Chiếc xe Jeep nhỏ gọn như cỗ xe độc mã, nhưng uyển chuyển và mạnh mẽ như một con báo, chưa đầy hai ngày vừa đi vừa nghỉ đã đưa hai thầy trò vượt trọn cung đường hơn ngàn cây số. Lúc này xe đang chạy trên con đường rải đá cắt ngang cánh đồng Phương Hạ. Gần đến một cái quán giữa đồng, Hưng nói với chú lái xe:
- Dừng lại chỗ này ta vào cái cầu trong kia nghỉ chút đã Năm!
Thượng sĩ Năm cho xe chậm lại nhìn trước nhìn sau hồi lâu hỏi lại:
- Thưa chú Ba con không thấy cây cầu nào quanh đây.
- Đó! Cái quán có cây đa bự đó! Ở vùng này người ta kêu cái quán trú mưa nắng giữa đồng như vầy là cái cầu.
Trong khi Năm khuân vác các thứ từ xe vào chuẩn bị bữa ăn trưa thì Ba Hưng lần bước vòng quanh ngôi quán cổ. Hai bức tường đầu hồi xây bưng gạch trần, tất cả vẫn nguyên vẹn một màu rêu phong như những ngày anh còn bé. Hai hàng cột đá cửa tiền mặt hậu vẫn nhẵn nhụi và tím mốc màu thời gian. Cây đa sau quán vẫn um tùm xanh tốt như xưa, và tiếng chim đủ loại vẫn cứ đều đều tấu lên những khúc nhạc trưa hè một thời quá vãng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Ăn uống xong, Năm trải ra nền đất một tấm bạt, sắp xếp gối đệm và chiếc quạt điện xạc pin, lấy ra bộ ấm chén và phích nước nóng pha trà mời thủ trưởng, xong xuôi đâu đấy mới quay ra thu dọn đĩa chén.
Xong một tuần trà, Hưng tháo giầy, cởi áo ngoài nằm lăn ra đệm hút thuốc lá. Anh không bật quạt điện như muốn để cho những làn gió ngan ngát hương lúa đang thì con gái được mặc sức đùa rỡn reo ca, mặc sức lùa trọn cái thơm mát của đồng đất quê hương quấn lấy thân thể. Chao ôi là khoan khoái! Chập chờn trong làn khóí thuốc, suy nghĩ của Hưng trở nên nhẹ nhàng như một đám mây trôi.
…Đám mây từ từ bay ngang xóm Đồng cách chỗ nghỉ lúc này cũng chỉ già cây số chim bay. Khu vườn tuổi thơ, nơi anh sinh ra và lớn lên, nhà gỗ, mái lá, sân gạch, bờ ao… mấy chục năm qua dù không trở lại nhưng tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức. Chỉ có những con người ở đấy mới làm cho nó trở nên xa lạ. Một thoáng ảo mờ gương mặt của Hoài, người vợ đầu của anh, và thằng Báu con riêng sau này của Hoài, hai con người đã đem đến cho anh biết bao dằn vặt trong suốt mấy chục năm trường. Ngày chiến thắng trở về, sà vào lòng anh không phải chỉ có bé Ngà, giọt máu của anh, mà còn có cả em nó, thằng Báu, giọt máu xa lạ của một người đàn ông nào đấy. Chiến tranh kéo dài lâu quá! Phải chăng ở nhà bố và anh Cường đã phải chứng kiến những điều gì đó thật tàn độc, khiến họ không đủ sức đợi đến ngày gặp mặt để nói với Hưng những điều cần nói? Họ đã giận dữ phẫn uất hay âm thầm cam chịu trong một cuộc trốn chạy mong sớm thoát khỏi nỗi ô trọc thế gian? Bữa cơm đoàn tụ mấy mẹ con rậm rịch lo toan cả chiều Hưng cũng không động đũa. Đêm hôm đó anh đã không cho Hoài một cơ hội nào để trò chuyện, cô chỉ còn biết giấu đi những giọt nước mắt tủi hờn dắt hai con vào chái ngủ. Nửa đêm đói bụng Hưng lấy bánh lương khô ra ăn rồi ngồi hút thuốc thâu đêm.
Sáng hôm sau anh sang thăm và chia quà cho gia đình Thoa, cô em gái lấy chồng ở làng bên. Thoa ôm chầm lấy anh trai nức nở kể lại câu chuyện đau lòng xẩy ra hồi sáu năm về trước. Khi biết mình có mang, Hoài đã cho cô em chồng biết rồi bàn cách bí mật phá thai. Nhưng đủ mọi thứ lá lẩu, đủ mọi cách gánh gồng hành xác, tất cả đều không kết quả. Cái thai cứ mỗi ngày một lớn trước sự đàm tiếu xóm làng. Người ta kháo nhau, cái anh sĩ quan chỉ huy đơn vị đóng quân qua làng hồi đầu năm, mới đích thị là tác giả cái thai trong bụng vợ Hưng. Không thể nhịn được, Thoa đã đôi lần ướm hỏi chị dâu, nhưng tất cả chỉ là những tiếng nấc cố nuốt vào trong. Đến ngày sinh nở Thoa phải đi mời bà Khán Bủng đến nhà đỡ đẻ. Theo lệnh bố, cô và anh Cường phải dọn dẹp che chắn một gian bếp cho Hoài. Những ngày mới sinh, Hoài không ăn uống gì, người gầy rộc không một giọt sữa, Thoa và bé Ngà, hai cô cháu phải thay nhau cho đứa bé uống nước cháo loãng. Một buổi sớm Thoa đẩy cửa bước vào thì đã thấy Hoài nằm úp sấp, nửa người trên chõng nửa người xuôi xuống đất, rớt dãi cùng máu tươi từ miệng tứa ra nền đất, bên cạnh lăn lóc một lọ thuốc sâu đã cạn. Thoa hoảng hốt kêu cứu, chỉ một loáng chú Cửu Beng hàng xóm đã mang võng với đòn càn để cùng Thoa cáng Hoài đi cấp cứu. Cũng may mà chưa quá muộn, Hoài đã thoát chết nhưng phải nằm lại bệnh xá điều trị. Bố cho gọi thông gia đến. ông bảo sự thể đã đến nước này thì ông bà hãy đón con Hoài về bên ấy, còn cái Ngà, giọt máu của thằng bố Hưng cứ để bên này chúng tôi nuôi dạy cho nó nên người tử tế! Bố mẹ Hoài chỉ còn biết lặng lẽ cúi đầu ôm cháu lủi thủi lên bệnh xá đón con gái về. Ở bên này Ngà xa mẹ nhịn ăn nhịn uống, ngày đêm khóc lóc vật vã như chết đến nơi, bố đành sai Thoa mang nó trả về bên ngoại. Hai năm sau Thoa đi lấy chồng. Nhiều lần ghé qua nhà chỉ thấy anh Cường thui thủi đầu hè sờ sẩm vót nan đan rổ rá, thấy em gái sang là buông việc sốt sắng hỏi thăm sức khỏe mẹ con thằng Báu, có lần còn đòi cho sang thăm. Nhưng bố có lệnh cấm tiệt không đứa nào được lai vãng đến con đàn bà thất tộc ấy. Nhà như có vận áo xám, chẳng bao lâu sau anh Cường tự dưng đổ bệnh, người cứ ốm dài ốm dợ, được hơn năm thì chết. Sau cái chết của anh sức khỏe bố sa sút trông thấy. Bố lúc này cứ như ngọn đèn cạn dầu, hôm trước mỗi bữa còn được lưng cơm hôm sau đã cả ngày không nổi ba thìa cháo, bệnh tình chuyển nhanh như nhà có quan ôn giục cửa. Hoài nghe tin tìm gặp Thoa để xin được thăm bố. Chị mang quà sang biếu, lúc đầu bố chối quầy quậy, Hoài đập đầu kêu khóc mong được tha tội để được đi lại hầu hạ trọn đạo làm con. Thoa đun cám dưới bếp đoạn sau nghe không rõ những lời van vỉ to nhỏ xen lẫn tiếng khóc của Hoài, chỉ biết cuối cùng bố cũng im lặng. Từ hôm ấy ngày nào ba mẹ con Hoài cũng sang. Hoài từ sáng đến tối cứ luôn chân luôn tay dọn dẹp, giặt giũ, cháo lão cho người ốm. Hai chị em Ngà và Báu thì luôn quấn quit bên ông trò chuyện. Cho đến trước hôm mất, bố cho gọi tất cả con cháu đến bên giường. Bố bảo nhà Thoa bên ấy các cụ cho cũng đủ ruộng vườn nên ngôi nhà và thửa vườn bên này bố quyết định để dành cho anh Hưng. Anh nó còn đi vắng xa nên giao cả cho cháu Ngà thay mặt bố cai quản. Ngà còn bé thì có thể đón mẹ và em sang ở cùng, việc ấy ông cũng không phản đối, đợi khi bố Hưng ở chiến trường trở về thì mọi thứ do bố quyết …
Thoa dẫn anh trai ra nghĩa trang. Hưng thắp hương quì lạy trước mộ thầy mẹ và anh trai. Họ nằm đây, quây quần bên nhau, cũng có thể tạm gọi là mồ yên mả đẹp. Cầu mong cho tất thảy những nỗi đau nhân thế đều được trời phật giải thoát để tâm linh họ được siêu sinh tịnh độ nơi chín suối! Một niềm an ủi dìu dịu lướt qua cõi lòng tan nát. Một cánh gió đồng hiu hắt thổi tới đẩy những làn khói hương phủ lên khuôn mặt sạm nắng. Khói hương cay nồng hay trái tim se sắt làm cho nước mắt anh tuôn chẩy... Một người lính dũng cảm, một chỉ huy thao lược như anh, đã đánh cả trăm trận lớn nhỏ trên suốt dải đất miền Trung máu lửa, đã bao phen cận kề cái chết, những lúc ấy hình ảnh của Hoài và con gái lại sáng lên như một niềm tin, đã cho anh nguồn sức mạnh vượt lên cái chết để kiêu hãnh trở về. Từ đỉnh cao tự hào anh bỗng đổ sụp trước người đàn bà phản bội. Nỗi nhục bị vợ ngoại tình đã khiến cả đêm hôm trước Ba Hưng thấy mình như đang lặn ngụp trong cái bể ngập tràn uất hận và cay cú. Trái tim cuồng nộ gào thét đòi hỏi một cuộc trả thù rửa hận. Nhưng rồi những nấm mộ quanh quất gần xa hắt hiu hương khói, tất cả rồi cũng lại như thế, tất cả cũng lại một nấm cỏ xanh mà thôi! Ngã lòng trước nỗi éo le số phận, anh chỉ còn nghĩ tới cách chạy trốn trước những mặc cảm ô nhục bủa vây.
Về nhà anh gọi Ngà riêng ra một chỗ dặn dò là con nay mười hai đã lớn, ở nhà phải ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, giúp mẹ và em, bố lại phải về đơn vị để đi công tác. Rồi anh nói riêng với Hoài anh phải tiếp tục nhiệm vụ mới ở một nơi rất xa, không biết khi nào trở về, mà không chắc đã có ngày ấy, ở nhà cô coi như người đã được hoàn toàn tự do! Hưng để lại tất cả xe đạp, quà cáp và tiền bạc dành dụm bấy nay. Anh lặng lẽ ra đi chỉ với chiếc ba lô nhẹ tênh và một nỗi cay đắng hoang hoải tâm hồn.
Mảnh đất và những con người đã từng nuôi dưỡng, che chở anh những tháng năm chiến tranh tàn khốc, thì nay tất cả lại dang tay ôm trọn anh vào lòng. Hai Kiền, người bạn chiến đấu sinh tử gần gụi nhất ngày nào, nay là phó chủ tịch tỉnh an ủi anh:
- Đừng có phiền lòng ba cái vụ lặt vặt đó mà nhụt chí anh hùng nghe Ba.
Con vợ mầy nay đã phản bội thì cho nó đi luôn, khỏi phải trở lại ngoài nớ làm
chi. Đây là quê hương của mầy. Ở lại đây, mai tao báo cáo thường vụ làm công
văn chính thức xin Quân khu để mầy về đây làm chỉ huy trưởng quân sự tỉnh.
Chú Tư Mong nằng nặc đòi tìm người thay để ổng nghỉ hưu. Mầy về đúng lúc
Quá Ba. Tao sắp xếp thế nếu mầy ưng thì chỉ rộp rộp cái là xong liền à!
Thế là xong thật! Ba Hưng trở thành người Xứ Quảng đích thực. Anh ở lại cái nơi mà từ lúc đó đã ngộ ra là nó gắn bó chẳng khác nào mảnh đất ruột thịt đời mình.
Cả năm trời sau đó, thấy Ba Hưng cứ lọ mọ đơn côi cuộc sống tập thể, giường cá nhân ăn định suất, Hai Kiền không chịu được liền gợi ý:
- Con út Trinh nhà tao xinh đẹp nết na đang học đại học Sư phạm Huế, nếu mầy ưng thì tao làm mai cho. Con nhỏ ít tuổi mà ý chí cách mạng cao lắm.
Típ đàn ông như mầy là nó mê đó. Trai anh hùng, gái thuyền quyên lo chi không xứng!
Chẳng biết Hai Kiền đã thêm bớt những gì, nhưng chỉ những câu chuyện truyền kỳ về những chiến công của người đàn ông xuất quỷ nhập thần thời đánh Mỹ; thêm vào đó những tình tiết thêu dệt xung quanh cái số phận phũ phàng của người anh hùng bị phụ tình nơi hậu tuyến, nghe sao mùi mẫn như chuyện tình một khúc cải lương, trong hoàn cảnh ấy bỗng dưng lại trở thành một tình tiết bi tráng được cộng thêm vô số điểm vào bảng thành tích Ba Hưng. Tất cả những nét chấm phá của cái lý lịch độc đáo đó đã tạo cho Ba Hưng một vẻ đẹp tự thân tỏa sáng trong tâm trí nhiều người, nhất là đối với những cô gái đang tuổi mới lớn.
Thế là một lần nữa lại xong! Tin tức lan truyền khắp tỉnh, cô Út Trinh, con gái liệt sĩ bí thư tỉnh ủy năm xưa, em gái phó chủ tịch tỉnh đương chức đã chính thức nhận lời cầu hôn của thượng tá Trương Xuân Hưng chỉ huy trưởng quân sự tỉnh nhà. Đám cưới sẽ được tổ chức cuối năm khi cô Út tốt nghiệp đại học trở về!
Hạnh phúc mới lớp lớp tràn về như những đợt sóng êm ả mát lành mỗi buổi sớm mai. Một người vợ trẻ đẹp học thức, dịu dàng nết na, rất biết nể phục và tự hào về chồng mình. Một ngôi nhà vườn khang trang ở một con phố trung tâm yên tĩnh thị xã, nơi luôn tràn ngập tiếng nói cười ríu ran của hai cô con gái, những tiên đồng bé bỏng đời anh… Từng đợt sóng hồng trĩu nặng những hạt phù sa mầu mỡ và dịu ngọt cứ ngày đêm dạt dào mơn man, xoa êm và phủ lấp dấu vết những tổn thương tinh thần còn rớt lại. Cũng đôi khi trong tận góc khuất tâm hồn, hình ảnh đứa con gái ruột thịt ngày nào, và thấp thoáng sau đấy là hình ảnh của Hoài, người phụ nữ đẹp nức tiếng một vùng, người vợ mà anh đã từng một thời yêu thương nhất mực; rồi hình ảnh cái làng Phương Hạ và mảnh vườn tuổi thơ ngoài Bắc, hình ảnh những ngôi mộ người thân… tất cả vẫn cứ chập chờn trở về trong những giấc mơ khắc khoải. Nhưng rồi mỗi khi tỉnh lại, chỉ cần thoáng nghĩ về người đàn bà phụ bạc thì tất cả bỗng nhiên lại như bị xóa nhòa. Một nỗi đau như nhát dao sắc lạnh đã cắt rời anh với cái quá khứ ngày càng xa xăm đó.
Theo lời di huấn của bố, Hưng đã viết giấy trao quyền sở hữu ngôi nhà và mảnh vườn xưa cho Ngà. Rồi con gái lấy chồng, vợ chồng nó ở lại đấy cùng với mẹ và thằng Báu. Chính sự góp mặt hai con người này mà anh thấy khó trở lại. Ngay cả ngày cưới con gái, anh cũng chỉ gửi quà. Thỉnh thoảng ra Bắc họp hành, bố con, ông cháu lại chỉ hẹn gặp nhau bên nhà cô Thoa. Mọi thứ đều đã thành quen, quen với cách đi về của người bị đánh cắp nơi chôn nhau cắt rốn. Đau lắm chứ, nhưng biết làm sao cho đành?
Thế rồi một tuần trước Ngà gọi điện báo tin cho biết mẹ Hoài ốm nặng khó qua khỏi, muốn gặp bố lần cuối có chuyện hệ trọng cần nói, bố cố gắng thu xếp trở về ngay!
*
Từ nhà chính Ngà dẫn bố đi xuống nhà mẹ. Ngôi nhà xây theo lối mới, mái bằng cửa sổ xung quanh, tất cả đều toát lên sự gọn ghẽ khiêm nhường nằm nép vào phía cuối vườn, nơi ngày xưa chỉ có mấy bụi tre gai và những khóm cây hoang dại. Ngoại trừ sự thay đổi nho nhỏ ấy, cảnh quan khu vườn vẫn giữ nguyên như những ngày Hưng còn ở nhà. Anh cố nén cảm xúc bồi hồi nhớ lại những bức thư Hoài gửi cho mình năm đầu đi lính xa nhà : “ Ở nhà em luôn nói với bố và mọi người là cố giữ tất cả mọi thứ nguyên vẹn như cũ để khi trở về anh không thấy lạ mắt…”. Rồi sau này khi câu chuyện buồn ập đến, anh bỏ nhà ra đi lấy vợ không bao giờ trở lại thì đôi khi con gái vẫn kể, ở nhà mẹ Hoài luôn nhắc nhở không ai được làm điều gì thay đổi phong cảnh ngôi nhà và khu vườn xưa. Chao ôi! Tình yêu thương của Hoài dành cho anh anh biết. Đó là một mối tình say đắm mà ở đấy cả hai người đều mãn nguyện tìm thấy ở nhau tất cả những gì mình thiếu, mình khao khát kiếm tìm. Cảnh cũ người xưa không chỉ nằm trong tưởng tượng, tất cả đều đang hiện hữu trước mắt và đều như nhắc với anh rằng, tình cảm của Hoài dành cho anh dường như vẫn đầy đặn như xưa. Một thoáng xót xa khi nghĩ về cách mình đối xử trong cái ngày đầu trở về sau chiến tranh ấy… Lòng nặng trĩu một nỗi buồn xa vắng, Hưng theo chân con gái bước vào căn nhà nhỏ. Một tiếng nói yếu ớt run run từ trong phòng vọng ra:
- Bố cái Ngà đã về rồi đấy ư?
Trước mắt Hưng là một người đàn bà luống tuổi, mái tóc bạc trắng phủ dài trên chiếc gối hoa xanh, khuôn mặt trái xoan thanh tú vẫn còn lưu lại những nét tinh anh một thời xuân sắc. Một tấm chăn mỏng mảnh đắp ngang người Hoài. Ánh sáng bên ngoài lùa qua khuôn cửa sổ đem theo một thứ hương thơm thanh khiết của những chùm hoa thiên lý ngoài giàn.
- Ngà đâu lấy ghế cho bố ngồi đi chứ!
Hưng ngồi xuống ghế bên cạnh giường người ốm.
- Báu đâu, rót nước mời chú đi con!
Trong lúc hai chị em Ngà và Báu còn loay hoay bên cạnh thì mẹ Hoài ra hiệu cho cả hai ra ngoài.
- Bố cái Ngà đi đường xa chắc vất vả lắm. Nghỉ ngơi rồi ăn cơm đi đã.
Đến lúc này Hưng mới nói được một câu mà phải sau hai mươi nhăm năm im lặng nay mới có dịp:
- Không phải lo đâu, tôi ăn rồi Hoài ạ!
- Ừ nhỉ tôi quên mất, từ cái buổi về phép để lên đường đi B tết Sáu Nhăm ấy, mấy chục năm rồi bố cái Ngà đã ăn bữa cơm nhà nào đâu!
Hưng cố nén một tiếng thở dài quay sang chuyện khác:
- Nghe con gái nói Hoài ốm nặng lắm, bây giờ sao rồi? Tôi về lần này sẽ đưa Hoài đi bệnh viện tỉnh khám và điều trị cho thật ổn.
- Không cần phải thế đâu. Tôi thấy trong người nhẹ nhõm nhiều rồi. Dăm bữa nửa tháng là lại khỏe, lại đi làm được ngay thôi!
Một thoáng im lặng, Hoài lấy trong người chiếc chìa khóa nhỏ dài như cái đinh bằng đồng đưa cho Hưng bảo lấy giúp cái cặp da ở đáy hòm kê trong góc nhà. Hưng run run chạm tay vào chiếc cặp đã sờn cũ khi anh nhận ra đấy là chiếc cặp sách anh dùng suốt thời học cấp Ba trường huyện. Biết bao kỷ niệm của thời thơ ấu bỗng ùa về. Tất cả những tưởng đã qua đi, nhưng tất cả rồi lại đều được lưu giữ từ đôi bàn tay của Hoài. Hoài lấy ra một tờ giấy được cuộn trong một cái ống gỗ có nắp kín đưa cho Hưng, tờ giấy viết tay nay cũng đã ngả màu vàng.
“Phương Hạ ngày 5 tháng 3 năm 1972. Hưng con. Bố chắc không thể đợi con trở về được nữa, đã đến lúc bố phải ra đi tìm về với mẹ và anh Cường con. Thương con nhiều lắm khi trở về phải chịu cảnh côi cút…”. Nước mắt anh nhòe đi trước những dòng chữ run run quen thuộc. Chứng kiến cảnh người đàn ông mạnh mẽ rắn rỏi đã một thời mình được âu yếm gọi là chồng, nay đang ôm mặt khóc nấc như một đứa trẻ, lòng Hoài rộn lên một nỗi xót xa, chị giơ tay định vuốt lên mái tóc đã điểm bạc của anh, nhưng rồi bỗng rụt lại như bất chợt chạm phải cục than hồng. Sắc mặt Hưng lúc này dường như được tương phản tâm trạng bên trong, nó cứ chấp chới đổi thay theo từng dòng chữ, lúc thì đỏ ửng, lúc lại tái nhợt, cuối cùng là sạm đanh màu sắt nguội. Rồi một giọng nói cũng đanh và lạnh như tiếng thép khẽ ngân lên:
- Như thế thằng Báu lại là con anh trai tôi à?
Không có tiếng trả lời, thay vào đó là tiếng khóc rấm rứt yếu đuối của Hoài. Căn phòng nhỏ bé bỗng trở nên lạnh lẽo cô liêu. Hồi lâu Hưng nói như ra lệnh:
- Sự thể như thế nào kể lại tôi nghe!
Đến đây thì Hoài bỗng khóc nức nở, tiếng khóc vỡ òa ra như chưa bao giờ được khóc như thế. Có cảm tưởng như những tiếng nấc khổ đau ai oán ấy sẽ không bao giờ dừng lại được nếu như Hưng không có một động tác bất ngờ đứng lên rút chiếc khăn trên dây thép lau mặt cho Hoài và nói với chị bằng một giọng dịu dàng hơn:
- Thôi nín đi nào, tôi đã về đây rồi mà.
Tiếng thổn thức lúc này đã nhỏ dần, xen vào đấy là những tiếng nói đứt đoạn như những mảnh vỡ cố xếp vào nhau… Tôi, tôi… khổ lắm… anh Hưng ơi…!
- Trong chúc thư bố có nói trước lúc chết anh Cường đã thú tội với bố...
- Tội nghiệp cho mồ ma bác ấy! Tôi mới là người có tội lớn nhất, nếu tôi một lòng một dạ trung trinh vàng đá thì sao có chuyện tầy đình đến thế? Hôm nay tôi xin tạ tội trước vong linh thầy mẹ và bác ấy, để được một lần kể lại anh nghe…
Cả hai cùng im lặng. Chỉ có tiếng con chim sâu quen thuộc tích tích bắt muỗi trên giàn thiên lý vọng vào. Cặp mắt Hoài nhìn Hưng như trông đợi. Hưng vẫn im lặng, một lần nữa lau mặt cho Hoài rồi hạ giọng chậm rãi:
- Thôi không phải kể lại làm gì.
Giọng Hoài bỗng trở nên gấp gáp:
- Không! Tôi phải kể lại để anh biết vì sẽ chẳng còn dịp nào nữa đâu… Anh có biết không, mùa hè năm ấy nước sông Vải dâng cao chưa từng thấy, có lúc con lũ cứ như chực vượt qua mặt đê bối làng ta. Hôm ấy trời bỗng nổi cơn dông rồi mưa trút xuống trắng đồng. Xã huy động tất cả dân làng trong hai thôn ra cứu đê. Nhà ta cũng góp đủ mặt, thầy, cô Thoa và tôi. Bác Cường cũng xin đi nhưng chú Cửu Beng đội trưởng bảo mù lòa như mày ra lại vướng chân người khác, cho ở nhà đánh bạn với lũ trẻ! Cả làng cuốc xẻng quang gánh lao ra đê. Công việc chỉ đơn giản là đào đất chuyển lên bồi đắp cho đê bối cao hơn, nhưng ai cũng biết mình đang góp sức để cứu đê, cứu làng, bởi vậy chẳng phải ai nhắc nhở mà ai ai cũng dồn hết sức. Chừng nửa đêm thì có lệnh phụ nữ có con nhỏ được ưu tiên về nghỉ trước. Tôi về đến nhà thì gà đã gáy canh hai, bé Ngà đã ngủ, bác Cường vẫn ngồi đan rổ, ngọn đèn trên tràng kỷ vặn nhỏ như hạt đỗ. Tôi vặn to đèn kể cho bác nghe qua công việc ngoài đê rồi giục bác đi ngủ kẻo khuya. Bác bảo đã đun cho nồi nước hương nhu lá bưởi bưng ra mà tắm cho khỏi cảm lạnh. Tôi tắm xong định vào chái ngủ với con thì bác ấy bảo thím ngồi xuống đây tôi có chuyện muốn nói. Tôi ngồi ghế đối diện bên kia bàn. Im lặng không thấy nói gì, hồi lâu bác ấy bật khóc. Không hiểu đã có chuyện gì ở nhà, tôi hỏi làm sao, bác ấy bảo chiều nay chú Cửu Beng diếc móc thân phận mù lòa làm bác tủi thân muốn chết. Ông trời ăn ở sao bất công, biết bao trai làng lành lặn giống như chú Hưng nhà ta, tất cả đều đã bay nhẩy đi xa, người thì bộ đội, người thì học nghề, người lại đi học nước ngoài, chỉ còn những đứa tật nguyền như bác là đành cam phận làm chó giữ nhà, nhiều lúc chỉ muốn đâm đầu xuống giếng cho xong kiếp người. Nghe bác nói tôi thấy thương xót vô chừng. Lúc ấy không biết sao tự dưng tôi lại nghĩ đến anh. Hai anh em giống nhau như hai giọt nước, cũng cao lớn vạm vỡ khôi ngô sáng sủa, chỉ vì đôi mắt mà đời bác ấy trở nên mù mịt tối tăm. Tôi tìm lời an ủi là trời không cho đôi mắt sáng nhưng lại cho bác đôi bàn tay vàng, đan lát vá may việc gì cũng khéo, bác cứ yên tâm khối cô gái làng vẫn đang ngấp nghé, rồi thế nào bác cũng có gia đình hạnh phúc đề huề như ai. Nghe tôi nói bác ấy cố nén tiếng khóc bảo cảm ơn thím đã động viên, nhưng thân phận tôi thế nào tôi biết, tôi năm nay đã ba mươi, chưa một lần được đứng gần một người đàn bà, chưa một lần được cầm tay ai… Rồi bác ấy đưa tay sang nắm lấy hai bàn tay tôi. Tôi cố rụt lại thì bác đã đứng sát bên người van vỉ rằng mong tôi tha tội, bác chỉ xin được ôm tôi một lần để biết thế nào là hơi ấm và hương thơm phụ nữ rồi sau này có chết cũng cam lòng. Tôi hoảng hốt lùi lại nhưng bác ấy đã ôm ghì lấy tôi. Một cảm xúc xáo trộn dâng lên trong người, ghê sợ, thương hại, xót xa trộn lẫn vào nhau khiến tôi mụ mị không biết phải làm gì. Bác ấy bế bổng tôi vào buồng trong, và thế là trong giây phút mê muội tôi đã trở thành kẻ thất tiết với chồng - Tiếng khóc của Hoài lại nấc lên át hẳn tiếng nói lúc này chỉ thoảng như hơi thở - Anh Hưng ơi, tôi biết tội của tôi là lớn lắm, nên cũng hiểu là anh có đối xử như thế nào thì tôi cũng không thể oán trách điều gì. Chỉ thương là thương cho thằng Báu chẳng biết bố là ai, ngay họ cũng phải lấy họ mẹ, chẳng có danh phận gì trong cái nhà này. Cũng lại xót xa thay cho bác ấy, từ lúc con trai sinh ra cho tới khi mình từ giã cõi đời, mấy năm trời chưa một lần được ôm con vào lòng, chưa một lần được nghe con nói…
Tiếng nói của Hoài nhỏ dần và đến đây thì không còn phát nổi thành lời, thay vào đấy là những tiếng ho yếu ớt. Hưng phải mấy lần giục thôi đừng nói rồi nhẹ nhàng vuốt ngực Hoài cho xuôi cơn ho. Chị nhìn bằng ánh mắt biết ơn nhẹ nhàng cầm lấy tay anh, Hưng nắm chặt rồi cúi xuống di đôi bàn tay lạnh giá lên khắp mặt mình. Nước mắt anh tràn ra hòa cùng giọng nói nghèn nghẹn:
- Hoài ơi! Anh có tội với em. Anh đã làm dang dở cả cuộc đời em, nay xin được làm tất cả những gì để chuộc tội và bù đắp cho em… Lần này anh sẽ ở nhà lo việc chữa chạy để em hồi phục như xưa, sẽ làm thủ tục giấy tờ khai sinh để nhận Báu chính thức là con trai bác Cường. Anh sẽ…
Hoài dụt tay khỏi đôi bàn tay Hưng rồi nhẹ nhàng vuốt lên khuôn mặt đầm đìa nước mắt của anh nói không ra hơi:
- Cảm ơn anh… chỉ cần anh làm việc ấy cho Báu là anh đã bù đắp tất cả… là em đã thấy cuộc đời mãn nguyện rồi…
Hưng lại ra hiệu cho Hoài đừng nói nữa rồi quay ra gọi hai chị em Ngà. Anh âu yếm nhìn Hoài rồi quay sang đặt tay lên vai Báu:
- Trước mặt mẹ Hoài hôm nay bố muốn cho hai con biết một điều đã được giữ kín từ lâu. Sự thật đã xác minh rằng em Báu đây là con đẻ của bố Trương Xuân Cường, là cháu đích tôn của dòng họ Trương Xuân chúng ta. Kể từ giờ phút này Báu ạ, con đã là người đàn ông trụ cột của gia đình, của dòng họ. Ta sẽ ở lại nhà một thời gian để cùng con lo toan việc chạy chữa cho mẹ Hoài và giải quyết những công việc gia đình…
*
Và Ba Hưng đã ở lại Phương Hạ. Trong những ngày ở làng anh đã làm tất cả những gì có thể làm được cho Hoài. Người bạn học thời cấp Ba với Hưng nay là giám đốc bệnh viện tỉnh đã điều một tốp bác sĩ và y tá về Phương Hạ khám bệnh điều trị cho Hoài, và sức khỏe của chị dường như đã có dấu hiệu phục hồi dần dần. Việc thứ hai là chuyển họ cho Báu. Trên thực tế đây là một loại việc không hề đơn giản, nhưng nhờ có những người bạn đang làm việc trên huyện, mà chỉ chưa đầy một tuần Ba Hưng đã có trong tay bản khai sinh chính thức.
Hoài run run đón nhận tờ giấy còn thơm mùi mực từ tay Hưng. Gương mặt chị sáng bừng khi đọc đến dòng chữ Trương Xuân Báu là con đẻ ông Trương Xuân Cường. Rồi như có đám mây chợt bay ngang cửa sổ, khuôn mặt Hoài bỗng tối sầm một nét buồn hoang vắng. Chị đột nhiên úp tờ khai sinh lên mặt mình. Một tiếng thở dài não nề phát ra từ tờ giấy mà lúc này trên mặt sau của nó đã hằn lên hai vệt ướt loang loải nhạt nhòa.
Hưng nhẹ nhàng gỡ tờ giấy khỏi tay Hoài rồi lấy tay quệt những giọt nước mắt trên mặt chị ngọt ngào dỗ dành:
- Thôi nín đi nào, mọi việc rồi sẽ lại tốt đẹp cả thôi em ạ!
Như có một nội lực thần bí từ bên trong, hai bàn tay Hoài bất ngờ nắm lấy tay Hưng đẩy ra, sức đẩy mạnh tới mức cả tấm thân của chị bị xê dịch một khoảng cách lùi sát chân tường, chị nói với Hưng bằng một giọng thảng thốt:
- Cảm ơn chú đã làm được một việc ân đức cho mẹ con tôi. - Rồi quay về phía hai con, chị căn dặn rành rẽ từng tiếng một – Từ nay trở đi hai chị em lo việc chăm sóc mẹ, không được để chú Hưng làm việc đó nghe chưa!
Cũng từ giây phút ấy, Hoài không nói với ai câu gì nữa. Dường như tất cả sức lực còn lại chị đã dồn hết cho những lời cuối cùng với Hưng. Được như thế ba ngày thì Hoài mất. Cô y tá săn sóc cho chị có kể lại rằng trước lúc tắt thở, gương mặt chị bỗng trở nên hồng hào và đẹp đẽ lạ thường, chị âu yếm nắm tay từng người cố gắng nói rằng chị yêu thương tất cả! Riêng với Ba Hưng, khi anh quì xuống bên giường, gục mặt vào mặt chị khóc nấc: “Hoài ơi, anh sẽ tìm gặp lại em… đợi anh Hoài nhé!”. Ánh mắt của chị khi ấy mới thật dịu hiền và tin cậy làm sao. Chị nhìn anh khẽ mỉm cười gật đầu trước khi đôi mắt ấy vĩnh viễn khép lại.
VN25/2016