Chuyên đề

Huyền tích Hùng Lô

Vũ Kim Liên
Văn học địa phương
11:00 | 15/07/2024
Xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì xa xưa có tên gọi là Khả Lãm trang, sau đổi thành làng An Lão, là nơi có quần thể di tích phong phú
aa

Là vùng đất trù phú, Kẻ Xốm xưa sớm trở thành trung tâm buôn bán, giao thương của nhân dân các vùng phụ cận. Hùng Lô nay có diện tích 2 km2, dân số trên 6.000 người đang sinh sống, giữ gìn, bảo quản, tôn tạo những dấu ấn văn hóa của thời kỳ các Vua Hùng dựng nước. Trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi, những tập tục, nếp làng từ xưa đến nay vẫn được gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Điều này được thể hiện đầy đủ và sinh động qua các lễ hội truyền thống và lễ Rước kiệu của làng mỗi dịp 10/3 Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.

Chị Lê Thị Xuân Hương - Phó phòng Hành chính Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch tỉnh, cho biết “Năm nào vào dịp Giỗ Tổ, dân làng Hùng Lô cũng tổ chức lễ hội và chồng kiệu tế lễ ngay tại đình làng. Hùng Lô có ngôi đình cổ tồn tại hàng bao thế kỷ, đến nay được tôn tạo, tu bổ và xây dựng thêm nhiều công trình cảnh quan như ao Sen, công viên, vườn hoa cây cảnh và quần thể kiến trúc bao gồm các công trình như ngôi miếu cổ, đình Hùng Lô, chùa An Lão, bệ thờ Thần Nông, nhà Văn chỉ và nhà Yến lão. Đây là di tích có giá trị văn hóa và lịch sử đặc biệt nổi bật trên vùng đất Tổ, được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia từ năm 1990”.

Được biết, đình Hùng Lô được xây dựng từ năm 1697 dưới thời Vua Lê Hy Tông, hướng mặt quay về núi Nghĩa Lĩnh nơi thờ tự các Vua Hùng. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình có cấu trúc như ngày nay, bao gồm nhà Tiền tế, Phương đình và Đại đình. Đến nay, phía trên chính giữa cửa gian Tiền tế vẫn còn bức đại tự ghi 4 chữ “Tế tất trai như” có nghĩa “Việc tế lễ phải thanh khiết” nhằm nhắc nhở nhân dân khi về đình tế lễ phải mang tâm trong sáng, thuần khiết.

Tòa Đại đình Hùng Lô dài 19m, rộng 13m vật liệu chủ yếu là các loại gỗ quý như đinh, lim, sến, táu, mít, có 3 gian đều bố trí nội thất thờ cúng. Trong đó, gian thờ chính có ngai thờ các vị thần Ất Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương và Áp Đạo quan Đại Vương. Đây chính là một trong những di tích thờ các nhân vật lịch sử thời kỳ Hùng Vương dựng nước.

Cụ Nguyễn Sĩ Long - 83 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi - người chuyên viết kịch bản lễ hội làng Hùng Lô, nhấn mạnh “Khi về với Hùng Lô, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều giá trị nghệ thuật đỉnh cao mang đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê mô tả các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của con người, đồng thời minh họa các tích chuyện cổ xưa như đấu võ, đấu quyền, đấu vật, cờ lau tập trận, bát tiên quá hải, chúc lâm thất hiền, vinh quy bái tổ, quần long hội tụ, vũ hội ngày xuân...

Nơi đây hiện còn lưu giữ hệ thống các đồ thờ tự phục vụ nghi lễ thờ cúng, phần lớn có niên đại trên 300 năm tuổi. Đáng chú ý là hệ thống câu đối cổ rất phong phú, bao gồm 43 cặp câu đối ca ngợi công đức các Vua Hùng và cảnh trí quê hương. Các khí tự bằng đồng như chùy đồng, phủ việt (roi, gậy) thể hiện uy quyền của người đứng đầu, súng, đao, kiếm, gươm, giáo và các đồ thờ cúng, tán lọng, cờ, nón, quần áo nỉ đủ cho 200 trung nam, chủ tế, tư văn phục vụ những ngày lễ hội hầu như còn nguyên vẹn. Tiêu biểu hơn là 5 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng gắn với truyền thống rước kiệu trong Lễ hội Đền Hùng từ xưa tới nay của Hùng Lô”.

Cũng theo cụ Long thì hàng năm người dân khắp nơi đổ về đình Hùng Lô để cầu đinh và cầu tài lộc, bình yên. Cụ Nguyễn Văn Tòng - Thủ từ của Đình kể về truyền thuyết để lại “Trong một lần đi săn thú rừng và du ngoạn cảnh trí, Vua Hùng cùng Công chúa và các quần thần dừng chân nghỉ tại Khả Lãm trang, được các bô lão và thần dân nghênh tiếp.

Vua Hùng thấy nơi này đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi, con người hiền hòa, chịu khó, lại thấy có huyệt thiên tạo hướng, khí thiêng từ lòng đất bốc lên, cho đây là chốn địa linh ắt sinh nhân tài, liền khuyên bảo dân chúng khẩn hoang vỡ đất xây dựng làng ấp...”. Tưởng nhớ ân tích của Vua Hùng, về sau, dân làng Khả Lãm đã lập miếu thờ và dựng bức hoành phi “Tham thiên tán hóa” ý nói Vua Hùng tham sự đạo trời giúp dân để đời đời hương khói Vương tổ.

Đình Hùng Lô
Đình Hùng Lô

Cùng với sự giàu có về giá trị kiến trúc và ý nghĩa lịch sử lâu đời, quần thể di tích đình Hùng Lô đã mang lại tâm thái an vui cho mỗi du khách khi hành hương về nơi đây, nhất là vào dịp làng mở hội rước kiệu với quy mô hoành tráng. Lễ hội làng Xốm xã Hùng Lô có truyền thống từ lâu đời, được tổ chức mỗi năm 2 lần vào dịp 10/3 Giỗ Tổ và 12/9 (âm lịch) là ngày Thánh hóa. Song về quy mô nghi thức, lớn nhất vẫn phải kể đến lễ Rước kiệu dâng lễ vật về Đền Hùng dịp Giỗ Tổ.

Nghi lễ được chuẩn bị công phu từ hàng tháng trước đó, từ việc sắm lễ vật, nuôi gà thờ, chọn người làm cỗ thờ, chọn trung nam rước kiệu và chọn chủ tế. Ngày 9/3 âm lịch diễn ra lễ tế ở đình, sau đó là lễ Rước kiệu về Đền Hùng. Trên đường rước kiệu lên Đền có đoàn múa Sư tử ở mỗi chặng nghỉ. Xưa kia các làng quanh Đền Hùng đều tổ chức rước kiệu và thi, chấm giải, hầu như năm nào Hùng Lô cũng đạt giải nhất và được rước lễ vật lên Đền Thượng.

Ngày nay tại đình Hùng Lô còn lưu giữ một tấm biển thưởng sơn son thiếp vàng mang dòng chữ “Kỷ niệm Hùng Vương đệ nhất hội” từ năm Mậu Ngọ 1918. Sau khi rước kiệu lên Đền Thượng dự lễ tế Tổ xong, kiệu Hùng Lô được rước lại về làng trong tâm trạng náo nức, hồ hởi của nhân dân. Từ trong làng, một cỗ kiệu Bát Cống được rước với nghi thức trang trọng cùng phường Bát Âm rộn ràng ra tận đầu làng đón kiệu từ Đền Hùng về, nhập chung thành đoàn rước kiệu về đình để dân làng làm lễ tạ theo nghi thức đại tế rồi mới cất kiệu và kết thúc lễ hội.

Cùng với quần thể di tích tâm linh như đã nói ở trên, hiện làng Hùng Lô còn sở hữu 53 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm, có ngôi nhà gần 300 năm tuổi. Các ngôi nhà đều được làm bằng nguyên liệu cây cối, gỗ ở trên rừng và được chạm khắc các biểu tượng long, ly, quy, phượng, tùng, trúc, cúc, mai. Hầu hết các nhà được thiết kế kiểu 3 gian có hệ thống cửa sổ, cửa ra vào thông thoáng, phía trước là khoảng sân rộng rãi xung quanh trồng cây xanh bóng mát và hoa.

Nét cổ kính, thâm nghiêm ở nơi đây hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, nghiên cứu và thưởng lãm, trong đó có hát Xoan là bộ môn nghệ thuật không thể thiếu khi phục vụ du khách tham quan Hùng Lô. Chị Phùng Hoa Lê - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch tỉnh, cho biết, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Hùng Lô đón gần 1.000 lượt khách quốc tế đến tham quan, chiêm bái cảnh đẹp cũng như nghệ thuật hát Xoan cộng đồng, chưa kể hàng nghìn lượt khách trong nước đến tham dự.

Vào dịp đầu năm mới, Trung tâm xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trình diễn hát Xoan phục vụ du khách đến các phường Xoan, trong đó có làng Hùng Lô. Đây là dịp để ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch quảng bá hoạt động văn hóa, du lịch đến với du khách hành hương về Phú Thọ. Du khách quốc tế được người dân kể cho nghe về điển tích của Xoan, kết hợp với lời hát và điệu múa, họ mới “ngộ” hết giá trị cốt lõi của Xoan và luôn muốn được xem nhân dân biểu diễn Xoan ngay tại đình làng.

Khi hát Xoan trở thành sản phẩm du lịch thì sẽ kết nối được hành trình tuor du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh phát triển mạnh. Khách hành hương về Đền Hùng, sau khi làm lễ dâng hương cúng Tổ sẽ di chuyển đến các địa điểm trong hành trình khám phá trải nghiệm du lịch tâm linh nguồn cội khác, trong đó không thể thiếu quần thể di tích làng Hùng Lô.

Hiện nay ở Hùng Lô còn có các sản vật khác như đặc sản mỳ gạo Hùng Lô, miến dong, bánh đa, các loại bánh gai, chưng và nhiều nông sản khác. Du khách có thể mua sản vật địa phương mang về làm quà cho gia đình, người thân, bạn bè... Đây chính là việc quảng bá hữu hiệu nhất về những gì đang có, đã có, đang được lưu giữ, truyền bá ở Hùng Lô.

Về Hùng Lô hôm nay, du khách không chỉ được tìm hiểu những điển tích xưa thời Vua Hùng dựng nước mà còn được thả hồn trong không gian cổ xưa, yên tĩnh, được nghe hát Xoan, được thưởng thức sản vật dân giã và khi cần là có thể nghỉ ngơi thư giãn trong các Homestay xinh xắn trong làng. Người Hùng Lô, đất Hùng Lô tự hào mang trong mình sự kỳ bí, tôn nghiêm của lịch sử và đang ngày càng mở mang, phát triển xứng đáng với vị thế quê hương đất Tổ Vua Hùng.

Bỏ phiếu chọn tượng đài Vua Hùng: nhưng đó là đời Vua Hùng nào? Khởi động dự án "Đường vào vương quốc các Vua Hùng trên không gian thực tế ảo" Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Quốc Giỗ, dâng hương các Vua Hùng
Nguồn Văn nghệ Đất Tổ Online
Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới

Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới

Baovannghe.vn - Từ năm 2012, tháng 5 hàng năm đã trở thành "Tháng công nhân". Từ đó đến nay, sự phát triển hiện đại, lớn mạnh của giai cấp công nhân đã chứng minh tầm quan trọng cũng như vị thế của lực lượng sản xuất góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2025

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2025

Baovannghe.vn - Chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng phụ cấp lưu trú khi đi công tác... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2025.
Hoa cỏ sinh ra cũng có linh hồn - Thơ Phan Hoàng

Hoa cỏ sinh ra cũng có linh hồn - Thơ Phan Hoàng

Baovannghe.vn- Người vui cười hoa cỏ cũng cười vui/ Người buồn đau hoa cỏ cũng đau buồn
Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ: Những minh họa độc sáng

Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ: Những minh họa độc sáng

Baovannghe.vn - Minh họa của Hoàng Phượng Vỹ tạo ra thứ trừu tượng và hỗn loạn hơn thế. Giống như một lát cắt sắc lẹm vào thế giới của văn chương, những bức vẽ của Vỹ đã nắm bắt được điều quan trọng nhất, chắt lọc nó thành một hình ảnh cô đọng, đồng thời sáng tạo thêm để nó trở nên sống động và đầy tính triết luận.
Anh tôi - Thơ Trần Thu Hà

Anh tôi - Thơ Trần Thu Hà

Baovannghe.vn- Anh nằm nghiêng/ Không tăng không bạt