Sự kiện & Bình luận

Đọc sách và sách dành cho trẻ em - những vấn đề đặt ra trong đời sống sáng tác

Huỳnh Văn Hoa
Đời sống
10:00 | 11/08/2024
Baovannghe.vn - Mảng văn học thiếu nhi, thiếu niên là vô cùng quan trọng, việc đọc sách trong các em là vô cùng cần thiết. Nó như cơm ăn, nước uống, khí trời
aa

"Trẻ em là những sinh linh rất động, rất nhạy" (Nguyên Ngọc), do vậy mà, những quyển sách tốt bao giờ cũng là những người bạn đường có ích và rất thân thiện, giúp các em làm hành trang đi vào cuộc đời. Vì thế, chú trọng mảng văn học cho thiếu nhi, thiếu niên là vô cùng quan trọng. Từ đó, đẩy mạnh việc đọc sách trong các em là vô cùng cần thiết. Nó như cơm ăn, nước uống, khí trời vậy.

Đọc sách và sách dành cho trẻ em - những vấn đề đặt ra trong đời sống sáng tác
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu kể lại rằng, hồi đang học lớp ba, nhân đọc một cuốn truyện viết cho trẻ con, ông đã nảy sinh ý định: quyết tâm trở thành nhà văn. Ý định đó thôi thúc ông viết câu chuyện, dài 50 trang giấy vở, rồi lặn lội đi bộ 7 cây số, lên nhà giây thép của huyện, gửi đăng. Chờ mãi, "một tuần, một tháng, một năm chẳng thấy gì hết... Ấy vậy mà sau cái chuyến ấy, tôi vẫn không chừa cái quyết tâm trở thành nhà văn" (Hồi nhỏ các nhà văn học văn - Sở Giáo dục Nghĩa Bình, 1986, trang 86). Có lẽ, nhờ những rung động ban đầu đó, Nguyễn Minh Châu đã để lại nhiều tác phẩm xuất sắc trong văn học Việt Nam hiện đại. Dĩ nhiên, không phải ai muốn viết văn, làm thơ cũng đều trở thành nhà văn, nhà thơ. Song, phải thấy là, nếu không có thế giới cảm xúc hồn nhiên như vậy, con người sẽ không có những ước mơ táo bạo, phi thường. Ngay M.Gorki, trong thời thơ ấu gian khổ của mình, nhà văn cũng tìm thấy ở sách báo bao điều hay đẹp, có ý nghĩa đối với cuộc sống. Sau này, ông kể lại: "Tôi hồi tưởng lại, trong những ngày niên thiếu, sách đối với tôi đã là người bạn tốt vô ngần" (M.Gorki, Tuyển tập truyện ngắn, tập II, NXB Văn học, HN 1971, trang 286).

Ở nước ta cũng như ở nhiều nước khác, các nhà văn thường hồi ức về những cuốn sách được đọc hồi còn thơ bé, xem đó là cơ sở ban đầu của việc học viết, học làm người. Phần lớn trong số họ đều thừa nhận chiều sâu giáo dục, ý nghiã nhân bản là do nhờ tiếp nhận từ sách, nhờ sách. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả của nhiều đầu sách về thiếu niên, thiếu nhi vào loại besl-seller Việt Nam, từng viết:

"Sách, như vậy, đã bồi đắp tâm hồn, làm giàu có và làm trưởng thành tình cảm một đứa bé, mài sắc một cách tự nhiên các ý niệm đạo đức qua bao yêu ghét với người hiền kẻ ác và đặc biệt mở rộng đến vô biên bờ cõi của trí tưởng tượng" (Thương nhớ Trà Long, NXB Trẻ, 2014, trang 90)

Giáo sư Trần Văn Thọ, người con ưu tú của đất Quảng, có viết về tình yêu đối với sách. Có một điểm đáng mến ở Trần Văn Thọ, đó là, tình yêu văn chương, tình yêu sách vở của ông. Ông yêu thích những tác phẩm lãng mạn của Tự Lực văn đoàn, nhớ nội dung từng quyển sách, có đoạn thuộc lòng. Ông viết hồi mới lớn, “mấy năm đó hầu như tôi đã đọc hết các tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng và Thạch Lam”. Có cuốn sách đi với ông suốt cả cuộc đời. Theo tôi, có lẽ, từ tình yêu đối với sách, từ sách, qua sách, góp phần giữ tâm hồn của ông trong sáng, dịu dàng, thanh sạch. Ông kể chuyện, những ngày chờ du học, ông vào Thư viện, chép thơ Đinh Hùng và có những nhận định khá hay về thơ Đinh Hùng. Ông thuộc nhiều bản nhạc Boléro của miền Nam. Ông yêu âm nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao, Trịnh Công Sơn. Có thể đánh đàn piano và hát nhiều bài, dù hát không hay.

Những năm gần đây, trẻ em ít ham đọc sách, lại thích các trò chơi khác. Đây là mối lo chung của tất cả chúng ta. Có thể sau này, thế giới các em đến có nhiều điều lạ, điều mới. Điều ấy cũng bình thường và dễ hiểu. Nhưng dù thế nào đi nữa, thế giới tâm hồn các em không thể thiếu vắng những trang văn thấm đẫm tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên được. Sách cho các em không chỉ là những "thiên đường xanh" (Paradis vert - chữ dùng của Pierre Gamara) mà còn cả những nỗi đời hiu quạnh, đớn đau của đồng loại. Có như vậy, các em mới thấy yêu thương những gì đang có, đang hưởng.

Chúng ta đã bước vào thập niên thứ ba của thiên niên kỷ thứ ba. Liệu rằng, với tình hình sách cho các em và việc đọc sách như hiện nay, chúng ta nghĩ gì về các thế hệ mà tâm hồn xơ cứng, không thấy nỗi đau của một đất nước đang còn nghèo, không dám sẻ chia những vui buồn với những người cùng chung một nguồn cội, không biết ước mơ về một xã hội công bằng, nhân ái ...!

Mấy năm nay, khoảng trống vô hình nơi tâm hồn các em đã bị lấp đầy bởi những truyện tranh ồ ạt xuất bản, bởi bao trò chơi điện tử và bởi bao nhiêu thứ khác chưa biết đến. Nhiều năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa có những tuyển tập hay và xuất sắc về văn chương thiếu nhi được biên soạn công phu, nghiêm túc, có chất lượng dành cho các em. Phải chăng người lớn chúng ta bận lo toan nhiều việc, trừ việc làm sách cho thiếu nhi, thiếu niên !

Huỳnh Văn Hoa | Báo Văn Nghệ

Tên bài viết do Baovannghe đặt

--------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc sách và giáo dục hay là câu chuyện về khai phóng con người Đọc sách để tạo ra những giá trị nghệ thuật mới Thử nêu cách chữa “chứng lười đọc sách” Nói chuyện đọc Sách "Tiệm sách Cơn Mưa" - Nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách
Hành trình Huỳnh Phương Đông: Những bức tranh khắc họa tình đồng đội

Hành trình Huỳnh Phương Đông: Những bức tranh khắc họa tình đồng đội

Baovannghe.vn - Hành trình Huỳnh Phương Đông là chuỗi triển lãm do các bảo tàng, gia đình cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông và SANN - The House of Art (Ngôi nhà nghệ thuật) phối hợp tổ chức hướng đến kỉ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 2025), 100 năm sinh họa sĩ Huỳnh Phương Đông (1925 - 2015).
Tĩnh - Thơ Đoàn Mạnh Phương

Tĩnh - Thơ Đoàn Mạnh Phương

Baovannghe.vn- Dẫm lên bã ngày/ đã đổ nghiêng
Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc Lần thứ 6 - Năm 2025

Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc Lần thứ 6 - Năm 2025

Baovannghe.vn - Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) vừa có thông báo về việc tổ chức Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc Lần thứ 6 - Năm 2025.
Hiệu sách cô Viên. Tản văn của Phượng Nguyễn

Hiệu sách cô Viên. Tản văn của Phượng Nguyễn

“…Tôi vẫn thích viết về những người tốt. Có điều những người đó sẽ không được sung sướng vì tôi nghĩ, tốt mà được đền đáp thì người đời rủ nhau sống tốt hết rồi.
Chạy theo chiều - Thơ Đỗ Trọng Khơi

Chạy theo chiều - Thơ Đỗ Trọng Khơi

Baovannghe.vn- Tôi đi một mình/ một mình tôi thôi