Văn hóa nghệ thuật

Đọc tranh Nguyễn Quang Thiều

Mỹ thuật
09:21 | 09/02/2022
Triển lãm Người thổi sáo (2021) của Nguyễn Quang Thiều có 53 bức tranh, chọn ra từ hàng trăm tác phẩm hội họa của ông. C
aa

1.

Triển lãm Người thổi sáo (2021) của Nguyễn Quang Thiều có 53 bức tranh, chọn ra từ hàng trăm tác phẩm hội họa của ông. Chất liệu phần lớn là sơn dầu trên toan và màu nước. Nguyễn Quang Thiều vẽ tranh từ xúc cảm cảm hứng sáng tạo thơ suy tưởng ám dụ duy lý cùng với cảm hứng huyền bí về âm nhạc (tiếng sáo) do ông tiếp nhận trực tiếp từ đời sống, đồng thời với thao tác nghệ thuật liên văn bản – liên loại hình. Từ thơ Nguyễn Quang Thiều đã cấp cho tranh một đời sống khác.

Nhà thơ 3

Trong văn hóa phương Đông, người ta đã nói nhiều rằng: thơ và họa là bạn kết giao mật thiết, trong thơ có họa, trong họa có thơ, không ít họa sĩ tài năng khi vẽ tranh là nghĩ đến thơ và đề thơ vào tranh... Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng từng tâm sự: “Tôi thường vẽ dựa trên tinh thần một bài thơ nào đó của mình. Vừa vẽ vừa đọc khẽ bài thơ tự do trong tư tưởng và những ám ảnh của mình. Hội họa mang lại cho tôi tinh thần tự do trong sáng tạo”(1). Một dịp khác, ông nói kỹ hơn: “Trong bài thơ chứa đựng bức tranh và trong bức tranh chứa đựng bài thơ. Giữa chúng có cái gì đó trộn lẫn nhau, tương tác, chuyển động liên tục. Hội họa và thi ca tuy hai mà một, cái này gợi mở cho cái kia, không có cái nào làm chính hay làm nền. Thơ và họa tách biệt nhau về ngôn ngữ nghệ thuật, nhưng sự cộng hưởng sẽ tạo nên chuyển động của cảm xúc, tư tưởng và thông điệp”(2). Nguyễn Quang Thiều họa sĩ đã ý thức sâu sắc và đưa ra lý thuyết sáng tạo về mối quan hệ tương tác giữa thi ca và hội họa một cách rõ ràng như thế, dứt khoát như thế, phù hợp với đời sống văn học nghệ thuật. Thơ và tranh vẫn chung một nhà, “họ” bước sang nhau theo chiều ngang. Tuy nhiên, trên thực tế, sáng tác hội họa trong quan hệ với thi ca của Nguyễn Quang Thiều lại có đôi phần tuột ra khỏi lý thuyết của chính ông. Thơ sang tranh không theo chiều ngang như bản sao khác ngôn ngữ mà theo chiều xiên biến tấu. Từ thi ca, nhà thơ đưa hội họa sang một thế giới không chỉ là thứ hai mà là thứ hai khác. Do vậy mà tranh Nguyễn Quang Thiều đạt đến một giá trị mới. Đương nhiên, những bức tranh khác của ông không ra đời từ thơ thì cũng là biến tấu không nói ra mà thôi.

Không thể không nhắc kỹ đến ảnh hưởng từ âm nhạc sang hội họa của Nguyễn Quang Thiều, bởi có đến 17 bức tranh có tên Người thổi sáo (chiếm một phần ba tổng số tranh) mà ông dùng làm tên chung của triển lãm (ngoài ra còn có tranh Sáo trúc). Nguyễn Quang Thiều thuật lại trong đoản văn Người thổi sáo, như thay lời giới thiệu triển lãm, rằng dạo ấy ông đang ngồi cùng mấy bạn văn tại một quán cà phê thị xã Hà Đông thì thấy một người đàn ông mù làm nghề thổi sáo rong đi qua. Người đó đã đáp lại lời mời của Thiều bằng một bài sáo khiến nhà thơ mê muội. Hình ảnh người nghệ sĩ mù hành nghề tự do cùng tiếng sáo kỳ ảo linh diệu ấy như một sự kiện tâm hồn(3) ám ảnh nhà thơ suốt bao năm đằng đẵng. Như vậy, nói tranh của Nguyễn Quang Thiều sinh ra từ thơ của ông là đúng như chưa đủ. Nhóm tranh Người thổi sáo ra đời trực tiếp từ thụ cảm âm nhạc, nhiều tranh còn lại bắt nguồn trực tiếp từ đời sống ngoài âm nhạc. Tuy nhiên, chất thơ vẫn thấm đẫm vào mọi tác phẩm hội họa của ông.

2.

Tranh Nguyễn Quang Thiều trưng ra một thế giới ngồn ngộn hình ảnh về đời sống con người, vạn vật trong không gian – thời gian bất định. Tầng ngoài của tranh bộc lộ tư duy hồn nhiên, trong trẻo để ẩn vào tầng trong là nỗi ám dụ sâu xa kỳ lạ về nhân thế với một suy cảm bất tận như thơ của chính tác giả. Nhìn từ góc độ nguyên mẫu, chất liệu thô của đời sống, thì chúng ta thấy hàng trăm lượt hình ảnh như: người (đàn ông, đàn bà, già trẻ), quả tim, cây – lá – hoa cùng các đồ vật, con vật và rất nhiều hình ảnh, biểu tượng khác (về đồ vật có: đèn, nến, đôi ủng, quạt giấy, chai lọ, bình gốm, cốc, bát, cây sáo, mặt nạ, chìa khóa, đồng hồ, đồng hồ phong thủy hoặc kinh dịch, lá cờ, cuốn sách, cái kéo, dấu triện đỏ, cái loa, thẻ nhân thân, phong bì thư, phím đàn, chữ, con số…; về con vật có: cá, trứng cá, chim, rắn, chó, mèo, chuột, ngựa, bò, bướm, thạch sùng…; về cảnh quan có: tháp thờ, thập tự, bầu trời, mây, cầu vồng, không gian nước, dưới nước và trong đất…). Nhìn từ góc độ cơ sở hiện thực để sáng tác, thấy Nguyễn Quang Thiều có hai hướng vẽ: vẽ từ thơ của mình (đời sống thông qua thơ ca, đó là mười “biến tấu”) và vẽ trực tiếp từ đời sống, ngay cả “người thổi sáo” cũng vậy…

Tranh của Nguyễn Quang Thiều là nơi gặp gỡ tưng bừng của những biểu tượng văn hóa tiêu biểu và nhạy cảm nhất.

Thi ca

Trước hết là con mắt và bàn tay. Có nhiều trăm con mắt đen tròn dõi nhìn đăm đăm về phía người xem tranh. Mắt to mắt bé trông ra từ mọi nơi: trên thân người, đồ vật, con vật, cây lá… Đây, chùm ống sáo giương lên các con mắt. Kia, trên miệng bình, thay vào chùm hoa là một bầy chim chỉ thấy mắt là mắt. Tạt sang tranh Hoa thảo mưa (không dự triển lãm) thấy hàng trăm chấm trắng xen và chồng lên nhau, là những giọt mưa, giọt sương, như những con mắt. Nhiều tranh có con mắt như vậy. Hẳn là người đàn ông mù tài hoa kia đã khiến thi sĩ được thức tỉnh rằng xưa nay trên khắp cõi thế gian này, từ vật vô tri đến vật hữu giác, đều có mắt. Trời có mắt để tất cả đều biết nhìn. Thi sĩ thuật lại giây phút hiếm hoi và kỳ lạ khi ông trông vào đôi mắt người nghệ sĩ mù như sau: “Ông hướng đôi mắt mù về phía chúng tôi (…) Tôi kéo ghế mời ông ngồi và khẩn khoản nói với ông rằng tôi muốn nghe một khúc nào đó mà ông muốn thổi nhất. Và khoảnh khắc ấy, tôi thấy một đôi mắt khác vừa mở trong chính đôi mắt mù của ông (…) Tôi hoàn toàn tin sự thật này: sự thật có một đôi mắt mở và thấu đến tận cùng trong chính đôi mắt mù ấy” (đoản văn…, đã dẫn). Phải chăng, do nỗi khao khát khắc khoải từ nhiều năm muốn được gặp lại người thổi sáo kỳ lạ có đôi mắt mù kia một lần nữa là bất khả mà thi sĩ đã dâng biếu ông trăm nghìn con mắt của con người và vạn vật trên thế gian trong các tác phẩm hội họa tâm đắc của mình, cũng là “giúp cộng đồng thế giới” thay ông dõi nhìn thấu suốt vào tất cả mọi nỗi đau, phiền muộn, cùng niềm vui, nỗi phấn khích khát vọng về cái đẹp, cái cao thượng, lẽ huyền vi của mỗi con người và cả nhân loại. Con mắt là một biểu tượng thực thể văn hóa linh diệu nhất, mang giá trị tinh thần về cái đẹp sâu sắc vào bậc nhất. Bàn tay, một biểu tượng gần gũi cũng rất đáng chú ý ở tranh Nguyễn Quang Thiều. Các ngón tay thường dài, mỗi ngón cũng có mắt, có trường hợp mắt ở giữa bàn tay. Đấy là bàn tay lao động, là tay này nắm tay kia, thân thiện. Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay (tục ngữ). Con mắt nhìn thấu thế gian, trời đất, lòng người; bàn tay không chỉ biết cầm, nắm, làm mọi việc mà còn biết nhìn. Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay là hình ảnh có sẵn trong văn hóa Việt, ở đó tay và mắt dành cho một người, mắt riêng, tay riêng. Tranh Nguyễn Quang Thiều nói rằng, có khi mắt ở trong tay và dõi nhìn thế gian từ mọi chốn.

Cây cũng là một biểu tượng. Nguyễn Quang Thiều có bài thơ dài Cây Ánh Sáng nhưng tranh lại có bốn tác phẩm mang tên Cây đời. Nhưng Cây đời và Cây Ánh Sáng không thể không có mối liên hệ. Cây là bạn quý, là ân nhân của người, tượng trưng cho đời sống tươi đẹp, bền vững, bất khuất, trung thực, tự do, biểu trưng của chân lý, sức sống trường tồn của nhân loại… Cây Ánh Sáng là nỗi niềm cao đẹp mà nhân vật trữ tình trong thơ đã tôn vinh, là biểu tượng vĩ đại nhất tỏa mãi tán lá xanh ban mai khổng lồ.

Trong mọi bức tranh của Nguyễn Quang Thiều còn là những mảng chữ in, chữ viết, con số. Chữ in thường tồn tại ở dạng cắt dán từ sách, báo. Đấy là tín hiệu thẩm mỹ về văn hóa và học vấn. Xét bao quát, đó là biểu tượng văn hóa chữ viết. Văn hóa chữ viết, văn hóa ngôn từ là gương mặt ưu thế tiêu biểu nhất, là đặc thù của văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam thể hiện chủ yếu thông qua ngôn từ mà chữ viết là phương tiện chuyên chở. Bản sắc dân tộc Việt thể hiện tập trung nhất, cao độ nhất ở chữ viết, văn chương. Văn hiến Việt Nam có được từ thư tịch và hiền tài. Đâu phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Quang Thiều nhắc đi nhắc lại chữ viết đến trăm lần trên cành cây, trên thân thể người, trên mọi vật dụng quen thuộc.

Như vừa nêu ở trên, sàng lọc lại, chúng ta thấy có biểu tượng: mắt, cây và chữ là nổi bật nhất. Những hình ảnh chim, cá, lọ, chum, vại cũng xuất hiện với tuần suất cao, chúng đan xem vào hệ thống hình ảnh chung để tôn lên ba thông điệp chủ yếu mà họa sĩ muốn gửi đến người thưởng lãm.

Bản sắc dân tộc hiện rõ trong hệ thống các chi tiết của tranh, dồn tụ ở những biểu tượng văn hóa Á Đông và văn hóa Việt. Khó tìm ra cái gì đó khiến người xem liên tưởng đến “Tây phương hóa” mà chỉ thấy hoàn toàn Việt Nam và đang hướng về tính nhân loại phổ quát.

Thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn thuộc làng Chùa bên bãi bờ sông Đáy quê ông cùng đất nước Việt Nam chứ không hề Tây hóa, thậm chí còn khá đậm hình ảnh gia đình, thôn làng, bờ bãi, cây cối, gia súc của cư dân nông nghiệp lúa nước. Ông chỉ chống lại sự giống người khác mà thôi. Tranh của ông cũng vậy, dù không “sao chụp” ngang bằng từ thơ sang. Trong chùm ba tác phẩm đoản văn về ba giấc mộng, ông tiết lộ về tình cảm gắn bó của mình đối với quê nhà: “Ngay trong một khách sạn năm sao ở nước Úc, bất chợt tôi thấy sực mùi rơm mốc trong mưa. Tiếng ếch kêu trong những đêm tháng Bảy. Tiếng nhái râm ran buổi hoàng hôn ven chân đê. Mùi cám lợn nồng ngái. Tôi đã đến cái tuổi không thể nào sống xa cố hương mình cả đời được nữa”(4).

3.

Nguyễn Quang Thiều bước vào thơ như bước vào cõi mộng, ông bước sang hội họa cũng vậy. Trong thơ và một số đoản văn (như thơ văn xuôi) ông nói nhiều đến giấc mộng. Nhiều tác phẩm, từ tập thơ Sự mất ngủ của lửa trở đi, nhất là về sau, là mộng ảo triền miên, dào dạt. Ông bày tỏ: “Tất cả những giấc mộng cũng chính là một khoảnh khắc dài hay ngắn của một đời sống có thực mà tôi được sống”… Đối với ông nếu cõi mộng trong thơ là một thế giới thì cõi mộng trong hội họa không phải tương đương mà được biến tấu sang một thế giới mộng ảo khác. Từ ấy mà cõi mộng tăng thêm huyền bí nhiều lần. Tác giả từng tâm sự rằng ông không học khoa học nhưng đọc vật lý lý thuyết một cách đắm mê nhất. Nhà thơ thấy niềm đắm mê và vẻ đẹp đầy huyền ảo giống như thi ca của vật lý lý thuyết. Những điều ấy mang lại cho ông cách cảm nhận thế giới, hiểu thêm thế giới, cách để tiếp thu nó và bày tỏ theo cách của mình.

Tranh Nguyễn Quang Thiều có nét vẽ mềm mại, uốn lượn bất ngờ; màu sắc ít chói gắt mà nhiều ấm áp, trong trẻo. Ông say mê và tốn nhiều công sức khi thể hiện những đơn vị hình ảnh quá nhỏ bé nhưng lại muốn chúng được phô ra rõ ràng. Đối với tranh quá nhiều chi tiết, lại khác biệt về chủng loại, thì Thiều vẫn giữ được đường nét, màu sắc luôn luôn tương thích, chúng vừa ở trong tầm kiểm soát của họa sĩ vừa tạo cảm giác riêng mỗi trường hợp là một hình ảnh vật lý. Tác giả vẫn đưa ra được một tổng thể hình tượng để người xem tranh biết được cái toàn bộ. Mọi thao tác cầm cọ ấy đã đành thuộc về chủ thể sáng tạo, đồng thời cũng có thể cho rằng nghệ thuật hội họa cùng nghệ thuật thi ca đã điều khiển Nguyễn Quang Thiều, khiến họa sĩ có cái nhìn bao quát và thông minh không chỉ bằng thị giác mà còn bằng tâm hồn.

__________

1. Báo Văn nghệ công an, 2/12/2019

2. Báo Văn nghệ công an, 25/3/2021

3. Báo Văn nghệ, 21/11/2020

4. Tạp chí Nhà văn và tác phẩm, số 15/2015 và sách “Người kể chuyện lúc nửa đêm”, Nxb Trẻ, 2016

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2022


Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.