Sáng tác

Tiếng thét ngàn năm. Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Minh

Lê Ngọc Minh
Truyện
05:27 | 12/12/2024
Baovannghe.vn - Mùa đông năm Kỷ Tỵ (1389), đời vua Thuận Tông nhà Trần, Thăng Long có nguy cơ lại bị giặc Chiêm tấn công lần nữa, thế nên đã gần nửa tháng rồi, triều đình phải dạt sang phía tả ngạn sông Cái, cách kinh thành hơn mươi dặm.
aa
Tiếng thét ngàn năm. Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Minh
Tiếng thét ngàn năm - Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Minh

1.

Tại hành cung ở vùng Đông Ngàn, thượng hoàng Trần Nghệ Tông mà dân gian bách tính gọi là Nghệ hoàng đã thức trắng mấy đêm liền, sau khi Bình chương quân quốc trọng sự (Tể tướng) Hồ Quý Ly bị bại trận ở Ái Châu chạy về cáo cấp. Cáo cấp rồi viên mệnh quan đầu triều này xin được ban thêm tinh binh và chiến thuyền để chặn đại quân địch do Chế Bồng Nga ngự giá thân chinh đã tiến vào vùng Sơn Nam Hạ cách Thăng Long chỉ chừng trên dưới trăm dặm. Đây là lần thứ tư, Nghệ hoàng và vua Thuận Tông phải rời kinh thành qua phía Bắc, khi thì ở bến Bình Than, khi thì ở vùng Đông Ngàn thuộc trấn Kinh Bắc. Cứ cái đà này, chắc chắn không mấy bữa nữa, giặc lại vào kinh đô Đại Việt như đến chỗ không người, cướp sạch kho đụn, đốt phá điện bệ, bắt bớ nam thanh nữ tú đem về Chiêm làm nô lệ như các lần trước.

2.

Từ ngày lên ngôi báu, sau khi dẹp xong loạn tiếm cướp của Dương Nhật Lễ và hai năm sau đó nhường ngôi cho em trai là Duệ Tông để làm thái thượng hoàng, Nghệ hoàng đã chuyên chú gây dựng lại hào khí Đông A một thời lẫm liệt. Nhưng vực dậy một một triều đình đã từng bị tiếm cướp tanh bành không thể là công việc một sớm một chiều. Trong khi đó thì ở phía nam Đại Việt, nước láng giềng Chiêm Thành, từ năm 1360 đã xuất hiện một chúa giỏi, rất hiếu chiến là Chế Bồng Nga. Y ta lại có tay tể tướng kiệt hiệt là La Khai dốc lòng phò tá. Nhờ thế mà Chế Bồng Nga đã chấn hưng được nước Chiêm trở thành một quốc gia hùng mạnh sau quãng thời gian dài dặc suy đồi. Đối với Đại Việt thì đây là một thử thách tồn vong, vì từ năm 1367 đến 1389, Chế Bồng Nga đã mười hai lần Bắc tiến, tái chiếm các vùng đất châu Lý, châu Ô vốn đã được chuyển giao cho Đại Việt từ các triều vua Chiêm trước đó. Y cũng đã ba lần tấn công cướp phá kinh thành Thăng Long.

Đầu tháng 11 năm Kỷ Tỵ, y đem theo hàng vương Trần Nguyên Diệu, kẻ phải gọi Nghệ hoàng bằng bác cùng hàng trăm chiến thuyền cực lớn và các đội tượng binh hùng hậu Bắc tiến lần thứ mười ba, đánh Đại Việt với cớ giúp Trần Nguyên Diệu trả thù cho anh trai của hắn ta là Phế đế Trần Hiện. Bước đầu, Chế Bồng Nga tập trung chiếm Hoan, Ái để làm bàn đạp tấn công ra bắc, chiếm Thăng Long và thực hiện mưu đồ đưa Trần Nguyên Diệu lên ngôi đại thống nhà Trần.

Trước thế giặc dữ, Nghệ hoàng đã cử Bình chương quân quốc trọng sự Hồ Quý Ly, gia phong cho làm Chinh nam Đại tướng quân đem hơn mười vạn quân Thánh Dực và quân Long Tiệp vào châu Ái cự giặc. Chế Bồng Nga giả vờ sợ hãi bỏ chạy. Hồ Quý Ly không biết đó là trá, đem các đội sĩ tốt tinh nhuệ nhất trong quân Thánh Dực đuổi theo. Chế Bồng Nga liền dùng phục binh tấn công vu hồi hai phía và quay đại quân đánh quật lại. Quý Ly thua to, phải để lại các tùy tướng tâm phúc là Phạm Kế Vĩnh và Nguyễn Đa Phương thu thập tàn quân, cầm cự ở phòng tuyến phía tả sông Hoàng rồi về yết kiến Nghệ hoàng xin bổ sung binh mã, chiến thuyền để kịp thời chặn giặc.

Xưa nay Nghệ hoàng là người tính khí điềm đạm, làm việc gì cũng cân nhắc kỹ lưỡng, gặp phải lúc trong quân có tướng súy thua trận, mất đất, tổn binh, ngài đều xem xét đầu đuôi nguyên cớ rồi bao dung chỉ dụ bằng câu: “Được thua là việc thường của người làm tướng, nhưng việc không thường là phải biết nuôi mối hận báo quốc để đới công chuộc tội”.

Nhưng lần này, ngài giận dữ không cấp cho Quý Ly một tên quân, một chiến thuyền nào, mặc dù ông ta từ lâu đã được tiếng là vị sủng thần bậc nhất trong triều. Sở dĩ, Nghệ hoàng quyết liệt như vậy là vì khi tiễn Hồ Quý Ly ra cửa Dương Minh, ngài đã cầm tay viên Chinh nam Đại tướng quân, rỏ nước mắt, nói: “Ta nay đã già yếu, không đủ sức đẩy xe đưa tiễn nguyên súy qua mười dặm trường đình được. Nhưng ta phải căn cơ dặn ái khanh điều này, Chế Bồng Nga rất thao lược việc quân, y dụng binh như thần và thạo lối đánh mai phục. Vì thế, mỗi khi lâm chiến, ái khanh phải hết sức cẩn trọng dò đoán địa hình thế trận bên giặc, nếu chưa rõ mưu mô của chúng thì nhất quyết không được ra đánh, không được truy đuổi”. Ngài đã dặn dò kỹ lưỡng thế rồi nhưng Quý Ly vẫn mắc phải kế phục binh, mấy vạn quân chủ lực của triều đình bị đánh tan tác, hơn bảy mươi viên tướng dày dặn trận mạc bị bắt, bị giết.

Cơn giận của Nghệ hoàng càng như sôi lên, khi ngài được nghe cấp báo tiếp, hai viên tướng tâm phúc của Hồ Quý Ly là Phạm Kế Vĩnh và Nguyễn Đa Phương cũng đã bỏ quân, trốn đi. Bởi vậy, ngài không thèm hỏi han thêm Quý Ly về quyết kế đánh giặc Chiêm nữa và chấp nhận ngay việc ông ta xin trao trả binh quyền.

Kinh thành rúng động. Mỗi ngày không biết cơ man nào là tin tức kinh hãi dội về…

Trong lúc thế nước ngàn cân treo sợi tóc, triều đình long đong bên ngoài thành lũy kinh đô thì không ít quan lại và bách tính ở Thăng Long bí mật bỏ chạy lên xứ Đoài, sang Kinh Bắc, xuống xứ Đông,… Đường sá hỗn loạn, lòng người nao núng... Tết Canh Ngọ (1390) đang sầm sập đến từng ngày. Liệu trăm họ ở Kinh kỳ còn có cái Tết truyền đời nữa không? Hay là xã tắc miếu đường sẽ lại là chỗ giày xéo, vui thú ngông cuồng của quân xâm lược?

Cơn giận nguôi đi, Nghệ hoàng dần dần bình tâm lại. Ngài cố lược duyệt toàn bộ danh tính các mệnh quan, tướng súy trong triều nhưng vẫn chưa thấy ai có thể sánh được với Bình chương quân quốc trọng sự Hồ Quý Ly. Quý Ly tuy đã để xảy ra thảm cảnh thua quân, mất tướng, mất cả vùng Hoan Ái, đất căn bản của triều đình nhưng nay cử người khác mà không có thế lực và kinh nghiệm trận mạc bằng ông ta, liệu có làm nên tích sự gì không, nhất là lúc nhuệ khí tướng sỹ quân Trần trên chiến địa đang rã đám?

Trong cơn rã rời mệt mỏi vì tuổi già, vì mất ngủ nhiều đêm trước vận mạng của Đại Việt, một tia chớp bỗng lóe lên khiến Nghệ hoàng hoàn toàn bừng tỉnh. Ngài nhớ, năm trước khi ngự giá khảo thí các bài thi đình, ngài gặp bài luận nói về cách làm tướng của một ứng viên ngôi thái học sinh (tức tiến sĩ) là Trần Khát Chân. Ngài thích cách tư duy viễn kiến, lối lập luận giản dị của chàng sĩ tử mới mười tám tuổi này. Khi được hỏi về phép làm tướng, Khát Chân đã khảng khái trả lời: “Tâu thượng hoàng, người làm tướng, tâm phải vững như bàn thạch, trí phải biến báo như âm dương, lực phải đầy đủ bội giầu như kho đụn!”. Ngài hỏi tiếp: “Người tướng lâm trận phải thế nào?”. Khát Chân liền đáp: “Bẩm! Phải biết giặc hay dở ra sao; phải tường thiên văn khí tượng trời đất, phải thuộc địa lý chỗ quang, chỗ hiểm”. Ngài vặn: “Thế thì tìm ở đâu ra ở nhân gian này con người lỗi lạc ngang với người trời ấy?”. Khát Chân thưa: “Tâu thượng hoàng, nếu có thiên nhãn của đức Phật hoàng Nhân Tông thì sẽ chọn được một Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đánh giặc Nguyên Mông bằng mưu kế thần diệu; nếu có tấm lòng tướng sỹ mà tình nghĩa trên dưới cao trọng hơn cả tình cha con của đức Hưng Đạo Vương thì luôn thu nạp được những mãnh tướng như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng…”. Nghe thế, Nghệ hoàng cả mừng, lấy đỗ ngôi thái học sinh cho chàng trai trẻ tuổi Trần Khát Chân.

Sau đó, vì việc nước trăm sự ngổn ngang khiến Nghệ hoàng quên bẵng câu chuyện khảo thí mới xảy ra hồi năm trước.

Nay nhớ lại, ngài liền cho triệu viên thượng thư bộ Lại vào hỏi xem, Khát Chân đang ở đâu? Đảm nhiệm chức trách gì? Phải mất một lúc lâu, viên đại thần coi việc tuyển dụng bổ nhiệm quan chức của triều đình mới nhớ ra, thái học sinh Trần Khát Chân có thiên hướng võ bị nên được bộ Lại cho làm chức Đô tướng trong quân Long Tiệp… Viên thượng thư còn chưa tâu hết, Nghệ hoàng bèn hỏi gắt: “Sao chỉ là Đô tướng?”. Một thoáng ấp úng rồi người đứng đầu bộ Lại giải trình theo kiểu của một viên mệnh quan lọc lõi, mưu cơ: “Muôn tâu Thượng hoàng! Thái học sinh Trần Khát Chân tuy đỗ đạt ngôi cao lại là người quốc thích nhưng tuổi còn quá trẻ, giao việc lớn ngay sợ y sinh lòng kiêu ngạo mà hỏng mất chân tài!”. Nghệ hoàng ngồi lặng đi rồi ngài thầm tự trách, đã không thường xuyên thẩm xét việc hậu bổ, xem có bỏ sót hiền tài, hoặc bổ nhiệm rồi mà không chuyên dùng để hiền tài mất đi cơ hội thi thố. Cái trí lực, cái tầm nhìn khác người của Trần Khát Chân mà chỉ giao cho một chức Đô tướng thì quá nhỏ mọn. Bởi trong quân đội nhà Trần, dưới quyền tiết chế của Quốc công, Tổng tư lệnh có nhiều sắc quân như: Thánh Dực, Vũ Tiệp, Long Tiệp, Thần Dực, Thiên Uy…; mỗi quân chia ra làm ba mươi đô, đứng đầu các đô là chánh phó đội trưởng. Như vậy, chức Đô tướng của Trần Khát Chân là chức vụ áp chót, chỉ trên chức ngũ trưởng (chức cai quản 5 người) một bậc. Nghệ hoàng thở dài thốt lên: “Hiền tài mà dùng vào chức nhỏ, khác nào dùng đại đao để chặt một cành lau!”. Liền đó, ngài ra lệnh cho quan nội hầu cầm chỉ đi vời Trần Khát Chân vào chầu. Khi biết Nghệ hoàng có ý định cất một viên Đô tướng trẻ lên làm Tổng chỉ huy quân đội đi đánh Chế Bồng Nga, viên thượng thư bộ Lại khôn ngoan nói lấp lửng: “Thượng hoàng thật thánh minh và lượng cả của ngài cao rộng như trời biển, thần chỉ biết dốc lòng cầu chúc cho Đô tướng Trần Khát Chân khi được cất lên làm Tổng chỉ huy binh mã Đại Việt sẽ nhanh chóng phá tan giặc dữ, báo đáp hồng ân của thượng hoàng, dựng thêm nghiệp sáng cho hào khí Đông A”. Tâu xong, viên này vội đến dinh Hồ Quý Ly, trình báo lại mọi nhẽ. Quý Ly nghe xong, không thay đổi sắc mặt, chỉ khẽ cười ruồi…

3.

Vâng thánh mệnh của Nghệ hoàng, Trần Khát Chân bái biệt ngài, lĩnh đại quân đến phòng tuyến sông Hoàng ở Sơn Nam Hạ cự giặc. Xem xét địa thế một hồi, Khát Chân dâng biểu về triều cho Nghệ hoàng, khẳng định rằng: “Giặc này, tiểu tướng phá được”. Cùng với lời biểu đó, Trần Khát Chân còn phái người tâm phúc, mật tâu với Nghệ hoàng về ba thứ bại vong mà Chế Bồng Nga khó tránh được: Thứ nhất, đang ngày đông rét mướt mà đem chiến thuyền, voi ngựa binh lính ở nơi ấm nóng phương nam đến xứ giá lạnh để gây chiến là tột cùng hạ sách. Thứ hai, quân viễn chinh cốt đánh nhanh nhưng sau khi thắng Quý Ly nhờ kế mai phục ở châu Ái, Chế Bồng Nga đã rình ràng ăn chơi cả tháng trời mới đưa quân vào sông Hoàng; quân tướng không hợp thủy thổ, bệnh tật nẩy sinh, chết hại rất nhiều trong khi dân Đại Việt ở các vùng bị chiếm, bỏ vườn không nhà trống, dạt hết vào rừng rậm; gặp phải ngày đông biển động kéo dài, lương thảo của quân Chiêm không chở theo đường biển được nên cái họa cạn lương khiến giặc tự diệt vong đã nhỡn tiền. Thứ ba, Chế Bồng Nga dùng hàng vương Trần Nguyên Diệu làm cớ để gây chiến tranh với Đại Việt cũng là một thứ thất sách nhất trong mọi thứ thất sách, vì Diệu tính khí hẹp hòi, bản chất phản phúc, tham lam, không có mưu lược gì, không được tướng sĩ, thủ túc dưới quyền phò tá hết lòng.

Nghệ hoàng mừng lắm nhưng ngài vẫn xuống chiếu, nhắc nhở Trần Khát Chân, việc binh là chuyện sinh tử, Đại Việt còn hay mất trước thềm năm mới Canh Ngọ hoàn toàn nằm trong tay vị Tư lệnh chiến trường mười chín tuổi này.

Tại mặt trận sông Hoàng, Trần Khát Chân chỉ để một cánh quân nhỏ làm nghi binh, cho đắp thêm các chiến lũy mới, bên trên cắm thật nhiều cờ quạt, mang đủ kỳ hiệu của sáu sắc quân nhà Trần, còn đại quân thì rút hết về lập phòng tuyến sông Hải Triều, đoạn sông Luộc chảy qua Phù Cừ (Hưng Yên) và Hưng Hà (Thái Bình), vì ông tính, đội chiến thuyền hùng hậu do Chế Bồng Nga ngự giá thân chinh muốn đến được Thăng Long thì phải đi bằng đường sông Nhị Hà.

Trên tất cả các chiến tuyến, quân Trần cố thủ nhất định không ra đánh, mỗi khi quân thủy, quân bộ của giặc Chiêm đến khiêu chiến.

Đúng như tiên liệu của Trần Khát Chân, giặc bị cầm chân càng lâu ở vùng sông nước đồng trũng Sơn Nam Hạ, nội bộ chúng càng sinh hục hặc. Chế Bồng Nga trong lúc tiệc tùng, nữ sắc hoặc bí bết việc quân thường kiếm cớ rủa mắng, đánh đập hầu cận, sĩ tốt. Tể tướng Chiêm, La Khai can ngăn không được bèn hiến kế với với Chế Bồng Nga dùng tượng binh bí mật vòng lên xứ Đoài đánh úp Thăng Long ở mặt tây vào những ngày giáp Tết nhưng Chế Bồng Nga không chịu, y vẫn muốn dùng thủy binh vào cướp phá Thăng Long như ba lần trước. Trần Nguyên Diệu cũng chỉ muốn chúa Chiêm đánh Thăng Long bằng thủy quân, chứ nếu đánh bằng tượng binh theo đường bộ, chắc chắn hắn phải làm tiền quân hướng đạo, sẽ vô cùng nguy hiểm mạng sống.

Ngay sau Tết, trời bỗng ấm rực lên, có gió nam kèm với mưa rào báo hiệu “sấm ra mặt”, hàng vương Trần Nguyên Diệu liền lạy xin Chế Bồng Nga tiến quân đánh Thăng Long. Vua Chiêm nghe lời Diệu lệnh cho tất cả thuyền hạm tinh nhuệ nhất tiến vào cửa sông Nhị Hà. Khi đến trước chiến tuyến Hải Triều, y mở tiệc khao quân, tay vung cao thanh gươm truyền quốc chỉ về phía kinh thành Đại Việt tuyên bố, sẽ ăn Tết Nguyên Tiêu ở đại điện Tập Hiền.

Dò biết được mưu đồ của giặc, lại được một tên hầu cận của Chế Bồng Nga là Ba Lâu Kê, kẻ phạm tội khi quân, sợ bị trảm chạy sang quân Trần mật báo, rằng vua Chiêm ngự trong chiếc soái thuyền cờ xanh, bơi sau thuyền tiên phong và hai thuyền tả hữu hộ vệ. Trần Khát Chân liền hạ lệnh cho tất các loại súng lớn tập trung bắn thẳng vào soái thuyền của Chế Bồng Nga. Soái thuyền bị trúng đạn vỡ bung, bốc cháy đùng đùng. Chế Bồng Nga tử trận. Hàng vương Trần Nguyên Diệu cắt đầu y định đem về tâng công với triều đình nhà Trần, song kẻ cơ hội này lại bị hai viên thuộc tướng giết chết, cướp lấy thủ cấp vua Chiêm dâng cho Chinh nam Đại tướng quân Trần Khát Chân.

Cánh quân tượng binh của tể tướng La Khai hay tin vua Chiêm đã chết liền như rắn mất đầu, rút chạy chí mạng theo đường bộ về nam.

Trần Khát Chân sai người đưa thủ cấp Chế Bồng Nga về triều đình, báo tiệp, còn ông thì vẫn tiếp tục chỉ huy đại quân truy kích bọn La Khai, đuổi chúng ra ngoài bờ cõi Đại Việt.

Nghệ hoàng và vua Thuận Tông đang đêm cho triệu quần thần đến cùng xem thủ cấp Chế Bồng Nga. Triều đình gia phong cho Trần Khát Chân làm Long Tiệp bổng thần nội vệ Thượng tướng quân, ân thưởng tước Vũ tiết quan nội hầu và được cấp hai tổng Đông Thành và Nguyễn Xá làm thái ấp. Năm ấy, Thượng tướng quân Trần Khát Chân vừa tròn hai mươi tuổi. Quần thần xúm xít vây quanh chúc mừng huân công của vị tướng quân trẻ tuổi nhất trong triều. Cùng với đó là tiếng tung hô vang động cả đại điện Tập Hiền, ngợi ca ý chỉ thánh minh của Nghệ hoàng về việc cất một thư sinh lên làm Đại tướng, Tổng tư lệnh chiến trường. Chỉ có viên thượng thư bộ Lại là kín đáo quan sát thái độ của quan Bình chương quân quốc trọng sự Hồ Quý Ly. Quý Ly cũng ra vẻ hớn hở chúc tụng và tung hô hoàng ân như các quần thần khác. Viên thượng thư bộ Lại bỗng nhớ đến vẻ cười ruồi của Quý Ly hôm trước rồi bỗng rùng mình, mồ hôi lấp dấp lạnh cả lưng áo, cái rùng mình như tiên liệu, một mầm họa bắt đầu nứt nanh.

4.

Năm Mậu Dần (1398), Hồ Quý Ly ép vua Thuận Tông mới hai mươi tuổi nhường ngôi cho thái tử An ba tuổi, sau đó một năm, ông ta sai tướng tâm phúc Phạm Kế Vĩnh giết Thuận Tông bằng cách thắt cổ cho chết. Một số tôn thất nhà Trần vô cùng căm tức tội giết vua của Hồ Quý Ly bèn bí mật tôn Trần Khát Chân làm chủ sự mưu việc diệt Quy Ly, bảo vệ dòng đại thống nhà Trần.

Trong một lần Quý Ly đi thị sát quân tình, hơn chục võ tướng thân tín của Trần Khát Chân đeo gươm, vẻ mặt đằng đằng khí thế chờ lệnh khởi sự giết nghịch tặc. Bỗng có thám mã từ biên cương về cấp báo với thượng tướng Trần Khát Chân: Giặc Minh đang áp hai cánh quân xuống Vân Nam và Quảng Tây. Cánh Vân Nam do Mộc Thạnh đốc chiến! Cánh Quảng Tây do Trương Phụ chỉ huy.

Nghe tin dữ, Trần Khát Chân trù trừ nghĩ lại: Giặc đã áp sát biên thùy mà trong nước lại xảy ra biến loạn, kẻ thắng, người thua tướng sĩ thương vong, lòng người li tán thì lấy ai để cự giặc? Biết nỗi lòng ông, viên mưu sĩ nghiến răng lại để khỏi phải gầm lên: “Giặc Ngô mới áp sát bờ cõi còn giặc Quý Ly đã gặm vào lòng ruột đang hút máu mủ dòng dõi Đông A rồi! Chúng ta không thể bị chết cả lũ!”.

Giây phút trù trừ khắc nghiệt ấy chưa qua thì Hồ Quý Ly kịp sai võ sĩ bắt hết bè đảng của Trần Khát Chân. Hơn ba trăm bảy mươi tướng súy nhà Trần đã bị chém đầu ở núi Đốn Sơn.

Truyền rằng, trước khi chết, Thượng tướng quân Trần Khát Chân đã thét mắng Hồ Quý Ly, tiếng vang động cả trời đất: “… Quý Ly, mi giết hết lương tướng dày dặn mưu kế trận mạc của triều đình thì khi ngoại xâm đến, mi sẽ nhất định bại vong, bại vong… ong!”.

Tiếng thét đó là một tiên tri. Vào năm 1407, dù trong tay có quân trăm vạn, có súng thần công hỏa hổ… nhưng cha con Hồ Quý Ly vẫn bị giặc Minh bắt làm tù, đưa về nước chúng. Đại Việt bị Bắc thuộc lần thứ hai, mãi đến năm 1428 vị Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi mới khôi phục lại được nền độc lập.

Văn nghệ, số 1/2023
Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Baovannghe.vn - Tháng 2/2025 dự kiến sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội để sửa luật, phục vụ triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy
Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Baovannghe.vn - Ai từng đến Phú Thọ, ngoài chiêm bái đền Hùng và quần thể di tích Lạc Long Quân - Âu Cơ thì đều được giới thiệu món canh rau sắn, đặc sản của người trung du.
Tiếng nói của vết thương

Tiếng nói của vết thương

Baovannghe.vn - Hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh đã được các cây bút tái hiện trong nhiều tiểu thuyết có giá trị văn học, thoát khỏi kiểu “văn học minh hoạ” mang đậm dấu ấn tiểu thuyết hậu hiện đại phương Tây.
Xác khói vẽ bùa - Thơ Lê Hải Kỳ

Xác khói vẽ bùa - Thơ Lê Hải Kỳ

Baovannghe.vn- Tôi nghe lồng ngực vỡ/ từng mảnh đàn bà
Thơ Việt từ Đổi mới đến nay

Thơ Việt từ Đổi mới đến nay

Baovannghe.vn - Trong bài viết này, tôi muốn nhìn thơ Việt Nam sau đổi mới đến nay từ chính bản chất thơ ca trong liên quan, tác động lẫn nhau với những mốc lớn của bối cảnh lịch sử - xã hội