Diễn đàn lý luận

Kiến tạo của những mảnh vỡ

Nguyễn Chí Hoan
Tác phẩm và dư luận
07:00 | 29/09/2024
Baovannghe.vn - Có lẽ chưa cuốn tiểu thuyết nào từ sau ’75 kể một câu chuyện hậu chiến trẻ trung như “Mảnh vỡ của Mảnh vỡ.”
aa

Nhóm nhân vật tạo nên vai - chính của tấn kịch này đều là các nhân vật trẻ, từ Kha, Phan, đến Huy, Bình, Quang, Cường, Long, nữ biệt động Mây, gái “bán hoa” Lai, cô phó chủ tịch một tỉnh Tây Nguyên Cruyang Uyên, nữ biên tập viên Thùy,… được kể đến trong độ tuổi hoàng kim của đời người, khi những số phận bọn họ đồng loạt nghiệm trải cơn hồng thủy “thay ngôi đổi chủ.”

Xác đáng hơn, chất trẻ trung toát ra từ nhịp điệu kể sống động linh hoạt, từ những tình huống rất “movie scene” và nhất là từ chủ điểm của các câu chuyện ở đây: một câu chuyện cốt lõi về cuộc lữ hành của con người mưu cầu hạnh phúc, xuyên qua nghịch cảnh của thời thế biến chuyển; và hạnh phúc, qua những ẩn dụ sống động của tình yêu, tình bạn, tình người giữa bọn họ, là ở việc được tự do vươn tới những điều tâm niệm hay cao vọng của mình.

Và sắc thái chính xuyên suốt của cuộc mưu cầu ấy nổi bật qua câu thốt lên cô đọng như một lời hiệu triệu của nhân vật “thủ trưởng” Hoành, một nhà tình báo “V.C”, trong đám cưới buồn vui xáo trộn của Phan với Lai: “…Hắn là đàn ông, mẹ kiếp, hắn tự quyết định những gì hắn muốn làm trong đời hắn, và chỉ vậy thôi! Đúng không, anh em?

Kiến tạo của những mảnh vỡ
Nhà văn Vĩnh Quyền

Sắc thái chủ động và trách nhiệm cá nhân như thế rất đáng luu ý, tạo một nền tảng cho các xung đột số phận, bởi các nhân vật của tiểu thuyết này hành động trong một bối cảnh chuyển biến dữ dội và bất thường:dù là viên chức chế độ cũ như Kha, Cường, Huy, hay trên vị thế người chiến thắng cuộc chiến như Phan, Quang, Long, Bình, vợ chồng “đại ca” Sâm, Thao, Hoành, v.v. bọn họ bước vào quãng đời hòa bình là bước vào một khuôn khổ xã hội tập-thể-hóa khắt khe, khắc nghiệt, ngược với xã hội dân sự trước đấy của những dân đô thị cũ. Tình tiết rất biểu trưng là khi cùng đoàn quân chiến thắng trở về thành phố, lúc qua cầu, nhân vật Quang tụt đôi dép râu ném xuống sông, lấy ra đôi giày da vẫn cất trong ba lô, đi vào. Nhưng dẫu còn đôi giày nào thì các anh cũng không thể bước lại con đường thanh niên trước khi “nhảy núi” được nữa.

Chương “3” tiếp liền đó hoàn tất bối cảnh hậu chiến của những thân phận trí thức sau ấn tượng nặng nề căng thẳng ở chương “1” mô tả các viên chức ngành giáo dục của chế độ cũ ra mắt chính quyền mới; họ lúc này người được “lưu dung” đầy phân vân lo lắng như Kha, nhân vật chính của tiểu thuyết, người phải “trình diện” rồi đi “học tập” dài ngày như Cường, người tự sát vì sơ xuất, hiểu lầm và hoảng hốt như Quy. Bên cạnh đó, phía người chiến thắng, là cuộc tìm kiếm hân hoan tình và nghĩa của nhân vật Quang (trong nhóm bạn thân thời sinh viên của Kha) với nhân vật cô Thanh chủ quán “Thanh’s Pub” từng giúp đỡ tay biệt động trẻ này. Những trái ngược hai loại tâm trạng và tình huống như thế được kể gọn ghẽ với nhịp điệu nhanh vừa phải, giọng kể khách quan, không phát triển các tiểu đoạn ngoại đề nào, khiến các trình thuật này không gợi ý hướng khái quát đại cảnh, mà hướng đi sâu, dồn tính biểu trưng vào mỗi số phận nhân vật trong một nhóm bạn cũ từng theo hai ngả đường trong chiến tranh, nay tái hợp.

Các chương sau đó, cho tới kết thúc, hầu như đều đặc trưng bởi lời kể xen kẽ giữa hiện tại với hồi tưởng. Những trường đoạn flashback đó chiếm ưu thế, là cái làm nổi lên hình ảnh bao trùm về những “Mảnh vỡ của Mảnh vỡ.

Kiến tạo của những mảnh vỡ
Cuốn tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ

Nhân vật Phan là người thốt ra cái nhận xét “chúng ta cứ như những mảnh vỡ, thậm chí là mảnh vỡ của mảnh vỡ.” Đoạn mở đầu chương “14” Phan nói vậy lần đầu khi an ủi Thanh lúc cuộc hôn nhân đẹp như lý tưởng của Thanh với Quang bỗng nguy cơ đứt gánh giữa đường - cuộc hôn nhân mà “bà mối” là chiến tranh. Nhưng số phận Phan, nổi bật như vai chính thứ hai bên cạnh Kha, gợi lên câu hỏi thế nào là “mảnh vỡ” hay nói đúng hơn, nhân vật nghĩ gì khi thốt ra cái hình dung ám ảnh đó?

Nên nhắc rằng tiểu thuyết này không dùng đến phương thức kể gọi là “độc thoại nội tâm” mà vẫn dựng lên được những hình ảnh nhân cách hướng nội rất rõ như các nhân vật Kha, Phan, hay Mây, Lai, Thùy. Dạng thức hồi tưởng qua các bức thư cũ - của Duyên, Thùy - có vẻ gần với độc thoại nội tâm nhưng vẫn thuộc dạng lời kể lại. Cho nên, những mô tả hành động, đối thoại, cùng những mô tả hành vi nội động ấn tượng - cảm xúc - suy nghĩ - thái độ sẽ hàm chứa dòng ý thức của nhân vật. Theo hướng đó, lối viết của tác giả Vĩnh Quyền ở đây khiến nhớ đến phong cách kể của Hemingway, hay ở một số chương đoạn, bộc lộ bản sắc dung dị hiện đại kiểu Murakami.

Câu hỏi gợi lên từ cảm thức “mảnh vỡ” của nhân vật Phan khiến ta quay lại với chương “2” khi nhóm bốn nhân vật Phan, Quang, Long và Bình chuẩn bị theo đoàn quân chiến thắng trở về. Âm hưởng chung của chương này là một dự cảm buồn bã băn khoăn, như câu diễn đạt mối trầm tư của Long: “Tại sao lại buồn thối thây thế này khi chiến thắng gần kề?

Tình huống lúc ấy có vẻ khá rõ: cùng uống trà bàn chuyện sắp “được về nhà” thì Bình bảo các bạn, “Về bảo Duyên tao chết rồi!” - bởi nhân vật này bị lửa napalm làm biến dạng nửa gương mặt và tin rằng không người nữ nào muốn thấy bộ mặt này của anh nữa; Bình bảo: “Đàn bà vậy cả!” rồi bỏ đi. Như thế, bước chuyển từ chiến tranh vào hòa bình với nhân vật này đã được đánh dấu bằng một sự chối bỏ niềm tin. Con người quay lại kích thước thực tế của mình và nhận ra mình đã vỡ rồi.

Nhân vật Phan trong cả trường đoạn ấy chỉ có hai câu thoại cộc lốc; một để mắng át lời Bình - “Bá láp!” - có ý trấn an; một nữa khi Bình bỏ đi, thì bảo: “Để nó yên.” Hai câu thoại đó diễn đạt sự bối rối, bất an và buồn bã, đồng thời là sự cảm thông chạnh lòng. Vẻ xác quyết của mệnh lệnh thức trong câu thoại như thế bộc lộ rằng Phan đã nghĩ tới việc này từ trước. Và chắc chắn nhân vật Phan còn đã nghĩ sâu xa hơn nhiều nữa, như ở một trường đoạn hồi tưởng trong chương “5” mô tả một cảnh lúc còn cuộc chiến, Phan gặp Mây tại cơ sở làm báo bí mật của nhóm Sao Mai; ở đó Phan biết Mây yêu mình thầm kín, nhưng anh giữ khoảng cách, khiến Mây “thấy Phan trở nên xa xôi khó hiểu, như thể mải chống đỡ với điều gì bên trong anh.

Ta sẽ không lạm dụng phép ngoại suy để đột phá vào cái bí ẩn đó ở nhân vật Phan mà tiểu thuyết này cuối cùng cũng không hé lộ. Nhân vật này, giống như nhân vật chính là Kha, không hề được mô tả có lúc nào thực sự biểu lộ niềm vui trọn vẹn. Và như vừa trình bày, hai câu thoại của nhân vật Phan ở đầu tiểu thuyết gợi ý rằng anh ta đã suy ngẫm lâu dài về những nỗi mất mát, rất lâu trước khi thốt ra lời khuyên nhủ nhân vật Thanh về việc “phải học cách hàn gắn những mảnh vỡ, chữa lành những vết thương tâm hồn” để mà “tìm thấy hạnh phúc.”

Nói dễ hơn làm: Phan không làm được điều anh đã khuyên Thanh, điều mà Thanh với Quang rốt cục dường như đã làm tốt. Giữa nhiều câu chuyện có hậu, chạm đến “hạnh phúc” qua nhiều ngả khó khăn trong tiểu thuyết này, chuyện đời Phan trở nên có tính biểu tượng hơn cả.

Là một trí thức, một sinh viên Y khoa tham gia hoạt động bí mật nội thành, sau ngày chiến thắng lại tìm cưới bằng được một cô gái “bán hoa” ngày trước vì chịu ơn cô cứu mạng trong một lần anh bị vây ráp - Phan thực đã gánh lấy một gánh nặng tinh thần của thời hậu chiến, cái gánh trách nhiệm đối với người cưu mang và người thất bại; gánh lấy với ý thức rõ rệt mình đang làm “theo những nguyên tắc không thể phá bỏ.” Ít nhất ta cũng có thể hiểu một trong những nguyên tắc đó là nguyên tắc về lời hứa - là thứ mà trớ trêu thay nhiều khi nuốt đi còn dễ hơn nuốt nước bọt.

Dường như hạnh phúc đối với Phan nhiều phần là tự ý thức về danh dự và bổn phận. Anh chịu đựng sự mất lòng của bà chị nuôi cũng là một đồng chí cũ, anh chịu nhiều lần chuyển cơ quan để tránh xa dư luận gây tổn thương vợ mình, anh dùng đến cả nắm đấm để gạt đi đôi kẻ qua đường đàm tiếu. Nhưng Lai đã cắn răng bỏ đi. Và chương “23” ngay trước chương kết, kể chuyện Phan đi Năm Căn tìm Lai, là một chương thật xuất sắc, với cái kết mở đầy tính ẩn dụ: hai vợ chồng, mà tái hợp ngẫu nhiên và bẽ bàng, từ hai vị thế của những kẻ qua đường xa lạ, hai vị thế của kẻ bán người mua, kẻ quyết tâm và người trốn chạy - họ, đúng như lời Phan, đã là “những mảnh vỡ,” rồi lại lần nữa thành ra “mảnh vỡ của mảnh vỡ” kia.

Tuy nhiên, sức trẻ trung còn đó trong hình ảnh cuối chương khi “Phan đã lao ra cửa, chạy về phía bến tàu với hy vọng đuổi kịp Lai.

Niềm hy vọng của Phan dường như được gợi ý sẽ thành tựu qua một cảnh kiểu “mờ chồng” với cảnh Phan chạy tìm Lai: trong đoạn kết tiểu thuyết ở cuối chương “24” tiếp liền đó và rất ngắn, nhân vật chính Kha tái hợp với Thùy - một “mảnh vỡ” đích thực của “những mảnh vỡ” trong nhóm trí thức “lưu dung” cùng với Kha.

Như đã nói ở trên, nhân vật Phan mang một bí ẩn mà tiểu thuyết này không tiết lộ, chỉ hé mở qua một ấn tượng của nhân vật Mây thấy dường như Phan luôn phải “chống đỡ với điều gì bên trong anh” có lẽ ngay từ những ngày tranh đấu xả thân và cam go nhất.

Song, có lẽ qua nhân vật chính Kha thì bí ẩn đó có thêm vài gợi ý. Kha theo đuổi một mối băn khoăn “làm mới cách viết về chiến tranh.” Ý tưởng đó sẽ bớt màu sắc “thời sự” khi ta nhớ rằng nhân vật này xuất thân từ một gia tộc danh vọng dưới triều Nguyễn, với tâm hồn đầy dấu ấn lịch sử thông qua lịch sử gia đình của anh. Anh hướng tới một cái viết mới tương xứng với sự thực lịch sử.

Chuyện đời Kha, tương tự chuyện đời Phan trong tiểu thuyết này, không có một tình yêu lớn kiểu như Quang với Thanh, Bình với Duyên, Long với Dung. Hàm ẩn trong những hành động nội tại hay ngoại tại của Kha và Phan ta thấy hình bóng của những mối quan tâm, mối suy tư xa rộng hơn về thời thế và tha nhân. Cao vọng ấy khiến cho họ rất trẻ.

Thêm nữa, cả Kha và Phan đều đi ngược thói thường, ngược hoàn cảnh thời thế, trong tình yêu và hôn nhân. Họ thực thi cái quyền tự nhiên “quyền mưu cầu hạnh phúc” - mà với nhân vật Phan thì đó còn là thực hiện quyền được hạnh phúc của Lai, người đã vượt lên thân phận để cứu mạng anh rồi chờ đợi anh. Xem từ góc độ ấy, những câu chuyện tình yêu ở đây đều mang tính ẩn dụ: cái ngổn ngang của một thời hậu chiến có một trong những nguyên nhân căn bản là sự khôi phục kích thước cá nhân xuyên qua những trở ngại của thời buổi. Đấy là một lực kiến tạo âm thầm của tương lai xã hội đất nước.

Nguyễn Chí Hoan | Báo Văn nghệ số 9/2016

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Hệ lụy khi nhà văn ít đọc sách Những chồng xếp chữ của Lê Anh Hoài Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính H’mong Viết lại văn học sử Việt Nam, và viết khác đi Nghĩ về sáng tác và phê bình
Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…
Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Baovannghe.vn - Trong khuôn khổ " Ngày hội đổi mới sáng tạo" - hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác” đã đặt ra và giải đáp nhiều vấn đề về Đổi mới Giáo dục đại học hiện nay.
Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Baovannghe.vn- Chào mào hót: cởi quách cái thử nào/ Cô gái trẻ giật mình cài lại yếm.
Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Baovannghe.vn- "Tác phẩm có ảnh hưởng tốt đến tư tưởng và tình cảm của nhân dân”/ Trong hội trường/ Anh vận bộ veston đỉnh đạc bước lên sân khấu nhận giải thưởng
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói