Lễ tang nhà thơ Hoàng Cát được tổ chức sáng 4/7 tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), với sự tham dự của đồng nghiệp, hậu bối, đặc biệt là những bạn thơ gắn bó với ông từ lâu.
Nhà thơ Hoàng Cát rời cõi tạm ngày 1/7 sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Từ nhiều năm trước, ông mắc bệnh nhồi máu cơ tim, bị bệnh ung thư hành hạ.
Trong điếu văn tiễn biệt nhà thơ Hoàng Cát, nhà thơ Vương Trọng nhấn mạnh Hoàng Cát là một cựu chiến binh - thương binh, một người thẳng thắn, cương trực, ủng hộ lẽ phải, sống trong sạch, ghét sự dối trá hoặc cái tầm thường. Ông còn là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực.
"Ông viết nhiều thơ về vợ, con, cháu, nếu in có thể được một quyển dày. Vợ ông cũng lâm bệnh ung thư, sáu lần lên bàn mổ. Bà tận tụy vì chồng khi ông mạnh khỏe, khi ông ốm đau, cả khi chính bà cũng là bệnh nhân. Ông cũng dành nhiều trang viết cho con gái yêu quý hiếu thảo, thông minh, giỏi giang", nhà thơ Vương Trọng nêu.
Lễ tang nhà thơ Hoàng Cát được tổ chức sáng 4/7 tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) - Ảnh: TPO |
Nhà thơ Vương Trọng cho rằng thơ Hoàng Cát tuôn chảy dào dạt, đó chính là gương soi toàn bộ cuộc đời tươi đẹp và đầy gian khó của Hoàng Cát, trong đó có tình đời rộng lớn và nỗi buồn tê tái, thăm thẳm.
"Hoàng Cát từng viết: Một trái tim này chỉ để yêu/ Không mang thù oán, dẫu đôi điều/ Phù sinh tất cả, thì tất cả/ Chỉ để mà thương, chỉ để yêu!...", nhà thơ Vương Trọng cho biết.
Điểm đặc biệt của lễ tang lần này là mỗi người sau khi tiễn biệt ông sẽ cầm về một món quà. Chính là những tập thơ do nhà thơ Hoàng Cát đã viết và xuất bản. Đây cũng là di nguyện của ông trước khi rời cõi tạm. Ông mong muốn gửi tặng thơ cho những người đến viếng, tiễn biệt mình.
Nhiều nhà thơ đến tiễn biệt nhà thơ Hoàng Cát - Ảnh: TPO |
Nhà thơ Hoàng Cát là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Ông sinh năm 1942 tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sau khi học xong Trung cấp Cơ điện Hà Nội, Hoàng Cát về làm công nhân tại Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Sau đó, ông tham gia chiến tranh, bị thương rồi trở về Hà Nội làm kỹ thuật viên của Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Năm 1972, ông vào học tại trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ tại Quảng Bá.
Tại đây ông gặp gỡ và làm quen với nhiều bạn văn, bạn thơ. Cũng trong năm này ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Tâm. Lễ cưới của ông được tổ chức tại nhà riêng của nhà thơ Xuân Diệu (24 Điện Biên Phủ, Hà Nội). Hoàng Cát thân thiết và là anh em kết nghĩa với nhà thơ Xuân Diệu.
Truyện ngắn Cây táo ông Lành đăng trên báo Văn nghệ bị đưa vào danh sách nghi án văn chương do những suy diễn mang tính quy chụp. Từ đó, mọi sáng tác của ông đều không được đăng tải.
Hai vợ chồng phải xoay xở gần 20 nghề như làm nem chạo, rang lạc, bán trà... để kiếm sống. Đến năm 1988, tác phẩm của ông mới được đăng tải trở lại. Năm 1991, ông công bố tập thơ đầu tiên.
Đại tá, nhà thơ Vương Trọng đọc điếu văn, tiễn biệt nhà thơ Hoàng Cát - Ảnh: TPO |
Tại lễ tang, gia đình đã chuẩn bị nhiều tập thơ do ông sáng tác dành tặng những người đến viếng - Ảnh: TPO |
Giây phút tiễn biệt nhà thơ Hoàng Cát - Ảnh: TPO |
Sau lễ tang và lễ truy điệu, nhà thơ Hoàng Cát được an táng tại nghĩa trang Quán Dền (Nhân Chính, Hà Nội).