Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay - Lý luận và thực tiễn” được tổ chức sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/1/2025 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nhằm khơi dậy nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, gợi mở giải pháp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục liêm chính, coi đây là giải pháp “phòng ngừa từ gốc” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - một cuộc đấu tranh không khoan nhượng mà Đảng ta đang quyết liệt triển khai trong thời gian qua.
![]() |
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: BTC |
Hội thảo đã nhận được 170 bài tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia đang công tác tại nhiều cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương. Các tham luận đã làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục liêm chính như: Nội hàm và giá trị chủ đạo của liêm chính; mối quan hệ của giáo dục liêm chính với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các yếu tố cấu thành, ảnh hưởng đến giáo dục liêm chính; kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về giáo dục liêm chính… Đánh giá thực trạng giáo dục liêm chính hiện nay ở Việt Nam nói chung, ở các ban, bộ, ngành, địa phương nói riêng; phân tích phương pháp, hình thức, triết lý, mục tiêu, nội dung và chương trình giáo dục, tài liệu học tập, hiệu quả của giáo dục liêm chính; những vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm về giáo dục liêm chính.
Đồng thời, đề xuất định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục liêm chính gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới; cũng như phát huy giá trị của giáo dục liêm chính vào xây dựng con người Việt Nam thời đại mới như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” nói riêng trong hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Tổng kết Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ghi nhận, các tham luận tại Hội thảo đã khẳng định, liêm chính không chỉ là một phẩm chất cao đẹp của cá nhân, mà cần phải trở thành chuẩn mực, yếu tố cốt lõi của nền văn hóa chính trị, văn hóa công vụ và là nền tảng của đạo đức xã hội.
Giái sư, Tiến sĩ cũng cho biết, tình trạng tham nhũng, tiêu cực hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, với tính chất ngày càng nghiêm trọng và tinh vi, cho thấy “sức đề kháng” trước cám dỗ quyền lực và lợi ích vật chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn yếu. Các tham luận và thảo luận tại hội thảo đã làm rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bao gồm: Mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, phương châm, phương pháp, yêu cầu cũng như những yếu tố ảnh hưởng đến công tác giáo dục liêm chính ở Việt Nam hiện nay…
Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung phân tích, làm rõ những kết quả đã đạt được, chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác giáo dục liêm chính ở Việt Nam hiện nay cũng như phân tích toàn diện bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước, các yêu cầu mới và vấn đề đặt ra đối với công tác giáo dục liêm chính gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục liêm chính, nhất là cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta trong gian tới.