Diễn đàn lý luận

Để những câu thơ hóa thạch thời gian

Ngô Xuân Hội
Chân dung văn học
20:39 | 01/11/2024
Baovannghe.vn - Theo Hải Dương chí, Trần Nhuận Minh thuộc họ Trần Điền Trì, một dòng họ có truyền thống khoa bảng lâu đời, thời trước nhiều người đỗ đạt làm quan.
aa

Nhà thơ Trần Nhuận Minh, sinh ngày 20-8-1944. Quê quán: Điền Trì, Quốc Tuấn, Nam Sách, Hải Dương. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 47 Lê Thánh Tông, TP Hạ Long, Quảng Ninh. Đảng viên Đảng ĐCSVN. Vào Hội năm 1982.

VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC: Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1982). Từng là giáo viên; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Văn Nghệ Quảng Ninh, Tổng Biên tập báo Hạ Long…

TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Thơ: Đấy là tình yêu (1971); Âm điệu một vùng đất (1980); Thành phố bên này sông (1982); Nhà thơ và hoa cỏ (1993); Giọt phù sa vạn dặm (2000); Bản Xô nát hoang dã; Trần Nhuận Minh – Tuyển tập tác phẩm thơ (2005); Gửi lại dọc đường (2005); 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh; Miền dân gian mây trắng (2008); Bốn mùa – Pou Seasons (2008). Văn: Trước mùa mưa bão (1980); Hòn đảo phía chân trời (2000); Truyện chọn lọc viết cho thiếu nhi (2002); Đối thoại văn chương (Lý luận, viết chung với Nguyễn Đức Tùng – 2011)…

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2007, và 21 giải thưởng văn học khác…

Theo Hải Dương chí, Trần Nhuận Minh thuộc họ Trần Điền Trì, một dòng họ có truyền thống khoa bảng lâu đời, thời trước nhiều người đỗ đạt làm quan. Ông tổ đời thứ 9 tên Trần Thọ (1639 – 1700), tự Nhuận Phủ, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất, 1670; làm quan đến chức Tham tụng (Tể tướng), tước Phương Trì hầu (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Thọ sinh ra Cảnh, Cảnh sinh ra Tiến, Tiến sinh ra Khuê, Khuê sinh ra Ích, người nào cũng nối được chí tiền nhân. Nhưng đến Trần Hoàn, ông nội nhà thơ, tổ đời thứ 15 là một nhà nho nghèo, mặc dù học giỏi nhưng vì có bố (Trần Tấn - tổ đời thứ 14) tham gia phong trào Cần vương của vua Hàm Nghi dưới trướng Nguyễn Thiện Thuật, hy sinh năm 24 tuổi khi chỉ huy quân chống Pháp càn vào Bãi Sậy, nên Pháp không cho làm gì. Hoàn sống bằng nghề dạy học, cảnh nhà sa sút. Đến bố nhà thơ, tổ đời thứ 16, chuyên đi cày thuê, đồ thị phát triển của gia tộc rơi xuống mức thấp nhất.

“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, đến đời thứ 17 họ Trần Điền Trì quật khởi với hai tên tuổi, nhưng không phải trên chính trường mà trong lĩnh vực văn chương, đấy là Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa. Trần Đăng Khoa thì nổi tiếng quá rồi, không nói đến cũng đã nhiều người biết. Nhưng còn Trần Nhuận Minh? Đọc những Hòa bình lập lại Đông Dương (tùng tùng tùng/ á lơ hò lờ)/ Anh Chiến chị Dự (tùng tùng tùng/ á lơ hò lờ) kết duyên Châu Trần…” và đặc biệtVIỆT cường nổi tiếng Á Đông”, bài thơ Nhuận Minh viết khi còn mặc quần thủng đít theo yêu cầu của các bậc cao niên trong họ để phân định thực hư về tài thơ vẫn được đồn đại bấy lâu của bác (gọi bác, vì Trần Nhuận Minh ở ngành trên của các vị cao niên). Tôi cứ nghĩ thơ Trần Nhuận Minh xuất hiện bất phùng thời chứ thi tài ông em mười, ông anh cũng được… tám, chín. Chả kém! Này nhé:VIỆT cường nổi tiếng Á Đông/ NAM bang trấn cõi anh hùng bao phen/ DÂN mình lớp lớp đứng lên/ CHỦ quyền dành lại, còn truyền sử xanh…/ CỘNG thêm những bậc tài danh/ HÒA trong bão táp mà thành thép gang// ĐỘC ác thay lũ hung tàn/ LẬP nền thống trị Việt Nam bao đời/ TỰ nhiên bao cuộc đổi dời/ DO dân đứng dậy, rạch đôi ngai vàng/ HẠNH Nguyên máu giặc còn loang/ PHÚC Yên, Vạn Kiếp tiếng vang còn truyền…

Yêu cầu của đề bài: “…làm bài thơ 12 câu. Đọc chữ đầu câu từ trên xuống dưới là: “Việt Nam dân chủ cộng hòa - Độc lập tự do hạnh phúc”. Và ông bác tí hon giống Tào Thực đi bảy bước chân xong bài thơ “Hai trâu chọi dưới tường, một con sa giếng chết” mà không được nhắc tới một chữ nào trong mười chữ trên, đã đặt bút viết luôn một bài thơ không đến nỗi đầu Ngô mình Sở, đáp ứng đầy đủ các dữ kiện của người ra đề. Khi bác nhỏ đọc xong, các bậc trưởng lão họ Trần ngồi nghe lặng ngắt, sau đó họp ngay hội nghị “Diên Hồng”, quyết định: Nhà thờ họ có hơn một sào đất hương hỏa, giao bố mẹ bác cấy trồng, để có thêm tiền cho bác ăn học. Có thể nói, suất học bổng có một không hai ấy đã chắp cánh cho bác nhỏ trở thành một nhà thơ tên tuổi bây giờ.

Để những câu thơ hóa thạch thời gian
Nhà thơ Trần Nhuận Minh

Từ tác phẩm đầu tay viết theo cái khung có sẵn bởi người ra đề, sau đó ném câu chữ của mình vào cho thành bài theo yêu cầu họ mạc ấy, vô tình mở ra khuynh hướng sáng tác dài lâu cho Trần Nhuận Minh về sau. Chiếc đòn gánh cong, bài thơ đầu tiên in báo của ông thể hiện rõ nhất điều này: Bà tôi có chiếc đòn gánh cong/ Nửa đời gánh mướn kiếp long đong/ Đường lầy, gánh nặng, vai cháy bỏng/ Mỗi bước chân đi, nước mắt ròng... Tiếp đó bài thơ kể việc bà gánh nặng bị ngã, chiếc đòn gánh đè lên khuôn ngực già khiến bà không dậy được nữa, chiếc đòn gánh chuyền vai mẹ. Cho đến một ngày làng quê thành lập hợp tác xã, tác giả đã chặt chiếc đòn gánh để đóng chiếc xe chạy giữa đồng, chặt đứt luôn kiếp làm thuê gánh mướn vẫn đè nặng người nông dân hết đời này sang đời khác.

Giải phóng đôi vai là một việc đáng trân trọng, nhưng chặt chiếc đòn gánh rồi ước mơ được thực hiện thì khiên cưỡng. Vì chiếc đòn gánh chỉ là một mảnh tre, trong việc đóng chiếc xe nó chẳng mấy giá trị. Để có đủ nguyên vật liệu làm xe, chặt cả cây tre vẫn còn ít. Thứ nữa đòn gánh, đòn xóc, đòn càn là những công cụ thân thuộc nghìn đời nay của nông dân. Dù bây giờ đường đồng, mương máng nhiều nơi đã được bê tông hóa, xe cơ giới, xe thủ công có thể chạy thoải mái giữa những bờ xôi ruộng mật thì những thứ đòn ấy vẫn mãi là bạn thiết của nông dân, chẳng mấy ai chặt bỏ, vì thế Chiếc đòn gánh cong là bài thơ viết lấy được. Khuynh hướng sáng tác này gắn bó với tác giả tới 30 năm. Năm 1986, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng bắt đầu, Trần Nhuận Minh như bừng tỉnh, quyết tâm đoạn tuyệt với nó, đoạn tuyệt với lối thơ minh họa, tuyên truyền mà ông đã viết rất say mê và chân thành.

Nếu lấy năm 1954, năm nhà thơ viết VIỆT cường nổi tiếng Á Đông làm mốc, đến hôm nay Trần Nhuận Minh đã có 60 năm cầm bút. Trong bài khảo cứu công phu về thơ ông, Giáo sư Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam khẳng định: Trần Nhuận Minh ba lần định vị cho thơ. Lần thứ nhất (1960 – 1985) tác giả viết chủ yếu về giai cấp công nhân mà nhân vật trung tâm là những người thợ mỏ, tập thơ tiêu biểu nhất: Âm điệu một vùng đất, 50 bài. Thời kỳ thứ hai, từ Đổi Mới, (1986 – 2001) Trần Nhuận Minh viết về số phận của nhân dân trong những va đập khắc nghiệt của thời cuộc, tập thơ tiêu biểu nhất là Nhà thơ và hoa cỏ, 127 bài. Thời kỳ thứ ba, từ năm 2002 đến nay, tác giả viết về Con Người, trong mọi cung bậc của đời sống, kể cả trong cõi tâm linh, với ba tập thơ, mỗi tập mỗi khác, cả về ý tưởng, kết cấu, giọng điệu và thể loại. Đó là Bản Xônat hoang dã, 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh Miền dân gian mây trắng.

Còn theo tác giả, sáng tác của ông đến nay chia làm hai giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn một, từ khi viết bài thơ đầu tiên (1954) đến năm 1986, năm đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Giai đoạn hai, từ năm 1986 đến nay. Dù phân chia theo cách nào, một điều mà ai cũng phải ghi nhận đấy là khả năng tự làm mới cho thơ mình hay hơn lên của tác giả. Đối với người cầm bút, điều này thật đáng quý. Không ít người không có khả năng thay đổi. Tư duy một chiều mãi thành quen đến khi thấy những điều mình viết là cũ, không phù hợp với cuộc sống, muốn cách tân mà lực bất tòng tâm, đành buông xuôi. Giải mã bí mật này ở Trần Nhuận Minh, ngoài cái vốn trời cho, theo tôi có lẽ do ngay từ thuở thiếu thời ông đã hướng đời mình vào thơ. Nỗi buồn, niềm vui, hy vọng, thành công, dở, hay, thất bại… đều từ cái gốc này mà ra.

Trong Đối thoại văn chương, tập luận về thơ rất hay giữa hai nhà thơ Trần Nhuận Minh và Nguyễn Đức Tùng, hơn một lần Nguyễn Đức Tùng đề nghị Trần Nhuận Minh thử tự chọn cho mình ba bài thơ hay nhất, mỗi bài ở mỗi thời kỳ, và hơn một lần Trần Nhuận Minh thoái thác. Thay vào đó ông chọn ba bài đặc trưng (tức là những bài có cái để mà nói). Ở thời kỳ thứ nhất, viết để minh họa tuyên truyền thì đấy chính là bài Chiếc đòn gánh cong mà tôi đã đề cập ở phần trên. Còn thời kỳ thứ hai là bài Phút lâm chung của cụ Hãn. Đây là bài thơ, viết về số phận của nhân dân, cụ thể là ông bảo vệ già và lũ trẻ con: Đất nước chả giầu lên được/ Dù tôi chắt bóp từng đồng. Bài thơ chạm vào cơ chế xã hội, đã phản ảnh một thời, người ta làm những điều vô cùng độc ác, nhân danh cái thiện và làm với thiện tâm hẳn hoi. Vì thế càng đáng sợ. Phải có thời gian rất lâu sau, người thiện mới nhận ra mình ác. Muốn thiện lại thành ra ác/ Có ai giống với tôi không? Và nhà thơ nói với các bạn trẻ: Tha cho lỗi lầm thế gian… Còn thời kỳ thứ ba là bài thơ (hay đoạn thơ) viết về Con Người, rút ra từ tập Bản Xônat hoang dã (2003). Tên bài thơ (hay đoạn thơ) chỉ là cái chấm tròn, vì ý tưởng các bài lẫn trong nhau trong một tư duy nghệ thuật mà tác giả thấy chỉ có ở mình khi viết tập thơ này:“Tôi Thứ Nhất đã chết/ Nằm duỗi thẳng trong quan tài/ Tôi Thứ Hai vẫn sống/ Là thể xác/ Mà không phải là thể xác/ Là linh hồn/ Mà chẳng phải linh hồn…/ Tôi Thứ Hai ngạc nhiên/ Không hiểu vì sao/ Chính Nó đã chết rồi/ Mà gương mặt vẫn âm thầm đau khổ/ Vẫn chưa tan/ Những dãi dầu trần thế…”. Ở đây, con người tự phân thân ra làm hai, cái TÔI nọ nhìn ngắm và phán xét cái TÔI kia một cách nghiêm khắc, lạnh lùng và rút ra cái kết luận không dễ được chấp nhận: Cõi trần gian/ Chẳng có gì tươi đẹp hơn Cái Chết.

Để những câu thơ hóa thạch thời gian
Nam Sách - Hải Dương. Ảnh Internet

Ba giai đoạn thơ hoàn toàn khác nhau. Ba bài thơ cũng hoàn toàn khác nhau. Nhưng chú ý ta sẽ thấy, có một điều rất nhất quán, xuyên suốt toàn bộ đời thơ Trần Nhuận Minh. Ấy là, khi nói đến cái chết, ngay sau đó, bao giờ tác giả cũng nói đến sự sống và đặt hai cái ấy liền kề nhau, thể hiện một thái độ sống tích cực. Xuân Quỳnh: Dù thơ em viết chửa hay hơn/ Em đang tập làm thơ cho có ích… Cùng quan niệm thơ phải có ích, theo Trần Nhuận Minh:Nhiệm vụ của thơ là phải hay. Còn nhà thơ, chỉ có một nhiệm vụ thôi là phải viết hay”.Và để viết hay, giải pháp của ông là sống đẹp, đúng với những gì mình viết. Chính vì thế trong đời sống ông luôn điềm đạm, nhún nhường. Nếu có bất cứ ai tranh với ông, hoặc ông biết là sẽ tranh với ông, thì ông xin thua ngay từ trước; cho đến tận bây giờ. Tôi phục ông lần vào thăm trại tạm giam Hang Son của công an tỉnh, tình cờ nghe một người tù đổ câu cải lương buồn. Bằng mẫn cảm của nhà thơ, ông đoán sau giọng ca hiu hắt ấy, nhiều phần là một nỗi niềm oan khuất. Và đúng vậy. Tìm hiểu, ông được hay người tù này bị tù chỉ vì… đã chửi Chủ tịch xã! Mà lý do chửi thì rất chính đáng. Lập tức ông can thiệp, cuối cùng người tù được tha. Phục ông ở sự cảm thông sâu sắc với Nguyễn Hữu Đang, để có một ứng xử bình dị mà rất con người với ông Đang trong một cuộc gặp gỡ. Phục ông bởi sự độ lượng hơn người trong những ứng xử đời thường. Đấy là lần năm 1990, ông mua được một cái xe đạp nữ mới, phụ tùng ngoại, giá 680 nghìn đồng. Một buổi chiều ông để xe ở sau nhà, vào nhà lấy thêm tiền ra mua sách, cho nhanh, thì mất. Đoán kẻ trộm sẽ mang đi Hải Phòng tiêu thụ, nên suốt đêm ông chờ ở bến tàu. Đúng lúc chuyến tàu đầu tiên buổi sáng nhổ neo, ông toan về thì thấy cái xe của mình chạy sồng sộc qua trước mặt để lên tàu cho kịp. Ông đuổi theo một đoạn chợt nhận ra thằng trộm là con một người quen. Ông đứng lại ngay. Giám đốc Công ty chạy tàu Khuất Duy Chương, thức cùng ông đêm ấy để bắt trộm giúp ông, bảo: Tôi sẽ yêu cầu bến Hải Phòng giữ cái xe lại cho anh. Ông bảo: thôi, cảm ơn anh, không cần nữa. Và về. Hoặc nữa, ngày 05/8/2001 ông đi từ Hà Nội về Quảng Ninh. Đến gần Ghẽ (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) lúc 22 giờ 15 phút, xe con của ông đang dừng bên đường thì bị một cái xe tải lao đánh “rầm” một tiếng. Cái xe tải này di cái xe con của ông trên mặt đường 55 mét, thì quặt trái và phanh khiến xe ông bay chéo trên không trung 57 mét, qua giải phân cách ở giữa đường, cắm đầu xuống ao nông thả muống ở phía bên kia đường, cách mép cuối cùng của vệ đường 2-3 mét. Vỏ cái xe con của ông bị vò nát như cái vỏ trứng, toàn bộ 2/3 xe phía sau, bị cái ba đờ sốc của xe tải kéo giật ra, trống hoác, cái cặp số của ông để ở cốp xe cũng bẹp rúm… Trần Nhuận Minh chết lâm sàng bốn tiếng đồng hồ liền. Khi tỉnh lại, ý nghĩ đầu tiên của ông là: Tưởng chết thế nào chứ thế này thì đơn giản, tớ làm được”. Và ông đã viết văn bản yêu cầu công an không xử lý xe, không xử lý tài xế, cũng không yêu cầu nhà xe bồi thường tiền cho cá nhân mình. Cái xe hư nát thì đã có bảo hiểm lo. Nhà xe, một phụ nữ ở thành phố Hồ Chí Minh, đi áp tải hàng, nói: “cháu có phúc mới đâm vào chú(!). Cái xe của chú bay như một chiếc lá khô. Phim Hollywood còn phải gọi bằng cụ. Cháu nghĩ chuyến này cơ nghiệp nhà cháu thế là hết…”

Nhưng phục nhất là lần ông đến ăn cơm khách ở nhà học trò khi còn làm thầy giáo. Nhà không có mâm, cơm dọn trên cái sàng gạo, chỉ có một đĩa tép riu rang và một bát canh rau cải, cũng nấu với tép. Ông ngồi đầu nồi, trực tiếp so đũa, xới cơm như một người con cả của gia đình, bên kia nồi là Hiệp (học trò). Đúng lúc ấy, một con nhái, chả biết thế nào nhảy tõm ngay vào bát canh cải duy nhất có trên “mâm”. Mẹ Hiệp hoảng hốt, còn Hiệp thì ngồi đực ra không biết xử lý như thế nào. Thầy Minh liền lấy muôi múc canh chan luôn vào bát cơm của mình, ăn ngon lành, như không có điều gì xẩy ra, giải tỏa cho hai mẹ con người học trò khỏi nỗi khó xử, rồi sau đó, cả mẹ và Hiệp đều chan chung bát canh… Chỉ người hiền mới có được những ứng xử thấm đẫm tính nhân văn như thế.

Thông kim bác cổ, lại luôn sống với một tinh thần công dân cao cả, mỗi ý kiến của ông đề xuất khi còn đương chức (Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Ninh…) hay sau này, khi đã thôi tham chính, thường được nhiều người lắng nghe, ủng hộ. Nhờ thế bây giờ Quảng Ninh mới có được ngày thơ truyền thống (tiền đề của Ngày thơ Việt Nam hiện nay) tổ chức vào 29/3 hàng năm. Mới có tên đường Lê Thánh Tông cho con đường ôm chân núi Bài Thơ đẹp nhất Hạ Long mà bao nhiêu vị thức giả bụng chứa đầy kinh sách mỗi bận đi qua đều phải chịu là tài. Đi mang mang trong đời, tròn một lục thập hoa giáp cầm bút, công dân Trần Nhuận Minh đã giúp nhà thơ Trần Nhuận Minh viết và in được 17 tập thơ, 3 tập truyện vừa, 2 tập lý luận văn học, 9 tập khảo cứu. Sách của ông thường xuyên được bạn đọc đón nhận, hầu hết được tái bản. Có cuốn như Nhà thơ và hoa cỏ đã tái bản 22 lần, Bản Xô nát hoang dã tái bản 13 lần, hay 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh Miền dân gian mây trắng tái bản 5 lần…

Trần Nhuận Minh nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2007) cùng 21 giải thưởng văn học khác. Nhiều năm trên cương vị Trưởng ban Thơ Hội Văn nghệ Quảng Ninh, ông đã có công phát hiện, bồi dưỡng nhiều cây bút thơ vùng mỏ, giúp họ đi xa hơn. Trong số đó, 4 người: Nguyễn Châu, Trần Ngọc Tảo, Trần Tâm, Ngô Xuân Hội sau này trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng thành tích ấy của ông thì không mấy người tính cho…

Báo Văn nghệ số 44/2015

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.