Diễn đàn lý luận

Hoài niệm Trường Sơn trong thơ Phạm Tiến Duật sau 1975

Lý luận phê bình
07:51 | 26/07/2023
Sinh thời, nhà thơ Phạm Tiến Duật (1941 - 2007) được mệnh danh là nhà thơ của Trường Sơn
aa

Sinh thời, nhà thơ Phạm Tiến Duật (1941 - 2007) được mệnh danh là nhà thơ của Trường Sơn, thi sĩ huyền thoại của đường mòn Hồ Chí Minh những năm kháng chiến chống Mĩ. Nhà thơ Vũ Quần Phương từng khẳng định: “Trường Sơn đã tạo nên thơ Phạm Tiến Duật và Phạm Tiến Duật cũng là người mang được nhiều nhất Trường Sơn vào thơ.

Nói đến đề tài Trường Sơn đánh Mĩ, người ta không thể quên Phạm Tiến Duật và thơ Phạm Tiến Duật hay nhất cũng ở chặng Trường Sơn...” Ngay cả khi không gian chiến trường với khói bom, tiếng súng đã dần “lặn vào hồi ức” chỉ còn gặp lại trong những thước phim tài liệu thì hồn thơ, thế giới thơ Phạm Tiến Duật vẫn chưa ra khỏi Trường Sơn. Những tác phẩm của ông viết sau ngày hòa bình vẫn còn day dứt, quyến luyến lắm hình bóng của Trường Sơn. Và hoài niệm Trường Sơn chính là một trong những đặc điểm nổi bật của thơ Phạm Tiến Duật chặng sau năm 1975.

Với độ lùi về thời gian, khoảng cách về không gian, bằng sự từng trải, thấu cảm và chiêm nghiệm cần thiết, cảm hứng về chiến trường cùng những con người trong thơ Phạm Tiến Duật sau ngày giải phóng dần trở nên thâm trầm, sâu lắng hơn. Hiện thực nghiệt ngã đã dần thay thế chất hiện thực lãng mạn ngày trước trong thơ ông viết về Trường Sơn giai đoạn này. Ông đã viết nhiều về sốt rét, căn bệnh nguy hiểm đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng người lính Trường Sơn và để lại những di chứng nghiệt ngã cho những người lính may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Ai đã từng đi qua chiến tranh, từng sống ở rừng thì mới hình dung được “dư vị” của những cơn sốt rét có vị đắng của lá rừng và giun đất rồi cái võng đung đưa vì hơi bom lắc và nghe tiếng mình rên mà ngỡ bạn rên cùng. Cơn sốt rét là minh chứng bằng vàng chứng tỏ người lính đã từng tham gia chiến đấu ở Trường Sơn: Cũ như ở Trường Sơn trở về đất Bắc/ Những cành lá sốt rét nở những bông hoa đỏ rực/ Những sư đoàn hùng dũng đã về lại quê nhà (Đón bạn về từ nước ngoài). Cơn sốt rét gắn liền với hội chứng sau chiến tranh của người lính. Những người lính trở về bị ám ảnh bởi những chi tiết của cuộc chiến, sự hi sinh và gương mặt của đồng đội, tất cả sẽ cùng được tái hiện nhất là khi cơn sốt rét rừng trở lại: Đứa bạn vấp mìn nằm lại cánh rừng kia/ Nỗi nhớ vẫn còn tứa máu/ Đứa sốt rét mười năm giờ lại sốt/ Anh thúc một lưỡi choòng thương nhớ chẳng quên (Đường hầm xuyên núi). Cơn sốt rét đi cùng nỗi xấu hổ tự trách mình của người lính khi phải đối mặt với những bề bộn, lo toan của cuộc sống cơm áo gạo tiền giữa đời thường mà đã có những phút giây nhãng quên đồng đội, nhãng quên chiến trường một thời hoa lửa: Có lẽ vong hồn bạn bè đã quở trách tôi/ Trót nhãng quên dải rừng già suốt mười năm bom nổ/ Lá bứa quên chua, củ nâu quên chát/ Nên tôi giữa thị thành cơn sốt lại bùng lên/ Gần mười ngày rồi, sốt lại thuở Trường Sơn (Cảm ơn cơn sốt).

Người lính Trường Sơn trong thơ Phạm Tiến Duật sau khi rời quân ngũ phải đối diện với “cuộc chiến” không kém phần cam go trong những mưu sinh thường nhật, nhưng với bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ, họ luôn sẵn sàng nhận phần thiệt thòi và gian khổ về mình. Tiễn người đi Ialy là một bài thơ hay của ông viết về những cảm xúc khi tiễn một người bạn đồng ngũ lên đường vào lại Tây Nguyên làm thủy điện Ialy tháng 7 năm 1993: Thời nay thiên hạ ùa ra phố/ Giữa tháng mưa anh lại ngược rừng/ Trong cuộc tranh khôn anh chọn dại/ Ơi người lính cũ của Trường Sơn… Là dại hay là khôn khi người cựu chiến binh tình nguyện xung phong trở lại với rừng, với chiến trường xưa? Cả nhà thơ và nhân vật trữ tình đều không đưa ra quan điểm mà dành cho bạn đọc tự cảm nhận. Dường như ở nhiều bài thơ viết về người lính Trường Sơn giữa đời thường, nhà thơ Phạm Tiến Duật luôn rơi vào trạng thái tự vấn, trăn trở trước số phận, hoàn cảnh của đồng đội - những người đã vượt qua bom đạn để trở về. Khi ở Trường Sơn, họ là những người anh hùng vượt lên mọi khó khăn, thách thức nhưng lúc quay lại với cuộc sống thường hằng thì những bươn chải, vật lộn với miếng cơm manh áo mưu sinh cơ hồ khiến họ bị khuất phục. Chua chát hơn cả là hình ảnh những con người từng là “cánh chim bằng” của Trường Sơn huyền thoại ấy giờ đây phải “mang cơ bắp mình lên phố chào mời”: Các anh đứng đó, thưa dần trong chiều muộn/ Chỉ còn lại một người tôi bỗng nhận ra anh/ Đức kiên trì đứng cùng vết sẹo/ Anh là mảnh vỡ cuối cùng của cuộc chiến tranh (Chợ lao động ở đường Giảng Võ).

Bên cạnh thơ, trong thập niên 90 của thế kỉ trước, Phạm Tiến Duật còn có trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa viết về người lính Trường Sơn. Trường ca vẽ nên chân dung và hiện thực cuộc sống của một số nhà sư vốn là nữ thanh niên xung phong đã từng sống, chiến đấu ở núi rừng Trường Sơn một thời. Bằng việc sử dụng hai biểu tượng đối lập nhau để đặt tên cho tập trường ca, Phạm Tiến Duật đã làm toát lên số phận nghiệt ngã của người nữ thanh niên xung phong Trường Sơn năm xưa. Thời xuân sắc mơn mởn thì sống chung với chiến trường khốc liệt “đạn thét, bom gào”, khi chiến tranh đã lùi xa, nhan sắc đã tàn phai thì lại một mình sống “qua ngày đoạn tháng” làm bạn với cõi thiền để quên đi những ưu phiền nhân thế.

Nhân vật chính của tập trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa là nhà sư Đàm Phương, người từng là nữ chiến sĩ thanh niên xung phong Tiểu đoàn 25, Binh trạm 14, Bộ Tư lệnh 559 đường Hồ Chí Minh. Phạm Tiến Duật viết về chị bằng niềm cảm phục và thương mến. Nhà thơ đã tái hiện tình yêu của cô gái giao liên với anh lái xe tên Đạt thật trong sáng, giản dị giữa Trường Sơn khốc liệt: Ta làm quen nhau không trong cuộc chơi chung/ Mà hai đứa vần chung nhau một quả bom chưa nổ/…/ Rằng thắng giặc rồi hai đứa ở chung… Nhưng mơ ước của họ không thành sự thật bởi “anh Đạt của Phương chẳng khi nào về nữa”. Và trong hoàn cảnh đó, người nữ thanh niên xung phong Trường Sơn lại cắn răng cam chịu như một định mệnh khắt khe của số phận khi đất nước đang vang rền tiếng súng: Em áp mặt vào đá núi/ Gọi tên anh đá núi nóng hơi em… Trong hoàn cảnh ấy thiên chức của người phụ nữ bị mai một dần theo tháng năm và cô gái thanh niên xung phong ngày ấy còn đau xót hơn khi bị bom đạn kẻ thù cướp đi tất cả. Lời cầu xin tưởng chừng như vô lí của cô đã bộc lộ đến tận cùng cái khắc nghiệt, tai ương mà chiến tranh giáng lên người phụ nữ Trường Sơn: Anh Đạt ơi! Xin anh đừng trở lại/ Chỉ mong anh còn sống em mừng/ Em không còn khả năng làm mẹ/ Em không còn khả năng làm vợ/.../ Em đã là cây xin mãi mãi là cây…

Trong hoàn cảnh này, không thể có một sự động viên hay lí giải nào có thể làm sống lại người phụ nữ, họ đã phải chịu đựng và mất đi quá nhiều. Bằng cái nhìn hồi tưởng, chiêm nghiệm, nhà thơ đã phơi bày sự tàn phá, hủy diệt đời sống của chiến tranh, đồng thời phát hiện thêm sức phá hoại vô hình của nỗi cô đơn, lẻ loi mà chiến tranh đem đến cho người phụ nữ: Chỉ sau chùa, góc vườn kia/ Một căn phòng nhỏ đi về của sư/ Treo nghiêng một tấm vải dù/ Của người lính lái bây giờ đã xa… Sẽ là vô duyên nếu người đời tự ý mở cửa trai phòng để tìm hiểu cuộc sống của nhà sư. Chắc chắn cả tác giả trường ca và bạn đọc đều không làm điều đó. Quá khứ đã qua hãy để cho nó đi qua, vết thương đã khô miệng hãy đừng chạm vào nó, nhưng có một điều chắc chắn rằng: Quá khứ vẫn luôn tái hiện và còn ám ảnh rất lớn ngay trong căn phòng của vị sư thầy. Nửa cuộc đời gắn với Trường Sơn, phần còn lại sư Đàm Phương lại hi sinh cho đồng đội. Bà vào chùa, xuống tóc, đọc kinh, nguyện cầu và ngày ngày hương khói cho linh hồn đồng đội. Nhà thơ không chỉ đơn thuần ca ngợi một cách tượng trưng, khái quát cuộc đời người phụ nữ như một huyền thoại, mà còn cảm phục sâu sắc cả trong hiện tại. Phạm Tiến Duật thực sự cảm thông với nỗi đau của người phụ nữ thời hậu chiến và qua những câu thơ viết về thân phận của họ, di hại của chiến tranh đã hiện ra cụ thể trong cuộc sống “giữa những ngày hòa bình”.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ, nhà thơ Phạm Tiến Duật - con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại một thời - cũng đã rời cõi tạm để về cùng đồng đội giữa đại ngàn Trường Sơn bạt gió được hơn một thập niên. Nhớ Trường Sơn, nhớ con đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta không thể không nhớ đến Phạm Tiến Duật, người đã sáng tạo nên những “tượng đài thơ bất tử” trong những năm kháng chiến chống Mĩ. Không quên quá khứ, không quay lưng lại với quá khứ để sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn trong hiện tại, đó là những trăn trở, tâm tư của ông thể hiện qua những bài thơ sáng tác trong giai đoạn đã rời quân ngũ, đặc biệt là những thi phẩm viết về Trường Sơn năm 1975. Những tác phẩm đó thêm một lần nữa chứng minh rằng cuộc đời, sự nghiệp và vinh quang của Phạm Tiến Duật đều thuộc về đại ngàn Trường Sơn.

NGUYỄN MINH TRƯỜNG

Nguồn VNQĐ


Thiên tính Nguyễn Bính

Thiên tính Nguyễn Bính

Baovannghe.vn - Phải chăng sự khởi nguồn góp phần tạo nên thiên tính Nguyễn Bính là sự giao duyên hồn nhiên mà tình tứ giữa chất quê, tình quê và hồn quê trong thơ ông ngay từ Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Sự giao duyên như trời phú, trời cho ấy đã khiến cánh bướm đa tình Nguyễn Bính sớm chập chờn lay động và giăng mắc cái sinh khí nơi thôn hương quê mình...
Bản tin Văn nghệ ngày 25/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 25/11/2024

Baovannghe.vn - Festival khẳng định quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản...
Ông Hữu họa sĩ. Truyện ngắn dự thi của Đỗ Hữu Khôi

Ông Hữu họa sĩ. Truyện ngắn dự thi của Đỗ Hữu Khôi

Baovannghe.vn- Họa sĩ Hữu luôn có cách nói ví von bằng hình ảnh, rất mộc mạc, dễ hiểu, không lần nào giống lần nào. Là họa sĩ nổi tiếng, nhưng ông khác hẳn các họa sĩ cùng thời. Không quần xanh, áo đỏ, phụ kiện rủng rẻng, không râu dài, tóc búi cua hay cạo trọc, không xe nọ, đồng hồ kia...
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết nghị nhiều nội dung quan trọng

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết nghị nhiều nội dung quan trọng

Baovannghe.vn - Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, Trung ương đã thảo luận, thống nhất các vấn đề quan trọng.
Cũng tại mùa đông. Truyện ngắn của Lê Minh Hà

Cũng tại mùa đông. Truyện ngắn của Lê Minh Hà

Baovannghe.vn- Bờ Hồ là nơi ông biết nhất. Ngôi nhà nơi ông được sinh ra ngay Hàng Bài, nhìn qua là Tràng Tiền Plaza, xưa là Bách hóa tổng hợp, xưa hơn là nhà Goda. Bà mẹ ông lúc còn sống vẫn gọi là nhà Goda, bảo vào đó đếm cũng ra hơn trăm thứ hàng hóa, hơn một bách, mỗi tội ông nhà nước chỉ bày chẳng thấy bán. Mười năm cấp một hai ba trường ông học loanh quanh nơi này cả.