Theo kế hoạch của UBND TP.Huế, thời gian tới, thành phố sẽ triển khai các nội dung cụ thể để xây dựng hồ sơ, như: thành lập Tổ công tác xây dựng hồ sơ tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực sáng tạo ẩm thực của TP.Huế; tổ chức xây dựng hồ sơ với các bước khảo sát, thu thập số liệu và mời các chuyên gia trong nước và nước ngoài để xây dựng báo cáo đánh giá về lĩnh vực được lựa chọn (ẩm thực) và tư vấn xây dựng hồ sơ.
Đồng thời sẽ tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên đề, hội thảo quốc tế và hoàn thiện hồ sơ. Trong đó, có 2 cuộc tọa đàm và 1 hội thảo chuyền đề, dự kiến tổ chức trong tháng 8 và tháng 9.2024; và tổ chức hội thảo Quốc tế với chủ đề “Huế - Hướng tới Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Ẩm thực” vào cuối năm 2024. Các cuộc hội thảo nhằmlấy ý kiến góp ý, tham vấn cho các nội dung liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ.
Lãnh đạo thành phố cũng cho biết, song song các hoạt động xây dựng hồ sơ, tổ chức hội thảo, thảo luận thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông trong quá trình xây dựng hồ sơ với các hoạt động như: tổ chức cuộc thi thiết kế logo hoặc mời đơn vị thiết kế bộ nhận diện “Huế - Thành phố sáng tạo UNESCO”; lập website đăng tải các nội dung liên quan đến việc xây dựng hồ sơ “Huế - Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực” (với 2 ngôn ngữ Việt - Anh); tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Sau khi hoàn tất hồ sơ, TP.Huế cũng sẽ triển khai các hoạt động xuất bản các ấn phẩm, sách, phim tư liệu giới thiệu về tiềm năng của TP.Huế trong lĩnh vực ẩm thực. Tổ chức các không gian ẩm thực, các hoạt động trình diễn, chế biến món ăn dân gian và cung đình để góp phần quảng bá tiềm năng của Huế trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực.
Theo các nguồn tài liệu và kiểm kê, điều tra thì Huế có 1.700 món ăn, thức uống, được chia 3 loại: ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình và ẩm thực chay. Các món ăn được chế biến hấp dẫn, khéo léo, coi trọng phần chất hơn lượng, cùng với nghệ thuật bày biện đẹp mắt và nghệ thuật thưởng thức tinh tế. |
Ngoài ra, địa phương cũng sẽ tổ chức đoàn tham dự Hội nghị các thành phố sáng tạo, hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch tại các quốc gia ở nước ngoài (nếu có) để tranh thủ giới thiệu quảng bá thành tựu và tầm nhìn chiến lược của Huế đáp ứng hồ sơ đề cử của UNESCO và học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố đã được công nhận tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo…
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đẩy mạnh xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực” với nhiều hoạt động quảng bá du lịch, văn hóa ẩm thực đặc sắc, thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. |
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) ra đời từ năm 2004, với 7 lĩnh vực: thiết kế, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông, âm nhạc, điện ảnh, thủ công và nghệ thuật dân gian. Đến nay, đã có hơn 350 thành phố của hơn 100 quốc gia trên thế giới tham gia. Việt Nam đã có 3 thành phố được công nhận là Thành phố sáng tạo UNESCO, gồm: Hà Nội với lĩnh vực thiết kế (năm 2019), Hội An (tỉnh Quảng Nam) với lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) với lĩnh vực âm nhạc cùng được công nhận vào tháng 10.2023.
Minh Nguyệt | Báo Văn Nghệ
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: