Văn hóa nghệ thuật

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Kể nốt những điều chưa bao giờ kể

Mai An
Điện ảnh
10:39 | 11/07/2024
Con người nghệ sĩ ẩn sâu trong lớp vỏ bọc thận trọng, kín kẽ dần bộc lộ khiến tôi khá ngỡ ngàng, nó khác hẳn ấn tượng về Phan Nhật Linh những phút đầu gặp mặt.
aa

Vốn rất ngưỡng mộ những khung hình mãn nhãn của “Em và Trịnh”, sau đó được biết Phan Gia Nhật Linh lại đang ấp ủ kế hoạch cho phim “Số đỏ” nên tôi lên kế hoạch gặp gỡ Linh từ khá lâu. Thật may mắn là trong chuyến công tác vào Nam này tôi gặp được Linh, anh không đi làm xa, vẫn bám trụ Sài Gòn để thực hiện những dự án làm phim của mình. Trong quán cà phê Bamboo Bistro vắng vẻ trên đường Võ Thị Sáu trông Linh không mập như mấy bức hình trên báo, anh có khuôn mặt tròn, đầy đặn và có lẽ không thuộc diện ăn ảnh. Lúc đầu Linh tỏ ra khá thận trọng khi trả lời các câu hỏi, nhưng khi tôi bảo tôi sẽ không ghi âm và muốn cuộc trò chuyện này thật sự thoải mái, tự nhiên thì Linh vào mạch chuyện sinh động hơn rất nhiều. Con người nghệ sĩ vốn ẩn sâu trong lớp vỏ bọc thận trọng, kín kẽ dần dần bộc lộ khiến cho tôi khá ngỡ ngàng, nó khác hẳn với ấn tượng về Linh những phút đầu gặp mặt.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh:  Kể nốt những điều chưa bao giờ kể
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Ảnh: Phillip Văn.

- Sau thành công rực rỡ của Em và Trịnh năm 2022 chắc giờ Linh đã và đang bắt tay vào một dự án phim khác rồi nhỉ?

PGNL: Thật ra sau Em và Trịnh, mình dành một thời gian “nghỉ ngơi” để tìm cảm hứng cho một dự án mới. Trong giai đoạn đó, mình làm vị trí sản xuất cho Ngày xưa có một chuyện tình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, hiện phim trong giai đoạn hậu kỳ và sẽ ra rạp vào tháng 10/2024; đồng thời cũng đang làm vị trí sản xuất cho một dự án phim rất thú vị khác của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, hiện dự án PictureHouse (tên tiếng Việt là Chớp Bóng) đang trong giai đoạn huy động vốn. Đây là một bộ phim hứa hẹn sẽ rất thú vị độc đáo, kể về một phần đời của một cậu bé lớn lên trong giai đoạn chiến tranh, nhưng cậu vùi mình trong những buổi chiếu phim ở rạp chiếu bóng của gia đình, và khán giả chứng kiến sự trưởng thành của cậu, tình yêu tuổi mới lớn, cũng như những mất mát trong gia đình và những người bạn thân thiết xung quanh cậu.

- Nghe nói “Em và Trịnh” được đầu tư 55 tỷ. Phim này sẽ là bao nhiêu đây?

- Dự kiến cho phim PictureHouse đang khoảng là 28 tỷ, nhưng với một dự án khá cá nhân (bộ phim gần như là một bán tiểu sử về thời thơ ấu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh và mang nhiều dáng dấp nghệ thuật) thì thật sự rất khó tìm được đầu tư ở Việt Nam, nơi mà hầu hết mọi người đầu tư làm phim chỉ vì mục tiêu lợi nhuận và kiếm nhiều tiền, thay vì tạo ra những tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật. Tuy vậy, mình cũng có niềm tin ở đâu đó vẫn còn nhiều người muốn đầu tư cho các tác phẩm điện ảnh nghệ thuật ở Việt Nam mà mình chưa tìm thấy được.

- Vậy còn trong vai trò đạo diễn, Linh muốn làm phim thế nào, nghệ thuật hay thương mại?

- Năm 2020, mình đã công bố việc sẽ làm bộ phim Số đỏ, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, vì dịch covid ập đến nên dự án có bị trì hoãn một thời gian. Mình rất thích việc chuyển thể các tác phẩm văn học của Việt Nam vì mình thấy chúng ta có một kho tàng văn học đồ sộ chưa được khai thác. Mình mong muốn làm một bộ phim cân bằng cả về nghệ thuật lẫn thương mại.

- Sau “Số đỏ” còn có tác phẩm văn học nào thu hút Linh không?

- Có chứ, mình rất thích Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần. Nhưng chuyển thể tiểu thuyết này khó hơn Số đỏ nhiều, và khả năng kinh phí thực hiện cũng cao hơn để có thể tái hiện không khí và bối cảnh của thời cuộc trong tiểu thuyết.

- Còn cuốn nào nữa không?

- Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổMột thiên nằm mộng của Nguyễn Ngọc Thuần. Truyện của Thuần có một vẻ đẹp hoàn mỹ và vô cùng trong trẻo. Có vẻ như cốt truyện Một thiên nằm mộng dễ lôi cuốn khán giả hơn. Một truyện ngắn khác của Nguyễn Ngọc Thuần mà mình muốn chuyển thể là Con chó biến thành con bò.

- Hỏi thêm một chút về “Em và Trịnh” nhé, còn điều gì chưa kể không?

- Bạn cứ đặt câu hỏi.

- “Em và Trịnh” có một sự khác biệt lớn so với những phim trước của Linh như Em là bà nội của anh, “Cô gái đến từ hôm qua”. Dù đều là những phim bán vé tốt nhưng Em và Trịnh có sự hoàn mỹ tới từng chi tiết: thiết kế bối cảnh, trang phục, trang điểm, tạo hình tóc… đều rất kỹ, thậm chí có thể gọi là mãn nhãn. Linh có một đội thực sự xuất sắc đó.

- Trong suốt quá trình làm nghề, mình cũng quan sát và theo dõi những đồng nghiệp khác trong ngành để xây dựng cho mình một đội những người cộng tác, từ nhà sản xuất đến phó đạo diễn, từ biên kịch, quay phim, thiết kế, đến dựng phim, âm nhạc. Mình cũng theo tiêu chí phổ biến của Hollywood thôi, đó là phim phải có lợi nhuận nhưng cũng phải đạt tới một giá trị nghệ thuật nào đó. Việc này không dễ vì mình phải học cách cân bằng để giữ được tác phẩm vừa là của mình nhưng đồng thời cũng là của công chúng. Làm phim Em và Trịnh mình có may mắn được hợp tác với Galaxy studio, và có cơ hội làm việc trực tiếp với nhà sản xuất Đinh Thị Hoa, một người phụ nữ xuất chúng.

- Chị Hoa thì quá nổi trong giới làm phim rồi, Linh thật may mắn đó

- Chị Hoa và mình có đến gặp gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để xin phép làm phim về cuộc đời và sự nghiệp của ông và gia đình đã đồng ý. Đây là đoàn làm phim duy nhất cho tới nay có được sự chấp thuận đó. Những phim trước về Trịnh Công Sơn phải lấy tên nhân vật khác đi để tránh những khiếu nại ồn ào.

- Nghe nói chị Hoa cũng mê nhạc Trịnh nên đã quyết đầu tư lớn cho bộ phim này?

- Với Chị Hoa, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một nhân tài xuất chúng của Việt Nam mà di sản âm nhạc của ông chính là di sản văn hoá của Việt Nam, vì thế chị cũng chủ trương sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn làm phim. Mặc dù bản thân mình cũng đã xây dựng một đội ngũ những cộng sự thân thiết trong ekip của mình, nhưng với Em và Trịnh, chị Hoa cũng mong muốn mình và bộ phim phải có một bứt phá hơn và kiên quyết yêu cầu mình cần làm việc với những cộng sự mới cho các vị trí sáng tạo chủ chốt. Chị mong muốn mình làm việc với các đạo diễn hình ảnh quốc tế, và nhà sản xuất cũng đã mời và thương lượng với ba đạo diễn hình ảnh quốc tế đến từ Mỹ và Canada, nhưng covid bất ngờ ập đến, kế hoạch này bị huỷ bỏ vì các nhà làm phim nước ngoài không thể bay sang Việt Nam trong thời gian này.

- Và cũng vì Covid-19 nên vai Trịnh Công Sơn khi lớn tuổi cũng không giống như dự tính ban đầu. Thực ra, người đầu tiên mình nhắm đến cho nhân vật này là anh Nguyễn Võ Nghiêm Minh - đạo diễn “Mùa len trâu”?

- Đúng. Anh Minh từ ngoại hình đến thần thái đều giống với Trịnh Công Sơn. (Rút điện thoại ra). Đây nhé, nhìn ảnh hai người cùng đeo kính, ở cùng một góc chụp nhé, giống chưa nào.

- Công nhận giống thật. Kể cũng tiếc nhỉ. Anh Trần Lực diễn cũng ok nhưng mình cảm thấy diễn xuất hơi vênh so với Avin Lu và Hoàng Hà

- Thật ra thì khi đó, mình chỉ mới nghĩ đến anh Nghiêm Minh vì thấy anh có ngoại hình và tinh thần giống như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chứ cũng chưa từng thử hỏi anh sẽ diễn như thế nào. Diễn xuất cho vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phim Em và Trịnh thật sự có nhiều thử thách và đòi hỏi về diễn xuất hơn là sự giống nhau về ngoại hình. Mình chủ trương là ngoại hình không nhất thiết phải giống, mà quan trọng là khả năng diễn xuất, mà nhân vật này là nhân vật phức tạp về nội tâm đòi hỏi diễn viên phải có nghề, nhưng anh Minh thì không phải diễn viên chuyên nghiệp. Thường các đạo diễn lại càng có xu hướng ngại máy quay, vì thế chưa chắc chọn anh Minh là một lựa chọn hoàn hảo. Ngược lại, anh Trần Lực có được tính kỷ luật của một diễn viên chuyên nghiệp, có khả năng tạo ra một hình tượng nhân vật Trịnh Công Sơn chứ không chỉ sao chép con người thật, và anh ấy cũng dốc hết sức lực thời gian và tâm huyết cho vai diễn này và mình rất cảm động vì điều đó.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh:  Kể nốt những điều chưa bao giờ kể
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh mong muốn đi đến cùng con đường nghệ thuật của riêng mình.
Ảnh: Đinh Duy

- Vậy là nhân sự cho “Em và Trịnh” toàn quốc nội nhỉ?

- Đúng, nhưng mình có hân hạnh được làm việc với những người giỏi nhất trong lĩnh vực của họ. Đạo diễn hình ảnh là Nguyễn Vinh Phúc, cũng là đạo diễn hình ảnh của phim Ròm và phim Vị đó.

- Cái phim mà thắng mấy giải quốc tế liền ý hả?

- Chính nó đấy. Còn thiết kế bối cảnh là Hà Đỗ, giám đốc sáng tạo cho tạp chí Đẹp. Trước Em và Trịnh bạn ấy đã từng làm thiết kế bối cảnh cho Gái già lắm chiêu 3. Trong Em và Trịnh bạn ấy đã giúp mình tạo ra nhiều khung cảnh mãn nhãn. Căn nhà thật của gia đình Trịnh Công Sơn trên gác ở Huế, mà nay mọi người thường gọi là Gác Trịnh, được làm lại tạo ra một không gian lãng mạn, ấm cúng của một gia đình trí thức ở Huế với đầy sách, cây xanh, với khung cửa sổ tròn, với căn gác có chiếc bàn gỗ quen thuộc nơi nhạc sĩ đã viết những ca khúc đầu tiên của mình ở đó như Diễm xưa, Nắng thuỷ tinh, hay căn nhà gỗ ở B’lao với một không gian nhỏ chật hẹp tạo ra cảm giác cô đơn của chàng trai si tình viết 300 lá thư tình cho Dao Ánh, hay căn phòng trọ đơn sơ, giản dị của Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn khi trẻ. Trịnh ngồi trên bàn làm việc viết thư tình cho Dao Ánh, ngoài cửa sổ pháo sáng đầy trời. Nó khiến cho ta cảm nhận được về một mối tình thuần khiết, tuyệt đẹp xuyên suốt 20 năm chiến tranh khốc liệt. Và đó cũng chính là giai đoạn rất nhiều nhạc phẩm bất hủ của ông ra đời.

- Phòng trọ của Diễm, chị gái Dao Ánh cũng đẹp. Rồi lớp học mái lá của thầy giáo Sơn giai đoạn sống tại B’Lao (Lâm Đồng) cũng nên thơ lắm ấy

- Và nhiều hơn thế nữa, như xưởng sáng tác Tuyệt Tình Cốc hoàn toàn được dựng lên từ một nhà kho của một trường đại học ở Huế mà mỗi lần xuất hiện trở lại trong phim là nó mang một dấu ấn thời đại khác nhau, ga Huế đẹp lộng lẫy mang một màu sắc cổ điển nhờ vào sự trang trí thêm thắt của tổ thiết kế, hay căn nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về già ở số 46C Duy Tân, TP.HCM được tái hiện từ một xác nhà gần như bỏ hoang ở Biên Hoà, hay sân bay Tân Sơn Nhất của những năm 90 được dựng lên ở một nhà văn hoá… Phục trang của rất nhiều nhân vật qua các giai đoạn khác nhau cũng đều được tỉ mỉ thiết kế để phục vụ cho tính cách và diễn biến tâm lý của từng nhân vật, tất cả đều nhờ tinh thần sáng tạo và sự tỉ mỉ vô biên của Hà Đỗ đó.

- Thật duy mỹ. Linh và đội của Linh có vẻ như đều làm việc trên tinh thần vị nghệ thuật. Giờ xin phép hỏi câu cuối nhé, nếu bỗng dung Linh có thật nhiều tiền, kiểu như trúng số ấy, không phải quan tâm đến vấn đề lợi nhuận, khi đó Linh sẽ làm một bộ phim như thế nào?

- Nó sẽ là một phim rất Phan Gia Nhật Linh mà mọi người chưa thấy và có lẽ không nghĩ đến. Nói làm sao nhỉ, nó có vài chút David Lynch - rất kỳ quái bất thường, có một chút Rashomon, có một chút phá cách của Quentin Taratino, một chút châm biếm xã hội của Bong Joon Ho, một chút hoành tráng và lắt léo trong kể chuyện của Christopher Nolan. Rất có thể nó không kéo được đông người tới rạp nhưng mình sẽ vô cùng hứng thú vì đi được đến cùng con đường nghệ thuật của riêng mình. Nhưng ngày đó còn xa lắm, mà cũng có thể không bao giờ tới. Cứ ước mơ vậy thôi. (Cười)

- Cảm ơn Linh nhé, trò chuyện về phim ảnh với Linh thật thú vị.

Mai An thực hiện

-----------------

Có thể bạn quan tâm:

Bấp bênh phim Việt Phim Việt mạo hiểm với đề tài lạ nhưng không thành công Việt Nam đa sắc qua Những ngày Phim Việt tại Liên bang Nga
Nhớ Đà Lạt - Thơ Lê Nguyệt Minh

Nhớ Đà Lạt - Thơ Lê Nguyệt Minh

Baovannghe.vn- Nghĩ nhanh kẻo cơn mưa tới/ Hè mang phù sa qua đây
Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Baovannghe.vn - Ngày trước, người viết tuồng có tài trước hết phải là một nhà thơ có tài. Đào Tấn là một nhà thơ có tài. Nhưng như thế chưa đủ. Người viết tuồng có tài còn phải là một đạo diễn có tài, một nghệ sĩ biểu diễn có tài, và một nhạc sĩ có tài nữa.
Nương ngày tháng ta về - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Nương ngày tháng ta về - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Baovannghe.vn- Những ngày tháng mười một gọi nhau về/ Vỡ òa đong đưa chiếc nôi kỉ niệm
Thời tiết ngày 24/11: Miền Bắc tiếp tục hanh khô, trước khi đón không khí lạnh mạnh

Thời tiết ngày 24/11: Miền Bắc tiếp tục hanh khô, trước khi đón không khí lạnh mạnh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia thời tiết ngày 24/11 khu vực Bắc bộ duy trì trạng thái nắng hanh, Nam bộ mưa nắng đan xen
Quốc hội thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới mang tính đột phá

Quốc hội thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới mang tính đột phá

Baovannghe.vn - Chiều 23/11, tại Kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới so với luật hiện hành.