Số liệu trên được công bố tại hội thảo khoa học “Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa”, do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) phối hợp tổ chức mới đây cho thấy, hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa vẫn còn rất khiêm tốn. Đặc biệt, sau khi được Quốc hội đồng ý cho thí điểm chính sách, đến nay mới chỉ có TPHCM ban hành danh mục kêu gọi đầu tư cho 6 dự án văn hóa.
Quần thể danh thắng Tam Trúc tỉnh Hà Nam |
Chia sẻ về thu hút đầu tư Hợp tác công tư ( PPP) vào lĩnh vực văn hóa, ông Nguyễn Hồng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), chia sẻ: “Dự án đầu tư theo phương thức PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Do đó, cần làm rõ khái niệm về “sản phẩm, dịch vụ văn hóa công” trong các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt khi áp dụng loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), đây là loại hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công trong thời hạn nhất định nhằm thu hồi vốn. Khi hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình lại cho nhà nước. Do đó, việc làm rõ khái niệm “sản phẩm, dịch vụ văn hóa công” là rất quan trọng để nhà đầu tư thuận lợi khi tham gia nghiên cứu đầu tư”.
Trên thực tế, trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, văn hóa được coi là một trong những trụ cột chính, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Để phát huy vai trò văn hóa gắn liền với kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững thì việc khai thông áp dụng mô hình hợp tác công tu trở thành xu hướng tất yếu, đặc biệt khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế và cần sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân. Song triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực văn hóa ở nước ta thời gian qua vẫn còn gặp nhiều rào cản về pháp lý, cơ chế tài chính, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành có liên quan. Do đó, việc thúc đẩy hợp tác công - tư được kỳ vọng sẽ tạo ra những giá trị văn hóa mới, phát triển công nghiệp văn hóa.
Sự phát triển của văn hóa đặt trong bối cảnh cụ thể là công nghiệp văn hóa đều là nền tảng, động lực của mỗi quốc gia. Hợp tác PPP trong văn hóa có thể thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng điểm cốt lõi của các hợp tác PPP trong lĩnh vực văn hóa không chỉ là việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân để giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước, mà còn là việc trao quyền cho khu vực tư nhân và công chúng trong việc thực hiện, lựa chọn các hoạt động văn hóa. |
Do đó, mấu chốt cho sự thành công của mô hình PPP được đưa ra chính là việc sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, hướng dẫn triển khai Luật PPP trong lĩnh vực văn hóa. Đầu tiên, nhà nước phải xác định được các lĩnh vực văn hóa trọng điểm ở tầm quốc gia, vùng và địa phương cần sự hợp tác của các doanh nghiệp tư nhân. Trước mắt, do tính chất quan trọng, tầm nhìn và hiệu quả dài hạn của đầu tư văn hóa, nhà nước cần khuyến khích hay đề xuất đầu tư với các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, vùng, địa phương nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện theo chiến lược phát triển của tập đoàn, các hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp). Đồng thời cũng đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp đầu tư trong ngắn hạn, dài hạn.
Như vậy, để thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển văn hóa, cần sự đồng bộ giữa trung ương, địa phương, xác định chính xác lĩnh vực trọng điểm đề xây dựng phương án mời gọi đầu tư, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên. Đây được xem là chìa khóa mở ra những cơ hội hợp tác, tạo sức bật cho lĩnh vực văn hóa.