Sáng tác

Giải thưởng văn học - Di sản của văn chương Pháp

Khuất Thu Nam
Văn học nước ngoài
10:00 | 13/04/2025
Baovannghe.vn- Từ cuối thế kỉ 19, nền văn học Pháp đã chứng kiến sự ra đời của những giải thưởng văn học, góp phần định hình thị hiếu đọc và nâng cao vị thế của các tác phẩm xuất sắc. Trong số đó, giải Goncourt được thành lập năm 1903 bởi hai anh em Edmond và Jules de Goncourt.
aa

Mỗi năm, khi mùa thu đến, thì không gian văn chương nước Pháp cũng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Tháng 9, tháng 10 không chỉ đánh dấu thời điểm rentrée littéraire (mùa xuất bản sách mới), hàng trăm tiểu thuyết mới tràn ngập hiệu sách, và còn là thời khắc các giải thưởng văn học danh giá của nước Pháp bước vào giai đoạn quyết định. Từ Viện Hàn lâm Pháp đến những góc phố nhỏ, từ những hiệu sách danh tiếng đến cả các cửa hàng tạp hóa, từ các tờ báo hàng đầu đến các buổi hội họp ở các quán café, bầu không khí chung đều xoay quanh một chủ đề: giải thưởng văn học. Nước Pháp đang chuẩn bị tôn vinh niềm đam mê văn học của mình bằng cách trao giải cho những tác phẩm đặc biệt, từ thơ đến tiểu luận, từ tác phẩm đầu tay đến tiểu thuyết của các nhà văn gạo cội… Giải thưởng văn học không chỉ là vinh quang cá nhân tác giả, mà còn là sự kiện văn hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ, định hình xu hướng đọc và xuất bản trong năm của giới xuất bản Pháp.

Một cuốn sách đoạt giải không chỉ giành được sự chú ý ngay lập tức mà còn có cơ hội bước lên một tầm cao mới. Như một sự bảo chứng chất lượng, giải thưởng giúp một tác phẩm thoát khỏi sự lặng lẽ, trở thành tiêu điểm trên các kệ trưng bày sách tại các hiệu sách. Còn độc giả Pháp, với sự tò mò và lòng tin vào danh tiếng của giải thưởng, sẽ đổ xô tìm đọc.

Giải thưởng văn học - Di sản của văn chương Pháp
Anh em nhà văn Goncourt.

Từ cuối thế kỉ 19, nền văn học Pháp đã chứng kiến sự ra đời của những giải thưởng văn học, góp phần định hình thị hiếu đọc và nâng cao vị thế của các tác phẩm xuất sắc. Trong số đó, giải Goncourt được thành lập năm 1903 bởi hai anh em Edmond và Jules de Goncourt. Với sứ mệnh tôn vinh tiểu thuyết hay nhất trong năm, giải thưởng này nhanh chóng trở thành biểu tượng của sự công nhận cao nhất trong nền văn chương Pháp.

Chỉ một năm sau, giải thưởng Femina ra đời như một phản ứng trước sự thống trị của nam giới trong giới phê bình và trao giải. Được sáng lập bởi một nhóm nữ văn sĩ và nhà báo, giải thưởng này không chỉ vinh danh các tác phẩm xuất sắc mà còn thúc đẩy tiếng nói của phụ nữ trong văn học. Đến năm 1926, giải thưởng Renaudot xuất hiện, đóng vai trò bổ sung cho Goncourt, tôn vinh những tác phẩm mang tinh thần đổi mới, những tiếng nói văn chương mang tính đột phá, không bị ràng buộc bởi những khuôn khổ truyền thống.

Trong những thập kỉ sau đó, hệ thống giải thưởng tiếp tục được mở rộng, nhằm đa dạng hóa sự lựa chọn và tạo thêm cơ hội cho nhiều tác giả và thể loại khác nhau. Prix des Libraires (1955) trở thành giải thưởng của những người trực tiếp tiếp xúc với độc giả – các chủ hiệu sách – nhằm tôn vinh tác phẩm được yêu thích nhất trong hệ thống bán lẻ. Prix du Livre Inter (1975), do khán giả đài phát thanh France Inter bình chọn, là một trong những giải thưởng hiếm hoi mà chính độc giả quyết định người chiến thắng. Trong khi đó, Prix de Flore (1994) mang một màu sắc khác biệt, tập trung vào những tác phẩm mang tính thử nghiệm cao, dành cho các tác giả trẻ và văn học đương đại.

Dù mang những đặc điểm riêng biệt, tất cả các giải thưởng này đều có chung một mục tiêu: thúc đẩy văn học, khuyến khích sự sáng tạo và giúp những tác phẩm giá trị tìm được chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. Ngay cả trong thời đại kĩ thuật số, khi mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến đang thay đổi cách độc giả tiếp cận sách, khi thị hiếu độc giả ngày càng đa dạng và thị trường sách ngày càng cạnh tranh, các giải thưởng văn học vẫn giữ vững vị thế của mình như một tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và chiếm một vị trí quan trọng trong ngành xuất bản Pháp. Chúng không chỉ là công cụ quảng bá mà còn là một phần không thể thiếu của di sản văn chương Pháp, một minh chứng cho sự bền vững của nghệ thuật kể chuyện giữa dòng chảy không ngừng của thời đại.

Không phải tất cả các nhà văn đều đặt mục tiêu giành giải thưởng, nhưng giải thưởng có thể thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của một nhà văn. Giải thưởng này là bệ phóng giúp các tác phẩm đạt được vị thế quan trọng hơn, trở thành những tấm gương phản chiếu những chuyển động của xã hội. Minh chứng rõ ràng nhất là năm 1984, khi Marguerite Duras giành giải Goncourt với Người tình. Không chỉ đơn thuần là một tác phẩm đoạt giải, Người tình đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một tiểu thuyết cá nhân, trở thành biểu tượng cho một dòng văn học mang tính cách mạng về phụ nữ, về sự tự do thể hiện cái tôi, và tình dục.

Ngoài việc đạt được doanh số bán ấn tượng, tác phẩm này còn mở ra một xu hướng mới trong cách viết tiểu thuyết tự truyện, pha trộn giữa sự thực và hư cấu, giữa giọng kể mang tính cá nhân và bức tranh xã hội rộng lớn. Điều này cho thấy, giải thưởng văn học không chỉ là sự ghi nhận, mà còn có khả năng định hình xu hướng, thay đổi cách nhìn của độc giả và tạo ra những cuộc tranh luận mang tính học thuật lẫn văn hóa lâu dài.

Lịch sử hình thành và uy quyền của Giải thưởng Goncourt

Anh em Edmond và Jules de Goncourt được biết đến như một cặp đôi không thể tách rời, không chỉ trong đời sống cá nhân mà còn trong sự nghiệp sáng tác. Hai anh em không lập gia đình, cùng nhau xây dựng một phong cách viết mang đậm dấu ấn hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên. Tuy nhiên, thật không may, rất nhiều các nhà quý tộc độc thân vào thời đó, như Flaubert và Maupassant, đều bị nhiễm bệnh giang mai, và anh em nhà Goncourt cũng không ngoại lệ. Jules, người em qua đời sớm ở tuổi 40 sau khi giang mai dần xâm chiếm hệ thần kinh, khiến ông mất khả năng nói và suy sụp rồi qua đời.

Sự ra đi của Jules là một cú sốc lớn đối với Edmond. Không chỉ mất đi người bạn đồng hành thân thiết nhất, ông còn cảm nhận sâu sắc sự phù du của danh tiếng, Edmond đã nảy ra ý tưởng xây dựng một di sản để tôn vinh văn học. Năm 1874, ông lập di chúc, giao phó toàn bộ tài sản thừa kế cùng thu nhập bản quyền cho người bạn thân Alphonse Daudet, với mục tiêu thành lập Viện Hàn lâm Goncourt - một tổ chức văn học độc lập, nhằm trao giải thưởng hàng năm cho những tiểu thuyết xuất sắc nhất. Ông cũng chỉ định Flaubert, Daudet và 10 nhà văn khác làm những thành viên sáng lập của hội đồng.

Phải đến năm 1902, Viện Hàn lâm Goncourt mới chính thức được thành lập. Năm 1903, Giải thưởng Goncourt lần đầu tiên được trao, đánh dấu sự khởi đầu của một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp. Kể từ đó, mỗi năm một tiểu thuyết xuất sắc nhất được vinh danh, góp phần khẳng định và định hướng dòng chảy văn chương Pháp. Những cái tên như Marcel Proust, André Malraux, Simone de Beauvoir hay Marguerite Duras… đều từng được khắc ghi trên bảng vàng của Goncourt, minh chứng cho tầm vóc và uy quyền của giải thưởng này.

Giải thưởng văn học - Di sản của văn chương Pháp
Nhà văn Marguerite Duras.

Giải Goncourt không chỉ có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực văn học mà còn phản ánh những biến động lớn của xã hội Pháp. Một trong những khoảnh khắc mang tính biểu tượng nhất là vào năm 1945, khi Elsa Triolet trở thành người phụ nữ đầu tiên giành giải Goncourt. Bà không chỉ là một nhà văn tài năng mà còn là một nhân vật quan trọng trong phong trào kháng chiến chống phát xít Đức. Người bạn đời của bà - Louis Aragon, nhà thơ, tiểu thuyết gia và cũng là một chiến sĩ cộng sản - đã cùng bà tham gia vào mạng lưới văn chương kháng chiến.

Tác phẩm giúp Elsa Triolet giành chiến thắng, Le premier accroc coûte deux cents francs (Mật hiệu 200 franc), không chỉ đơn thuần là một tuyển tập truyện ngắn mà còn mang một ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Trong thời kì Đức chiếm đóng, cụm từ này chính là mật mã được đài phát thanh London sử dụng để truyền tín hiệu cho phong trào kháng chiến Pháp. Việc Goncourt tôn vinh một tác phẩm mang tính chính trị và lịch sử sâu sắc như vậy không chỉ là sự công nhận tài năng của một nữ văn sĩ mà còn là một hành động biểu trưng cho tinh thần kháng chiến của nước Pháp.

Ngay từ khi thành lập, giải Goncourt không chỉ là một vinh dự danh giá dành cho các tiểu thuyết gia mà còn là một bước ngoặt có thể thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của họ. Ban đầu, theo di chúc của Edmond de Goncourt, người chiến thắng được trao 5.000 franc, một khoản tiền đáng kể vào đầu thế kỉ 20. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, giá trị tiền tệ thay đổi, và đến năm 1960, giải thưởng chỉ còn lại 50 franc. Ngày nay, số tiền thưởng chính thức chỉ vỏn vẹn 10 euro, nhưng điều đó chưa bao giờ làm suy giảm sức hút của giải thưởng. Bởi lẽ, phần thưởng thực sự không nằm ở tấm séc, mà ở danh tiếng và tầm ảnh hưởng mà giải thưởng mang lại.

Một cuốn tiểu thuyết đoạt giải Goncourt hiếm khi dừng lại ở phạm vi nước Pháp. Với doanh số trung bình 400.000 bản, những tác phẩm chiến thắng thường nhanh chóng được dịch ra nhiều ngôn ngữ, đưa tác giả bước lên một tầm cao mới trong sự nghiệp. Đối với nhiều nhà văn, chiến thắng Goncourt đồng nghĩa với việc được ghi danh vào hàng ngũ những tên tuổi lớn của văn học Pháp, đồng thời mở ra cánh cửa rộng lớn đến thị trường sách quốc tế. Michel Tournier, một ví dụ điển hình, từng rơi vào cảnh khánh kiệt, tuy nhiên, sau khi tiểu thuyết Le Roi des Aulnes (Chúa tể đầm lầy) của ông giành giải Goncourt năm 1970, bán được hơn 2 triệu bản, không những biến ông thành nhà văn giàu có, mà còn đưa ông thành một biểu tượng của văn học Pháp đương đại.

Không chỉ có những tác giả Pháp mới được hưởng lợi từ giải thưởng này. Nhà văn gốc Nga Andreï Makine, khi đến Pháp, đã trải qua những ngày tháng cùng cực, phải sống trong nghĩa trang vì không đủ tiền thuê nhà. Nhưng sau khi tiểu thuyết Le Testament français (Di chúc Pháp, 1995) được trao giải Goncourt, ông nhanh chóng trở thành một trong những tác giả được đọc nhiều nhất, với hơn 2,5 triệu bản được bán ra. Sự thành công của giải thưởng không chỉ tác động đến cá nhân nhà văn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nhà xuất bản. Jérôme Lindon, chủ nhà xuất bản Midnight, thừa nhận rằng hai giải Goncourt: Người tình của Marguerite Duras (1984) và Chiến trường vinh quang của Jean Rouault (1990) đã cứu nhà xuất bản của ông khỏi bờ vực phá sản.

Với sức ảnh hưởng to lớn như vậy, không có gì ngạc nhiên khi Goncourt trở thành mục tiêu cao nhất mà các nhà văn và nhà xuất bản hướng đến. Quá trình tuyển chọn luôn là một cuộc đua khốc liệt, nơi mà những tranh cãi, bất đồng và đôi khi cả sự bất mãn vẫn thường xuyên xảy ra. Một trong những vụ lùm xùm đáng nhớ nhất trong lịch sử giải thưởng diễn ra vào năm 1919, với tiểu thuyết Les Croix de bois (Thánh giá gỗ) của nhà văn Roland Dorgelès. Tác phẩm mô tả chân thực cuộc sống của những người lính Pháp trong Thế chiến thứ nhất, với chủ đề sâu sắc và sự đồng cảm mạnh mẽ, Thánh giá gỗ được xem là ứng cử viên hàng đầu cho Goncourt năm đó. Tuy nhiên, ban giám khảo đã trao giải cho Dưới bóng những cô gái đương hoa, tập thứ hai trong kiệt tác Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust.

Kết quả này khiến Albin Michel, ông chủ nhà xuất bản tác phẩm Thánh giá gỗ, vô cùng phẫn nộ. Để phản đối, ông tái bản cuốn sách và thêm chiếc đai sách đỏ trên bìa với dòng chữ “Giải thưởng Goncourt - 4 phiếu bầu trên 10”, ám chỉ sự chênh lệch sít sao trong quyết định của ban giám khảo. Nhưng phản ứng này đã không trôi qua êm đẹp: Michel bị kiện và cuối cùng phải trả 2.000 franc tiền bồi thường thiệt hại.

Giải Goncourt có một điều khoản bất di bất dịch: một nhà văn không thể giành giải thưởng này hai lần. Tuy nhiên, ngay cả những quy tắc chặt chẽ nhất cũng có thể bị phá vỡ, và trong lịch sử hơn một thế kỉ của giải thưởng, đã có một ngoại lệ duy nhất: Romain Gary. Vào năm 1956, Gary giành giải Goncourt với tiểu thuyết Les Racines du ciel (Rễ trời). Nhưng gần hai thập kỉ sau, với mong muốn thử thách hệ thống, ông quyết định tạo ra một danh tính văn học mới: dưới bút danh Émile Ajar, ông xuất bản tiểu thuyết La Vie devant soi (Cuộc sống phía trước, 1975). Cuốn sách nhanh chóng lọt vào vòng tuyển chọn, và cuối cùng giành chiến thắng, giúp Gary đi vào lịch sử với tư cách là nhà văn duy nhất hai lần nhận Goncourt. Nhưng trò chơi chưa dừng lại ở đó. Để duy trì vỏ bọc, Gary đã sắp đặt cho con trai người anh họ đóng giả Émile Ajar trước giới truyền thông. Bí mật này chỉ được tiết lộ sau khi ông qua đời vào năm 1980.

Một nguyên tắc không chính thức khác của Goncourt là ưu tiên các nhà văn trẻ, nhằm tìm kiếm và vinh danh những tài năng mới. Nhưng vào năm 1984, quy tắc này đã bị thách thức khi Marguerite Duras, ở tuổi 70, giành giải thưởng với Người tình. Đối với nhiều người, đây là một quyết định gây tranh cãi: Duras đã là một tên tuổi lớn của văn học Pháp, nổi tiếng với phong cách táo bạo và những tác phẩm mang đậm tính cá nhân. Tuy nhiên, chính sự thẳng thắn và giọng văn giàu chất tự sự của bà đã biến Người tình thành một hiện tượng xuất bản.

Bằng cách đưa đời tư vào văn chương, Duraskhông chỉ phá vỡ những định kiến về cách kể chuyện mà còn góp phần làm thay đổi cái nhìn về văn học đại chúng, chứng minh rằng sự phổ biến rộng rãi không đồng nghĩa với việc đánh mất chiều sâu nghệ thuật. Giải thưởng này cũng giúp Duras trở thành một trong những nhà văn Pháp được đọc nhiều nhất trên thế giới, góp phần khẳng định vị trí của bà trong nền văn chương hiện đại.

Dù giải thưởngGoncourt được xem là một trong những danh hiệu cao quý nhất dành cho một nhà văn, không phải ai cũng sẵn sàng đón nhận. Một trong những trường hợp hiếm hoi từ chối giải thưởng chính là Julien Gracq.

Vào năm 1951, tiểu thuyết Le Rivage des Syrtes (Bến bờ Syrtes), được công bố đoạt giảiGoncourt.Nhưng thay vì đón nhận vinh quang, Gracq đã từ chối, với lí do phản đối sự thương mại hóa văn học, không muốn tác phẩm của mình bị biến thành một sản phẩm thị trường, không muốn tác phẩm bị che khuất bởi danh tiếng của giải thưởng. Theo Gracq, một khi được trao giải, tiểu thuyết sẽ không còn được đánh giá dựa trên chính giá trị nghệ thuật của nó, mà sẽ trở thành một biểu tượng của sự công nhận, bị chi phối bởi truyền thông và các yếu tố bên ngoài. Hành động này khiến ông trở thành một trong những trường hợp hiếm hoi trong lịch sử văn học Pháp dám từ chối một danh hiệu mang tính biểu tượng như Goncourt.

Theo Everard Bazin, người từng giữ chức Chủ tịch Viện Hàn lâm Goncourt từ năm 1973 đến 1996, giải thưởng Goncourt không chỉ tôn vinh những tác phẩm hay nhất, mà quan trọng hơn, nó phải phản ánh được tinh thần thời đại. Ông nhấn mạnh rằng cuốn sách đoạt giải không nhất thiết phải là tiểu thuyết xuất sắc nhất về mặt văn chương, mà phải là tác phẩm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội, chạm đến những vấn đề cốt lõi của thời đại.

"Huyền tình Dạ Trạch" - dự án phim đặc biệt của Đài PT-TH Hà Nội

"Huyền tình Dạ Trạch" - dự án phim đặc biệt của Đài PT-TH Hà Nội

Baovannghe.vn - Đài PT-TH Hà Nội vừa công bố dự án phim đặc biệt mang tên “Huyền tình Dạ Trạch”, lấy cảm hứng từ chuyện tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Traphaco: Đổi mới hệ sinh thái dược phẩm để bứt phá tăng trưởng

Traphaco: Đổi mới hệ sinh thái dược phẩm để bứt phá tăng trưởng

Baovannghe.vn - Năm 2024, trong mảng Đông dược, nhóm sản phẩm cao cấp đạt mức tăng trưởng 49%. Dòng sản phẩm nổi bật nhất là Boganic Premium tăng trưởng 36%.
Bản tin Văn nghệ ngày 17/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 17/4/2025

Baovannghe.vn - Cầu truyền hình đặc biệt nằm trong loạt chương trình trọng điểm do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Baovannghe.vn - Ngày 29/1/1977, Hội Văn nghệ giải phóng hợp nhất với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, hai tờ báo Văn nghệ giải phóng Văn nghệ cũng hợp nhất lấy tên là Văn nghệ ra hàng tuần.
"Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Ba được tổ chức tại Huế

"Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Ba được tổ chức tại Huế

Baovannghe.vn - Ngày 16/4, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 1045/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức "Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ ba - Huế 2025.