhưng lại nghèo y đức? Những người mà xã hội lắm khi phải ca thán “lương y như…tháng trước”, hoặc “lương y như… dì ghẻ” thay vì “lương y như từ mẫu”?
Dĩ nhiên, chúng ta cũng không quá lý tưởng hay tuyệt đối hóa vai trò của môn Văn trong vấn đề này. Dẫu vậy, với lứa tuổi học sinh thì môn Văn trong nhà trường phổ thông là “kênh” chủ yếu và quan trọng nhất để bước đầu hình thành phẩm chất lương thiện, nhân văn, nhân ái của các em học sinh sau này.
Ở phương diện khác, học Văn trong nhà trường phổ thông cũng chính là học cách giao tiếp bao gồm việc nói và viết sao cho rõ ràng, rành mạch; lập luận chặt chẽ, thuyết phục…
Một bác sĩ giỏi y thuật nhưng khả năng trình bày và diễn giải bệnh án với bệnh nhân hạn chế; hay việc hướng dẫn cho bệnh nhân cách phòng và điều trị bệnh không rõ ràng, rành mạch sẽ gây ra những hiểu lầm, ngộ nhận hoang mang cho bệnh nhân chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Cơ hội nhìn lại việc dạy và học môn Văn ở trường phổ thông
Nhìn lại các tổ hợp môn có môn Văn để xét tuyển đại học ngành Y và các ngành thuộc khối khoa học sức khỏe khác của một số trường Đại học đang gây ra sự tranh cãi trái chiều cho chúng ta thấy điều gì?
Về phương diện khoa học giáo dục, chúng tôi cho rằng, việc thiết kế thêm những tổ hợp với 3 môn gồm: “Toán, Hóa, Văn” hay “Toán, Sinh học, Văn”, “Toán, Khoa học tự nhiên, Văn”… là cân bằng và hợp lý.
Có thể thấy, trong mỗi tổ hợp trên thì vai trò của các môn khoa học tự nhiên đặc biệt là Toán, Sinh học, Hóa, vẫn hiện diện và chiếm ưu thế so với môn Văn (thuộc khối khoa học xã hội). Và như phân tích ở trên, các môn như Toán, Hóa, Sinh học trong các tổ hợp này sẽ là tiền đề và cơ sở nhằm đảm bảo kiến thức nền cho một bác sĩ trong tương lai giỏi về y thuật; còn môn Văn sẽ là nền tảng cho việc giáo dục, rèn luyện về y đức.
Đến đây, có thể nói, việc có thêm môn Văn trong tổ hợp môn dùng để xét tuyển đại học ngành Y trên thực tế là tăng thêm cơ hội lựa chọn của học sinh. Cách làm này là phù hợp với lộ trình, quan điểm, mục tiêu của việc đổi mới cả giáo dục phổ thông lẫn đại học hiện nay.
Thứ nhất, cùng với Toán thì Văn là môn học nền tảng, bắt buộc góp phần phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh trong nội dung và chương trình đổi mới SGK mà Bộ giáo dục và đào tạo đang tiến hành;
Có vô lý không khi ai cũng cho rằng môn Văn rất quan trọng trong việc giáo dục “chữ lễ”, giúp học sinh nên người (thay vì chăm chăm nhồi nhét kiến thức suông) nhưng đến khi xét tuyển đại học lại gạt nó ra? Ngoài ra, không có gì lý do gì để chúng ta ngăn cản một học sinh vừa muốn làm bác sĩ vừa muốn khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và con người qua việc học Văn.
Thứ hai, thêm tổ hợp có môn Văn vào xét tuyển ngành Y và các ngành liên quan đến khối khoa học sức khỏe sẽ góp phần hạn chế việc học lệch của học sinh liên quan đến vấn đề phân luồng và định hướng nghề nghiệp; điều này cũng phù hợp với quan điểm dạy học “tích hợp” trong chương trình giáo dục phổ thông theo tinh thần đổi mới.
Cuối cùng, khách quan mà nói, những ý kiến hoài nghi và lo lắng cho cách làm này không phải không có cơ sở bởi việc dạy và học môn Văn ở trường phổ thông hiện nay vốn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế nhất là vấn nạn “văn mẫu”.
Nhưng nếu như vậy, thì cách làm này chính là cơ hội để tất cả chúng ta thêm một lần nữa nhìn lại nhằm khắc phục những tồn tại trong việc dạy và học Văn ở phổ thông thời gian qua.
Thay lời kết
Tóm lại, việc một số trường đại học đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển đại học ngành Y và các ngành thuộc khối khoa học sức khỏe khác là một tín hiệu đáng mừng hơn đáng lo. Cách làm này, theo tôi là phù hợp với tinh thần tự chủ đại học và đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.
Ngoài ra, nó cũng góp phần khắc phục sự thiên lệch và xem nhẹ vai trò của môn Văn nói riêng, các môn thuộc khối khoa học xã hội nói chung trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
Rất có thể do những bất cập và hạn chế nhất định trong việc dạy học môn Văn trong nhà trường phổ thông nên những ý kiến bày tỏ lo lắng về vấn đề trên ở chừng mực nào đó có thể cảm thông được.
Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta chỉ nên lo lắng nếu việc xét tuyển này chỉ thuần túy là tổ hợp gồm các môn khoa học xã hội như “Văn, Sử, Địa”.
Đặc biệt, là với các cơ sở giáo dục đại học được phép đào tạo ngành Y nhưng không đảm bảo yêu cầu và điều kiện về đội ngũ giảng viên lẫn cơ sở vật chất.
Nguyễn Trọng Bình
Nguồn Văn nghệ số 23/2023