Sáng tác

Đi xa. Truyện ngắn của Nguyễn Văn Ninh

Nguyễn Văn Ninh
Truyện
11:11 | 13/01/2025
Baovannghe.vn - Thôi học vì cạn tiền, tôi trở về quê. Nhà tôi có một ít ruộng, một ít vườn, lại đông người, nên làm rất nhanh. Làm xong thì chơi.
aa

Suốt ngày dông dài ở đầu làng cuối xóm. Thật là chán! Với tôi, tuổi trẻ đã một lần ra đi dang dở, giờ về quê chỉ thấy cuộc sống đơn điệu, nghèo túng.

Sang xuân ấm áp tôi bàn với mẹ: "Con ra thành phố kiếm việc làm, chứ ở làng kiểu này thì chán lắm." Mẹ tôi chải đầu lên tấm khăn nhung. Bà ngừng lại nghĩ ngợi giây lát rồi nói: "Ừ, phải đấy. Nhưng thư đã để mẹ sang anh Phu (anh Phu là một đồng cậu ở làng bên được giời cho ăn lộc. Anh xem tử vi bói toán) xem ngày nào tốt thì cho con đi. Đi đâu cũng phải có thầy. Không thầy đố mày làm nên con ạ."

Hai ngày sau mẹ tôi tay nải ra đi khi về mẹ tôi thở một cái thật dài, cười thật tươi rồi nói: "Năm nay con đi là rất tốt. Anh Phu bảo số con phải lập nghiệp ở phương xa mới giàu. Con đi, mẹ sẽ sang nhờ anh kêu cầu phù hộ cho con."

Tôi bước lên tàu khi bên ngoài là cơn mưa phùn của mùa xuân. Con tàu lăn bánh qua đoạn ray nối lại gần lên như tiếng nấc! Vẫn con tàu, vẫn đường ray nhưng sang một đoạn mới, qua một ga mới lại nuối tiếc một đoạn đường đã qua êm đềm.

Tàu đến thành phố khi đêm đã về khuya. Mặc dù có rất nhiều ánh đèn, nhưng đêm vẫn là đêm. Tôi chui vào nhà trọ. Trên nền gạch người nằm sắp hàng như vịt. Ngày hôm sau tôi lần mò ra chợ lao động. Trời ạ! Toàn những người là người. Đen nhẻm, đen nhem. Quần áo rách rưới, gương mặt hốc hác. Cũng như tôi, họ là những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Ở những vùng quê đất chật người đông, chuyên canh một loại cây lúa. Thời gian làm chẳng đáng bao nhiêu, ngược lại lúa cũng chỉ đủ cung cấp gạo ăn. Trong cuộc sống họ còn phải lo biết bao nhiêu thứ: Nhà cửa, đồ dùng, thuốc men, đi học rồi lại còn tật bệnh, hiếu, hỉ... bao nhiêu thứ phải lo là bấy nhiêu thứ tiền. Nếu cứ đánh đu số phận mình với mùa gặt thì thật là phiêu lưu. Lúa đấy, chín sẵn ngoài đồng rồi đấy, nhưng đâu đã được cầm tay, chỉ cần một sự đỏng đảnh của thời tiết là lụt lội sẽ cuốn trôi đi tất cả. Cảnh nhà neo đơn, con đông, mẹ già, vợ yếu, sinh kế bủa vây, bản thân lại hay lam, hay làm, họ phải chấp nhận rời nhà để lại người thân sau luỹ tre làng lăn lóc thân mình trên hè phố. Nhận làm những công việc mà người thành phố ngại làm. Thấy họ ăn mặc rách rưới, ngồi ở vỉa hè kẻ đi qua, người đi lại có "máu mặt" lại cho đó là sự nhục mạ đến cảnh quan phố phường. Hố ngăn cách giàu nghèo là con sông hung hãn ngăn cách đôi bờ nông thôn và thành thị. Bên này là những căn nhà còn rất đơn sơ với mảnh ruộng đám đất phải trong những thứ cây ăn được. Bên kia là những cao ốc sang trọng, cây cối toàn là cây cảnh được chăm sóc kĩ càng trong các chậu quý. Hai cảnh sáng tối, liền nhau trong cùng một cộng đồng... Thôi! Trốn nó về công viên mà ngồi cho xong chuyện.

Và tối tôi lại về nhà trọ ở ga ngủ tạm qua đêm. Ngày tôi lại ra chợ lao động, rồi lại bỏ đi. Tối lại về nhà trọ. Cái nhà trọ giờ này tôi cũng quen thuộc ít nhiều. Chỉ có ít người tỉnh xa buôn chuyến là ngủ một đêm. Sáng hôm sau lại vội vàng ra đi cho kịp chuyến tàu. Còn lại những người đêm nào cũng ngủ. Mấy người chữa xe đạp lang thang vỉa hè. Mấy người bán nước, bán hàng rong trên tàu. Mấy người ăn mày. Ba bốn ông cụt chân, dăm bảy thằng đi giày khủng bố, quần gin, áo phông, trông hầm hố dữ tợn. Chắc là bọn ăn cướp. Xe ôm, xích lô, trẻ con đánh giầy, mấy bà xách túi, mấy đồng cô xem bài tây, vợ chồng li dị. Mấy đứa con gái làm tiền và tôi. Tôi là một trí thức nửa vời. Nói chung là no mặt đủ đòn hội tụ.

Đêm nào cái nhà trọ này cũng chửi nhau. Nào là một đứa ăn mày bị mất cắp bọc tiền chửi xỉa vào một gã trong nhà trọ. Vài chị phò đi làm về khuya nói chuyện điếc tai. Vài thằng lên cơn điên tự nhiên hét toáng lên, vài đứa trẻ con giật mình tỉnh dậy ngơ ngác hỏi mẹ nó: "Ở đây là ở đâu?” Rồi khóc đòi về.

Đi xa - truyện ngắn của Nguyễn Văn Ninh
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest

Ngày mai hết tiền. Định làm gì đây? Hay là về? Tôi cũng không biết nữa? Quả là khi hết tiền cũng khó ngủ. Mân mê túi còn ít tiền lẻ liền ra quán nước chè. Ngồi bệt ở chiếu nơi góc nhà trọ. Chỗ mấy chị phò vẫn ngủ, mua một điếu Vina và một chén nước. Một mắt xanh mỏ đỏ toe toét miệng nắm lấy tay tôi:

- Anh Hai mời em một điếu đi.

Tôi hất hàm.

- Thuốc đó, hút đi.

- Cảm ơn.

Thị ngậm điếu thuốc, phì phèo vài hơi rồi hỏi:

- Anh Hai tên gì nhỉ?

Chẳng có thiện cảm nên tôi trả lời:

- Sang.

- Tỉnh nào?

- Tỉnh Bắc! Còn cô?

- Lan!

Tôi, thị và mụ già bán nước cùng cười. Tôi hỏi đùa tiếp.

- Cô có biết tên tất cả những người ở trong cái nhà trọ này không?

- Có chứ. Sao lại không. Tên họ đều là Y-cờ-rách.

Thị nghiêng nghiêng người, nheo một con mắt rất "nghề", hỏi tôi:

- Đã tìm được việc làm gì chưa?

Tôi chột dạ.

- Sao cô lại biết?

Ô, hô hô. Em làm nghề đánh bóng mặt đường, lạ gì.

Ngây thơ, tôi hỏi:

- Nghề đánh bóng mặt đường à? Nghề mà lạ vậy?

- Nghề Cave.

- Cave?

- Vâng, ca hát ve vãn.

- Cave? Nghe Tây nhỉ?

Rít một hơi thuốc thật sâu, ngửa mặt lên trời nhả khói. Những độn khói tròn vo, rồi thị nói:

- Ô, cũng đổi tên gọi cho nó vẻ vang cái nghề.

Cắt ngang câu chuyện của chúng tôi là một mụ người to đồ sộ cười hô hô:

- Ô... chào cô em, hôm nay em của chị về sớm thế?

Thị nói trong bực tức:

- Vừa đi ra thì gặp con mụ trông nhà vệ sinh. Bực không chịu được, gặp cái con mụ này là rất hãm. Về cho sớm. Và rốt cuộc em cũng phải về sớm thật. Khách vài thằng ranh con hậm hà, hậm họe... Chúng hỏi: Nào là bệnh tật gì? Bao nhiêu tuổi? Lại còn đòi kiểm tra trước. Đúng là hãm! Làm dĩ cũng phải kiêng sớm mai.

Thị quay sang hỏi mụ béo vẻ thân tình:

- Còn bà chị của em hôm nay đi đâu về mà đẹp là lạ. Quên mất cái nghề bán kim chỉ, đá lửa móc túi trên tàu rồi hả? Được cuốc nào không?

Một ông già nằm trong góc nhà trọ quát:

- Mấy con phò già kia câm mõm đi.

- Ô! Trời ơi! Tôi mất trộm!

Một mụ ở giữa nhà hét lớn. Một mụ to béo quát lên:

- Mày thì có cái cứt gì mà mất. Hạng mày, trên răng dưới bộ máy nước, im mẹ cái mồm đi.

- Tao mất, tao la... việc gì đến mày.

Gã trông nhà trọ hệt như một nhạc trưởng ra tay điều khiển sự im lặng. Lan và tôi vẫn ngồi bên nhau.

Đêm sau tôi và Lan đi xích lô ra hồ sát công viên. Lan nói:

- Anh vào trong công viên mà ngồi, ngồi gần chỗ ra vào ấy. Bao giờ thấy em có khách thì bám theo. Nhớ là phải bí mật đấy nhé.

Nói xong thị móc túi, đưa cho tôi chiếc côn nhị khúc. Tôi thui thủi tuân theo lệnh.

Từ nay tôi là đệ tử của thị, làm điếm của điếm. Nhưng sự đời không có ăn mới chết. Xấu hổ thì không. Và có thức khuya mới biết đêm dài, ở trong cảnh mới hiểu được cảnh, có vào chợ mới biết được chợ.

... Dần dà tôi cũng trở nên ma cáo. Tôi không hoàn toàn chịu sự điều khiển của thị. Mặc mẹ thị. Tôi mặc xác tôi. Tôi là người, thị là hoa. Người đây, hoa đấy. Hoa vẫn là hoa, vẫn đẹp. Đẹp về đêm, lấp lánh chào mời.

Một đêm thị theo khách đi xa. Tôi ngồi lại chờ. Cũng buồn! Vắng thị cũng cô đơn. Hình như người và điếm cũng cần có nhau thì phải. Nếu thiếu đi cuộc đời cũng mất hẳn tiếng ồn.

Sáng hôm sau tôi về nơi chúng tôi vẫn tá túc qua đêm, loanh quanh tìm thị, không thấy...

Mưa, mưa rả rích. Mưa suốt cả ngày, ảm đạm quá! Buồn quá! Khi trông ra bốn phương đã cao xanh thì bầu trời thành phố mới hưng hửng sáng. Những tia nắng vàng vọt ở trời Tây rọi về, cũng là lúc màn đêm buông xuống. Tôi đi trong bóng đêm vô định. Có lẽ từ ngày ra thành phố, hôm nay tôi mới có dịp một mình đi đêm. Sáng hôm sau tôi mò về ga. Mới tìm thị một lần nữa. Ga vắng tanh, phò phạch hôm nay cũng biến đi đâu hết! Thôi chết! Hay là bọn chúng đã bị quây bắt? Mấy thằng du côn theo đóm ăn tàn hôm nay cũng mất dạng. Tôi vào một nhà trọ nơi chúng tôi vẫn ngủ ban ngày để hỏi. Mụ chủ nói: "Hôm nay họ kiểm tra giấy tờ, chúng mày biến đi, mai hãy về. Con Lan của mày đang ngồi ở tiệm cà phê ngoài đường. Ra đó mà gặp nó."

- Ngủ ở đâu bây giờ!

Vừa thấy mặt tôi, thị hỏi. Tôi nhấp một ngụm có phê rồi khoát tay: "Đi!"

Chúng tôi tìm ra phía hậu cung một ngôi đền ở phố gần đó, chỗ cái miếu xây để thờ Hai Cô, khói lạnh, hương tàn cảnh vật vắng vẻ. Bốn phía xung quanh cây cối, cỏ dại mọc rậm rì. May mắn nơi đó có cái chiếu rách, bẩn của bọn bụi đời, chúng tôi đập bụi, trải ra dưới gốc cây nằm ngủ.

Khó ngủ, thật là khó ngủ. Cái này đánh thức lẫn cái kia, da thịt cứ râm ran lên khó chịu. Lại bị thực tế đưa đẩy đến cảm hứng. Cảm hứng tạo nguồn cho những cảm hứng tiếp theo. Sự thèm muốn được tới bến, tới bờ, đến tận cùng của thể xác khiến cho hơi thở cũng nặng nề hơn, hổn hển hơn. Thị gắt: "Thôi ạ! Giờ lại...” Thị lặng im rồi dịu dàng hơn: "Em đã chán chê hết. Em muốn đi bên anh. Được gần anh vì em muốn được cái cảm giác trữ tình của anh thôi! Anh nhé." Tôi thở dài một cái, nằm đờ đẫn. Giấc ngủ cũng không đến hẳn, không đi hẳn… chập chờn...

*

Rồi những đêm tiếp theo tôi lại ngồi đợi thị đi kiếm tiền. Cái thân thể tôi ngày càng mập ú, đầy mỡ trên cái sự tan rữa, hoang phế, lụi tàn của người khác. Ngồi ghế đá, ngóng mặt đường, nghĩ về tương lai. Tương lai ư? Cái đó chỉ dành cho những người hướng thiện, lương thiện. Những người dám đấu tranh, những người dám muối mặt, kề lưng ra bươn trải, cày xới, chắt chiu... còn tôi là một loại tầm gửi biết nói biết cười, có lẽ tôi nên xa thị thì hơn.

Tôi lại trở về với cái nơi mà khi rời nhà ra đi ý định của tôi là đến đó. Chợ lao động.

Tôi kiếm được chỗ ngồi. Hai ngày sau thị đến:

- Có kiếm được ăn không?

Tôi lắc đầu.

- Chưa chắc, và có thể là không.

- Điệu lắm, ngồi đó để chết đói à?

Bản chất của phò phạch là nắn gân ban đầu. Nhưng rồi thị lại trở về với cái chất của thị: mềm mại, yếu đuối. Thị nói:

- Anh về, về với em đi. Từ nay em sẽ dành dụm ít vốn rồi chúng ta sẽ đi, đi xa! Đi thật xa, không về quê anh mà cũng không về quê em, anh nhé!

Chúng tôi nhìn nhau lâu lắm, xúc động ôm lấy nhau như hai kẻ chinh chiến lâu năm gặp lại.

Đêm hôm đó hai chúng tôi lại đưa nhau ra bên hồ. Mảnh đất mà hằng đêm vẫn cấy gặt trên đó. Tôi ngồi được vài tiếng thì thị lại vỗ khẽ vào vai tôi:

- Anh hãy thuê xe ôm bám theo em nhé.

Linh tính như mách bảo điều chẳng lành. Ngồi sau xe mà đầu tôi quay cuồng khó tả. Có lẽ ma mãnh đã đến lúc gặp phải ma cô. Sự nghiệp đánh đĩ của thị đã đến hồi kết, thế là hết một kiếp hoa. Tuy chẳng còn sắc cho tôi nhìn, không còn hương cho tôi. Dẫu tàn vẫn cố vùng vẫy để sống và để nuôi tôi.

Xe tôi dừng lại cách xe thị một quãng phố. Tôi mon men lại gần, lắng nghe, không gian bên trong im ắng, tĩnh mịch, khó hiểu. Tôi nấn ná ngồi chờ.

Một lúc sau tôi nghe được những bước chân dồn dập. Kèm theo những lời đay nghiến của một con đàn bà: "Đồ con đĩ, bây giờ tao mới tìm được mày. Mấy năm trước mày đã quyến rũ chồng tao. Để rồi thân bại, danh liệt, giờ gặp lại mày. Tao xé xác mày ra, cho đáng đời." Tiếng nói lạnh lùng hơn: "Vứt nó ra ngoài đường."

Nhìn thấy thân nàng tã tượi, bầm tím. Quần áo xơ xác rách nát. Máu trong con người tôi bây giờ mới chảy sôi sục hơn. Tôi tung một cú đá như trời giáng vào hai thằng khốn kiếp. Hắn lạng lách nhẹ nhàng đồng thời tẩn thêm vào người tôi dăm cú nữa. Sau đó tôi có cảm giác mình bật đi bật lại như quả bóng. Chúng thuê xích lô chở tôi và nàng về công viên để vứt.

Tôi tỉnh dậy khi đêm hãy còn khuya. Bên tôi, là nàng. Ánh trăng đu đưa, dập dềnh. Ngày mai, chúng tôi sẽ đi xa.

Văn nghệ Trẻ, số 11/1998
Những ngày cuối Chạp - Thơ Đinh Hạ

Những ngày cuối Chạp - Thơ Đinh Hạ

Baovannghe.vn- Những ngày cuối Chạp tôi thường nhớ/ Dân quê tất bật vụ cấy cày
Dưới chiến hào, trước cơn mưa. Truyện ngắn của Hiếu Trung Long

Dưới chiến hào, trước cơn mưa. Truyện ngắn của Hiếu Trung Long

Baovannghe.vn - Đêm, trời nhiều mây, âm u có vẻ sắp mưa. Mọi người ngồi dưới chiến hào đợi hết đợt pháo thì lên.
Rượu tình - Thơ Hồ Thế Sinh

Rượu tình - Thơ Hồ Thế Sinh

Baovannghe.vn- Thảo thơm Thị Nở, cháo hành/ ơn em có gã đã thành đàn ông
​​​​​​​Cái bóng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung

​​​​​​​Cái bóng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung

Baovannghe.vn - Cái bóng phải làm đúng nhiệm vụ của một cái bóng, lẽ nào cứ để nó đi đứng nói năng khóc cười suy nghĩ hệt như anh được.
Tóc hong bồ kết - Thơ Thy Nguyên

Tóc hong bồ kết - Thơ Thy Nguyên

Baovannghe.vn- Ngủ đi em/ Mai là năm khác/ Cánh cửa mở đón ngọn đông phong xù xì