Chuyên đề

Khoảng trời thanh bình của Nguyễn Thụy Kha

Lâm Hạnh
Văn học nhà trường
05:40 | 13/11/2024
Baovannghe.vn - Nguyễn Thụy Kha nói ông chủ trương viết thơ tình và ít sáng tác cho thiếu nhi. Tuy vậy, trong số ít tác phẩm dành cho thiếu nhi của ông thì Chiều ngoại ô đã có mặt trong sách Tiếng Việt 4, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
aa

Nguyễn Thụy Kha là nhà thơ, nhạc sĩ, người viết nghiên cứu, nhưng số tập thơ tình đã xuất bản lấn át các mảng khác. Nay ở tuổi gần 80, ông nói mình dành khá nhiều thời gian để nghỉ ngơi, giữ sức khỏe, ít viết lại. Tuy nhiên, một tập hồi ký văn nghệ mà ông đang ấp ủ thì phải sớm hoàn thành.

Những mộng mơ trong khoảng trời thanh bình

Khoảng trời thanh bình của Nguyễn Thụy Kha
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha

Dù ít viết cho thiếu nhi, nhưng những hoài niệm về quãng đời thơ bé thường xuyên xuất hiện trong ông, như biết bao người khác. Cảm xúc về những kỷ niệm trong ký ức của mình đã được ông thể hiện trọn vẹn trong tập tự truyện Một lần thơ trẻ (viết từ năm 1982, xuất bản năm 1994) và Chiều ngoại ô là một tác phẩm được rút từ đây.

Đến nay, khi được hỏi lại về tác phẩm Chiều ngoại ô, ông vẫn nhớ như in cảm xúc của mình. Đó những buổi chiều hè bình yên ở quê hương Hải Phòng. Thuở ấy quê còn vắng vẻ, cậu bé Kha thường cùng bạn bè ra bãi cỏ gần nhà chơi, khi bóng đá, lúc thả diều.

Một không gian thật đẹp và thanh bình đã hiện ra trước mắt chàng trai nhỏ với "bãi cỏ trải dài đón chân người", với "rặng tre thì thầm trong gió" và "những đám mây trắng vui đùa đuổi nhau trên trời cao"... cùng với những loại diều bay rợp trời. Và trong không gian ấy, chàng đã không khỏi mộng mơ: "Con chim sơn ca cất tiếng hót tự do, tha thiết đến nỗi người ta phải ao ước giá mình có một đôi cánh", "Tôi muốn gửi ước mơ của mình theo những cánh diều lên tận mây xanh"...

Khoảng trời ấy đẹp quá, không nhớ sao được!

Ngoài tác phẩm trên, bài thơ Bà em của Nguyễn Thụy Kha cũng đã in trong sách tham khảo Cùng em học tiếng Việt lớp 3. Bài thơ này được viết từ một lần ông nhờ mẹ qua chăm sóc cháu nội giúp một thời gian để ông đi Hà Nội. Ông kể về mẹ mình: "Bà là người hay chuyện, tóc bà bạc và thường dắt cháu nội đi chơi khắp xóm. Nhìn hình ảnh ấy khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm ấu thơ được mẹ đọc Truyện Kiều và kể truyện cổ cho nghe, cảm xúc tôi dâng trào. Đây cũng là hình ảnh thường thấy của những người mẹ Việt Nam một thời". Đó là lý do để có hai câu thơ đầu bài: Tóc bà trắng tựa mây bông/ Chuyện bà như giếng cạn xong lại đầy. Chuyện bà kể thì đầy giếng khơi và tình bà cũng vậy.

Điểm qua hai tác phẩm nhỏ trong sách của Nguyễn Thụy Kha cho thấy quan điểm sáng tác của ông dành cho độc giả nhỏ tuổi là dựng lên những hình ảnh và từ ngữ xinh đẹp, viết ngắn ngọn. Tuy nhiên, nhà thơ nói rằng thơ văn thiếu nhi ông chỉ viết khi con ông còn nhỏ - cùng những kỷ niệm với con - sau này thì không viết nữa.

"Cứ say là viết"

Đây là ý tứ là tiến sĩ mỹ học Thế Hùng viết về người bạn của mình với sự nể phục: "Kha say công việc, say viết, say sáng tạo âm nhạc và say rượu. Riêng khoản say tình thì khỏi nói..." Vậy là đã hiểu, con người phong lưu và con người công việc luôn xuất hiện kề cận nhau.

Nếu không tìm hiểu về ông, mà chỉ đọc và liệt kê mấy chục đầu sách, nhạc phẩm và kịch bản phim của ông thì dễ hiểu ông phải làm việc, làm việc và làm việc mới "năng suất" và hiệu quả như vậy. Nguyễn Thụy Kha cũng thừa nhận "việc chơi" của mình khi được hỏi chắc phải làm việc kinh khủng lắm: "Đâu có, tôi chơi nhiều lắm chứ, nhưng mà chơi nhiều thì lại viết được nhiều".

Khoảng trời thanh bình của Nguyễn Thụy Kha
Trang sách "Chiều ngoại ô"

Thật khó để đặt vai trò gì trước tên Nguyễn Thụy Kha. Ông đa tài, viết nhiều và mỗi mảng đều có thành công. Người yêu thơ sẽ thích ông là một nhà thơ si tình và đa tình với những tập thơ hướng tới sự tối giản. Người yêu nhạc sẽ nhìn thấy những cống hiến của ông qua những tập sách dày viết về lịch sử, chân dung âm nhạc. Người yêu phim gặp ông qua vai trò đạo diễn hoặc biên kịch của những bộ phim tài liệu về các nhân vật văn học, lịch sử như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng...

Với thơ, Nguyễn Thụy Kha đã làm bao nhiêu độc giả mềm lòng và day dứt cùng ông, như là 4 câu thơ trong bài Không đề - dường như đã "phổ biến khắp nhân gian": Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Qua cơn mưa ban trưa/ Thấy hồn mình tách thành hai nửa/ Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa.

Bài thơ Chiều không em cũng được nhiều độc giả thuộc nằm lòng: Chiều không em chiều buồn không em/ Trời đầy mây mà trời một mình/ Chiều không em thật buồn/ Cây nối cây mà màu xanh cô đơn...

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nói rằng mình chủ trương viết thơ tình, tuy nhiên, ông là một người lính sống qua chiến tranh, thì ngoài tình yêu trai gái, không thể tách khỏi cảm xúc về quê hương đất nước và đồng đội của ông. Vì vậy, độc giả có khi bắt gặp một giọng thơ có khi đau đớn, có khi đập cùng nhịp nỗi niềm của đất nước: Vào một trưa/ ngày cuối cùng tháng Tư/ Những người lính bỗng mang chung một tuổi/ Trẻ già khuôn mặt đều sạm khói/ Nắng hắt lên nhau/Những tấc đường qua...

Và, vẫn phải nhắc đến Nguyễn Thụy Kha ở vai trò nhạc sĩ. Ông học nhạc khi còn trong quân ngũ, Bộ Tư lệnh cử học chuyên tu và được học từ những nhạc sĩ nổi tiếng như Hoàng Vân, Đàm Linh... Một nhà thơ - nhạc sĩ thì thú vị ở chỗ: Có tác phẩm là thơ ông và người khác phổ nhạc, ngược lại, ông phổ nhạc thơ người khác, đơn cử như bài Mùa Xuân có bao điều lạ, Nguyễn Thụy Kha phổ thơ Định Hải và bài Chiều không em thì Phú Quang phổ thơ Nguyễn Thụy Kha.

Ông chia sẻ rằng tình yêu của ông dành cho âm nhạc đã có từ thuở bé. Năm 18 tuổi, khi đất nước còn chìm trong chiến tranh, ông đã tập tành viết ca khúc đầu tiên với mơ ước về ngày tháng hòa bình...

Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Qua cơn mưa ban trưa/ Thấy hồn mình tách thành hai nửa/ Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa (Không đề - thơ Nguyễn Thụy Kha).

Sức làm việc bền bỉ

Nguyễn Thụy Kha nhập ngũ với vai trò kỹ sư thông tin thuộc Binh chủng Thông tin. Sau chiến tranh, ông học Trường Viết văn Nguyễn Du và công tác tại tạp chí Âm nhạc Việt Nam.

Ông nói mình biết ơn quãng thời gian hoạt động ở tạp chí và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, vì nhờ đó mà có cơ hội gặp được những cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam. Từ những bước chân tình cờ như lần gặp gỡ nhạc sĩ Văn Cao đã khiến Nguyễn Thụy Kha "bàng hoàng ngưỡng mộ" vì sự gần gũi và một khoảng cách đặc biệt của vị tiền bối, đến việc lần mò nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam, viết những cuốn chân dung mà cuốn nào cuốn nấy đều đầy đặn: Văn Cao - Người đi học biển; Phạm Duy và tôi... Năm 2017, Nguyễn Thụy Kha cho ra mắt một loạt 13 cuốn sách về âm nhạc gồm Thế kỷ âm nhạc Việt Nam - Một thời đạn bom, Thế kỷ âm nhạc Việt Nam - Một thời hòa bình, và các chân dung âm nhạc Nguyễn Xuân Khoát, Huy Du, Nguyễn Thiên Đạo...

Khoảng trời thanh bình của Nguyễn Thụy Kha
Nguyễn Thụy Kha và các sách về âm nhạc

Có người nói ông chơi ngông ra mắt sách hàng loạt để tạo kỷ lục, nhưng ông luôn nhã nhặn nói rằng, đó như cách ông hệ thống, bổ sung tư liệu cho sử liệu nhạc Việt để thế hệ sau dễ dàng tìm hiểu, làm khảo cứu... Mặt khác, viết tiểu thuyết chân dung cũng là cách ông cố gắng hoàn thiện chân dung về những nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho âm nhạc Việt Nam, nhưng ít được nhắc đến, như nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo mà theo ông là người đã đi vào "tòa lâu đài của giao hưởng thế giới và cho thế giới biết rằng Việt Nam cũng biết viết giao hưởng".

Nguyễn Thụy Kha cho biết ông đang hoàn thành cuốn hồi ký văn nghệ khá kỳ công, khoảng hơn 1.500 trang, viết về các gương mặt văn nghệ của Việt Nam từ năm 1979 đến hiện tại. Qua đây, độc giả có thể thấy được lịch sử văn nghệ nước nhà đi cùng với những chuyển biến của đất nước, cũng như những giai đoạn thuận lợi cho sáng tác đã sản sinh ra nhiều gương mặt ưu tú.

Vài nét về Nguyễn Thụy Kha

Sinh năm 1949 tại Hải Phòng, hiện sống tại Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Các tác phẩm thơ: Hương nắng tiếng chim, Những giọt mưa đồng hành, Mắt thời gian, Không mùa... Các tác phẩm viết về âm nhạc: Thế kỷ âm nhạc Việt Nam - Một thời đạn bom, Thế kỷ âm nhạc Việt Nam - Một thời hòa bình, Thuở bình minh tân nhạc...

Các giải thưởng: Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2014, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022...

thethaovanhoa.vn
Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Baovannghe.vn- Chúng tôi leo thang ruộng men ngực đất
Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Baovannghe.vn - Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” tổ chức vào ngày 18/11/2024, tại sân vận động Cột Cờ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Baovannghe.vn - Vào ngày 13/11/2024, cơ quan chức năng Ý đã phá vỡ một mạng lưới làm giả tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn, với thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 200 triệu euro (khoảng 212 triệu USD). Mạng lưới này bao gồm hàng nghìn tác phẩm giả mạo của các nghệ sĩ danh tiếng như Andy Warhol, Banksy, Pablo Picasso, Amedeo Modigliani, Joan Mirò, Francis Bacon, Wassily Kandinsky, Henry Moore, và Gustav Klimt. Đây là một trong những vụ việc lớn nhất về làm giả nghệ thuật trong hơn 15 năm qua.
Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Baovannghe.vn - Tiếng gã vọng như dưới hố sâu, âm u dương xỉ. Như kẻ vừa bóp cổ, vẫn còn hằn ngón tay, nhưng lại tủi kiểu trẻ con bị cướp kẹo. Đi xa quá thích
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Baovannghe.vn - Ngày 13/11, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024