Dự hội nghị và chỉ đạo Hội nghị có bà Đinh Thị Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, cùng Chủ tịch các Hội VHNT chuyên ngành và Chủ tịch các Hội VHNT địa phương.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Đoàn Thanh Nô đã trình bày dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Theo đó, trong năm 2024, văn học nghệ thuật nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước. Cũng trong năm 2024 nước ta có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản ổn định, đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh chung đó, lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của đất nước. Đây là năm triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương về Đại hội các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nhiệm kỳ 2025 – 2030. Liên hiệp các Hội VHNT chuyên ngành trung ương đã nỗ lực tập trung hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của nhiệm kỳ, tích cực chuẩn bị các công việc cho đại hội nhiệm kỳ mới, tiếp tục triển khai nhiều chương trình, dự án văn học, nghệ thuật lớn hướng về những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước. Đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy nêu cao tinh thần và vai trò trách nhiệm trên mặt trận tư tưởng văn hóa, xây dựng văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam.
Liên hiệp, các hội thành viên tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa. Phương thức tổ chức các hoạt động phát huy tự do sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, tạo được sự đồng thuận cao; lấy chất lượng, hiệu quả trong việc tổ chức, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, khuyến khích đổi mới sáng tạo làm trọng tâm. Tổ chức Hội thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của văn nghệ sĩ, là cầu nối giữa văn nghệ sĩ với Đảng, Nhà nước; chủ động tham mưu, đề xuất các quan điểm, cơ chế, chính sách nhằm phát triển văn học nghệ thuật nước nhà… Các Ủy biên Đoàn Chủ tịch phụ trách khu vực là cầu nối giữa các tổ chức thành viên với Liên hiệp. Công tác phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan duy trì thường xuyên, có hiệu quả.
Với những kết quả đã đạt được trong năm 2024, văn học nghệ thuật góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tạo bầu không khí lành mạnh trong xã hội, tạo niềm tin vào tiền đồ của đất nước, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ trong nhân dân.
Tại báo cáo, Liên hiệp cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đó là cơ chế, là kinh phí hoạt động và còn có không ít hạn chế về nhận thức…
Toàn cảnh Hội nghị |
Tại Hội nghị, đại diện các Hội VHNT địa phương đã thẳng thắn nêu những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất giải pháp trong năm tới.
Tham luận tại Hội nghị, nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam về các hoạt động văn học nghệ thuật trọng tâm trong năm 2025. Đồng thời đề nghị lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố chủ động hơn nữa trong việc tham mưu với lãnh đạo tỉnh trong việc tổ chức các hoạt động của hội, trong đó, cần tăng cường hơn nữa công tác tư tưởng và quảng bá tác phẩm.
Về thực hiện hoạt động sáng tác cho thanh thiếu nhi, nhà văn Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương cho biết, thực hiện nhiệm vụ này, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương đã trực tiếp tham gia vào tổ biên soạn chương trình giảng dạy văn học nghệ thuật địa phương của bậc tiểu học, trung học phổ thông. Việc giới thiệu tác phẩm tiêu biểu của các tác giả là người địa phương góp phần đem tiếng nói của văn học nghệ thuật lan tỏa tới các trường học, các đoàn thanh niên, các thanh thiếu niên và gợi mở sự quan tâm của thế hệ trẻ với lĩnh vực này. Đặc biệt, việc định hướng thẩm mỹ thông qua các hoạt động sáng tác, tổ chức các cuộc thi dành cho giới trẻ, tổ chức các trại sáng tác văn học nghệ thuật trẻ cầnđược tổ chức thường xuyên, mang tính định kỳ để góp phần thúc đẩy sự quan tâm của thế hệ trẻ với văn học nghệ thuật và khẳng định giá trị của văn học nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay.
Cũng tại hội nghị, vấn đề kinh phí hoạt động của các Hội VHNT địa phương cũng được đề cập. Qua các ý kiến đều cho thấy, kinh phí hoạt động giành cho VHNTkhá eo hẹp, dẫn đến nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ. Nhiều đại biểu đề nghị cần phải đưa VHNT trở thành một trong những nhiệm vụ trong hoạt động thiết thực của địa phương, được lãnh đạo phê duyệt, không những thúc đẩy văn học nghệ thuật tỉnh nhà mà còn là nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu nghệ thuật, giải trí của nhân dân thì văn học nghệ thuật sẽ phát triển, có chỗ đứng và có nguồn kinh phí hoạt động.
Bên cạnh đó một số đại biểu cũng cho rằng, đội ngũ văn nghệ cần đi trước, không nên quá thụ động từ nguồn kinh phí được nhà nước cấp mà cần tìm những hướng đi mới, phù hợp với thực tế. Việc quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật cũng không phải của riêng Hội VHNT mà còn là việc của mỗi văn nghệ sĩ, của chính tác giả.
Đại diện Hội VHNT Đà Nẵng – nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm cho rằng hiện nay các tỉnh, thành trong toàn quốc có nhiều mô hình hoạt động khác nhau, nên ông đề nghị Liên hiệp VHNT Trung ương kiến nghị Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng mô hình tổ chức thống nhất cho hệ thống Liên hiệp các Hội VHNT trên cả nước, đảm bảo sự đồng bộ trong hoạt động.
Về việc thực hiện Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả sẽ được Liên hiệp và các Hội thành viên ở trung ương và địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng yêu cầu và tiến độ.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương TS. Đinh Thị Mai phát biểu tại hội nghị |
Ghi nhận những ý kiến đại biểu và kết luận nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Liên hiệp và các hội tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ phải bám sát với thực tiễn, các nhiệm vụ chính trị của đất nước, tạo không khí phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động cần tránh sự chồng chéo và tập trung vào chất lượng các hoạt động.
Đồng thời, đề nghị Liên hiệp và các tổ chức thành viên tích cực tham mưu, đề xuất, tư vấn và phản biện các chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Đặc biệt trên ba lĩnh vực: Xây dựng nghị quyết mới về phát triển văn hóa con người Việt Nam; Chương trình mục tiêu quốc gia về văn học nghệ thuật; Góp ý dự thảo văn kiện Đảng bộ các cấp và dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
“Đề nghị các đồng chí quan tâm, nắm bắt tình hình tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ và dự báo cho cấp ủy, từ trung ương đến địa phương các xu hướng, hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật để làm nổi bật lên vai trò của mình, để làm sao cho văn học nghệ thuật có thể ‘soi đường cho quốc dân đi’, văn học nghệ thuật phải hướng tới những giá trị Chân – Thiện – Mỹ”, TS. Đinh Thị Mai nhấn mạnh.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương TS. Đinh Thị Mai cũng đề nghị, Liên hiệp và các hội cần kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác văn học nghệ thuật để bảo vệ hội viên của mình.