Diễn đàn lý luận

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý và những bài ca sau chiến tranh

Vương Tâm
Chân dung văn học
15:00 | 28/10/2024
Baovannghe.vn - Thật tình cờ tôi gặp nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tại quán cà phê Giang Châu ở Quảng Trị. Anh vồn vã bắt tay chào và ngạc nhiên vì sự có mặt của tôi
aa

Thật tình cờ tôi gặp nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tại quán cà phê Giang Châu ở Quảng Trị. Anh vồn vã bắt tay chào và ngạc nhiên vì sự có mặt của tôi ở miền đất gió Lào cát trắng này. Lập tức tôi nhớ tới câu thơ của anh và đọc to: Thóc gầy trông mãi thành quen/ Gió Lào thổi lắm thành tem bảo hành. Đúng là câu thơ đã thành một cái “tem thơ” mang tên Nguyễn Hữu Quý. Đôi mắt anh cười đầy hoan hỉ.

1.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý và những bài ca sau chiến tranh
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Vậy là tôi có dịp về dinh cơ của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý ở thị trấn Cam Lộ. Ngôi nhà mới xây và gia đình dọn về năm 2020 nên còn tinh tươm với những giàn hoa rực rỡ. Tôi ngẩn ngơ với niềm vui không phải của mình nhưng quả là rất mừng với sự đổi thay trong cuộc sống của anh. Thế là câu chuyện chúng tôi bắt đầu từ những cái đận thời gian 20 năm một của Nguyễn Hữu Quý. Tự nhiên tôi rất mê thổ ngữ Quảng Bình, thỉnh thoảng lại đệm âm “hi” ở mỗi cuối câu. Ở tuổi 12, anh mất mẹ vì bom đạn Mỹ (1968) ngỡ như cả đời mang nỗi buồn rầu trên khuôn mặt. Vậy nên trong Ký ức mẹ anh đã viết: Một đêm chiến tranh/ nhì nhằng ánh chớp/ mẹ không đi hết/ con đường vào ngõ nhà mình. Từ đó anh mang gương mặt buồn. Nhìn mái tóc anh cũng thấy rầu rầu sương gió. Tôi lắng nghe chuyện về vùng quê mỗi khi anh trở lại qua mỗi bài thơ hay trang viết. Trong tâm tưởng nhà thơ luôn bị ám ảnh về cái đói, cái rét và những tiếng thở dài ở làng quê mình. Những câu thơ của Nguyễn Hữu Quý làm tôi xao xuyến: Mẹ sinh tôi nét mặt buồn/ nói năng thì vụng bán buôn chẳng rành. Anh đã tự ngộ rằng: Không làm sao thay đổi được. Tôi. Cái buồn đã được “mã hóa” vào thân phận (Nỗi quê). Thế rồi năm 1974, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, Nguyễn Hữu Quý lên đường nhập ngũ. Từ đó anh bắt đầu hai mươi năm khói lửa trên những tuyến đường tại Quảng Trị. Nguyễn Hữu Quý từng là một học sinh giỏi toàn diện và yêu văn học từ nhỏ. Miền đất kiên trung tơi tả vì đạn bom Quảng Trị đã vun đắp hồn thơ trong anh nảy mầm xanh tươi. Sự thẳm sâu trong nỗi đau mất mẹ vì chiến tranh luôn day dứt con tim u buồn của anh. Anh khắc khoải và chia sẻ nỗi đau của những người chiến sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Những câu thơ của Phạm Tiến Duật ngày đó lay động nguồn cảm xúc thơ trong anh trên những nẻo đường khói lửa. Chùm thơ đầu tiên của Nguyễn Hữu Quý được in trên báo Trường Sơn. Và sau đó tên anh đã xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ Quân đội (1976). Nhưng rồi mọi chuyện bỗng dừng lại với bao lo âu trong công việc bộn bề. Khát khao văn chương luôn cháy bỏng nhưng đúng làm thơ không phải là dễ như anh đã nói. Đặc biệt trong giai đoạn này anh đã nảy sinh một mối tình Quảng Trị. Đó là nhân duyên với cô giáo vùng Cùa (xã Cam Chính). Anh yêu những cơn gió Lào dữ dội cùng với những lớp bùn nhão vùng quê vợ. Chính vì lẽ này chăng, ăn gạo và uống nước quê vợ và chia sẻ những nỗi đau của Quảng Trị mà Nguyễn Hữu Quý gây bất ngờ với bạn đọc qua bài Bông huệ trắng. Hình như đã đến lúc Nguyễn Hữu Quý vẽ “con tem” thơ của mình từ niềm sống cùng nỗi xót xa Trường Sơn (in trên Văn nghệ Quân đội năm 1995). Bài thơ được Tặng thưởng tác phẩm xuất sắc của “Nhà số 4” năm đó. Rồi như một định mệnh sắp đặt, khi anh cũng đã vượt vũ môn trong một cuộc thi tại trại viết do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức năm 1996. Đó là bài thơ Khát vọng Trường Sơn đã được giải Nhì (không có giải Nhất).

2.

Chính có hai “con tem” thơ này mà Nguyễn Hữu Quý được điều về tạp chí Văn nghệ Quân đội làm việc. Anh trở thành biên tập viên thơ từ đó. Hai mươi năm đoạn đời thứ ba của Nguyễn Hữu Quý bắt đầu từ ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế (Hà Nội). Nơi đây đã chắp cánh bay xa cho anh hạnh phúc tiếp chặng đường thanh xuân trong thơ ca. Nguyễn Hữu Quý liên tiếp thành công với những tập thơ mới ra đời. Sau khi in tập thơ đầu tiên: Mười nghìn khát vọng (1997), cuộc tình thơ bị dồn nén trong Nguyễn Hữu Quý đã thật sự bùng nổ dữ dội khi anh liên tiếp cho ra đời những tập thơ và trường ca sau đó, nào là Huệ trắng (1999), Làng đảo (2002), Im lặng trên cao (2007)… Có thể nói anh là một hiện tượng “trường ca” viết về chiến sĩ trên các mặt trận. Cả ba trường ca Sinh ở cuối dòng sông (2003), Vạn lý Trường Sơn (2009) và Hạ thủy những giấc mơ (2013) của anh đều được trao giải thưởng Văn học nghệ thuật của Bộ Quốc phòng. Đó là chưa kể anh còn viết hay ở các thể loại khác như bút ký, truyện ngắn, tùy bút và tản văn. Tính tới nay Nguyễn Hữu Quý đã xuất bản được 25 đầu sách ở các thể loại. Sức lao động trong 20 năm tính cho tới khi anh rời khỏi ngôi nhà số 4 (nghỉ hưu 2017) quả là đáng khâm phục.

Tôi mê mải nghe anh kể chuyện và đọc thơ. Xung quanh ngôi nhà nửa phố nửa quê của anh rộ lên tiếng gà gáy ran giữa thị trấn Cam Lộ. Cái âm “hi” vẫn vang lên đâu đó xen kẽ giọng đọc da diết trầm ấm của anh. Cứ thế sự mộng mị trong tôi trôi theo những câu thơ dịu dàng: Chúng con ngủ trong lời cỏ/ xanh xanh xanh giọt mưa òa (Ký ức mẹ). Tôi vẫn nhớ đinh ninh mấy câu trong bài Bông huệ trắng mà tôi thuộc từ lâu. Nhưng nghe anh đọc mới có nỗi trào dâng rơi nước mắt. Âm giai ngữ điệu Quảng Bình ấy như rót vào tai tôi: Những người lính tay cầm bông huệ trắng/ trở về nơi mình đã ra đi/ các anh lẫn trong vách đất thầm thì/ các anh hòa vào mái tranh thủ thỉ/ cây của mẹ gọi anh về xanh lại/ trái cuối mùa, thêm lần nữa, mẹ sinh anh. Tôi hòa nhập với những linh hồn nằm trên nghĩa trang Trường Sơn với những câu thơ đầy ám ảnh. Vẫn âm giai lên bổng xuống trầm của anh cuốn hút: Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/ Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn/ Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta (Khát vọng Trường Sơn).

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý và những bài ca sau chiến tranh
Rừng phong hương lá đỏ ở Quảng Trị. Ảnh Internet

3.

Không gian Cam Lộ bỗng dịu lại sau những tiếng gà gáy ban trưa. Một làn gió biển thổi về làm những đóa hoa hồng rung rinh ngát hương. Hình ảnh mẹ hay biểu tượng anh hùng của người mẹ Việt Nam thường xuất hiện trong văn thơ Nguyễn Hữu Quý. Đặc biệt với trường ca Chín cơn mưa và mẹ (2020), tập thơ Đừng kể công với mẹ (NXB Hội Nhà văn, 2021) và tập tùy bút-tản văn Đi qua và trở lại (NXB Quân đội nhân dân, 2023), nhà thơ tập trung viết về mẹ và quê hương. Riêng tập thơ Đừng kể công với mẹ thật sự xuất sắc và thể hiện đúng mẫu “tem thơ” của Nguyễn Hữu Quý. Phong cách nghệ thuật về ngôn ngữ thơ và thể hiện tứ thơ qua thi ảnh của anh khá bất ngờ. Tôi bị cuốn hút vào những câu thơ ấm áp về tình mẫu tử qua từng bài như Ký ức mẹ, Đừng kể công với mẹ, Ru mẹ, Thắp hương mộ mẹ… Và rồi tôi lắng nghe anh cất tiếng gọi: Mẹ ơi, con xóa hận thù/ thêm nhân hậu để đắp bù mồ côi/ mẹ về… mắt ướt nét cười/ con như đứa trẻ lên mười níu chân (Mẹ ơi!). Rồi anh cất tiếng ru: Con ru mẹ cõi an nhiên/ trái tim còn đập giữa miền bao la/ nhân từ bồi đắp phù sa/ con sông từ mẹ chảy ra cuộc đời (Ru mẹ). Bởi lẽ thuyết nhân quả của thiền phật trong tâm tưởng nhà thơ luôn nghĩ rằng: Và con tin mẹ chưa hề ngưng sống/ trong mỗi tế bào, trong từng giọt máu con (Khúc đồng hành mẫu tử).

Và tôi thật sự bất ngờ với cuộc đồng hành ấy khi anh đã xin mẹ đừng giận khi ôm hôn kẻ thù của mẹ. Đó là những kẻ đã từng dội bom gây tang tóc đau thương cho chính anh và làng quê. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý có lý giải thật sự nhân văn khi bày tỏ: Thay lời thù hận/ con tặng họ giấc mơ về mẹ hôm nào (Bài ca sau chiến tranh). Đây là bài thơ xúc động mang hiệu ứng cộng đồng sâu sắc khi muốn giải mã cuộc chiến đã xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Đó là ý tưởng nhân ái hòa đồng giữa con người và con người vượt qua mọi hận thù trong quá khứ. Phải nói bài thơ có ý tưởng thời đại và thật sự táo bạo khi viết về mẹ. Tính triết lý nhân văn tinh tế của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý luôn đem lại sự thành công sâu sắc. Người đọc yêu thơ anh chính vì lẽ đó.

-------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Chùm thơ của Nguyễn Hữu Quý Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương: Trí tuệ và hồn thơ trong "Mưa ký ức" “Nhà thơ bất đắc dĩ…” Thi sĩ và "lưng túi thi ca" Một thoáng thơ Lương Minh Cừ
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.