Từ xa xưa dãy núi Ba Vì được ông cha ta khẳng định: “Nhất cao là núi Ba Vì. Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Nói núi Ba Vì cao nhất ở đây bởi gắn với ý nghĩa linh thiêng khi tôn thờ thánh Tản Viên Sơn trên đỉnh cao 1120 mét. Dãy núi là minh chứng cuộc chiến một mất một còn giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh để giành lấy cuộc sống ấm no hạnh phúc. Trong đền đã có khắc ghi hai câu đối: “Dáng hình sừng sững ngang trời rộng. Hào khí mênh mang vạn thuở còn”. Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cũng đã nêu đích danh Ba Vì là núi Tổ. Và nay có một ngôi đền lớn nữa trên đỉnh núi Vua (1296 mét) đã được xây dựng. Đó là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ba Vì càng chất chứa ý chí của dân tộc với câu nói nổi tiếng của Người: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Cây đa Bác Hồ tại chân núi Ba Vì hiện nay |
Đường non khách tới hoa đầy
Trước khi lên núi Tổ, đoàn chúng tôi bắt đầu từ khu Di tích lịch sử Đá Chông bởi lẽ nơi đây là lưu dấu hình bóng Người từ những năm đầu hòa bình. Vừa chớm tới khu K9 nhìn xuống sông Đà có ai đó chợt nhắc lại bài thơ của nhà thơ quân đội Nguyễn Hồng Hà đã viết khi lên thắp hương để tưởng nhớ đến Bác. Những câu thơ chan chứa tình cảm của một người con hướng về cha già dân tộc: “Giật mình gặp lại xưa - hòn đá/ Bác ngồi ăn cơm nắm dưới thông/ Này đây non Tản cuốn Đà Giang/ Lữ khách bộ hành gót thung thăng/ Mấy ai biết dấu chân lãnh tụ/ Giẵm lên đá sắc thuở rừng hoang…Con xin cúi trước Người một lạy/ Bạn thuở đạn bom nhớ gió mây” (Một lạy ở Đá Chông). Cụm đá chông như gợi lại hình ảnh Bác hiền hậu như ông tiên đang ngắm nhìn sông nước và mây bay. Nhìn rừng núi điệp trùng từ trên dẫy núi Ba Vì mà tôi ngỡ như cảnh sắc chiến khu Việt Bắc ngày nào Bác đang ngồi câu cá. Những câu thơ của Người viết về non xanh nước biếc ngỡ như văng vẳng đâu đây: “Đường non khách tới hoa đầy/ Rừng sâu chim đến, tung bay chim ngàn/ Việc quân, việc nước đã bàn/ Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau” (Vô đề)
Bác đã chọn Đá Chông vì lẽ nơi đây gợi nhớ đến chiến khu một thuở: “Non xa xa, nước xa xa” (trích Pác Bò hùng vĩ). Tuy núi Đá Chông chỉ cao chừng 250 mét nhưng chính là hình tượng đầu rồng đang uống nước sông Đà và có nguồn mạch nối liền với núi Tản - Ba Vì. Phần cổ rồng lặn xuống và Đá Chông nhô lên kéo dài tới ngọn nguồn con sông. Những cụm Đá Chông theo huyền tích chính là những vũ khí mà Sơn Tinh đã chống cự lại những sóng nước dữ dội của Thủy Tinh dâng lên muốn nhấn chìm bản làng và cướp đi những tính mạng con người. Đây chính là nơi Bác đã đặt chân đến và chọn làm chiến khu mới trong thời gian chiến tranh chống giặc Mỹ (vào tháng 5/1957). Bác đã đặt cho khu rừng núi Đá Chông là núi Rồng (K9). Khu rừng được chọn mang tính chiến lược thời bình phòng những cuộc tấn công bằng máy bay ném bom Mỹ. Diện tích núi Đá Chông rộng hơn 250 ha có cấu tạo địa hình nhấp nhô bên sông Đà. Rừng cây rậm rạp thuận lợi đường thủy và đường bộ có thế lên chiến khu Việt Bắc nhanh chóng mỗi khi có biến. Đồng thời bình thường nơi đây còn là địa điểm làm việc bí mật của Bộ Chính trị, suốt từ năm 1960 đến 1969.
Ngôi nhà sàn nơi Bác Hồ làm việc trong thời gian này quả đã gây ấn tượng thân quen như một thời Người ở trên lán Nà Lừa và ngôi nhà sàn ở Phủ chủ tịch sau này. Đàn cá trong bể nước luôn luôn sống động gợi nhớ đến những ngày Bác cho ăn mỗi buổi sáng. Người nữ hướng dẫn viên thuyết minh với giọng nói ngọt ngào bên nhà sàn. Chúng tôi đi chầm chậm như dang dõi theo từng bước chân Người trên con đường sỏi dẫn xuống cụm đá Chông. Bài hát Bác Hồ một tình yêu bao la (Sáng tác Thuận Yến) bay bổng trong khu rừng thông xanh. Lời bài hát thật thân thuộc với mọi người như vẫn hằng nghe bằng trái tim mình: “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam…”.
Chúng tôi được hướng dẫn viên dẫn tới căn hầm lịch sử. Nơi đây đã lưu giữ thi hài Người trong thời gian dài. Bác yên nghỉ nơi đây trong 6 năm trời trong thời gian chống máy bay Mỹ. Cho đến khi chiến thắng giải phóng miền Nam, thi hài Bác được đưa về Lăng tại quảng trường Ba Đình (18/7/1975). Nhưng tất cả kí ức vẫn còn đó với ngôi nhà sàn và chiếc bàn làm việc đơn sơ mà Người luôn luôn gắn bó. Những hòn đá chông kia vẫn đội nắng, dầm mưa ngóng đợi người đến kề bên, với tách trà ấm nóng. Tất cả câu chuyện còn nguyên đó với trời đất non sông. Ký ức linh thiêng luôn cất lên lời ca hát về Người như ngày nào, không bao giờ dứt bởi: “Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư. Mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam…”
Lên đỉnh núi Vua
Hành trình về nguồn của chúng tôi tiếp tục lên đền thờ Bác trên đỉnh núi Ba Vì. Từ khu rừng Đá Chông lên đền thờ không bao xa nhưng ở độ cao hơn ngàn mét dẫy núi Ba Vì ẩn hiện trong sương bay thật huyền ảo. Và nẻo đường hành quân leo núi của chúng tôi bỗng nhớ lại vùng núi cao Pác Bó nơi Bác trở về năm 1941 với vần thơ sáng láng của Người: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng đã sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang” (Tức cảnh Pắc Bó). Những cụm mây bay tràn xuống rừng cây. Xa xa dòng nước sông Đà trở nên huyền ảo như một dải lụa uốn quanh núi Tản. Bức tượng Bác lung linh ánh vàng trong màn sương giăng mắc. Đôi mắt hiền từ của Người vẫn như ngày nào bên nhà sàn khi tưới nước cho rặng hoa dâm bụt. Chúng tôi từng người thắp nén nhang muốn tỏ lòng thương nhớ Bác. Ngỡ như được Bác bắt tay thân thiện cùng những lời thăm hỏi thân thương. Phía bên ngọn Tháp Báo Thiên vẫn ngân nga tiếng chuông rung. Những âm thanh tha thiết như nỗi lòng vẳng lên từ cõi trời cao rằng: “Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ, bởi làng Sen day dứt trong tìm. Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca, trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời. Người muốn đem tận vô cùng, bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông” (Lời Bác dặn trước lúc đi xa - sáng tác Trần Hoàn). Đó là mối giao hòa tâm linh kỳ diệu mà chúng tôi đều thấy ấm áp trong lòng. Hương trầm lan tỏa không gian. Những ánh nắng bừng lên từng mảng phả xuống mái đền tạo nên ánh sáng chan hòa như dát vàng trên những mũi hài ngói đỏ.
Chúng tôi được những nhân viên kiểm lâm hướng dẫn những thủ tục lên dâng hương rồi các anh kể không biết bao chuyện đã diễn ra trên đỉnh núi Tản này. Đội kiểm lâm làm kiêm luôn công việc chăm nom đền thờ Bác Hồ và bảo vệ khu rừng từ độ cao 800 mét trở lên. Anh đội trưởng kể ngôi đền thờ Bác trên đỉnh núi Vua có một kiến trúc độc đáo thích hợp với khí hậu quanh năm gió mạnh và mây mưa phủ kín vào mùa đông. Với tám mái đao như có cánh bay lên trời cao. Toàn bộ mái được đỡ trên những cột đá tròn liền khối. Đền có một không gian mở không dùng cửa. Bức tượng chân dung Bác bằng đồng lớn trong tư thế ngồi ung dung tự tại được đặt trên bệ đá vững chãi. Trên cao là bức hoành phi khắc dòng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Riêng hình ảnh lá cờ Tổ quốc được ghép bằng đá hoa cương đỏ trên cao. Tất cả hòa nhập bố cục bền vững uy linh. Phía trước đền có hai tấm đá thạch cương nguyên khối, một bên được khắc di chúc của Người, còn một bên trích phần Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc trong lễ tang tiễn biệt Người tại Quảng trường Ba Đình.
Bất chợt có một tốp học sinh ùa tới. Không gian tĩnh lặng trên đỉnh núi được rung động bởi những tiếng cười trẻ thơ. Các bạn trẻ thay nhau đi lên dâng hương lễ Bác. Họ vui vẻ báo cáo với Người về cuộc thi học mới đạt kết quả năm mới. Cả tốp đều được chọn vào những trường đại học mà mình đã chọn lựa. Họ vui mừng và đứng nghiêm chào Bác như ngày nào trước hình ảnh Người đeo khăn quàng đỏ đón các em thiếu nhi vào thăm tại nhà sàn. Sau khi dâng hương các bạn trẻ ngồi tản sang dẫy ghế quanh đền. Tất cả ngồi vây quanh tượng Bác để nghe những vần thơ vang lên từ trên cao: “Bác mong các cháu chăm ngoan/ Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng/ Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng/ Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam” (Trung thu năm 1946). Chung quanh những ngọn nến lung linh trong sương bay. Một đám mây xà tới mỏng tang như muốn chở những vạt nắng ùa vào làm sáng bừng chân dung Bác.
Sau đó chúng tôi cùng các em học sinh lắng nghe đội trưởng kiểm lâm kể những câu chuyện họ đã gìn giữ và bảo vệ đền Bác như thế nào. Đặc biệt vào những tiết đông giá và mưa dông nổi lên. Đêm đến các anh phải thắp nến hoặc đốt đuốc để sưởi ấm không gian đền sau khi đã che những tấm gỗ cho cửa đền. Đó chính là những chiến sĩ canh giữ giấc ngủ cho Bác trên đỉnh núi cao. Mưa bay gió quất ràn rạt trên rừng xanh những mái ngói phải được an toàn với mũi đao cong vút. Lời người chiến binh kể ấm áp ngân vang khi giai điệu âm nhạc yên bình từ tòa tháp Báo Thiên vọng lên: “Vinh quang con đứng bên Người. Canh cho Bác ngủ ngon giấc. Trên môi như Bác vẫn cười. Bác vui vì khắp non sông cháu con trở về sum vầy…” (Chúng con canh giấc ngủ cho Người - Sáng tác Nguyễn Đăng Nước)
Mùa xuân là “Tết trồng cây”
Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là di tích cây đa Bác Trồng dưới chân núi Ba Vì. Di tích được dân đặt tên là “Đồi cây đón Bác” của xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội. Nơi đây Bác đã đến trồng cây vào dịp xuân 1969. Đây là cây đa ghi dấu tích 10 năm phát động tết trồng cây của Người (28/11/1959). Ngắm cây đa nhiều thân tỏa lan tán cành chúng tôi ai nấy nhớ đến cây đa Bác trồng đầu tiên ở Công viên Thống Nhất vào mùa xuân 1960. Bác luôn đi trước thời đại và luôn tạo nên ánh sáng hào khí của ông cha ta vạn thuở còn. Từ lễ khai trương “Tết trồng cây” của Bác, hàng triệu người khắp nơi đã tham gia trồng cây gây rừng. Biết bao đồi trọc đã trở nên xanh mướt. Những miền đất khô cằn được bồi đắp nuôi dưỡng hàng triệu cây xanh. Nhà nhà trồng cây. Người người trồng cây. Dân tộc ta đã tạo nên những mùa xanh với câu thơ nổi tiếng: “Mùa xuân là Tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Lại nhớ ngay từ ngày đầu trên chiến khu ATK, Bác đã quan tâm tới môi trường làm việc theo phong thủy: “Trên có núi, dưới có sông. Có đất ta trồng, có bãi ta vui”. Việc đầu tiên là Bác cầm lấy chiếc cuốc cùng mọi người trồng rau tưới nước và trồng cây xanh bên lán ở. Đó là triết lý trở về với nguồn cội đất đai, sông núi và thiên nhiên muôn thuở. Khi làm cách mạng cũng cần môi trường xanh, sạch, đẹp. Tư tưởng ấy còn được Bác nhấn mạnh sau hòa bình. Trong bài Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở (báo Nhân Dân số 1901), Người viết: “Muốn làm nhà cửa tốt phải ra sức trồng cây. Chúng ta chuẩn bị từ nay, dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”. Đó là tư tưởng điển hình cho một tầm nhìn xa với tư duy mầu xanh và bảo vệ môi trường. Và tiếp sau đó là cuộc phát động “Tết trồng cây”
Đã hơn sáu mươi năm “Cây đa Bác Hồ” vẫn ngày đêm tỏa bóng bên hồ Thồng Nhất. Đúng là trông cây lại nhớ đến Người. Ai cũng bùi ngùi nhớ lại những lời ca ấm áp thân thương: “Bác vẫn còn như màu xanh bất tử/ Tình yêu thương núi đồi ấp ủ/ Rừng cây ru Bác ngủ ngon lành” (Trông cây lại nhớ đến Người - Sáng tác Đỗ Nhuận). Đó không phải là mùa xuân cuối cùng của Bác mà là khởi nguồn cho những mùa xuân bất tử của đất nước mà Người đã gieo trồng cho cuộc đời mãi mãi xanh tươi.
Nguồn Văn nghệ số 9/2021