Sự kiện & Bình luận

Giới trẻ đang xem gì?

Đinh Đức Hoàng
Chính trị xã hội
07:00 | 08/04/2025
Baovannghe.vn- Báo chí đang như nào? Văn học đang như thế nào? Điện ảnh đang như nào? Các sân khấu kịch đang như thế nào? Cả Hà Nội có mỗi 2 cái sân khấu có những suất kín khán giả. Tôi vẫn nhớ một đêm, hết buổi diễn, ông giám đốc nhà hát, NSND Xuân Bắc đứng tự sự, rằng chúng tôi nhiều khi cũng tủi thân lắm, kiếm được tiền ở đâu chứ không phải ở đây, dù đây là cái nghiệp, cái cuộc đời.
aa

Chừng chục năm trước, có lần tôi đứng nói chuyện với ông Chu Lai bên lề một chương trình ở Đài truyền hình VTC. Tôi không nhớ rõ chi tiết câu chuyện nữa. Có lẽ nó đã bắt đầu bằng chủ đề Hà Nội, và tôi đã nhắc gì đến phố Lý Nam Đế, con phố duy nhất ở thành phố này chỉ có ba cái ngã ba, chứ không có ngã tư. Đấy là Phố (viết hoa), con phố mà ông đã lấy làm bối cảnh cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của mình.

Giới trẻ đang xem gì?
Minh họa. Nguồn: Internet

Rồi, cũng có lẽ, tôi đã bảo ông, là dù Phố nổi tiếng nhất, Ăn mày dĩ vãng nổi tiếng nhì, cháu vẫn thích Vòng tròn bội bạc nhất.

Rồi, đoạn này thì chắc chắn, vị nhà văn đã thốt lên, ngạc nhiên chân thành: “Hoàng đọc nhiều phết đấy nhỉ?”.

Tôi nhớ câu này, vì nó tạo thành một dòng suy nghĩ hỗn tạp sau đó. Phản ứng đầu tiên trong đầu là, chú nói gì thế, chú là nhà văn ăn khách nhất cái đất nước này đấy. Sách của chú đầy trên mấy cái bạt nylon hay rải trước cổng các trường đại học. Có nguyên một thế hệ, ngay cả những người chưa đọc Phố cũng buộc phải nhớ cái giới thiệu của phim Người Hà Nội có giọng hát Mỹ Linh, và ám ảnh với cảnh Quyền Linh thất thểu bước ra từ vùng đào đá đỏ. Tôi ngạc nhiên vì ông Chu Lai tỏ ra ngạc nhiên. Vì tôi tưởng rằng một người viết như thế thì phải quen với việc gặp ai đó đã đọc dăm ba cuốn sách của mình rồi cơ. Việc đó khá là cơ bản - ngay cả với loại đọc khá ít (như tôi hay nghĩ về bản thân).

Nếu ông ngạc nhiên ở đâu đó, một vùng quê xa lạ, thì cũng dễ hiểu. Đằng này lại là ở giữa một cái đài truyền hình. Tôi nghĩ, sứ mệnh của chúng tôi khi bước qua cánh cổng này là để đàm đạo mấy chuyện này mà. Sao lại có đọc nhiều với đọc ít ở đây?

Nhưng sau đó tôi cũng thực tế lại, và chấp nhận câu hỏi đó như một thông cáo: thực ra ngay cả Chu Lai, người ta cũng chẳng đọc nhiều đến thế. Ông có lẽ là một tác giả được đọc nhiều-hơn so với các tác giả khác, nhưng cũng chẳng đến cái mức ra đường gặp người đọc sách của mình.

Giới trẻ đang xem gì?
Minh họa. Nguồn: Internet

Đến cuối cùng, ông vẫn đại diện cho một mặt hàng ế ẩm tên là văn học Việt Nam mà thôi.

Tôi nhớ lại mẩu đối thoại này, khi mà hôm nay, những trí thức khả kính trên mạng tỏ ra kinh tởm khi bàn về việc 1,6 triệu người đã vào xem một buổi livestream hóng chuyện ái tình của mấy ngôi sao giải trí. Họ, giả vờ hay hồn nhiên bàng hoàng, rằng giới trẻ đang tiêu thụ nội dung vô nghĩa quá. Họ hỏi nhau: Giới trẻ đang xem gì thế này?

Còn tôi nghĩ: Không xem cái này thì còn xem cái gì?

Thỉnh thoảng, trong phản biện xã hội, người ta tin rằng cứ đấu tranh bài trừ cái xấu thì công chúng, hay là “giới trẻ” theo cách gọi trịch thượng của một số trung niên, sẽ tìm đến cái tốt. Tìm ở đâu ra? Với tất cả những so sánh về “món ăn tinh thần”, các vị nhìn quanh xem thị trường thức ăn nó có giống bối cảnh của một tác phẩm hiện thực 30-45 không? Chúng ta sẽ chạy đến, giằng bát cám trên tay vợ chồng anh Tràng của Vợ nhặt, và bảo, ăn cái này không tốt cho sức khỏe à?

Báo chí đang như nào? Văn học đang như thế nào? Điện ảnh đang như nào? Các sân khấu kịch đang như thế nào? Cả Hà Nội có mỗi 2 cái sân khấu có những suất kín khán giả. Tôi vẫn nhớ một đêm, hết buổi diễn, ông giám đốc nhà hát, NSND Xuân Bắc đứng tự sự, rằng chúng tôi nhiều khi cũng tủi thân lắm, kiếm được tiền ở đâu chứ không phải ở đây, dù đây là cái nghiệp, cái cuộc đời. Diễn viên trẻ Hồng Phúc đứng cạnh quệt nước mắt. Khán giả như tôi cũng xúc động, nhưng đành nghĩ, thôi thì cầu các diễn viên trên kia có một sự nghiệp TikTok thành công. Với cái cách mà nghệ thuật nước nhà được xây dựng, thiết kế và vận hành, cửa sáng sủa nhất của họ chẳng phải là lên TikTok, diễn tiểu phẩm cho dân mạng và bán hàng online còn là gì nữa?

Ngoài kia vẫn có những bộ phim trăm tỷ và concert vạn người xem. Nhưng khi nhắc đến chúng, người ta cũng không biết nói gì hơn ngoài việc chúng đã… kiếm được trăm tỷ. Tức là có mỗi một thước đo, là việc có đông khách hàng. Mà nếu dùng thước đo ấy thì cái livestream chuyện ngoại tình của ngôi sao, hơn một triệu người xem, nó thành tác phẩm nghệ thuật mất. Trông vào thước đo vô tình vô nghĩa ấy, bao nhiêu lâu nay ta đã công khai chấp nhận sự hời hợt của văn hóa đại chúng rồi.

Nói chung, phải chọn một từ để mô tả cái mâm văn hóa bây giờ, tôi chỉ có thể nói là đói. Đổ lỗi cho các tác giả và người làm nghệ thuật thì cũng tiện thôi. Chúng ta lờ các vấn đề mang tính hệ thống đi. Phân tích tại sao lâm vào cảnh chết đói này cũng lười, vì dài lắm.

Nhưng chúng ta cần xác nhận một tiên đề đã: đặt được bát cơm với bát cám trước mặt thì con người ta không chủ động ăn cám. Tại sao lại trịch thượng giả định rằng thế hệ tương lai của đất nước không biết đâu là cơm đâu là cám. Tại sao không thể nghĩ dễ hơn, là người ta đành ăn cám vì không đủ cơm? Hay ít nhất, là không đủ cơm bày trước mặt người ta?

Phải sòng phẳng xác nhận với nhau như thế, rồi mới nghĩ giải pháp được. Chứ chửi livestream nhảm nhí mà thành được Hàn Quốc, tôi cũng muốn chửi cả ngày.

Bản quyền cho sách cũ, một bước tiến bảo vệ tác giả và nhà xuất bản

Bản quyền cho sách cũ, một bước tiến bảo vệ tác giả và nhà xuất bản

Trong nỗ lực bảo vệ quyền lợi tác giả và nhà xuất bản trong một thị trường xuất bản đang biến chuyển nhanh chóng, Chính phủ Pháp đang xúc tiến một dự thảo chính sách nhằm thiết lập "quyền bán lại bản quyền" – một hình thức trả thù lao cho tác giả và nhà xuất bản mỗi khi sách cũ được bán lại. Động thái này, được công bố ngay tại Lễ hội Sách Paris 2025, đánh dấu một bước đi tiên phong của nước Pháp trong việc tái cấu trúc bản quyền văn hóa.
Nói với anh. Truyện ngắn của Trần Nhiên

Nói với anh. Truyện ngắn của Trần Nhiên

Baovannghe.vn - Trần Nhiên sinh năm 1968, người Hồ Khẩu (Giang Tô), hiện là hội viên Hiệp hội tác gia Trung Quốc. Truyện ngắn của anh được đăng tải trên “Tuyển san tiểu thuyết”, “Nguyệt báo tiểu thuyết”, “Tân hoa văn cảo”, “Nguyệt báo truyện vừa Văn học Bắc Kinh”, “Tác phẩm và tranh luận”... Các tuyển tập truyện ngắn tiêu biểu của Trần Nhiên là: "Bánh xe hạnh phúc”, “Đời sống hằng ngày của năm 2003”, “Bệnh viện thần kinh”, v.v...
Thị trường nghệ thuật toàn cầu suy giảm năm thứ hai liên tiếp

Thị trường nghệ thuật toàn cầu suy giảm năm thứ hai liên tiếp

Doanh số thị trường nghệ thuật toàn cầu tiếp tục giảm năm thứ hai liên tiếp, xuống còn 57,5 tỷ đô la trong năm 2024, theo báo cáo thường niên của Art Basel và UBS. Trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị bất ổn, phân khúc siêu cao cấp lao dốc, trong khi các tác phẩm giá thấp và phòng trưng bày nhỏ ghi nhận mức tăng trưởng bất ngờ.
Chính phủ họp phiên chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4

Chính phủ họp phiên chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4

Baovannghe.vn - Sáng 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025 để xem xét, cho ý kiến xây dựng 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Bộ GD&ĐT: Cấp xã quản lý giáo dục đối với các trường THCS, tiểu học, mầm non

Bộ GD&ĐT: Cấp xã quản lý giáo dục đối với các trường THCS, tiểu học, mầm non

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT vừa có Công văn số 1581/BGD&ĐT-GDPT gửi UBND các tỉnh, thành về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.