Hơn 200 đại biểu các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan đã tham dự hội nghị quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 30/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong tham dự và chủ trì hội nghị.
Hơn 200 đại biểu các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan đã tham dự hội nghị |
Theo đó, trong lĩnh vực VHTT&DL, công nghiệp văn hóa hiện đang được xem là một nội dung rất lớn mà Đảng, Nhà nước sẽ đưa vào văn kiện, dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng. Văn hóa được đặt ở vị trí trung tâm, một trong những vấn đề hàng đầu của đất nước. Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua 3 thể chế rất quan trọng. Một là chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; hai là sửa đổi Luật Quảng cáo và ba là sửa đổi Luật Di sản.
Riêng về công nghiệp văn hóa,Thủ tướng chính phủ ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 về phát triển các ngành CNVH Việt Nam. Thủ tướng giao cho Bộ VHTT&DL làm đầu mối cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đặt mục tiêu phải hoàn thành trong quý IV/2024.
Tại Hội nghi, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đối với các nhóm vấn đề thực tiễn triển khai phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian qua nhìn từ góc độ các nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp. Từ đó, tập trung đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đối với các ngành có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh; Đồng thời xác định phát triển trọng tâm, trọng điểm các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Nhu cầu của kinh tế văn hóa là nhu cầu có thật và rất hấp dẫn, dư địa hấp dẫn để chúng ta làm. Vấn đề xác định ở đây, ai là người làm công nghiệp văn hóa. Tôi đề nghị các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp cùng nhau tháo gỡ để thực hiện". Thứ trưởng Hồ Anh Phong đề nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị nêu lên nhiều giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, thu hút nguồn lực hợp tác công tư; những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số. Từ đó, đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bổ sung vào dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với xu hướng phát triển mới của đất nước.