Sự kiện & Bình luận

Cơ chế nào để minh bạch hóa tiền từ thiện?

Mai Đình
Chính trị xã hội
09:01 | 08/03/2025
Baovannghe.vn- Lùm xùm xung quanh vụ việc kêu gọi từ thiện của Phạm Thoại không còn là trường hợp xa lạ với công chúng trong những năm gần đây. Việc các nghệ sĩ kêu gọi và đi làm từ thiện cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ, nhưng mặt khác, họ cũng có quyền lên tiếng khi có những nghi vấn về trường hợp một số nghệ sĩ bị nghi ngờ lợi dụng lòng tin của công chúng và các nhà hảo tâm, chiếm đoạt tiền được gửi với mục đích làm của riêng.
aa

Việc kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn luôn là việc làm đáng ghi nhận, thể hiện sự tương thân tương ái, nghĩa đồng bào trong những khi ai đó hoặc tập thể nào đó đang gặp hoạn nạn, khó khăn. Niềm tin và sự ủy thác của xã hội không nên chỉ là sự cảm tính mà cần được đáp lại bằng sự minh bạch, rõ ràng, được giám sát bởi các công cụ pháp luật. Có như vậy, chúng ta mới có thể huy động sức mạnh tập thể không chỉ trong công tác từ thiện mà còn đối với những việc liên quan đến sự phát triển, tồn tại của một cộng đồng.

Thêm một câu chuyện về… niềm tin

Cơ chế nào để minh bạch hóa tiền từ thiện?
/Phạm Thoại trong phiên livestream tối 25-2 nói về tiền ủng hộ cho bé Bắp. Ảnh chụp màn hình

Trong suốt một tuần qua, cộng đồng mạng và nhiều độc giả quan tâm đến câu chuyện Phạm Thoại - một gương mặt TikTok nổi bật trong nước, sở hữu tài khoản mạng xã hội với 6 triệu lượt người theo dõi, vướng lùm xùm “sao kê” khi đứng ra kêu gọi từ thiện và thu được hơn 16 tỷ đồng để ủng hộ một em bé điều trị bệnh hiểm nghèo. Trước những thắc mắc, hoài nghi của công chúng, ngày 25-2, Phạm Thoại đã livestream nhằm công bố rõ hơn số tiền từ thiện trong tài khoản của mình, thu hút khoảng 1,1 triệu người xem. Phiên livestream gây tranh cãi bởi Phạm Thoại trực tiếp gọi điện chất vấn chị Lê Thị Thu Hòa, mẹ bé Bắp về việc có thông tin cho rằng đã dùng số tiền từ thiện để mua đất, mua vàng, mua xe, làm răng sứ và nộp tiền học trường quốc tế cho con trai lớn… tức là sử dụng không đúng mục đích. Các tranh luận còn xoay quanh việc cá nhân nhận tiền quyên góp phải công khai đầy đủ thông tin về việc tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của mọi người, hỗ trợ cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên các phương tiện truyền thông.

Cần lưu ý rằng Phạm Thoại (Phạm Văn Thoại) là một nhân vật được số đông công chúng biết đến trong vai trò một “chiến thần livestream”, người bán hàng có tên, có tuổi trên mạng xã hội, từng được ví như “thánh chốt đơn”, “chiến thần livestream” với doanh thu lớn. Sinh năm 1996 tại Tiên Lãng, Hải Phòng, Phạm Thoại vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, là giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH PT Production (trụ sở tại quận Bình Tân, TP.HCM). Dưới góc độ pháp lý, hành động kêu gọi từ thiện của TikToker Phạm Thoại là đúng quy định pháp luật, phù hợp với Nghị định 93/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ, khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, với cộng đồng mạng, có những chi tiết trong phiên livestream của Phạm Thoại chưa thực sự thuyết phục và họ yêu cầu được biết tình hình sức khỏe cụ thể của bé Bắp ra sao… cũng hoàn toàn hợp lý bởi trách nhiệm đạo đức của công dân còn cao hơn trách nhiệm pháp lý, với trường hợp của Phạm Thoại nói riêng, của những người nổi tiếng, đang có tiếng nói và uy tín trong cộng đồng, xã hội nói chung.

Do vậy, theo Luật sư Trương Ngọc Liêu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: “Phạm Thoại phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin về việc tiếp nhận, sử dụng nguồn tiền quyên góp và phải thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Ngay cả khi các mạnh thường quân không yêu cầu thì người vận động trong trường hợp này là Phạm Thoại cũng vẫn có trách nhiệm công khai thông tin chứ không đợi đến khi các mạnh thường quân có ý kiến, có thắc mắc nghi ngờ thì mới thực hiện công khai đó”.

Nghị định 93/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 5, trong đó có nêu các hành vi như báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật hoặc lợi dụng việc tiếp nhận, phân bổ, sử dụng các nguồn tiền quyên góp không đúng mục đích hoặc là lợi dụng việc đó để trục lợi thì đều là các hành vi bị nghiêm cấm. Trong trường hợp các mạnh thường quân nghi ngờ, có chứng cứ để chứng minh cho tất cả các hành vi nêu trên thì họ hoàn toàn có cơ sở đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ.

Lùm xùm xung quanh vụ việc kêu gọi từ thiện của Phạm Thoại không còn là trường hợp xa lạ với công chúng trong những năm gần đây. Việc các nghệ sĩ kêu gọi và đi làm từ thiện cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ, nhưng mặt khác, họ cũng có quyền lên tiếng khi có những nghi vấn về trường hợp một số nghệ sĩ bị nghi ngờ lợi dụng lòng tin của công chúng và các nhà hảo tâm, chiếm đoạt tiền được gửi với mục đích làm của riêng. Bởi thực tế, đã có trường hợp người nổi tiếng khi đứng lên kêu gọi quyên góp từ thiện đã thực hiện không đúng cam kết, gây mất niềm tin trong cộng đồng xã hội.

Để tránh điều tiếng, một số nghệ sĩ đã sao kê tài khoản ngân hàng, công khai trên các phương tiện truyền thông, nhằm chứng minh việc thu-chi là đúng với cam kết, đúng người đúng việc. Tuy vậy, theo quan sát, từ năm 2020 đến nay, nghệ sĩ hay cá nhân đứng ra quyên tiền từ thiện cũng ít hơn do người ta sợ mang tiếng, như trường hợp xảy ra trước đây với một số ca sĩ, diễn viên, MC có tên tuổi… Sự ủy thác xã hội dồn về Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và các tổ chức thiện nguyện. Cuối năm ngoái, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cũng sao kê mấy chục nghìn trang, công bố thông tin tiếp nhận, quyên góp của đồng bào và các tổ chức xã hội giúp đỡ bà con chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi; sau đó là danh sách các khoản chi cụ thể việc cứu trợ tại các địa phương. Đến đây, cộng đồng lại vào cuộc “check var” và phát hiện ra những trường hợp “phông bạt làm màu” trong công tác từ thiện.

Cần có cơ chế luật pháp

Không những cần minh bạch thu chi khi làm từ thiện, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần có công cụ pháp lý rõ ràng để theo dõi hành vi con người liên quan đến tài sản được chuyển giao để làm từ thiện. Theo Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện-Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQGHCM từng chia sẻ trên báo giới, gợi ý về mô hình trust từ thiện, trong đó “người nhận tiền, tài sản được gọi là trustee (người nhận tín thác). Để lập trust từ thiện, người nhận tín thác có thể cắt một phần tài sản của mình đưa vào trust; người này cũng có thể kêu gọi sự đóng góp của công chúng với điều kiện công khai mục tiêu huy động đóng góp và mục tiêu đó phải thỏa mãn các tiêu chí luật định để được gọi là từ thiện”. Các nhà chức trách, xã hội hoàn toàn có thể giám sát vai trò và sự vận hành của mô hình này. Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện khẳng định: “Cần phải thừa nhận khả năng chủ thể quản lý cùng một lúc nhiều khối tài sản độc lập phục vụ những mục tiêu riêng biệt. Chủ thể được tạo điều kiện và có trách nhiệm tách biệt từng khối tài sản một cách rõ ràng và phải chịu trách nhiệm trước những người có quyền, lợi ích liên quan trong trường hợp để tài sản bị lẫn lộn, thất thoát”.

Nếu muốn người dân và các nhà hảo tâm tin tưởng, ủng hộ việc từ thiện thì ngay từ đầu, việc công khai minh bạch nguồn thu và nguồn chi là vô cùng quan trọng, bởi trong hoàn cảnh này, người đứng ra kêu gọi từ thiện phải không chỉ có trách nhiệm với người được từ thiện mà còn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật với những hành vi của mình. Nói như Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Trưởng bộ môn Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Thành phố Hồ Chí Minh thì “Bản chất tiền từ thiện là đồng tiền đạo đức, đồng tiền của lòng trắc ẩn, tình thương, sẻ chia, giúp đỡ nên khi nhận, người nhận cũng phải thực hiện đúng với tinh thần đã nhận. Cho nên nghĩa vụ đạo đức còn lớn hơn nghĩa vụ pháp lý”. Và có lẽ đã đến lúc trách nhiệm, nghĩa vụ đạo đức cần được giám sát bởi công cụ pháp lý!

Tổ quốc nơi đầu sóng. Phóng sự ảnh của Nông Quang Khiêm

Tổ quốc nơi đầu sóng. Phóng sự ảnh của Nông Quang Khiêm

Baovannghe.vn - Trường Sa, tuyến đầu thiêng liêng của Tổ quốc, nơi đầu sóng, ngọn gió, giữa mênh mông trùng khơi.
Bản tin Văn nghệ ngày 19/3/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 19/3/2025

Baovannghe.vn - Các phim được chọn chiếu là các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của Ấn Độ như: Tiếng gầm tự do, Sống chỉ một lần, Nữ đô vật, Tiếng anh tiếng em.
“Đồng chí” dự Liên hoan sân khấu tại Hàn Quốc

“Đồng chí” dự Liên hoan sân khấu tại Hàn Quốc

Baovannghe.vn - Vở kịch “Đồng chí” của Hội Sân khấu TPHCM sẽ là tác phẩm nước ngoài đầu tiên xuất hiện tại Liên hoan Sân khấu Busan (Hàn Quốc).
Tháng Ba - Thơ Thy Nguyên

Tháng Ba - Thơ Thy Nguyên

Baovannghe.vn- Mưa bụi rắc. Mùa xuân còn ngỏ/ Vai anh gầy. Vuông ý nghĩ em
Hòa nhạc rock trống Taiko cùng ban nhạc Nhật Bản Bati-Holic

Hòa nhạc rock trống Taiko cùng ban nhạc Nhật Bản Bati-Holic

Baovannghe.vn - Hòa nhạc rock trống Taiko Bati-Holic sẽ diễn ra tại Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, vào 19h30 ngày 22/3, và tại Nhà hát Bến Thành, số 6 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh vào 19h30 ngày 26/3.