Tính đặc trưng của nghề văn đó chính là tuổi đời sáng tác. Con người ta đến cái tuổi nghỉ hưu coi như chấm dứt con đường sự nghiệp, tĩnh dưỡng tuổi già. Đối với người viết văn, quy luật đó dường như không phải. Có nhiều nhà văn chỉ mong đến tuổi nghỉ hưu để được ngồi nhà để viết lách. Khi đó họ có nhiều thời gian và tĩnh tâm với ngòi bút của mình. Rất nhiều nhà văn khi nghỉ hưu viết nhiều hơn lúc còn đang công tác. Có lẽ nhà thơ Hữu Thỉnh, cũng là một người cầm bút như vậy. Kể từ khi thôi giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông đã dành hết thời gian cho công việc đọc và viết. Kể từ ngày nghỉ hưu cho đến nay quãng 5 năm nhưng ông đã liên tục cho ra đời những đứa con tinh thần của mình, với các thể loại: thơ, trường ca, tiểu luận và phê bình.
|
Mới đây, nhà thơ Hữu Thỉnh lại cho xuất bản cuốn sách với tựa đề Ám ảnh chữ. Đây là tập tiểu luận và phê bình văn học, gồm 47 bài, dày dặn tới 600 trang, được ông viết từ khi nghỉ hưu cho đến nay. Ám ảnh chữ là tập tiểu luận và phê bình văn học thứ 3 của nhà thơ Hữu Thỉnh, trước đó là những tập: Lý do của hy vọng, Bến văn và những vòng sóng. Tuy vậy nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn tự xem mình là người ngoại đạo, tay ngang nghiệp dư trong lĩnh vực phê bình văn học. Những tác phẩm phê bình văn học ông viết ra như một lời tri ân với chữ nghĩa, với các tác phẩm văn học và với đồng nghiệp.
Ngày 28/5/2025, tại phòng Nghệ thuật - Nhà xuất bản Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hà Nội), đã diễn ra buổi tặng sách, cuốn Ám ảnh chữ của nhà thơ Hữu Thỉnh, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn in ấn và phát hành. Tới dự buổi tặng sách có: nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn nhà thơ trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đông đảo bạn bè đồng nghiệp, người thân, những người yêu quý con người cũng như những tác phẩm văn học của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có những phát biểu đánh giá cao về nỗ lực sáng tác bền bỉ cũng như giá trị nghệ thuật trong những tác phẩm phê bình văn học của nhà thơ Hữu Thỉnh. Các tác phẩm phê bình và tiểu luận của nhà thơ Hữu Thỉnh đã mở ra những phát hiện mới, góc nhìn mới về các tác giả và tác phẩm văn học. Đó là những phát hiện bằng trực giác nhạy bén của một người sáng tác, nhưng cũng bao hàm cả những lý luận thực tiễn và khoa học. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá nhà thơ Hữu Thỉnh là một cây đại thụ vạm vỡ của nền văn học nước nhà. Tuy tuổi cao nhưng ông có một sức làm việc vô cùng đáng khâm phục và tiếp tục để lại những giá trị nghệ thuật đáng ghi nhận cho nền văn học nước nhà.
Trong bài tham luận của mình, nhà nghiên cứu phê bình văn học Phong Lê cho rằng, Ám ảnh chữ là kết quả, sản phẩm đọc và viết không mệt mỏi của nhà thơ Hữu thỉnh trong suốt 5 năm, kể từ khi ông nghỉ hưu cho đến nay. Ám ảnh chữ góp thêm những góc nhìn mới về các tác phẩm văn học cũng như nền văn học nước nhà. Ám ảnh chữ xứng đáng là tác phẩm Phê bình và tiểu luận tiêu biểu trong thời gian gần đây.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải đánh giá Ám ảnh chữ là cái tình sâu nặng của nhà thơ Hữu Thỉnh dành cho bạn bè đồng nghiệp, từ những cây bút có tên tuổi đến những cây bút còn ít người biết đến.
Nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương, một người bạn, đồng hương thân thiết đã trao tặng bức chân dung mà ông vẽ tặng nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhà thơ Trần Nhương cũng đã kể lại những kỉ niệm, tình cảm gắn bó giữa ông và nhà thơ Hữu Thỉnh trong suốt 60 năm qua. Dẫu có nhiều thăng trầm nhưng cuối cùng vẫn là cái tình bạn bè dành cho nhau không thay đổi.
|
Mọi danh vọng, quyền lực đều qua đi, cái còn lại chính là cái tình mà chúng ta dành cho nhau. Buổi gặp mặt tặng sách của nhà thơ Hữu Thỉnh đã nói lên điều đó. Đó là cái tình chân thành của bạn bè, cái tình của những người bạn văn chương dành cho nhau. Những người đã đến với buổi tặng sách của nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đều mang trong mình một tâm thế, suy nghĩ đó.
Trong sự xúc động, nhà thơ Hữu Thỉnh đã bày tỏ tình cảm của mình đối với các bạn đồng nghiệp đã có mặt trong buổi tặng sách của ông, đó là món quà vô cùng quý giá dành cho một ông lão 83 tuổi. Ông cũng chia sẻ là đang còn nợ rất nhiều các bạn đồng nghiệp khi chưa viết về họ. Sự có mặt của mọi người hôm nay là sự khích lệ đáng quý dành cho ông để tiếp tục viết khi đang còn sức khỏe.
Trong những năm giữ vị trí Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, vì công việc, nhà thơ Hữu Thỉnh phải có những quan sát, tổng kết đánh giá các tác giả, tác phẩm văn học, giai đoạn văn học… Để làm được việc đó buộc ông phải đọc nhiều hơn, mặc dù chức trách chủ tịch Hội khiến ông bận rộn với rất nhiều công việc. Với cương vị là chủ tịch Hội Nhà văn, nhà thơ Hữu Thỉnh phải chịu trách nhiệm trước những ý kiến đánh giá đó trước đồng nghiệp và bạn đọc. Kể từ đó công việc viết phê bình văn học đến với ông bằng trách nhiệm và bằng sự yêu thích.
Người viết văn cũng giống như người trồng cây, làm vườn, nếu anh thực sự chăm bẵm tưới tắm cho mảnh vườn của mình thì nó sẽ cho hoa thơm và quả ngọt. Và những “người làm vườn” trên “mảnh vườn chữ nghĩa” của mình cũng cần phải có sự lặng lẽ bền bỉ, bằng một tình yêu, nhân văn trong sáng để có thể cho ra đời những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, được bạn đọc đón nhận và ghi nhớ. Nhà thơ Hữu Thỉnh năm nay đã ở tuổi 83, tuy sức khỏe có nhiều giảm sút, nhưng ông vẫn lặng lẽ bền bỉ như một “người làm vườn” như vậy.