Đánh giá một số hoạt động nổi bật trong quý 3, Báo cáo công tác văn học, nghệ thuật và hoạt động của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương - quý 3/2024, định hướng nhiệm vụ công tác quý 4/2024 nêu rõ: Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng với việc kêu gọi hội viên đóng góp, gây quỹ ủng hộ, văn nghệ sĩ cả nước, các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương còn có nhiều sáng kiến, tổ chức các chương trình nghệ thuật thiện nguyện, các hoạt động chuyên môn thiết thực, hiệu quả để ủng hộ, hướng về đồng bào bị bão lũ.
Hội nghị Giao ban Công tác văn học, nghệ thuật và hoạt động của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương quý 3 năm 2024. Ảnh: Phương Thuý. |
Bên cạnh đó, sự đồng hành của các cấp, các ngành cũng thể hiện trách nhiệm, vai trò giữ gìn, phát triển văn học nghệ thuật của dân tộc. Điều này không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân mà còn quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Nhiều văn nghệ sĩ nước ngoài được Nhà nước tôn vinh vì có công đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Tháng 9 vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã đề nghị Nhà nước tặng Huân chương hữu nghị cho hai học giả người Mỹ đã có công đóng góp tích cực tham gia dịch và quảng bá hiệu quả các tác phẩm văn học Việt Nam, tổ chức giao lưu, kết nối nhà văn hai nước, góp phần xây dựng nhịp cầu Việt Nam, Hoa Kỳ. Nhân chuyến đi công tác nước ngoài tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trao tận tay Huân chương hữu nghị cho hai học giả người Mỹ. Đó là giáo sư, nhà thơ Kevin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner, nay là Viện William Joiner (Boston, Mỹ) và giáo sư, nhà thơ Bruce Weigl. Hai ông từng là lính tham gia chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1967-1969. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt về cả chính trị và văn hóa giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ.
Đồng chí Đinh Thị Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận sự đóng góp của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ chính trị; tích cực tham gia cùng các đơn vị liên quan của Ban Tuyên giáo Trung ương để góp ý, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; triển khai chuẩn bị cho Đại hội cơ sở và Đại hội toàn quốc của các hội chuyên ngành cũng như của Liên hiệp; tham gia các hoạt động đối ngoại trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đồng chí Đinh Thị Mai cũng đề nghị: những vấn đề vướng mắc, được bàn luận nhiều trong thời gian qua cần tiếp tục tháo gỡ, triển khai nhanh hơn, chất lượng, hiệu quả hơn.
Theo đó, thủ tục hướng dẫn triển khai Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các hội văn học nghệ thuật địa phương theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 08/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện. Do thiếu kinh phí, kinh phí chậm cấp, khó khăn trong giải ngân, quyết toán nên nhiều hoạt động chuyên môn của các hội phải tạm dừng chờ hướng dẫn, một số tạp chí chuyên ngành văn học, nghệ thuật phải tạm đình bản.
Cụ thể, trong quý 3, kinh phí bổ sung năm 2024 và dự toán năm 2025 đã được Bộ Tài chính cấp và hướng dẫn chi tiết. Tuy vậy, kinh phí giải thưởng năm 2024 chưa thể giải ngân. Nguyên nhân là từ năm 1993 đến nay, Liên hiệp và các hội thực hiện theo Quyết định 25 của Thủ tướng, ban hành năm 1993 định mức chi giải thưởng theo hàng năm, tức là năm trước chi như thế nào thì năm sau chi như vậy. Ông Đoàn Thanh Nô, Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam nêu ý kiến: Trong lúc chờ Nghị định, Thông tư mới thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định ban hành định mức tạm thời cho năm 2024.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng: Việc phát sinh vấn đề liên quan đến định mức, thù lao, công tác giám khảo và các hạng mục giải thưởng năm nay, trong đó có giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam, do khác biệt của các lĩnh vực văn học nghệ thuật nên khó có định mức chi chung cho giải thưởng của các hội văn học nghệ thuật như yêu cầu. Hai khoản chi này từ nguồn ngân sách Nhà nước chưa được Bộ Tài chính duyệt chi nên Liên hiệp cùng các hội đã đề nghị các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc này. Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng bày bỏ mong muốn: “Giải Cánh diều đã được trao, cúp đã được trao, bằng đã được trao nhưng nợ tiền của Ban Giám khảo, nợ tiền của văn nghệ sĩ, chúng tôi lo rằng điều đó sẽ diễn ra giống như Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh cách đây ít lâu, gây ồn ào trên mạng xã hội và cuối cùng Nhà nước vẫn phải đứng ra giải quyết. Trong khi đó, điều này rất tổn thương đến văn nghệ sĩ, làm mất uy tín của giải Cánh diều đã có thương hiệu 23 năm nay. Chúng tôi rất mong điều này được tháo gỡ bởi chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm 2024, nếu không chúng tôi cảm thấy mang nợ nghệ sĩ và có nhiều bất cập trong khi “điểm nghẽn” này không nên có”.
Tình trạng có tiền nhưng chưa được chi cũng diễn ra ở các hội chuyên ngành khác. Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thông tin: Đến nay Hội đã tổ chức tổng kết, trao giải và khai mạc triển lãm tại 8 khu vực trong cả nước nhưng vẫn đang nợ tiền giải thưởng, liên quan đến định mức chi giải thưởng chưa có. Ngoài ra, không ít lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật địa phương băn khoăn tại sao vẫn chưa có kinh phí hỗ trợ hoạt động theo Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các hội văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các hội nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025.
Về nhiệm vụ định hướng trong thời gian tới cần lưu ý: Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành cần bám sát tôn chỉ, mục đích và điều lệ cho đúng hướng, đảm bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị, đặc biệt quan tâm đến tình tình tư tưởng của văn nghệ sĩ, định hướng tư tưởng để văn nghệ sĩ quảng bá, sáng tác tác phẩm theo đúng tôn chỉ, mục đích chính trị, có những hoạt động sáng tạo phục vụ mục đích chính trị và kinh tế, trên cơ sở đó đánh giá sự tham gia của các hội vào hoạt động văn học nghệ thuật, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội 14 của Đảng. Riêng với cơ chế tài chính liên quan đến giải thưởng theo Quyết định 25 và Quyết định 558, đề nghị các hội chuyên ngành phối hợp với các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ đánh giá lại những vướng mắc, đề xuất cụ thể, tổ chức tổng kết cơ cấu giải thưởng của từng hội, từng lĩnh vực…
---------
Bài viết cùng chuyên mục: