Trình bày báo cáo tiếp thu giải trình, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh và hoàn thiện mục tiêu của chương trình sau khi tiếp thu ý kiến từ các đại biểu. Một số ý kiến nhấn mạnh việc ưu tiên tu bổ, tôn tạo các di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, đồng thời rà soát kỹ lưỡng hiện trạng và số liệu di tích để đảm bảo tính bao quát và khả thi.
Theo đó, chương trình đặt mục tiêu không chỉ bảo vệ các di tích có nguy cơ hủy hoại mà còn tôn tạo các di tích để tăng khả năng sử dụng, khai thác và phát huy giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và chưa có đủ nguồn lực để thực hiện các biện pháp bảo tồn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, cần rà soát chặt chẽ và ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng trước.
Một điểm nhấn trong chương trình là việc lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống và hệ giá trị gia đình vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã. Theo ý kiến từ các đại biểu, tỷ lệ này nên được nâng từ 90% lên 100% nhằm phù hợp với mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.
Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉnh lý, đặt mục tiêu đến năm 2035 phấn đấu 100% các địa phương hoàn thành nội dung này. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm xây dựng hệ giá trị đạo đức và văn hóa vững chắc trong xã hội.
Về kinh phí, chương trình sẽ huy động 122.250 tỉ đồng, trong đó:
|
Một số đại biểu bày tỏ lo ngại về tính khả thi của việc huy động vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, đặc biệt tại các địa phương khó khăn. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguồn vốn khác sẽ bao gồm các khoản huy động từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cùng với đóng góp tự nguyện từ người dân và các chính sách thu hút đầu tư.
Tỷ lệ 12,4% vốn khác được đánh giá là trung bình cả nước, trong đó những địa phương phát triển công nghiệp văn hóa sẽ có khả năng đạt tỷ lệ cao hơn. Dự kiến năm 2025, chương trình sẽ bố trí 400 tỉ đồng, gồm 150 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương và 250 tỉ đồng từ ngân sách địa phương.
Mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2035, trong đó:
Đưa giáo dục đạo đức, hệ giá trị gia đình vào quy ước, hương ước tại 100% địa phương.
Tu bổ và tôn tạo toàn bộ di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa với 100% đơn vị hoạt động được tin học hóa.
Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP vào năm 2035.
Ngoài ra, chương trình cũng nhấn mạnh việc phát triển hệ thống thư viện số quốc gia, mở rộng kết nối với các thư viện quốc tế, và tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa quốc tế nhằm lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam.
Kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách T.Ư là 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%), bao gồm vốn đầu tư phát triển 50.000 tỉ đồng, vốn sự nghiệp 27.000 tỉ đồng. Vốn ngân sách địa phương 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%). Nguồn vốn khác dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng (chiếm 12,4%). Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách T.Ư để ưu tiên hỗ trợ thêm cho chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện. |