Trước khi thực hiện bài phỏng vấn này, tôi dành thời gian nghe lại những ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Bảo từ Cánh cung (2002), Thời gian để yêu (2008) tới Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta (2013), rồi cả Nhật thực (hòa âm phối khí của Đỗ Bảo). Trong vô số những video lúc ngồi xem lại đó, có một bình luận của khán giả khiến tôi không khỏi bồi hồi: Chắc có nhiều bạn cũng giống mình, lớn lên với âm nhạc của Đỗ Bảo, với những lời ca cứ mãi ngân nga của mối tình không thành để rồi lại “về nguyện cầu cho anh những đam mê sẽ lên trời tung bay”.
Quả thật, tôi đã lớn lên và biết yêu trong âm nhạc của Đỗ Bảo, thứ âm nhạc chất chứa nhiều nghĩ suy, trăn trở về tình yêu, nỗi niềm và thân phận con người. Giai điệu thanh âm lôi cuốn, ngôn từ đa dạng nhiều mỹ cảm, diễn đạt tình tứ ẩn dụ. Nhạc Đỗ Bảo không dễ hát, nó cần người cất giọng phải có sự thấu cảm để không làm vụn vỡ những điều ý nhị mà anh tinh tế gửi gắm vào.
|
Ngồi trò chuyện cùng anh cho số báo đầu xuân, tôi có dịp đi sâu hơn vào bên trong cá tính nghệ sĩ và tính cách đời thường của anh, đồng thời cũng hiểu rằng, sáng tạo thì luôn mới mẻ, khi giây phút nào chẳng là “giây phút bắt đầu cho những ngày mai”.
Năm 2024 của anh có gì đặc biệt? Và bước sang năm mới, anh có những dự định gì?
Sau một năm 2023 bận rộn với liveshow lớn, năng lượng của tôi gần như đã rút hết, thành ra quãng nghỉ sau đó kéo dài đến 4 tháng. Đến tháng 5/2024 tôi mới thật sự quay trở lại công việc, bắt tay vào một vở nhạc kịch kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Chưa bao giờ tôi thấy mình viết nhiều như thế, vừa sáng tác, vừa hòa âm cả nghìn trang nhạc cho giao hưởng, hợp xướng và solid. Thời gian “tạo hình” cho tác phẩm lại mất thêm bốn tháng nữa, vậy là đã gần hết năm.
Đến cuối 2024 tôi vẫn đang nghỉ ngơi, tập luyện cho vở nhạc kịch và tái tạo năng lượng cho mình. 2024 với tôi có lẽ như thế là viên mãn, vì năm ngoái đã lao động không ngừng nghỉ rồi. Sang năm tới thì vẫn còn một số việc tồn đọng từ lâu cần hoàn thành, như album bắt tay cùng anh Tấn Minh, rồi một cuốn sách nhạc cần ra mắt. Nếu có điều kiện, tôi mong mình cũng có thể làm thêm một liveshow riêng, nhỏ thôi, ở Hà Nội hoặc đâu đó.
Tôi cũng mong sẽ sớm quay lại với việc sản xuất album riêng của mình, tập trung vào âm nhạc của bản thân và bắt tay với những ca sĩ mới trên thị trường trong thời gian tới.
Mùa xuân mang đến cho anh những cảm hứng cũ và mới thế nào trong âm nhạc?
Dù là tác giả nào, đang ở đâu đấy cũng sẽ có những bài hát về mùa xuân hoặc những cảm xúc đã từng trải qua với mùa xuân, đặc biệt nếu gắn bó với Hà Nội bốn mùa rõ rệt. Tôi cũng vậy thôi, nhất là khi giờ đây tôi không còn trẻ trung gì nữa, đã đi qua không biết bao nhiêu mùa xuân rồi. Để tụng ca mùa xuân thì một người bình thường cũng có thể ngồi tản mạn về những hy vọng, bồi hồi, mong đợi cho những điều mới mẻ. Nhưng một điều khác, ở độ tuổi của tôi và riêng tôi thì hy vọng giống xuề xoà cho vui hơn.
Khi còn trẻ, tôi viết ca khúc Những mùa đông yêu dấu có câu kết với lời gửi gắm “những giấc mơ không thành, những hạnh phúc ngọt lành”. Giờ đây tôi nhận ra cuộc đời cũng như vậy, có những giấc mơ không thành, có cả những hạnh phúc ngọt lành. Hai điều đó luôn song hành với nhau, biết đón nhận những phúc lành thì cũng phải biết chấp những hụt hẫng. Không phải ước vọng nào cũng thành công, quan trọng là mỗi mùa xuân đến, hãy giữ một đôi mắt trong veo, tích cực để ngắm nhìn đất trời chuyển mình.
Thế còn những mỏi mệt thì sao, tháng hai của anh giờ đây có còn “uể oải”?
Cũng có đôi lúc tôi mắc kẹt trong trạng thái đấy. Sau một kỳ nghỉ Tết dài là “những ngày bắt nhịp khó khăn”, cũng ảnh hưởng nhiều lên tâm trạng làm việc. Trước đây tôi viết ca khúc Tháng hai uể oải để mượn lời kể một câu chuyện tình yêu, cuộc sống chỉ là một mảnh ghép trong câu chuyện tình yêu đấy thôi.
Nói vậy để thấy không gian ảnh hưởng đến nhận thức của con người rất nhiều. Nếu không gian bê trễ, ảm đạm thì chúng ta cũng dễ thấy chán nản. Tinh thần đang buồn bã về tình yêu hay cuộc sống thì thành phố cũng “nhàu nát, cũ kỹ” lắm chứ, chỉ muốn “thổi bay” nó đi. Nhạc sĩ nói riêng hay nghệ sĩ nói chung có “đặc quyền” hơn là có thể ghi chép lại những khoảnh khắc đó rồi diễn đạt lại dưới những hình thức khác nhau, may mắn thì được khán giả đón nhận và yêu thích.
Những cảm xúc và cuộc sống vẫn diễn ra mỗi ngày như vậy, như mùa xuân đến thì lá sẽ xanh, triệu năm rồi vẫn chẳng đổi khác. Hay một ngày đẹp trời quá mình cũng thấy hạnh phúc lây, dù lúc đó mình đang nghèo túng hay thất bại thảm hại, thì một cơn gió mát, một vũng nắng vàng cũng đủ xoa dịu mình ít nhiều. Tháng hai cũng luôn ở đó, đến rồi đi, có là cảm xúc gì, tôi nghĩ cũng không thể vùi lấp hay né tránh, như lời bài Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta chẳng hạn: Mặt trời giản đơn, chỉ cháy, dẫu đêm hay ngày/ Đã bao nhiêu điều chẳng thể đổi thay.
Có bến bờ nào trong âm nhạc anh luôn theo đuổi không? Anh đi đến bến bờ đó chưa?
“Bến bờ” trong định nghĩa của tôi tương tự với sự giác ngộ mà mình phải tu luyện hoặc học tập, từng trải theo thời gian. Trong thế giới âm nhạc của mình, tôi đã tìm thấy được chân lý mà mình luôn theo đuổi và tin tưởng. Tôi không quan tâm nhiều về những chuyện như lăng-xê nhau hay tiền bạc, danh lợi đem lại từ sản phẩm nghệ thuật mình làm ra nữa, nhưng có một miền rất mơ hồ với nhiều người mà người nghệ sĩ phải giữ được, đó là giá trị tốt đẹp họ tạo ra, vào lúc họ tốt đẹp.
Có nhiều nghệ sĩ họ định nghĩa “bến bờ” là một liveshow hoành tráng, có người lại cho rằng đó phải là một series album phòng thu với sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn, hoặc đơn giản hơn, là một mega-hit đi đâu ai cũng nhắc về. Nhưng “bến bờ” của tôi đã đi qua chỉ là hiểu được bản chất của âm nhạc, hiểu việc mình đang làm và giữ thái độ khiêm cung đúng mực. Mỗi album, liveshow tôi làm đều đặt trọng những say mê rồi, nhiệt thành vào đó, tôi không cần thêm gì nữa, cũng như không có lý do gì những điều tôi làm là vô ích cả.
10 năm trước tôi đã nghĩ như vậy, 10 năm sau tôi vẫn tin vào điều đó, giản dị như vậy thôi. Có khác chăng chỉ là thời điểm bây giờ tôi bình tĩnh và điềm đạm hơn, chắc vì đã đi qua những xáo động của thời trẻ, không còn giữ nhiều tham vọng và kiêu hãnh của cái tôi cá nhân. Những năm tháng mới vào nghề chỉ nhìn thấy mình, không khiêm tốn ở điểm này, tự ti ở điểm khác thành ra nó cứ cuốn mình vào những đấu tranh tâm lý. Nhưng thời trẻ có mấy ai tránh được con đường đó, phải đi qua hết những thay đổi đấy thì mới nhanh đến với “bến bờ” hơn.
Anh định nghĩa thế nào về cái tôi của nghệ sĩ; cái tôi đó đứng ở đâu trong thị hiếu đại chúng và cá tính nghệ thuật?
Tôi không cho rằng điều gì quan trọng hơn, điều gì cần thiết hơn. Một người lao động nghệ thuật luôn phải dung hòa hai khía cạnh đó. Nhưng muốn làm được điều ấy, đầu tiên phải hiểu chính mình trước. Viết ra một ca khúc trước hết là để diễn tả và bộc lộ nội tâm, nhận thức và mỹ cảm của mình. Sáng tác ở tuổi 20 sẽ khác với sáng tác ở tuổi 40. Tuổi 20 là hành trình khám phá cái tôi cá nhân và thử nghiệm những điều mới mẻ mà không sợ sai. Chúng ta đón nhận những khen chê của công chúng cũng cởi mở hơn.
Còn ở tuổi 40 là chặng đường quay lại với thế giới của mình, bộc lộ những rung cảm của tuổi trung niên bằng một ngôn ngữ khác. Vì cuộc sống đâu chỉ đơn giản là tồn tại, mà còn là sự trải nghiệm của những cung bậc cảm xúc khác nhau, và nhu cầu chia sẻ, cống hiến của người nghệ sĩ với cuộc đời có bao giờ vơi cạn. Làm nghề với tâm niệm như vậy sẽ đưa mình đến gần hơn với công chúng.
Ngôn ngữ có giới hạn, âm nhạc cũng vậy, không thể biểu đạt hết thế giới suy tư mênh mông bất tận như vũ trụ bên trong con người. Bởi con người rất nguyên bản, ai cũng có cái tôi khác nhau, quá nhiều mảnh ghép cái tôi, một chuỗi “cái tôi điệp trùng”. Người ta đến gần với nhau hơn cũng từ sự an ủi và rung động thuần tuý với cái đẹp.
Tôi không cho rằng một nghệ sĩ lớn chỉ sáng tác phục vụ cho riêng mình, nếu chỉ làm hài lòng một nhóm nhỏ trong giới chuyên môn thì để làm gì đâu? Một tác phẩm thật sự ý nghĩa phải có ảnh hưởng và nâng đỡ một lớp người. Thế nhưng cũng phải giữ cá tính sáng tạo của mình sao cho không dễ dãi với thị trường, ăn theo hay sản xuất đại trà hàng loạt. Đến bây giờ tôi nhận ra, ý nghĩa của người làm nghệ thuật chính là mở rộng biên độ văn hoá, cải thiện đời sống văn hoá của công chúng. Cộng đồng nào cũng có đời sống văn hoá riêng, bên cạnh đời sống vật chất hay đời sống kinh tế. Vậy nên những người làm nghệ thuật phải có trách nhiệm đóng góp nhiều hơn cho đời sống đó.
Xét cho cùng, tôi nghĩ hãy giữ cho mình sự cân bằng, hài hòa (dẫu có lúc bị xem là quá an toàn) để không rơi vào cái bẫy nghĩ mình là ai đấy với những rao giảng triết lý. Con người thường quên đi nhiều thứ nên dễ rơi vào nhầm lẫn, ảo tưởng. Chỉ cần ta không quên vị trí, đặc tính của mình trong vũ trụ thì cuộc sống sẽ bớt mâu thuẫn và dễ chịu hơn nhiều.
Hơn 30 năm làm nghề, lúc nào anh có cảm hứng sáng tác dồi dào nhất? Đâu là lúc anh muốn nghỉ ngơi nhất?
30 năm là một hành trình dài, nhìn lại và tổng kết chắc sẽ cần nhiều thời gian, nhưng có lẽ lúc tôi có được cảm hứng sáng tác nhất là khi đầu óc được thoải mái, đời sống không bị mắc kẹt trong những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Chúng ta đều là những người bình thường, đều có những lo toan về gia đình, công việc, mối quan hệ xã hội... khi phải suy tư nhiều về những vấn đề đó thì rất khó để đặt bút việc những câu từ hay.
Các cụ ngày trước hay nói vui rằng nghệ sĩ thì phải khổ mới có thể sáng tạo, nhưng giờ nhìn lại tôi thấy điều đó đúng nhưng chưa đủ. Khổ đau cần thiết đấy, nhưng những lúc như vậy lại không sáng tác được. Thực hành nghệ thuật chỉ có thể làm một cách chuyên tâm khi cơn khổ qua đi, mình có thời gian ngồi nhìn lại, chiêm nghiệm và suy nghĩ về nó.
Có một hiểu lầm nữa mọi người cũng thường nói về người làm nghệ thuật, là cảm hứng sáng tác đến từ những cơn say, nhưng tôi lại không thấy thế. Khi say có thể mang đến một suy nghĩ hay một khoảnh khắc “thiên tài”, nhưng cũng chỉ là một chấm nhỏ trong bức tranh sáng tác lớn. Lao động nghệ thuật nghiêm túc và ý tưởng sáng tác chỉ thật sự đến khi mình tỉnh táo và khỏe khoắn cả thể chất lẫn tinh thần. Lúc đó mới có thể ngồi sắp xếp lại những mảnh ghép cảm xúc cho ra một tác phẩm hoàn chỉnh. Nói vậy để thấy rằng, những giai đoạn tôi sáng tác liên tục và dồi dào nhất, có lẽ khi đó tôi đang thật sự bình yên và tĩnh tại.
Còn khi không thể sáng tác, hãy tạm nghỉ hoặc “cực đoan” hơn thì chọn ở ẩn, giữ cho mình sự trường sức trong tương lai, bình tĩnh và chờ những cơn sóng của cuộc đời đi qua.