Ngay bây giờ, bạn search (tìm kiếm) từ khóa “người lái đò sông Đà” trên google lập tức hiện lên hàng trăm bài viết, bài giảng, bài văn mẫu (cả chữ, cả tiếng, cả hình) về tùy bút nổi tiếng này của nhà văn Nguyễn Tuân. Thiên tùy bút “Người lái đò sông Đà” đã để ấn tượng lưu bám trong dòng chảy văn học Việt Nam.
Như bao người tường tận con sông Đà (ít nhất thì cũng từ Sơn La xuống hết địa phận Hòa Bình) được học, được đọc, được nghe bao lần “Người lái đò sông Đà”, có thể bạn ngờ ngợ hỏi chính mình: Làm sao có thể lái thuyền vượt qua một con thác dốc đứng như những con thác chúng ta vẫn thường thấy? Chỉ cho tới khi khởi việc tìm kiếm lại hình ảnh, tư liệu… rồi xuất bản sách, ảnh Bờ xưa, tôi mới có câu trả lời thỏa đáng cho những liên hệ từ áng văn bất hủ. Trong khuôn khổ của một bài viết tham khảo, tôi xin được đưa ra các ý kiến chứng khảo như sau:
Sông Đà bắt nguồn từ Vân Nam – Trung Quốc len lỏi giữa núi rừng Tây Bắc nước ta tựa một quai thừng khổng lồ do Tạo - Hóa quẳng vội vào trái đất. “Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh” đã là câu cửa miệng lưu truyền trong dân gian mỗi khi nhắc tới sông Đà, chính vì sự hung dữ của con sông này. “Thác ghềnh” hay “ghềnh thác” đôi khi là từ ghép (như cồng chiêng), nhưng rõ ràng thác khác, ghềnh khác (cũng như chiêng và cồng là khác nhau). Xin tra lại từ điển tiếng Việt:
- Thác là chỗ dòng sông, dòng suối chảy vượt qua một vách đá cao nằm chắn ngang rồi đổ mạnh xuống.
- Ghềnh là chỗ lòng sông có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết.
Cứ theo khái niệm trên thì có thể nói trên lòng sông Đà xưa nay không hề có thác mà chỉ có ghềnh, toàn ghềnh (tôi nhấn mạnh trên lòng sông). Vì ở lòng sông nơi tàu thuyền qua lại không có chỗ nào nước đổ từ trên cao xuống mà chỉ có các quần thể đá mọc lên, gây cản dòng, tạo nước xiết.
Chỉ tính từ Chợ Bờ ngược lên, sau ghềnh Bờ (mà ta gọi thác Bờ đến thành quen) thì tiếp theo là các ghềnh: Cóc, Cô Tiên, Mu Tuần, Hàm Rồng, Suối Rút, Đá Đỏ, Mực, Suối Chì, Ban, Hang Miếng, Nhạp, Lòm, Ổ Gà, Khủa, Kế, Nánh, Kẹp, Nhạp, Đá Phấn, Suối Khoáng, Mó Tôm, Đá Mài, Giăng, Vạn Yên, v.v… mà ghềnh Bờ là ghềnh lớn nhất, hung dữ nhất mọc lên ở lòng sông Đà.
Trong sách cổ của người Tày - Thái Tây Bắc do nhà nghiên cứu Lường Đức Chôm dịch có đoạn: “Từ Suối Rút bè qua Bãi Hả, Bãi Um rồi ghé vào Bến Thượng, ở đây đã nghe rõ âm vang dòng nước dội vào những tảng đá ghềnh Bờ: Đã tới bờ cần đỗ/ Nghe rõ tiếng ầm ào/Bọt tung trắng tựa bông/ Quay mũi bè vào bờ”
Như vậy, người xưa đã gọi đúng ghềnh Bờ chứ không gọi thác Bờ.
Mở đầu áng văn nổi tiếng Người lái đò sông Đà Nguyễn Tuân viết: “Tôi xin ghi ở đoạn này cái hình ảnh chiến đấu gian lao của người lái đò trên chiến trường Sông Đà, trên một quãng thủy chiến ở mặt trận Sông Đà”. Tiếp theo, Nguyễn Tuân kể, tả, bày tỏ điều mình nhìn thấy thật tài tình, tạo áng văn gây và nuôi bao cảm xúc của người đọc. Tuy nhiên, đoạn sông ấy là đoạn nào của sông Đà, thác ấy là thác nào trên sông Đà thì tuyệt nhiên cụ Nguyễn không nói?
Xưa nay người ta thường biết thác nước thì từ trên cao đổ nước xuống và nghĩ vượt là vượt lên trên, lên phía trên chứ ít khi nói vượt xuống. Phải đọc kỹ thì mới nhận ra cụ Nguyễn tả cảnh xuôi “thác” ở bảy từ “… Còn xa lắm mới đến thác dưới” - cái “thác” mà Nguyễn Tuân sắp đến, sắp tường thuật… Thực chất ông lái đò “chiến đấu” xuôi thác. Ông dùng mái chèo chống, đẩy để thuyền không lao vào các hòn đá trong “thạch trận” mà có thể vỡ tan tành. Ông hoàn toàn không phải dùng mái chèo để chèo đẩy thuyền đi chứ chưa nói là vượt …
Khi tập sách ảnh và những bài viết về Bờ xưa của tôi đăng tải kể cả trên báo in và trên mạng xã hội thì không ít giáo viên dạy môn văn mới à à… Họ nói, học, giảng Người lái đò sông Đà bao nhiêu năm nhưng cứ ngờ ngợ, làm sao mà thuyền vượt thác được nhỉ, dù cụ Nguyễn tả rất kỹ, rất sâu, rất vang?. Đến giờ được tường tận “đây là một quần thể đá khổng lồ nổi lên choán mặt sông tạo ra các dòng nước xiết”. Thạch trận trong trang viết của Nguyễn Tuân vì thế mà trở nên dễ hình dung hơn.
Đoạn nào Nguyễn Tuân viết cũng rất trận mạc. “Hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông. Đám tảng, đám hòn chia làm ba hàng chắn ngang trên sông đòi ăn chết một cái thuyền một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh cửa đá trông như là sơ hở nhưng chính hai đứa giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa…”. Nhưng hàng nào, hòn gì thì cụ Nguyễn lại không nói. Điều này khiến người dốc công mò tìm Bờ xưa như tôi có đôi phần luyến tiếc.
Tới đây, chúng ta buộc phải thừa nhận với nhau rằng Người lái đò sông Đà nằm trong Tùy bút sông Đà được phân tích, được hiểu như một tác phẩm truyện ngắn ở nhà trường phổ thông là không thỏa đáng. Ngay tiểu luận Có một thời “Sông Đà” như thế… (Đọc đoạn ký Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân) trong tập Bình văn - Nhà xuất bản Giáo dục tái bản lần thứ 1, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nhà văn Văn Giá đã khẳng định đây là ký. Trong tiểu luận không dưới 5 lần Văn Giá nhắc đến thể loại ký của đoạn văn này, sau đó ông nhấn mạnh chất văn trong ký của Nguyễn Tuân. Và chính Nguyễn Tuân đã cùng đi thuyền dọc sông Đà để cảm, để hiểu và truyền tải vẻ đẹp của người nghệ sĩ bậc thầy khi ông đò xưa vượt thác. Dòng chảy bề mặt nhờ thế đã đi vào trang văn và trở thành đối tượng thẩm mỹ đẹp. Nay đọc lại Người lái đò sông Đà, trộm nghĩ, ký đi từ cái thật đến cái hay, rồi cái hay và cái thật quyện vào nhau, người đọc sẽ từ cái hay mà hình dung (có thể tìm) cái thật. Nay văn Nguyễn Tuân còn đó, nhưng cái “thác” mà người lái đò sông Đà vượt thì đã chìm dưới đáy hồ gần 40 năm rồi!
Phân tích này cũng đồng thời là một minh chứng rằng đoạn sông Đà ấy là đoạn chảy qua Chợ Bờ và cái ghềnh ấy là ghềnh Bờ. Quần thể đá khổng lồ kéo từ bờ phải (tính từ hạ lưu lên) choán ra lòng sông. Tại lòng sông quần thể đá lớn ấy chia thành những vùng đá lớn và nhiều đám đá, hòn đá lẻ. Từ hai cụm đá chính này tạo thành 3 luồng chảy của sông Đà tại đây. Luồng sát mé phố Bờ là luồng Hiên; luồng chính giữa là luồng Cái và luồng áp sát bờ đối diện là luồng Rừng.
Thuyền to, thuyền nhỏ trước đây dù xuôi hay ngược đa số đi luồng Kênh vì nước nhỏ, ít đá nên an toàn hơn, dù ngược dòng vẫn phải có người dùng dây kéo hỗ trợ. Luồng Cái hung dữ nhưng là dòng lớn nên các bè lâm sản xuôi dòng theo luồng này mà người ta vẫn gọi là trổ thác. Luồng Rừng có vô vàn hòn đá nhỏ mọc lên giữa rừng tóc tiên dày đặc. Thuyền bè không qua lại được luồng này.
Bên cạnh ba luồng Hiên, Cái, Rừng là những hòn nổi tiếng như Hòn Ngai (giống như ngai vua), hòn Quai Chuông (giống quai quả chuông) và hòn chìa ra giống như miệng hổ nên gọi hang Miệng Hổ. Hang Miệng Hổ án ngữ giữa luồng Cái và gây bao hiểm nguy cho những chuyến bè xuôi dòng.
Sẽ có người hỏi, thế câu “sông Đà trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh” thì thế nào, thác ở đâu?. Theo tôi, con số ở đây cũng là ước lệ. Ghềnh thì như tôi đã dẫn ở trên, rất nhiều ghềnh. Còn thác, đó là những con thác từ trên núi đổ xuống sông Đà, cũng rất nhiều. Nay sông thành hồ, một số con thác xưa vẫn đang tiếp tục như những dải lụa trắng thướt tha đổ xuống hồ Hòa Bình đấy thôi!
Với bài viết kèm theo hình ảnh này, tôi mong muốn trước hết gửi tới các thầy giáo, cô giáo đã, đang và sẽ dạy môn ngữ văn và chừng nào tùy bút Người lái đò sông Đà còn trong chương trình giảng dạy, trong các dạng văn mẫu… cần:
- Thứ nhất, phân tích rõ cho học sinh biết thế nào là thác, thế nào là ghềnh. Có như thế, người lái đò nghệ sĩ vượt qua các thạch trận cùng hình ảnh của ghềnh Bờ xưa trở nên gần hơn, dễ cảm hơn.
- Thứ hai, đưa tác phẩm đúng về thể ký thay vì vẫn được giảng dạy như một truyện ngắn.
Đây là ý kiến mở nên cá nhân người viết mong muốn nhận được những đóng góp khác để vấn đề trở nên thấu đáo hơn.
Nguồn Văn nghệ số 46/2021