Diễn đàn lý luận

Nhà thơ Hoàng Cát “Tôi đã sống hết mình là hạt cát”

Vũ Toàn
Chân dung văn học
14:05 | 18/07/2024
Trong nhiều bài thơ, Hoàng Cát hồn nhiên đến mức không ngần ngại tự nhận mình là thi sĩ
aa

Những năm gần đây, mỗi khi về quê gặp người mới quen, nhà thơ Hoàng Cát thường đọc một hoặc vài khổ thơ thay việc chào hỏi. Nhiều khi đọc xong, anh dùng luôn một câu tiếng Pháp như một phiên âm để tôn thêm vẻ đẹp những câu thơ vừa đọc. Đây là ấn tượng đầu tiên khiến người mới gặp Hoàng Cát thấy lạ, khó quên anh.

Hoàng Cát học tiếng Pháp từ hồi lớp 3 ở quê làng Phúc Chỉ, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An do thầy giáo Nguyễn Văn Chương ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn dạy. Năm 18 tuổi (1960) Hoàng Cát học trường Trung cao Cơ điện Hà Nội, được Xuân Diệu (anh kết nghĩa) và Huy Cận “bổ túc” thêm nên khả năng nói rồi viết tiếng Pháp khá dần, trở thành sở trường trong giao tiếp… thơ của anh.

Theo Hoàng Cát, việc anh học trung cấp là bước “rẽ ngang” bởi lúc đó anh không thể vào Đoàn, không được thi vào đại học vì câu chuyện lí lịch của ông bà mặc dù bố anh là bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ra Hà Nội, anh tìm đến nhà Xuân Diệu như lời hẹn của “người đặc biệt” hồi năm 1956. Năm ấy, lúc xế trưa “người đặc biệt” vận bộ bà ba đen, dép cao su, đạp xe đạp từ huyện Thanh Chương về Vinh. Qua chợ Tro ông ngồi nghỉ bên đường, cạnh đồng lúa xã Hùng Tiến. Dạo đó, Hoàng Cát hơn mười tuổi phải bỏ học, đi ở. Một hôm đi chăn trâu, do đãng trí thế nào mà chú bé Hoàng Cát để con trâu đực lủi mất tăm. Hoàng Cát nghêu ngao tìm trâu: Tru ơi, mi ác chi mồ/ Nỏ cho tau cợi mà đi mô hè… Tru ơi, mi chạy đi mô rứa/ Tru gấy kêu mi đi lộ mô.

Nghe vậy, “người đặc biệt” chắc thú vị lắm nên vẫy tay gọi chú bé Hoàng Cát lại cho cái bánh tày và thưởng thêm một câu: “Em có năng khiếu thơ đó nhé.” Hôm đó, Hoàng Cát mới biết những câu mình đọc tìm trâu được gọi là thơ và “người đặc biệt” đó là thi sĩ Xuân Diệu.

2.

Trong nhiều bài thơ, Hoàng Cát hồn nhiên đến mức không ngần ngại tự nhận mình là thi sĩ, thi nhân: Là thi nhân-đáy lòng ta giấu bão/ Cho nỗi buồn phát hỏa-thành THƠ (Nỗi buồn phát hỏa); Ta đang sống hay mai này khép mắt/ Cuộc đời ta mãi mãi vẫn thi nhân (Cuộc đời ta)… Ngay trong Lời vào thơ mở đầu “đại” tuyển thơ của mình, anh viết như reo: Các bạn… Các bạn ơi/ Tôi hạnh phúc vô cùng!.../ Tôi vô cùng hạnh phúc!.../ Trời đã cho tôi là thi nhân!... “Có phải sự mặc định đó khiến nhà thơ trở thành “kiếp thi nhân” suốt cả nghiệp thơ của mình?” Tôi hỏi. Hoàng Cát nói ngay: “Đúng. Thi nhân là mơ ước của đời anh. Anh khẳng định điều đó từ hồi chưa đi lính. Chỉ có thi nhân mới thấu cảm hết nỗi nhân sinh của con người viết hoa bằng thơ. Thơ phải viết bằng cảm xúc, cảm xúc cao độ. Thơ phải viết bằng gan ruột, máu thịt của mình.” Anh dẫn một câu ngạn ngữ Pháp để minh họa quan điểm thơ của mình: “Hãy nói những điều cần nói. Hãy làm những điều cần làm. Nói và làm đều cho lương tâm của chính mình. Còn kết quả thế nào cũng được.” Hoàng Cát còn tâm đắc với quan niệm “làm thi nhân để an ủi cuộc đời và san sẻ yêu thương”.

3.

Sau 15 năm vụ Cây táo ông Lành (1974), Hoàng Cát tái xuất văn đàn. Năm 1991, anh xuất bản tập thơ đầu tiên Tháng giêng dai dẳng. Người đọc hồi hộp đón nhận những bài thơ viết ra cùng bao nỗi bĩ cực với 17 nghề khác nhau, ngày đêm mưu sinh trên vỉa hè và chợ trời Hà Nội của một nhà thơ thương binh. Rồi anh viết ào ạt, viết như “bù lỗ” 15 năm trời bị treo bút để có hơn 900 bài thơ in trong mười tập thơ tiếp theo. Một điều đặc biệt là, tất cả những tác phẩm này vẫn không thấy Hoàng Cát bi lụy, ghét bỏ, thù hận mà chỉ thấy một Hoàng Cát yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Tất cả như một vẻ đẹp tôn thờ: Đời đẹp lắm/ Con người đẹp lắm/ Chỉ một lần thôi-sống trên cõi đời này/ Tha thứ hết. Sống chân thành-cháy hết/ Góp cho đời chút bụi ngọt li ti (Tự dặn lòng mình). Những cảm xúc trong sáng bộc lộ thái độ trân trọng thế giới xung quanh mà Hoàng Cát cắt nghĩa là “đặc sản của tâm hồn” đã giúp anh gọi tên các bài thơ với những cung bậc tình cảm: Cảm tạ cuộc đời; Bạn mang đến cho ta lửa ấm; Trong lòng anh-em mãi mãi dịu dàng; Mẹ thiên nhiên; Khi em cười-đá cũng nở thành hoa; Nếu ta sống mà không yêu Tổ quốc…

4.

Nhiều người gọi anh là “nhà thơ thương binh Hoàng Cát”. Tôi gợi lại cách gọi này, Hoàng Cát lặng yên, xúc động. Bài thơ Ba nén hương anh viết năm 1989 chỉ tám câu/bốn khổ mà lay động tâm can của những ai một lần đọc hoặc một lần nghe, nhất là hai câu thơ bây giờ vẫn còn rất lạ: Nén hương này tôi thắp giỗ chân tôi/ Chiến tranh cướp đi hai chục năm rồi. Đó là cái chân trái của anh bị bom B52 ép nát giữa ngày mồng 2 Tết năm 1969 tại mặt trận Quảng Đà. Trong cơn đau chiến trận, anh tháo thắt lưng tự garo vết thương trước khi bộ đội cứu thương đến cáng rời khỏi những hố bom. Giữ yên cái điếu cày trong tay, Hoàng Cát nghẹn ngào: “Anh thương Linh, nợ Linh quê ở huyện Yên Thành quê ta nhiều lắm. Linh đã cứu sống anh, chết thay anh. Một cái chết kinh hoàng mà chỉ có mình anh biết. Hôm đó, lúc 5 giờ chiều, rừng biên giới Việt-Lào phía tây Thừa Thiên Huế nhá nhem tối, anh bị vỡ xương tay trái và chân trái bị cắt cụt sau phẫu thuật, nằm trên cáng thương binh. Linh cáng phía sau. Bạn lính người dân tộc Tà Ôi đầu cáng phía trước. Chiếc cáng đang di chuyển ra vòng ngoài thì máy bay trực thăng Mỹ càn quét, đổ lính càn xuống trúng ngay cáng anh đang nằm. Địch bắn Linh chết ngay lúc đó. Bạn lính Tà Ôi biến mất. Bằng phản xạ tự nhiên, anh nhắm mắt, co người lăn ào xuống suối… nằm chờ chết. May thay, khuya hôm đó bỗng có tiếng tróc chó: “Tróc! Tróc!” Anh hồi hộp quá vì đó là ám hiệu tìm nhau của lính giải phóng ở chiến trường nên “Tróc! Tróc!” lại ngay. Hóa ra, người ra ám hiệu đó là bạn lính Tà Ôi lúc chiều biến mất giờ quay lại tìm, cố sức cõng anh ra trạm ngoài được an toàn.” Chính cái chết của Linh là nỗi xúc cảm tột độ tạo dựng nên tứ thơ Trái tim tôi là một nấm mồ của Hoàng Cát. Nếu bài thơ Ba nén hương được viết bằng tứ thơ nén chặt bởi ba nỗi đau về người mẹ, đứa em và cái chân trái của mình như một khối mìn thì Trái tim tôi là một nấm mồ không khác gì một tứ thơ đến từ những nẻo rừng chiến sự chết chóc, mù mịt khói bom, tiếng súng tan chảy giữa lồng ngực của nhà thơ thương binh. Mới hay, Hoàng Cát hồn nhiên, mến yêu cuộc sống là vậy nhưng khi nỗi đau cồn cào như xé toang ruột gan đã “đẩy” cảm xúc lên cao độ, tạo nên những tứ thơ đắc địa không dễ gì có được suốt cả một nền thơ sau chiến tranh. Hoàng Cát đọc trong nước mắt: Trái tim tôi là một nấm mồ/ Tôi chôn cất mẹ tôi bị bom tàn sát/ Tôi chôn cất em trai tôi, không thấy xác/ Trên chiến trường phía Nam/ Trái tim tôi là một nấm mồ/ Tôi chôn Tiến, người Tĩnh Gia, Thanh Hóa/ Đi công tác rồi không về nữa/ Suốt tháng tôi tìm, nhặt được dép cao su/ Trái tim tôi là một nấm mồ/ Tôi chôn cất, ấp iu người em tình nghĩa/ (Linh ở Yên Thành, Nghệ Tĩnh)/ Tôi cụt chân, Linh cáng cứu tôi/ Địch xả liên thanh, Linh nát người/ Máy bay đổ quân, chặt Linh thành hai mảnh/ Tôi đã chôn biết bao bè bạn/ Giữa tim tôi, giữa tuổi trẻ đời tôi/ Khải, Bí, Xin, Dành, Quyện, An/ Không nhớ hết từng người/ Vì cuộc sống vẫn còn phải sống/ Tôi giữ mãi những nấm mồ được ấm/ Giữa ngực tô. (Trái tim tôi là một nấm mồ).

5.

Trở lại chuyện về hạt cát, nhà thơ Hoàng Cát nói: “Sau khi tốt nghiệp trường Trung cao Cơ điện Hà Nội, anh làm cán bộ kỹ thuật ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Tại đây, bảy lần anh viết đơn xung phong đi bộ đội nhưng không được chấp nhận. Tiếp đó, lá đơn thứ tám của anh mới được duyệt. Vậy là năm 1966 anh đi lính. Hôm anh rời Hà Nội, anh Xuân Diệu dắt chiếc xe đạp Lincoln tiễn tận ga Hàng Cỏ. Anh Diệu tặng cho anh một mớ quả sấu, chanh, hồng bì. Anh đâu biết mình đi lính còn để làm thơ, để thành một thi sĩ, thi nhân hẳn hoi chứ không phải một nhà thơ lèng bèng. Mùa hè năm 1966 anh vào chiến trường B. Ba năm sau, cú bom B52 dội dập nát chân trái nhưng trời chưa cho chết mà chỉ là thương binh loại A. Nói vậy để thấy rằng, một đời hạt cát Nghệ An đã sống hết mình là hạt cát rồi.”

Tôi đã sống hết mình là hạt cát

Đẹp lung linh bên biển biếc nắng vàng…

Là cát bụi mà không là cát bụi

Vẫn mặc nhiên, lặng lẽ mãi bên đời

Tôi hạnh phúc, tôi vô cùng sung sướng

Hạt cát vàng biển biếc của đời tôi

(Cát bụi đời tôi)

Báo Văn nghệ số 28-2024

Võng - Thơ Nguyễn Ngọc Phú

Võng - Thơ Nguyễn Ngọc Phú

Baovannghe.vn- Cầu vồng bắc võng/ Sau cơn mưa rào/ Con thuyền mắc võng/ Bồng bềnh sóng chao
Cô giáo vùng cao - Thơ Thu Sang

Cô giáo vùng cao - Thơ Thu Sang

Baovannghe.vn- Cô gùi chữ vùng cao/ Em vượt đèo tới lớp/ Con đường vui chân bước/ Suối rì rào hát ca.
Tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia nhân Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia nhân Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Baovannghe.vn - Hội thảo tổ chức ngày 2/10/2024 với chủ đề: "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, Thành phố kết nối toàn cầu""
Những bí mật của "Trăm năm cô đơn"

Những bí mật của "Trăm năm cô đơn"

Baovannghe.vn - Trong một ngôi nhà yên tĩnh tại Mexico City, nơi Gabriel tìm thấy nỗi cô đơn chưa từng cảm nhận và sẽ không bao giờ gặp lại một lần nữa, ông sáng tác tác phẩm kinh điển Trăm năm cô đơn.
Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú

Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú

Baovannghe.vn- Mùa đông năm ấy rất lạnh, sương muối trắng xoá, những vạt rau ăn đều chết rũ. Mẹ anh lên thăm, anh mượn hai chiếc ghế băng của cơ quan về kê nằm tạm.