Diễn đàn lý luận

Đón đợi văn trẻ từ tầm nhìn văn hóa

Lý luận phê bình
08:35 | 22/11/2020
Tôi thích cách đánh giá của một nhà phê bình văn học nhân sự xuất hiện của một cây bút nữ trẻ cách đây hơn hai mươi năm, người “cứ thế bước ào vào văn chương”. Nhưng cũng có người nhận định ngược lại, với nghề viết tốt hơn là “chầm chậm tới mình”. Cả hai cách đánh giá về sự xuất hiện của Văn trẻ đều có cái lí, cái tình của nó, cũng bởi trong lĩnh vực sáng tạo đặc thù này mọi nẻo đường dẫn đến văn chương là hoàn toàn không giống nhau, có thể chấp nhận.
aa

Tôi thích cách đánh giá của một nhà phê bình văn học nhân sự xuất hiện của một cây bút nữ trẻ cách đây hơn hai mươi năm, người “cứ thế bước ào vào văn chương”.

Nhưng cũng có người nhận định ngược lại, với nghề viết tốt hơn là “chầm chậm tới mình”. Cả hai cách đánh giá về sự xuất hiện của Văn trẻ đều có cái lí, cái tình của nó, cũng bởi trong lĩnh vực sáng tạo đặc thù này mọi nẻo đường dẫn đến văn chương là hoàn toàn không giống nhau, có thể chấp nhận. Nhưng chấp nhận không phải theo cái tâm thế “đành lòng vậy cầm lòng vậy”, mà là theo tinh thần đón đợi - chào đón và chờ đợi. Đánh giá một cây bút trẻ mới xuất hiện trên văn đàn đã là khó, huống hồ với cả một đội ngũ Văn trẻ gồm nhiều thế hệ từ 8X đến 9X như cách người ta vẫn gọi hiện nay. Thiết nghĩ đối với Văn trẻ, thái độ của chúng ta cần thiết phải bình tĩnh, nghĩa là không vội lạc quan để rồi thất vọng và cũng không vội bi quan để rồi quay lưng với họ.

Một số cây bút trẻ dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 - năm 2016

Cổ nhân vẫn chỉ bảo chúng ta về những điều kiện thành công của một con người trong lập nghiệp (và rộng ra cả một thế hệ) là cần hội đủ ba yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Phải nói ngay rằng Văn trẻ bây giờ đang sở hữu cả ba tiền đề đó, họ có nhiều lợi thế hơn các thế hệ đi trước. Nếu tính từ sau năm 1945 (chỉ cần nhớ lại thời kì những năm 1955-1960), chưa bao giờ nhà văn Việt Nam lại được tự do bộc lộc cá tính như bây giờ. Họ có thể viết tất cả những gì mình quan tâm thích thú, kể cả mặt trái của đời sống xã hội. Họ có thể bộc bạch những chuyện riêng tư thầm kín nhất của cá nhân mình mà đáng lẽ những chuyện đó chỉ nói trong phòng kín và chỉ khi có hai người. Họ có thể viết tùy thích miễn là không phạm luật (xuất bản và báo chí). Họ viết nếu không được in thành sách (vì một lí do nào đó) thì họ công bố và phổ biến bất tận trên mạng. Văn trẻ bây giờ hơn các thế hệ trước ở sự tự do thông tin khi internet đến Việt Nam (từ năm 1997), thậm chí đôi khi họ bị “bội thực” thông tin. Văn trẻ bây giờ không phải xếp hàng để in tác phẩm của mình như các thế hệ cha anh, nếu cần họ sẽ bỏ tiền túi ra hoặc đi tìm nhà tài trợ, cũng bởi trong xã hội hiện nay không thiếu các đại gia là các mạnh thường quân! Nói như thế để thấy trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, để có một sản phẩm tốt nhiều khi không lệ thuộc vào các điều kiện về tài chính, thiết chế xã hội hay quyền tự do của nghệ sĩ. Sẽ hình dung như thế nào về đời sống văn chương đương đại Việt Nam nếu thiếu Văn trẻ, nói như thế để thấy sự quan tâm của xã hội đến lực lượng này là căn cứ theo quy luật phát triển “tre già măng mọc”. Hội nghị những người viết văn trẻ lần tổ chức định kỳ là một sự kiện, một bằng chứng về sự quan tâm của Hội Nhà văn Việt Nam chăm lo bồi dưỡng và phát triển những “hạt giống” cho những mùa bội thu sau. Phải thừa nhận là Văn trẻ có cái sắc thái táo bạo, phá cách trong sáng tác, phải thừa nhận là văn trẻ có ý thức làm mới văn chương khi đa số quyết liệt tìm cách viết mới, phải thừa nhận là trong hai thập kỉ đầu của thế kỉ XXI, nếu có hiện tượng nào trên văn đàn Việt Nam thì có sự tham dự của Văn trẻ. Nhưng cũng phải thừa nhận là chưa có lĩnh vực nào mà sự sàng lọc và đào thải lại khắt khe đến tàn nhẫn như trong nghệ thuật ngôn từ. Văn trẻ đang ở trong tình trạng mặc dù được đón chào khá nồng nhiệt nhưng lại dễ dàng bị lãng quên nhanh chóng. Đó là một sự thật dẫu có đau lòng cũng phải thẳng thắn nói ra. Gần đây người ta hay trích dẫn câu thơ của Trần Dần “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời” để nói về sự trói buộc của hoàn cảnh một thời đối với người sáng tác. Nhưng ngẫm ra những tài năng văn chương đích thực từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều là những người sáng tạo ra những chân trời mới.

Đội ngũ Văn trẻ bây giờ, nếu tính về số lượng là đông đúc, hùng hậu, nhưng dường như chưa nhìn thấy gương mặt nào sáng giá, nổi đình đám và làm cho văn đàn Việt Nam khởi sắc tựa như sự xuất hiện của các thi sĩ lãng mạn thời Thơ mới (1932-1945) ngày trước? Văn trẻ viết miệt mài và sách của họ “phủ sóng” thị trường sách văn học hiện nay mà vẫn cứ gieo niềm nuối tiếc với độc giả là không tìm thấy tác phẩm của họ? Có người biện giải Văn trẻ chưa bứt phá lên được là do sức ép của cơ chế thị trường, nhưng cũng là cơ chế thị trường sao người Mỹ làm phim, viết văn vẫn hay và đắt khách, đắt hàng đến thế? Có người bênh vực Văn trẻ đang chịu sự lấn sân và lấn lướt của văn hoá nghe nhìn, nhưng nếu Văn trẻ thực sự có nội lực mạnh thì tại sao lại không cạnh tranh được với nó? Có người cay đắng nhận xét văn chương nói chung và Văn trẻ nói riêng đang mất vị thế trong cuộc sống xã hội hiện đại, đang bị đẩy ra ngoại biên trong đời sống văn hoá nói chung…

Một trong những nguyên nhân khiến cho Văn trẻ chưa đáp ứng được nguyện vọng của xã hội, theo tôi, có lẽ xuất phát từ quan niệm về văn chương. Đã có người cách đây chưa lâu đưa ra một tuyên ngôn xanh rờn khi xem văn chương là một “trò chơi vô tăm tích” và xem ra cho đến nay vẫn còn nhiều người trong Văn trẻ hô ứng một cách tuẫn tiết. Thật ra thì trong quá khứ đôi khi chúng ta cũng đã quan trọng hóa quá mức vai trò của văn chương, nhưng nếu coi nó là một trò chơi “vô tăm tích” thì lại rơi vào một cực đoan khác. Tâm thế của Văn trẻ bây giờ nhiều khi cũng đáng suy nghĩ khi không ít trong số họ không hề có ý nguyện “sống chết” với văn chương đã đành, nhưng cũng không mấy mặn mà với nghề chữ này. Tôi đã thấy có người viết được một vài tác phẩm đọc được bỗng dưng “mất tích”, sau này mới biết được họ đã bình thản giã từ sự viết và thậm chí hình như không hề nuối tiếc một điều gì. Lại có một số người có khát vọng làm mới văn chương bằng cách hướng ra thế giới với tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhưng đã xảy ra một tình trạng đáng tiếc là bộ lọc của họ chưa tinh xảo nên sự tiếp biến chưa có hiệu quả. Một số người dường như cố tình khước từ truyền thống văn chương dân tộc có bề dày và thành tựu nhiều thế kỉ. Ai đã đọc công trình Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của thi sĩ Xuân Diệu mới thấm thía cái cách thi nhân tự làm giàu mình bằng con đường học tập các bậc tiền bối của dân tộc. Theo hồi ức của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khi còn sống, thì thi sĩ Xuân Diệu viết tiểu luận cuối cùng dành cho những người viết trẻ Sự uyên bác với việc làm thơ. Ông mất ngày 18/12/1985, thì sáng 19/12/1985 bài viết cuối cùng của thi sĩ được trình bày tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc (theo báo Văn nghệ, số 36+ 37 ra ngày 3/9/2011).

Văn trẻ hướng sự viết vào cái “tôi”, tất nhiên, nhưng xem ra chưa quan tâm đến mối quan hệ máu thịt, bền chặt giữa cái “tôi” và cái “ta” một cách biện chứng nên khi thiếu mối liên hệ này, nhà văn sẽ vô tình hoặc cố ý quay lưng lại đời sống của nhân dân mình. Ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh tỏ ra thuyết phục cả tình, cả lý: “Văn trẻ giỏi thêu thùa cho bản thân nhưng kém vá may cho người khác”. Văn trẻ, theo chúng tôi, có nguy cơ bị “đứt rễ” với mảnh đất màu mỡ của đời sống nhân dân vốn luôn luôn là nguồn dinh dưỡng tinh thần cho sáng tạo nghệ thuật. Đọc Văn trẻ nhiều người có cái cảm giác thiếu vắng hơi thở của đời sống thực bao quanh ta đến mức có thể sờ mó được đường nét, hít thở cảm nhận được mùi vị, lắng nghe đựơc các cung bậc âm thanh… của một thế giới sống động, sinh sắc và sinh thành. Có thể cắt nghĩa tồn tại này bằng việc chỉ ra cách huy động vốn sống gián tiếp khi sáng tác của Văn trẻ. Đành rằng người viết trẻ không đi thực tế để tích lũy vốn sống như ngày trước, nhưng nếu dựa hẳn vào tài liệu gián tiếp qua các kênh thông tin của các phương tiện truyền thông và sự hỗ trợ của kĩ thuật thì ắt dẫn đến hệ quả là tác phẩm nhiều “chữ” nhưng có thể thiếu hụt “nghĩa”. Tôi muốn nhắc lại một ý kiến tâm huyết của nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989) về vấn đề này: “Mỗi nhà văn gắn chặt với số phận dân tộc và đất nước mình - như cái đai của người mẹ quấn quanh mình đứa trẻ. Và hình như còn hơn thế nữa. Người nghệ sĩ là một đứa con của đất nước mà chỉ có nó mới có thể giao cảm hết những cái vui buồn và nhọc nhằn của người mẹ - cả những điều mà người mẹ không bao giờ nói ra” (Nguyễn Minh Châu - Di cảo, Nxb Hà Nội, 2009, tr.363).

Tinh thần đón đợi Văn trẻ, theo tôi, vừa phải đặt ra những yêu cầu cao để họ phấn đấu hết mình, lại vừa kiên nhẫn chờ đời những cuộc bứt phá ngoạn mục vào những khúc ngoặt bất ngờ nhất. Như ai đó triết lí rằng, chờ đợi là một nghệ thuật và cũng là một hạnh phúc. Nhưng chờ đợi chưa đủ, phải thúc đẩy Văn trẻ tiến lên phía trước. Gần đây chúng ta vui mừng nhận thấy những tín hiệu đáng mừng nhằm tái khởi động nhiệt huyết của Văn trẻ. Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam đã năng động hơn trước, đã biết tổ chức và có những giải pháp thiết thực để phát huy nội lực của người trẻ sáng tác văn chương. Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và nhiều báo chí, nhà xuất bản khác thực sự là một sân chơi văn chương khá đặc sắc của những người viết trẻ trong tình hình hiện nay. Đặc biệt Hội đồng Lý luận và phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã có những quyết sách đúng đắn và kịp thời để huy động sức mạnh tổng hợp của cả đội ngũ sáng tác văn chương nói chung và đội ngũ Văn trẻ nói riêng. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án Đào tạo tài năng sáng tác văn học. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (trực tiếp là Khoa Viết văn – Báo chí) vinh dự được giao thực hiện Đề án có tính chất chiến lược và ý nghĩa văn hóa – nhân văn này (từ năm học mới 2020-2021, Khoa Viết văn - Báo chí bắt đầu tuyển sinh theo Dự án đào tạo mới với chế độ ưu đãi). Văn chương đang có một cuộc chuyển mình âm thầm nhưng khá quyết liệt, diện mạo của nó đang rõ ràng “thay da đổi thịt”, một phần có công sức của Văn trẻ. Đón đợi văn trẻ vừa là chờ đợi vừa là kì vọng, trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Viết tiểu luận này, tôi nhớ đến ý kiến tâm huyết của nhà văn Anh Đức: “Văn học của một xứ sở, theo tôi dù muốn hay không, đó vẫn là một cuộc hành trình liên tục, tự nhiên giữa các thế hệ cầm bút, chỉ có khác là mỗi thế hệ gánh vác với những sứ mệnh khác nhau, và sứ mệnh ấy không thể tách rời vận mệnh chung của dân tộc” (Anh Đức tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.22).

Nguồn Văn nghệ số 47/2020


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.