Diễn đàn lý luận

Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính H’mong

Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam
Lý luận phê bình
08:00 | 06/08/2024
Baovannghe.vn - Lẽ dĩ nhiên, "Những đỉnh núi du ca" của Nguyễn Mạnh Tiến chỉ là "một lối tìm về cá tính H'mong" trong số những lối tìm về khả thể.
aa

Năm 2014, sau một gian liên tục thực hiện những chuyến nghiên cứu thực địa dài ngày tại các bản làng người H’mong ở Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên... nhà “dân tộc học tự do” trẻ tuổi Nguyễn Mạnh Tiến đã cho xuất bản cuốn sách biên khảo đầu tiên của mình: Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính H’mong (NXB Thế giới & Song Thuy Bookstore, 2014). Biên khảo này cho thấy, từ việc đi vào kho tàng văn chương dân gian của người H’mong đến việc tìm hiểu các tổ chức xã hội, các hệ thống chính trị/quyền lực miền núi Việt Nam trong lịch sử, tác giả đã xác định và làm sáng rõ những đặc điểm trong tâm thức tập thể của tộc người. Gói gọn lại là bộ từ khóa (key words) về “cá tính H’mong”: “tâm thức lưu vong - tâm thức di dân - tâm thức mồ côi, ám ảnh Hán, tự vẫn, nổi loạn, tự do, tình yêu, mộng mơ, tự trị tộc người, quyền lực miền núi”.

Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính H’mong
Cuốn sách "Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính H'mong" - Ảnh: HN

Lẽ dĩ nhiên, Những đỉnh núi du ca của Nguyễn Mạnh Tiến chỉ là “một lối tìm về cá tính H’mong” trong số những lối tìm về khả thể. Nó mang đặc trưng của tư duy nghiên cứu, nghĩa là bám sát và bám chắc vào những dữ kiện dân tộc học. Mọi khái quát về cá tính H’mong - tộc người quan trọng, độc đáo và “hay ho” vào loại bậc nhất trong quốc gia Việt Nam đa sắc tộc - trong cuốn biên khảo này đều dựa trên một sự phân tích chặt chẽ, có chứng lý cụ thể xác đáng, có sự tham chiếu rộng tới một khung gồm nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước. Nó chủ ở lý trí chứ không chủ ở mộng mơ. Do vậy, nếu muốn cảm nhận sự mộng mơ cá tính H’mong, cần đến “những lối tìm về” khác, những lối tìm về của tưởng tượng và sáng tạo văn chương. Cá nhân tôi đã thấy điều đó từ một số tiểu thuyết của hai nhà văn gốc miền xuôi nhưng chuyên viết về miền núi: Đoàn Hữu Nam và Đỗ Bích Thúy.

Nhà văn Đoàn Hữu Nam, sau một loạt tiểu thuyết về đất và người vùng biên ải Lào Cai: Tình rừng (2000), Dốc người (2002), Trên đỉnh đèo giông bão (2004) và Thổ phỉ (2011), đã xuất hiện trở lại với thể loại tiểu thuyết bằng tác phẩm Rễ người (NXB Công an nhân dân, 2020) và giành giải A cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện ngắn, ký về đề tài “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ IV. Rễ người, tên tiểu thuyết, cũng chính là cột trụ tư tưởng của tác phẩm. Nó xuất phát từ một câu tục ngữ của người Dáy mà nhà văn Đoàn Hữu Nam từng chia sẻ rằng ông rất tâm đắc: “Rễ cây ngắn, rễ người dài”. Nhưng, thật thú vị khi sự biểu đạt tinh thần cốt lõi của câu tục ngữ ấy trong tiểu thuyết Rễ người lại không phải là người Dáy, mà là người H’mong/ Mông. Đây là truyện kể về một trưởng bản người Mông sống trên dãy Hoàng Liên Sơn, tên Phù, và nó được bắt đầu bằng một thời gian rất cụ thể: “Ngày 20 tháng 4 năm 1987, tức ngày Kỷ Hợi, tháng Giáp Thìn, năm Đinh Mão. Trưởng bản Hoàng Thu Giàng Seo Phù bị nạn”. Cái nạn ấy, là việc Phù vô ý đánh chết người. Sợ bị trả thù và sợ bị tù đày, Phù chạy trốn, sống chui nhủi trong rừng sâu đến hơn một năm. Sự kiện này khiến cho truyện kể có thể phân thành hai mạch. Mạch thứ nhất, là cuộc trở về với thiên nhiên hoang dã của một con người (dẫu sao cũng) thuộc thế giới hiện đại. Anh ta phải tự mình, chỉ một mình mình thôi, tìm hiểu môi trường sống đầy chất nguyên thủy vốn là quê hương đích thực của loài người; tìm hiểu để nương nhờ sự bao dung của nó, để chống chọi với cái khắc nghiệt của nó, tóm lại để có cái ăn và chỗ trú thân an toàn đặng bảo toàn mạng sống. Mạch thứ hai, giữ vai trò chủ lưu, là cuộc trở về bằng và trong ký ức của bản thân Phù, với gia đình, với làng bản, với dòng họ, và với cả lịch sử tộc người. Những gương mặt thân và sơ, những hình ảnh gần gũi và xa xôi, những câu chuyện mới đây và những câu chuyện từ ngái xa mờ mịt... tất cả luôn hiện diện trong Phù, lúc mải miết tìm kiếm cái ăn cũng như khi ngủ nghỉ, lúc tỉnh thức và cả trong những miên man mê sốt nơi hang đá giữa rừng sâu. Xuyên qua tất cả những gương mặt, hình ảnh, câu chuyện ấy, là sự thường trực ý thức của “một thằng trai Mông đích thực”, “một người đàn ông Mông chân chính” về tộc người của mình, từ khởi nguồn “người Mèo/Miêu ở đất Quý Châu” bị Hán tộc chiếm đất, chém giết, phải làm những hành trình chạy nạn đầy chết chóc kinh hoàng, rồi mới lánh sang được và yên thân trên đất Việt. Những từ khóa “tâm thức lưu vong”, “tâm thức di dân” và “ám ảnh Hán” được biểu đạt rất rõ trong những lớp hồi cố của nhân vật trưởng bản Phù. Chúng được nhấn khá đậm ở ký ức về chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, khi người cha yêu kính của Phù bị lính Trung Quốc giết chết. Chúng trở nên đầy cảm động ở cảnh các dòng họ người Mông gặp nhau và cùng nhau thực hiện những nghi thức tế lễ linh thiêng trong một cơn cuồng phong sậu vũ kỳ lạ. Chính những lớp hồi ức đó đã lên tiếng thúc gọi, kéo Phù ra khỏi nỗi sợ bị trả thù, bị tù đày, khiến Phù quyết tâm tìm đường trở về với gia đình làng bản. Như thế, cái “rễ người” ở đây, trong tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam, không chỉ là cái rễ cắm vào truyền thống và lịch sử tộc người, mà còn mang ý nghĩa của cái rễ cắm rất sâu vào đất cát quê hương thứ hai của một tộc người có nguồn gốc di dân và làm thành một nét cá tính của tộc người ấy: người Mèo/Mông/H’mong.

Trước tiểu thuyết Rễ người của Đoàn Hữu Nam, nhà văn Đỗ Bích Thúy cũng đã có bốn tiểu thuyết “viết miền núi”, là Bóng của cây sồi, Cánh chim kiêu hãnh, Chúa đấtLặng yên dưới vực sâu. Sau đó, chị lại ra tiếp một tiểu thuyết “viết miền núi” nữa, có tên Người yêu ơi. Tôi đặc biệt chú ý đến tiểu thuyết Chúa đất (NXB Phụ Nữ, 2015), bởi đó là “một lối tìm về cá tính H’mong” mang dấu vết rất riêng, và khác, của Đỗ Bích Thúy. Như Đỗ Bích Thú chia sẻ ở Lời tác giả: “Cuốn sách này được tôi lấy cảm hứng từ một truyền thuyết. Đó là truyền thuyết về chúa đất Sùng Chúa Đà ở vùng Đường Thượng, Yên Minh, Hà Giang. Sùng Chúa Đà một thổ ty người Mông hung ác, sống cách đây khoảng 200 năm. Cuộc đời Sùng Chúa Đà gắn liền với sự tích cây cột đá hành quyết. Theo truyền thuyết, Sùng Chúa Đà có một người vợ bé rất xinh đẹp. Nhưng ông ta là người cực kỳ ghen tuông, không bao giờ cho vợ ra khỏi nhà. Cây cột đá (hiện giờ đang được lưu giữ trong Bảo tàng tỉnh Hà Giang) được xem chính là công cụ hành quyết ghê rợn của Sùng Chúa Đà. Bất kỳ người đàn ông nào dám trêu ghẹo vợ là ông ta sẽ cho treo lên cây cột đá (cao khoảng 1,9m, có hai cái tai đục lỗ để nhét tay người bị hành quyết vào đấy). Treo đến chết. Sau này cây cột đá còn dùng để hành quyết những người vi phạm luật lệ do chúa đất đặt ra”. Truyền thuyết là như thế, nhưng tiểu thuyết Chúa đất của Đỗ Bích Thúy lại là một tác phẩm “viết lại” truyền thuyết mẫu mực - nếu xét theo lý thuyết liên văn bản của nhà tự sự/ký hiệu học nổi tiếng người Pháp Gerard Genette - nên khi đọc xếp chồng hai văn bản, ta sẽ thấy giữa tiểu thuyết và truyền thuyết có nhiều khoảng so lệch. Thứ nhất, truyền thuyết không nhắc đến nhân vật bà Cả, chính thất của Sùng Chúa Đà, nhưng đó lại là nhân vật được Đỗ Bích Thúy mô tả trong tác phẩm với tràn đầy thương cảm: người đàn bà Mông ấy như là cái bóng/nô lệ/con chó già của chúa đất, coi chúa đất như là toàn bộ lý lẽ cho sự tồn tại của mình, nên khi bị chúa đất đuổi đi, bà đã tìm đến cái chết bằng cách trầm mình trong vụng nước sâu. Thứ hai, vai chính trong tác phẩm không phải Sùng Chúa Đà với cây cột đá hành quyết kinh hoàng của ông ta. Có chăng, nó chỉ biểu đạt sức mạnh của một thiết chế tự trị tộc người từng có lịch sử lâu dài ở miền núi cao phía Bắc, ở đó quyền lực của thủ lĩnh một vùng chủ yếu được đo bằng khối lượng thuốc phiện, ruộng nương, trâu ngựa, bạc nén, kẻ ăn người làm mà ông ta sở hữu, cùng nỗi khiếp nhược của người dân dưới uy thế của ông ta. Chúa đất cũng giống như chúa Trời một cõi vậy. Tuy nhiên vai chính thực sự trong tiểu thuyết Chúa đất lại là bà vợ thứ tư của chúa đất, người có cái tên cha sinh mẹ đẻ là Vàng Chở. Vàng Chở là một thiếu phụ Mông xinh đẹp, ưa làm đỏm, luôn tự ý thức về nhan sắc của mình, luôn khao khát được thỏa mãn những ham muốn yêu đương, cả về tinh thần và xác thịt. Khi chúa đất Sùng Chúa Đà không đáp ứng được những ham muốn ấy, Vàng Chở bắt nhân tình với Lù Mìn Sáng, thằng chăn ngựa trong nhà chúa đất, mặc cho sự thể là so với cô thì Lù Mìn Sáng “chỉ như con sâu đậu trên bông anh túc”, và hơn thế nữa, mặc cho đòn trừng phạt kinh hoàng có thể ập xuống bất cứ lúc nào nếu chúa đất phát hiện cô phản bội. Thực tế đã xảy ra đúng như thế. Và trong lúc Lù Mìn Sáng hết tìm cách bỏ trốn đến khóc lóc, kêu gào, van xin khi bị bắt rồi bị chịu nhục hình treo người, thì Vàng Chở vẫn thản nhiên ở lại, thản nhiên chấp nhận số phận tàn khốc của mình, không nuối tiếc, không ân hận. Trên cột đá treo người của chúa đất, Vàng Chở, bông hoa anh túc đẹp nhất của vùng Đường Thượng ấy chỉ chảy nước mắt lúc lâm chung: “Chảy vì tiếc cho thân thể đẹp đẽ của mình có lúc phải làm mồi cho bọn quạ đen bẩn thỉu”. Có thể nói, cái tư thế và tâm thế ấy của nhân vật Vàng Chở chính là sự biểu đạt tuyệt vời cho sự khao khát tự do và tinh thần nổi loạn trong cá tính H’mong. Vàng Chở khao khát được là chính mình, khao khát không để phí thân thể đẹp đẽ của mình trong bóng tối của sự bất lực hay lãnh cảm, nói cách khác, cô khao khát được sống đến cùng trong ham muốn tình yêu và tình dục. Đó là tự do, một tự do chỉ có thể có bằng phản kháng, nổi loạn, chống lại sự đàn áp của những thiết chế nghìn đời, một tự do nhiều khi phải trả giá bằng mạng sống. Đó cũng là điều mà ta có thể nhận thấy ngay, khá đậm nét, khi đọc hoặc nghe các câu hát hoa tình đẫm chất phóng túng trong kho tàng folklore của người H’mong/Mông.

Sau Chúa đất, ở hai tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu (NXB Hội nhà văn & Công ty Nhã Nam, 2017) và Người yêu ơi (NXB Văn học & Công ty Liên Việt, 2021), cái “gen Vàng Chở” vẫn được Đỗ Bích Thúy lặp lại trong một số nhân vật nữ người Mông của mình, tuy nhiên, trong một khung khổ thời gian khác. Không còn là xã hội người Mông trong truyền thuyết, thời của các thổ ty quyền thế nữa, mà là xã hội người Mông bây giờ, khi miền núi đang hăm hở phát triển để “tiến kịp miền xuôi”, khi các thiếu nữ Mông đã biết nhuộm tóc nâu tóc vàng, mặc áo pull quần jeans, và mắt đã rất quen với ánh sáng của màn hình điện thoại di động... thì cái “gen Vàng Chở” ấy vẫn âm thầm chảy, đôi khi nó bộc phát thật quyết liệt. Lẽ dĩ nhiên, nhà văn là nhà văn, các tiểu thuyết gia Đoàn Hữu Nam và Đỗ Bích Thúy hoàn toàn có thể xây dựng những hình dung văn chương của mình về cá tính tộc người mà không cần biết đến những khái quát của nhà dân tộc học như Nguyễn Mạnh Tiến. Nhưng sự thật là, các dữ kiện dân tộc học và các và các dữ kiện văn chương cũng đều từ đó: người Mèo/Mông/H’mong, mà ra. Vì thế, với những lối tìm về cá tính H’mong càng đa dạng, ta càng có dịp hiểu thêm, nhiều và sâu hơn về tộc người này, một tộc người đã từng là chủ nhân đích thực, đầy quyền lực trên những chóp núi bốn mùa sương giăng mây phủ...

Bài viết được in trong sách Neo chữ - Nguyễn Hoài Nam | Báo Văn Nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Tư, và những cô dâu bị mất tích ở Thổ Sầu Chiến cuộc tàn, người ta sống như thế... Nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ Trò chơi ngôn ngữ từ những bức thư Paris Những chồng xếp chữ của Lê Anh Hoài
Bão - Thơ Tế Hanh

Bão - Thơ Tế Hanh

Baovannghe.vn- Cơn bão nghiêng đêm/ Cây gãy cành bay lá/ Ta nắm tay em qua đường cho khỏi ngã.
Dấu vết của lời ca. Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn

Dấu vết của lời ca. Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn

Baovannghe.vn- Người đàn bà nào lại không biết yêu, cô mỉm cười, những con chim ngu ngốc không tranh đấu ngoài bầu trời gió sẽ lăn ra chết, số mệnh chỉ có vậy. Người đàn bà đó cũng vậy, lăn ra chết mà hằn học không nguôi, nhưng người đàn bà đó mới đáng thương làm sao, mới xao động làm sao.
Svetlana Alexievich: Hãy đứng về phía điều thiện

Svetlana Alexievich: Hãy đứng về phía điều thiện

Baovannghe.vn - Svetlana Alexievich sách của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và dựng thành khoảng 20 bộ phim.
Nhiều “cây viết” ghi dấu trong bộ sách giáo khoa

Nhiều “cây viết” ghi dấu trong bộ sách giáo khoa

Baovannghe.vn - Trong xu thế đưa sáng tác của các tác giả đương đại vào sách giáo khoa, một số “cây viết” ở thành phố đóng góp nhiều tác phẩm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Cứu dân là ưu tiên cao nhất”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Cứu dân là ưu tiên cao nhất”

Baovannghe.vn - Ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến công tác kiểm tra phòng, chống lụt bão tại tỉnh Tuyên Quang