Hiện đã có trên 100 trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2024. Bộ Giáo dục & Đào tạo lưu ý, thí sinh đã trúng tuyển bắt buộc phải hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ chậm nhất là 17 giờ ngày 27/8.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, ngay từ chiều qua, các cơ sở giáo dục đại học đã bắt đầu công bố điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 năm 2024. Và hiện đã có trên 100 trường công bố điểm chuẩn với thang điểm tăng đột biến khiến phụ huynh và thí sinh sốc.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Ghi nhận điểm tuyển sinh của Trường Đại học Văn hoá cho các ngành ở tổ hợp C00 đều ở ngưỡng 27-28 điểm, thấp nhất là 25,5 điểm; ở tổ hợp khối D, điểm chuẩn đa số các ngành ở mức 25-26 điểm. Điểm chuẩn cao nhất thuộc tổ hợp C00 là ngành Báo chí với 28,9 điểm và 27,9 điểm ở tổ hợp khối D.
Với trường Đại học Luật Hà Nội, tất cả các ngành đều tăng điểm chuẩn. Ngành Luật có điểm chuẩn tăng gần 2 điểm ở cả hai tổ hợp khối A, C với mức điểm lần lượt là 26,15 điểm và 28,15 điểm. Ngành Luật Kinh tế khối A tăng từ 25,5 lên 26,9 điểm, khối C00 tăng từ 27,36 lên 28,85 điểm. Ngành Luật phân hiệu Đắk Lắk tăng 4,7 điểm, từ 18,15 điểm lên 22,85 điểm.
*Bộ GD&ĐT cho biết, các cơ sở giáo dục đào tạo chưa tuyển đủ chỉ tiêu sẽ xét tuyển bổ sung. Thông tin các đợt xét tuyển bổ sung được đăng ký trên cổng thông tin điện tử của từng trường. Khác với đợt 1, thời gian và kế hoạch xét tuyển bổ sung của các là khác nhau nên thí sinh cần chủ động tìm hiểu thông tin. *Tuyển sinh 2024-2025, hệ thống của Bộ GD&ĐT ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển (tương đương 68,5% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2024). Trong đó, thí sinh đăng ký vào các khối ngành: Kỹ thuật công nghệ, máy tính, công nghệ thông tin tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là khối ngành sư phạm, nhân văn, sức khỏe./. |
Khối các trường Sư Phạm- Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng có điểm chuẩn tăng ở hầu hết các ngành, trong đó ngành Giáo dục mầm non tăng hơn 2 điểm, từ 25,39 lên 27,85 điểm; Giáo dục Tiểu học tăng từ 27,47 điểm lên 28,89 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển; Sư phạm Lịch sử từ 27,17 lên 28,76 điểm; Sư phạm Sinh học từ 25,58 lên 26,58; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) điểm chuẩn cũng tăng mạnh và giao động từ 23 đến 27 điểm. Đặc biệt, ngành Báo chí học và Hàn Quốc điểm chuẩn gần như tuyệt đối, lần lượt là 29,03 và 29,05 điểm ở tổ hợp C00.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có 27 ngành đào tạo thì có đến 20 ngành tăng điểm, 7 ngành giữ bằng điểm chuẩn 2023, trong đó ngành Công nghệ kỹ thuật hạt nhân tăng 3 điểm, từ 21,3 điểm lên 24,3 điểm; một số ngành tăng khoảng 2 điểm như ngành Quản lý đất đai (từ 20,9 điểm lên 23 điểm), ngành Địa lý tự nhiên từ (20,3 điểm lên 22,4 điểm)…
Đề cập đến công tác tuyển sinh Đại học năm nay, trước đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, công tác tuyển sinh mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng nhiều trường vẫn còn quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn và khó khăn cho Hệ thống trong quá trình xét tuyển.
Bên cạnh đó, phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự đảm bảo độ tin cậy, khách quan. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo, dẫn đến bị động khá nhiều trong công tác tuyển sinh.
Chưa kể, điểm chuẩn căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp đã được các chuyên gia giáo dục dự báo tăng, do đề thi các môn được đánh giá khá nhẹ nhàng, đặc biệt ở môn Văn với nhận định nhiều thí sinh trúng tủ.
Như vậy, điểm chuẩn đã phản ánh khá chính xác công tác tuyển sinh năm nay, tuy nhiên việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh đang khiến cho các trường đối mặt với lượng thí sinh ảo. Do đó, công tác lọc ảo của Bộ GD&ĐT và sự lựa chọn của thí sinh cần phải thực hiện chính xác để không xảy ra những hệ lụy, thừa, thiếu ở các trường, các ngành đào tạo.
Minh Nguyệt | Báo Văn Nghệ
---------
Bài viết cùng chuyên mục: