Tháng 4/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vấp phải khá nhiều phản ứng từ chuyên gia giáo dục, giáo viên, học sinh bởi có quá nhiều môn học mới lần đầu xuất hiện, chương trình học nặng nề.
Tiếp đến, để kịp chấn chỉnh những bất hợp lý nói trên, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chính thức nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ cho phép lùi thời gian triển khai chương trình nói trên. Đến tháng 10/ 2017 tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã chấp thuận thời điểm 2020 sẽ thí điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời yêu cầu sau khi có những kết luận cụ thể mới triển khai đại trà.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, những bất cập của Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa hẳn đã kết thúc.
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Vội vã hay thiếu kiểm chứng.
Ngày 20/1, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình sách giáo khoa mới tại Hà Nội với 30 điểm cầu. Tại Hội nghị, thông tin từ Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố đã không khỏi khiến người ta giật mình. Theo đó, với một số môn mới đưa vào chương trình sẽ phải tuyển mới hoàn toàn, đặc biệt với môn ngoại ngữ đang thiếu nghiêm trọng ở cấp tiểu học. Cụ thể, hiện cả nước thiếu khoảng 5.616 giáo viên tiếng Anh, 5.607 giáo viên tin học ở tiểu học. Căn cứ vào lộ trình triển khai, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2023 - 2024, mỗi năm sẽ phải tuyển bổ sung khoảng 2.000 giáo viên tiếng Anh và 2.000 giáo viên tin học. Chưa kể, hầu hết các Sở Giáo dục n& Đào tạo đều cho rằng thời gian không đủ để chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đáp ứng dạy học tốt cho chương trình mới này.
Trên thực tế, câu chuyện thừa và thiếu giáo viên đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ đối với những người trong giới, mà hầu hết tác động đến toàn xã hội. Còn nhớ cách thời điểm hiện tại chừng ba, bốn năm, câu chuyển tuyển mới giáo viên, đào tạo hệ cử tuyển thông qua hình thức đào tạo từ xa của không ít trường đại học, các Viện đại học một cách thiếu kiểm soát đã để lại hậu quả nặng nề là hàng nghìn giáo viên thất nghiệp. Các trường khối sư phạm rơi vào cảnh chợ chiều khi nhiều ngành, nhiều khoa không có sinh viên theo học. Để khắc phục tình trạng thất nghiệp sau đào tạo, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã siết chỉ tiêu tuyển sinh, gợi mở các Sở giáo dục & Đào tạo có hình thức chuyển đổi giáo viên từ các điểm trường thừa giáo viên đến các điểm trường còn thiếu trên cùng một địa bàn. Nhờ đó, phần nào đã giảm đi đáng kể áp lực về cung- cầu giáo viên. Tuy nhiên, giải pháp tình thế nói trên cũng nhanh chóng trở nên bất khả thi, khi giáo dục thực sự bước vào đổi mới. Nhiều cấp học, ngành học nhanh chóng bộc lộ điểm yếu. Nếu như cấp cơ sở, trung học cơ sở thừa giáo viên,thì hệ Mần non rơi vào cảnh nhiều trường, nhiều lớp thiếu giáo viên nghiêm trọng. Sáng kiến đào tạo lại giáo viên dựa trên ý thức chủ quan “ miền là giáo viên thì dạy cấp nào cũng được” đã nhanh chóng được triển khai. Hàng loạt giáo viên tiểu học trở thành giáo viên mầm non… Và hệ quả, cực chẳng đã, nhiều giáo viên đã phải viết tâm thư gửi lên Bộ, lên Thủ tướng về cách làm và những quyết định vội vã nói trên.
Giáo dục là một công việc hết sức khó khăn, nó đòi hỏi phải có thời gian và những lớp lang nhất định. Và vì vậy, Giáo dục không thể chọn phần đầu, phần ngọn hay đi từ giữa đi lên mà phải tuần tự từ gốc đến ngọn. Chương trình giáo dục cũng vậy, cần phải xây dựng nền móng thực vững mới có thể có những cú xuất kích ngoạn mục đi đến thắng lợi.
Không chỉ có môn Anh văn rơi vào tình trạng thiếu giáo viên, mà nhiều môn như Tin học,hội họa, âm nhạc và Trải nghiệm sống cũng có chung cảnh ngộ.
Dục tốc bất đạt
Thiếu giáo viện, nhưng khi viết chương trình giáo dục, đào tạo lại bỏ qua yếu tố con người- chủ thể hoàn thiện quá trình đào tạo, là một thực tế của giáo dục Việt Nam. Thực ra câu chuyện này không mới, và những bất cập của nó đã được xã hội chỉ ra và Bộ Giáo dục &Đào tạo cũng nhận thức đầy đủ, từng bước khắc phục. Tuy nhiên, do độ chễ của quá trình khắc phục kéo dài dẫn đến việc thừa- thiếu giáo viên vẫn còn là bài toán nan giải.
Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Việt, Bộ đã xây dựng đề án đào tạo Tiếng Anh tầm nhìn 2020- 2030. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có đánh giá cụ thể về đề án. Nhưng ghi nhận chung thì hiện tại giáo dục bậc cơ sở, phổ thông cơ sở vẫn tồn tại hai giáo trình dạy Tiếng Anh. Lý do là nhiều trường, giáo viên không đạt chuẩn trình độ Châu Âu nên không thể triển khai sách giáo khoa mới. Và vì vậy, mong muốn đưa tiếng Anh trở thành môn học chính, môn điều kiện thi chuyển cấp toàn quốc chưa thể thực hiện được.
Đại diện Bộ Giaos dục & Đào tạo khuyến cáo các địa phương cần ưu tiên tuyển dụng giáo viên tiểu học và tiếng Anh, tin học, nhằm bù đắp vào lượng giáo viên còn thiếu, hạn chế hoặc không tuyển các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, vì các môn học này giáo viên tiểu học đã được đào tạo để dạy. Giải pháp tình thế này có thể sẽ bù đắp phần nào nhu cầu giáo viên ngoại ngữ, nhưng sẽ đẩy không ít giáo viên âm nhạc, họa vào tình cảnh thất nghiệp.
Tư duy “ăn xổi” một lần nữa được lập lại.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng đã thẳng thắn đề cập đến tình huống không thể tuyển đủ giáo viên. Bộ giáo dục & Đào tạo cũng cho biết Bộ đang xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên cho chương trình mới. Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết, các trường sư phạm sẽ đào tạo giáo viên dạy các môn theo chương trình môn học mới ví dụ như: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Cùng với đó, Bộ cũng sẽ thực hiện lộ trình lựa chọn giáo viên cốt cán bồi dưỡng trước. Theo đó, mỗi môn học sẽ có 2 giáo viên được lựa chọn/ tỉnh/ thành phố để bồi dưỡng cốt cán khoảng 8 ngày vào kỳ 2 năm 2019. Sau đó, Bộ sẽ tổ chức bồi dưỡng giáo viên đại trà qua mạng. Bên cạnh đó, Bộ cũng lên kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp. Theo tính toán, mỗi giáo viên sẽ phải học thêm 20 tín chỉ (mỗi tín chỉ 15 tiết) để dạy tích hợp. Khi đó, giáo viên Lịch sử có thể dạy cả Địa lý và ngược lại, đảm bảo tất cả giáo viên sẽ đáp ứng được các yêu cầu của đổi mới giáo dục.
Đó là lộ trình đã được định sẵn, còn triển khai đến đâu, triển khai thế nào để đạt kết quả cao nhất lại là câu chuyện hạ hồi mới rõ. Nhưng với cách triển khai chương trình giáo dục đào tạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo, không khỏi khiến dư luận đặt câu hỏi, dường như Bộ đang làm chương trình trong tư thế “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Nguồn Văn nghệ số 4/2018