Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/1/2025 trở đi, mô tô, xe máy phải được kiểm định khí thải định kỳ; việc kiểm định tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, được thực hiện và cấp chứng nhận bởi các cơ sở kiểm định đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Đây là thông tin không mới nhưng khiến người dân không khỏi lo lắng thậm chí bất an về những chỉ số đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật được đưa ra làm thước đo trong kiểm định . Để hiểu rõ hơn về vấn đề này và cũng giúp người dân yên tâm hơn khi những quy định của Luật đi vào thực tiến, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sẽ chưa kiểm định khí thải với tất cả xe máy kể từ ngày trên mà sẽ thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Dù cũ nát, xe máy vẫn là phương tiện giao thông của nhiều người dân |
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chủ trì, phối hợp xây dựng, ban hành quy chuẩn về khí thải và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn về khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành, phương tiện đã qua sử dụng nhập khẩu.
Khẳng định việc kiểm định khí thải xe máy là cần thiết nhưng các chuyên gia giao thông cho rằng cần có lộ trình áp dụng để không làm xáo trộn đến đời sống nhân dân, đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội. |
Không phải đến thời điểm hiện tại, việc kiểm tra và áp quy chuẩn khí thải cho xe gắn máy mới được nhắc đến mà trước đó, “Luật Giao thông đường bộ năm 2008" cũng đã có quy định về kiểm soát khí thải xe gắn máy. Tại thời điểm này, dù đã tính đến nhiều yếu tố tác động xã hội, nhưng quá trình triển khai vẫn gặp phải nhiều khó khăn và không thể thực hiện do thiếu đồng bộ từ cơ sở vật chất đến con người... Sau 16 năm ( 2024), vấn đề khí thải xe gắn máy lại được đề cập và sẽ thực thi sau 1 năm (2025). Việc tiếp tục ban hành, áp dụng quy định này là cấp thiết và tất yếu để đảm bảo các cam kết của Chính phủ về kiểm soát khí thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để không gây xáo trộn trong đời sống xã hội và nhất là với những nhóm yếu thế, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, ban hành quy định về mức độ khí thải chấp nhận được để xe máy được lưu hành, vượt mức đó thì phải bảo dưỡng, sửa chữa xe và nếu thấy cần thiết thì có chương trình hỗ trợ, trợ giá nhằm đổi xe máy cũ sang xe mới.
Trên thực tế, đề xuất đổi xe máy cũ lấy xe máy mới đã được nhiều người dân kỳ vọng. Nhưng với những xe máy không chính chủ hoặc qua nhiều đời chủ, mất giấy tờ...sẽ rất khó để cơ quan chức năng chứng nhận và làm các thủ tục cần thiết để hỗ trợ đổi xe mới, chưa kể xe không rõ nguồn gốc nếu được đổi mới một cách thuận tiện và không hề có những yêu cầu pháp lý cần thiết vô hình chung tạo kẽ hở cho tài sản do tội phạm mà có...
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho kiểm định xe gắn máy nói chung là vô cùng lớn, trong khi việc kiểm định đối với xe ô tô, đôi lúc và vào những thời điểm cụ thể đã bị vỡ trận do thiếu nguồn nhân lực và có quá nhiều tiêu cực xảy ra. Ai có thể khẳng định chắc chắc rằng, những việc tương tự có thể xay ra đối với xe gắn máy ( bởi trên thực tế, số lượng xe gắn máy lớn hơn gấp nhiều lần xe ô tô). Do đó, không phải là không có cơ sở khi các chuyên gia và các nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng, phải cân nhắc giữa hiệu quả môi trường và mức độ tác động đến việc mưu sinh của người dân và nên có chương trình hỗ trợ, trợ giá cho người nghèo đổi xe máy cũ sang xe máy mới.
Hiện chúng ta có nhà máy Gang thép Thái Nguyên và vô vàn những cơ sở tái chế sắt thép, nhưng việc thu mua xe cũ, đổi xe mới, phương án xử lý xe thải bỏ cũng chỉ dừng lại ở nghiền và tái chế những sản phẩm hoàn toàn mới, chứ chưa có phương án thu mua giá cao để hỗ trợ người dân đổi xe mới.
Theo số liệu thống kê đầy đủ của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), trong giai đoạn 2005-2022, lượng xe máy ở Việt Nam tăng bình quân 9,1%/năm. Đến nay, cả nước có 69,2 triệu chiếc xe máy được đăng ký, trong đó khoảng 45,5 triệu chiếc đang lưu hành. Số còn lại có thể nằm tại các kho bãi của các lực lượng chức năng, do vi phạm an toàn giao thông hoặc tại nhà riêng với mục đích sử dụng khác .v.v... Số liệu thống kê cho chúng ta thấy rất rõ, xe máy là phương tiện giao thông phổ biến và hiệu quả nhất của già nửa dân số nước ta. Vì vậy, những quy định dù là rất nhỏ cũng sẽ tác động rất lớn đến đại bộ phận người dân. Chưa kể đối tượng người dân nông thôn, việc sở hữu một xe gắn máy chất lượng cao, đảm bảo các thông số kỹ thuật về bảo vệ môi trường vẫn còn là điều xa xỉ với nhiều người.
Hiện, theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Chiến lược, khí thải mô tô, xe máy ở TPHCM, TP Hà Nội và TP Đà Nẵng, xe có tuổi đời trên 5 năm đã bắt đầu có lượng khí thải vượt tiêu chuẩn và xe trên 10 năm có lượng khí thải vượt xa tiêu chuẩn khí thải hiện hành, trong khi số xe trên 10 năm ở TP Hà Nội chiếm 72,58%, ở TPHCM chiếm 68% và ở TP Đà Nẵng chiếm trên 59%.. Nếu chiếu theo những thông số nói trên, xe máy của người nghèo thành thị, nông thôn sẽ rất khó vượt qua cánh cửa hẹp kiểm định. Sở hữu xe máy đã khó, lưu hành xe hẳn sẽ khó hơn rất nhiều với không ít người.
-----------
Bài viết cùng chuyên mục:
Xe máy và mốc giới năm 2025 Khi xe máy là “tội đồ”? “Nỗi oan” xe máy… Nhớ Hoàng Cát - nhà thơ "đi xe máy một chân" Chiếc xe đạp của mẹ. Tản văn của nhà văn Nguyễn Hiệp |