Sự kiện & Bình luận

Đón Tết nơi xứ người

Bùi Hệ
Đời sống 10:20 | 16/01/2025
Theo nhà báo Pierre Daum, trong Thế chiến thứ Nhất (1914-1918), đã có khoảng 50.000 người Đông Dương được đưa sang Pháp để làm việc trong các xưởng đóng tàu và xưởng vũ khí. Họ được đặt dưới quyền quản lý của một đơn vị trực thuộc Bộ Thuộc địa; một nửa được sung làm thợ trong các nhà máy hoặc thợ đào đắp đất, 5.000 người làm tài xế xe tải, 8.000 y tá và 12.000 công nhân quốc phòng . Cho đến nay, thông tin về cuộc sống của những người Việt sang Pháp trong hai cuộc Thế chiến vẫn còn nhiều góc khuất. Bài báo của René Dubreuil trên báo Paris Soir cho chúng ta biết thêm về một cái Tết cổ truyền trên đất Pháp của một bộ phận lính khố đỏ Việt Nam tham gia Thế chiến thứ Nhất.
aa

Không xa Verdun, trên đường lớn, tôi gặp anh Thanh, một lính khố đỏ An Nam. Anh cầm xấp bì thư do chỉ huy tiểu đoàn 6 gửi cho sĩ quan chỉ huy đại đội 1. Anh rất tự nhiên kéo tôi lại:

- Nếu anh muốn xem Tết, thứ 3 này đến R[i]. Đẹp lắm, không đâu bằng.

Thanh hồ hởi miêu tả cho tôi việc sửa soạn của anh và các đồng chí để long trọng đón Tết, một dịp giống như ngày đầu năm mới ở ta [nước Pháp - ND] nhưng phong phú hơn, thịnh soạn hơn mà tôi không thể bỏ lỡ.

Đón Tết nơi xứ người
Lính khố đỏ An Nam đầu thế kỷ XX (nguồn: cheminsdememoire.gouv.fr)

Dù đại bộ phận lực lượng da vàng tập trung ở vùng Midi, đẹp và dễ chịu hơn, nhưng giữa những núi tuyết ở Meuse, dưới cái lạnh khủng khiếp và những làn gió cắt da cắt thịt, vẫn có khá đông những người lính nhỏ bé mắt xếch và răng đen. Trên những con đường đóng băng láng bóng, đôi chân của họ liên tục chạy đi chạy lại và họ sưởi ấm bên những bếp lò luộc bánh chưng.

[...]

Khi tôi đến R., nơi những người lính da vàng đang đồn trú, tôi kinh ngạc trước sự nhộn nhịp ngự trị khắp làng. Quân đội đóng ở đây được lệnh đến dự ngày hội Bắc Kỳ và họ cũng được yêu cầu không tỏ thái độ giễu cợt đối với những nghi thức hay tập tục xa lạ.

Lễ hội bắt đầu lúc 8 giờ tối. Đoàn rước rời doanh trại, phía trước có trống và kèn của quân đội chính quốc. Nhiệt độ là âm 12 độ C và tuyết dày 20cm tạo thành một tấm thảm khá mềm. Nhưng đã có niềm vui sưởi ấm. Hơn nữa, chẳng phải còn có vô số ngọn đèn kỳ lạ do bàn tay khéo léo của lính khố đỏ làm ra đấy ư? Bạn hãy thử hình dung đám rước. Trong đêm, ánh trăng chiếu rọi những đống tuyết trắng xóa, những con rồng phun lửa, theo sau là rất nhiều đèn lồng kỳ thú, chầm chậm tiến lên. Những linh vật này làm bằng giấy màu. Chúng có mắt bạc và lưỡi vàng. Xung quanh chúng, đèn lồng nhảy múa. Còn có những con cá chộn rộn, những ngôi sao, những ngôi chùa nhỏ xíu, những ngọn đèn kéo quân. Và chuỗi ánh sáng bất tận này, bay lượn khắp làng theo bước chân của những người lính da vàng, đưa ta đến châu Á xa xôi. Nhưng ta vẫn đang ở Meuse. Thỉnh thoảng, những khẩu đại bác gần đó hòa lẫn vào tiếng kèn, tiếng trống và tiếng cười nói những tiếng vọng dữ dội của chúng, làm rung chuyển cửa kính các nhà.

Đám rước đến lâu đài chào chỉ huy lữ đoàn, trưởng đồn và chỉ huy tiểu đoàn 6. Các sĩ quan đợi lính khố đỏ trên thềm nhà và nhận quà của những người lính nhỏ bé dũng cảm này. Món quà rất giản dị: một bó hoa. Hoa hái trong rừng gần doanh trại, những bông hoa giấy xinh xắn, những bông hoa có bướm vờn quanh như ở xứ sở thần tiên, buộc nhiều dải dây dài.

Đón Tết nơi xứ người
Những người lính An Nam ở Paris nhân ngày quốc khánh Pháp năm 1916 (nguồn: histoire-image.org)

Nói về lễ hội dân gian, Bắc Kỳ không cần phải ganh tị với chúng ta. Ở đó, người ta thường uống rượu khi vui. Ở R. tối hôm đó, chỗ nào người ta cũng uống rượu đợi trời sáng. Ở quê nhà họ, người An Nam ăn Tết suốt 30 ngày. Họ đổ hết tiền vào lễ tết. Nhưng giờ là thời chiến. Tết rút ngắn còn 2 ngày hoặc 3 ngày nếu thuận lợi và có thể 4 ngày nếu quân Đức không có động tĩnh. Lần này, quân Đức đã làm vậy. Và các nghệ sĩ có dịp tự do thể hiện. Kịch An Nam không cần sân khấu. Người ta trả thù bằng lời thoại và vở hài kịch khiêm tốn nhất hay vở bi kịch đen tối nhất kéo dài ít nhất 4 ngày với những màn vũ đạo, những vụ ám sát, những cuộc tình hay những vụ trả thù khủng khiếp.

Thật lòng mà nói, tôi không nhận ra cái hay của vở kịch. Tôi đã hỏi anh chàng 27. 27 là một thượng sĩ người An Nam. 27 là số đăng ký của anh, tên của họ khó đọc quá nên người ta dùng số để gọi.

27 cho tôi biết rằng thực ra trong sân khấu An Nam, có một vở kịch mà ai cũng biết và mỗi người thưởng thức theo cách riêng. Dưới mỗi cái mũ capot của lính khố đỏ có một tâm hồn nghệ sĩ.

Và chúng tôi chứng kiến những chiêu thức quỷ quái của tà ma, những vũ điệu dễ thương của đôi lứa, những màn so tài của các đối thủ, những lời khiển trách của phụ huynh.

Trong lúc vở kịch diễn ra, dàn nhạc cũng hoạt động không biết mệt mỏi. Nhạc cụ gồm một cái gamen, một khay đựng cơm, một cái hộp gỗ trên cắm ống mềm tạo âm thanh.

Đơn sơ và dễ nghe.

Dù sao đi nữa, những anh lính quả cảm này đều rất vui. Vở kịch kéo dài đến tối. Nó còn tiếp tục vào hôm sau và thậm chí cả hôm sau nữa. Vở kịch có thể kéo dài suốt đời. Những người lính khố đỏ vui vẻ xem kịch và môn nghệ thuật mà họ yêu thích không có bắt đầu hay kết thúc.

Trong 3 ngày, 3 đêm, làng R. đã chứng kiến những giờ phút ồn ào và náo động. Lúc này, giấy màu dùng trong lễ hội đã có phần nhàu nát, nhưng những người lính An Nam dũng cảm đã có lúc tưởng rằng họ đang ở nhà, nơi có vợ con đang ngóng đợi. Họ đã tạm quên những giờ phút đớn đau. Họ vui tới mức không còn nghe thấy tiếng ồn của những trận đánh mà họ sẽ phải tham gia vào ngày mai...

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, hồ sơ RST73172

Bùi Hệ

---------------------------

[i] Có thể do yêu cầu bảo mật nên một số địa danh trong bài không được nêu cụ thể. Người dịch chưa xác minh được.

www.archives.org.vn
Kí ức cánh diều

Kí ức cánh diều

Baovannghe.vn - Những ngày sống ở phố thị ngột ngạt khói bụi, tôi thường dành một khoảng thời gian về chốn quê, nơi tôi có thể mơ về một cánh diều – cánh diều tự do theo gió bay cao, mang theo hết thảy mọi buồn vui, khó nhọc hòa cùng từng câu hát của mây trời.
Ban Chỉ đạo Triển lãm thành tựu KT-XH chính thức có Quy chế hoạt động

Ban Chỉ đạo Triển lãm thành tựu KT-XH chính thức có Quy chế hoạt động

Baovannghe.vn - Quyết định số 65/QĐ-BCĐ ngày 22/5/2025 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo “Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2025)” đã được Phó Thủ tướng Mai Văn Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành.
Nhà hát Chèo Việt Nam: Công diễn hai vở chèo cổ

Nhà hát Chèo Việt Nam: Công diễn hai vở chèo cổ

Baovannghe.vn - Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ công diễn vở “Trương Viên” và “Súy Vân” vào tối 28/5 và 28/6 tại Rạp Kim Mã (71 Kim Mã, Hà Nội).
Khai mạc Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam lần thứ 3 năm 2025

Khai mạc Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam lần thứ 3 năm 2025

Baovannghe.vn - Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp cùng Sở VHTT TP Huế đã Khai mạc Chương trình giao lưu, sáng tác Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam lần thứ 3 năm 2025.
Triển lãm tranh màu nước "Bóng xưa sắc hoa"

Triển lãm tranh màu nước "Bóng xưa sắc hoa"

Baovannghe.vn - Chiều 23/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm Bóng xưa sắc hoa, giới thiệu các tác phẩm màu nước của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính.