Trong Quyết định nêu rõ, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Hội Lim diễn ra vào ngày 12 và 13 tháng Giêng hằng năm. Vào ngày lễ hội, người dân vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc và du khách thập phương lại về trảy Hội Lim (huyện Tiên Du) để được hòa mình vào không gian lễ hội đặc sắc, nghe các liền anh, liền chị Quan họ cất lên những câu ca mượt mà, đằm thắm.
![]() |
Các liền anh, liền chị hát quan họ trên thuyền tại Lễ hội Lim. Ảnh: HNM |
Hội Lim đã trở thành một hội lớn phát triển tới quy mô hội hàng tổng - tổng Nội Duệ vào Thế kỷ XVIII. Khi đó tổng Nội Duệ bao gồm 6 xã, phường: xã Lũng Giang, Nội Duệ (Đình Cá, Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Xuân Ô và phường hát cửa đình Tiên Du (sau là Nội Duệ Đông). Đặc biệt Hội Lim còn gắn liền với tên tuổi các danh nhân lịch sử văn hóa vùng Lim như: Đỗ Nguyễn Thụy, bà Mụ Ả... là những người có ảnh hưởng trực tiếp và có vai trò to lớn trong việc giữ gìn tập tục, mở mang hội hè vùng Lim.
Cho đến tận ngày nay, Hội Lim không chỉ là một lễ hội truyền thống thông thường, mà là một không gian văn hóa sống động, thể hiện rõ nét những giá trị lịch sử cốt lõi và mối quan hệ bền chặt giữa các làng khi thực hành di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Bên cạnh đó, Hội Lim còn được xem là không gian bảo tồn và phát huy dân ca Quan họ. Trong lễ hội, các hình thức hát được các liền anh, liền chị thể hiện như: hát canh, hát trên thuyền, hát lán, hát đối đáp... với nhiều bài hát cổ được bảo tồn. Đồng thời, cũng là dịp để các nghệ nhân thực hành di sản và truyền dạy cho thế hệ trẻ nhằm giữ gìn di sản.