Sự kiện & Bình luận

Một thương binh như con thuyền vượt cạn. Bút ký của Thi Nga

Thi Nga
Bút ký phóng sự 08:00 | 06/07/2025
Baovannghe.vn- Sau một thời gian dài dưỡng bệnh tại trạm điều dưỡng quân y, anh trở về nhà. Từ trên xe bước xuống, đôi nạng gỗ (vết chân tròn) đã thay chân phải của anh.
aa
Một thương binh như con thuyền vượt cạn. Bút ký của Thi Nga
Nhà văn Tùng Lâm. Ảnh: Phạm Học

1.

Thấy anh về mẹ anh mừng lắm nhưng niềm vui chưa được bao lâu nỗi buồn đã ập đến. Bà nhớ lại hình ảnh của anh trước khi đi bộ đội.

Sau một thời gian dài dưỡng bệnh tại trạm điều dưỡng quân y, anh trở về nhà. Từ trên xe bước xuống, đôi nạng gỗ (vết chân tròn) đã thay chân phải của anh. Thấy anh về mẹ anh mừng lắm nhưng niềm vui chưa được bao lâu nỗi buồn đã ập đến. Bà nhớ lại hình ảnh của anh trước khi đi bộ đội. Một thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, một cơ bắp cuồn cuộn, giờ về thương tật đầy mình. Bà động viên anh: “Như thế cũng là may, còn hơn bao anh em không biết tung tích, không một nấm mồ!”

Bà con nghe tin anh về kéo đến đông lắm. Đặc biệt những gia đình có con cùng đi chiến trường đã hòa bình nhưng chưa thấy về. Họ đến mừng cho anh nhưng cũng buồn cho con cái và người thân của họ. Họ chỉ cần một tia hi vọng, dù tia hi vọng ấy mong manh một phần nghìn. Họ hỏi: “Anh có lần nào gặp anh A, anh B... và nếu hi sinh thì hi sinh ở chiến trường nào?” Chỉ một tin thế thôi cũng cho họ hi vọng. Một ngày kia con, em họ sẽ được trở về.

Những ngày mải tiếp mọi người đến hỏi thăm, mọi việc gia đình tạm thời gác lại. Nhưng câu chuyện chiến trường chưa qua, hoàn cảnh gia đình bi đát đang réo gọi. Đêm đêm nỗi buồn cứ quấn chặt lấy anh như dây leo. Một mẹ già, một con nhỏ, một căn nhà xiêu vẹo, một thương binh 1/4. Bốn phía như bốn mũi tấn công dồn vào một điểm, đó là anh. Những năm sau giải phóng miền Nam cả nước đều khó khăn. Thương binh dù nặng cũng không có một đồng trợ cấp như bây giờ. Ba người, sống qua ngày nhờ vào đồng tiền bán rau của mẹ già.

Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, muốn làm thêm nhưng việc gì để phù hợp với anh? Muốn đến chỗ bạn bè chơi cho khuây khỏa nhưng anh đến họ còn phải đi làm, lại lững thững chống nạng về. Ngồi yên một chỗ không xong. Anh như con lật đật ra đường quốc lộ thấy mọi người đi xe đạp và ước. Giá như mình cũng đi được xe đạp như mọi người. Niềm vui vừa nhen nhóm đã bị dập tắt ngay tức khắc. Anh nhìn xuống, một bên chân gửi lại chiến trường, toàn thân dặt dẹo. Chỉ sơ sểnh chiếc nạng là anh đổ kềnh bất kì lúc nào. Nhưng trong cuộc đời mỗi con người dù có mất nhưng không thể mất tất cả. Hòn tên mũi đạn hình như chúng thấy hoàn cảnh của anh nên đã né tránh. Hai cánh tay còn lành lặn làm mái chèo; một chân lành làm trụ cột; một bên mắt sáng làm tọa độ ngắm; cứ thế anh lái con tàu mang tên Tùng Lâm đi bất cứ nơi đâu.

Anh là Tùng Lâm, một cái tên mang một loài cây rất mạnh mẽ. Dù phong ba bão táp vẫn cứng cáp. Thế rồi anh mua một chiếc xe cũ, ban đầu không quen ngã liên khúc. Thấy anh vật lộn với chiếc xe, mọi người qua đường có những câu nói không mấy làm vui: “Hai chân còn chưa hơn ai, một chân thì làm lên trò trống gì?” Chính những lời nói ấy, anh càng phải cố gắng. Anh đã từng là lính lái xe Trường Sơn, dù dốc cao hay vực thẳm, dù bom đạn chiu chíu trên đầu vẫn không chùn bước thì cớ gì lại đầu hàng chiếc xe đạp. Chỉ hơn một tháng tập luyện, anh đã thành thạo.

Lần đầu tiên Tùng Lâm đạp xe đến nhà một anh bạn cùng cảnh thương binh, cụt một chân đến đầu gối. Chỉ có những người cùng cảnh ngộ mới đồng cảm, sẻ chia. Vừa đến ngõ Tùng Lâm không dám lên tiếng mà đứng xa quan sát. Thấy anh bạn kê một chân cụt lên tấm ván cho bằng với chiếc chân lành. Hai tay cầm xẻng xắn đất đào ao. Từng xẻng đất cứ thế hất lên bờ.

Bỗng dưng anh thấy tinh thần phấn chấn, mình đã tìm được quý nhân. Quan sát một lúc, Tùng Lâm hắng giọng. Anh bạn khi ấy mới biết có khách đến chơi. Sợ anh lên xuống khó khăn. Tùng Lâm đứng trên bờ, câu chuyện cứ thế, từ dưới ao hất lên, từ trên bờ vọng xuống như thể tung bóng chuyền. Anh bạn kể: Ngoài đào ao anh còn lên rừng tìm cây vạn tuế về ươm khắp vườn, bán cho khách Trung Quốc.

Đôi khi con người ta vượt lên chính mình một phần do tác động của bên ngoài và một nửa của bản thân cộng lại mà thành. Sau lần ấy, Tùng Lâm suy nghĩ: Chả lẽ mình lại thua anh bạn kia.

Năm giờ sáng, vũ khí anh mang đi “chiến đấu” là một chiếc xe đạp thống nhất cũ, một bình tông nước và một tinh thần cao độ. Đến chân núi, gần khu vực phường Quang Hanh - Cẩm Phả, anh giấu xe đạp vào chỗ kín.

Đã từng là người lính, anh thường có suy nghĩ: Kẻ địch bao giờ cũng ẩn nấp ở chỗ khuất vì vậy chỉ những thứ quý hiếm mới có ở trên vách núi dựng đứng kia. Anh như con tắc kè ngược lên hết núi nọ đến núi kia. Thoạt đầu, anh chỉ đi tìm cây vạn tuế hoặc lan rừng về ươm, ai mua thì bán. Sau này anh phát hiện cây thuốc nam như hà thủ ô, kim ngân, cây rau ráu, mã kích… bán cất cho mấy bà lang ở chợ Cẩm Đông.

Trưa về, mẹ anh thấy con đổ một đống cây xuống sân. Mồ hôi như tắm. Mặt mũi xây xát. Quần áo tả tơi bởi gai nhọn và đá cào. Bà vừa khóc vừa van xin: “Con là thương binh, không phải người lành lặn, nhỡ trượt chân thì mẹ biết trông cậy vào ai?” Anh cười khà khà, một nụ cười vô tư của một người lính sinh ra để chiến đấu thì không sợ bất cứ điều gì? Cuối cùng anh đã thuyết phục được mẹ.

Mọi thứ cứ dắt díu nhau, cái nọ liên quan đến cái kia. Tiền bán cây vạn tuế, tiền bán cây thuốc nam... Từ ấy cuộc sống mẹ con, bà cháu cũng tạm ổn so với lúc trước. Một thời gian sau anh mua vôi, mua cát về tự đóng gạch. Chỉ trong mấy năm anh đã xây được nhà hiên tây máng thượng thay cho nhà ọp ẹp, dột nát.

2.

Mỗi lần gặp Tùng Lâm trong chương trình khai bút đầu năm hoặc tổng kết Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, tôi thường chủ động: “Em chào anh!” Vẫn điệu cười khà khà, anh kèm theo câu hỏi cũ: “Ai đấy nhỉ, nghe giọng quen quen?” Tôi đùa xem anh có nhận ra: “Đố anh biết?” Bất chợt anh như reo lên: “À, nhận ra rồi, em gái thuốc lào, đồng hương Vĩnh Bảo!” Nghe xong câu nói lòng tôi bỗng lâng lâng, một đặc sản quê hương mặc dù chẳng báu bổ gì nhưng nhiều người mê hơn cả thuốc phiện. Nhờ có thương hiệu thuốc lào mà anh em chúng tôi dễ nhận ra nhau.

Trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh thì Tùng Lâm, Trương Thiếu Huyền và tôi cùng huyện Vĩnh Bảo nhưng mỗi người một xã: Tùng Lâm ở xã Vĩnh Tiến. Trương Thiếu Huyền xã Vinh Quang, tôi ở Tân Liên. Và nói kiểu các cụ quê tôi, chỉ cần một người ở xã Tân Liên châm đóm hút thuốc lào là hai xã bên đã phân biệt được mùi thuốc hồ hay chưa hồ, trồng đất thịt hay đất cát...

Tôi biết Tùng Lâm trước khi anh ra mắt tập tiểu thuyết Ngã rẽ năm 2017. Hôm ấy sấm chớp đùng đùng, tôi đang chần chừ nhưng nghĩ mình được mời là một vinh dự và một trách nhiệm. Nếu mọi người không đi thì không sao nhưng mình là đồng hương, dẫu thiếu nhiều người nhưng không thể thiếu đồng hương. Tư tưởng thông suốt, tôi ra đường đón xe. Lần ấy vào giữa tháng bảy âm lịch, ông Ngâu bà Ngâu gặp nhau nên mưa kéo dài hàng tuần. Trước khi mời, anh đã thông báo, không được ai đóng góp gì. Anh phóng khoáng, mạnh mẽ cả từng lời nói và trang viết. Đến nơi tôi chủ động ra chào. Nhận ra tiếng tôi Tùng Lâm mừng lắm, anh bắt tay cùng câu nói nóng sốt: “Anh rất cảm kích, em đã không quản đường xá xa xôi, đội mưa đến với anh!” Một cái bắt tay, tác phong của người lính, một cái bắt tay hồ hởi của tình đồng hương, một cái bắt tay của đồng đội mang tên văn học nghệ thuật... Tiếng anh cười giòn như tiếng điếu rít, hòa lẫn tiếng mưa. Ngoài sân, mưa vẫn như trêu ngươi nhưng các ghế trong hội trường đã ngồi kín chỗ.

Tùng Lâm là nhân vật đặc biệt của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Mỗi lần hội họp tôi chủ động ngồi gần Tùng Lâm để khai thác: “Khi mắt còn sáng, anh viết được hai tập thơ, hai tập truyện ngắn và một tập bút ký? Sau này nghe tin một bên mắt hỏng, một bên chỉ còn 3/10, bằng cách nào anh viết thêm hai tập tiểu thuyết? Anh vẫn cười khà khà và giọng nói vặn hết công suất.” Viết được bằng ấy tập định nghỉ nhưng hôm gặp mặt đồng đội lái xe Trường Sơn, họ động viên mình cố. Mình hứa, viết tất cả đồng đội, người còn người mất vào tiểu thuyết. Cung đường tình yêu ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt như thế. Ngoài sự động viên họ còn hỗ trợ kinh phí để giúp mình hoàn thành tác phẩm. Mình chứng kiến giặc Mỹ rải bom, chứng kiến các đồng đội hi sinh, không viết mình như có tội với họ. Khi các câu chuyện, các tình tiết đã có sẵn ở trong đầu thì chỉ việc sắp xếp các con chữ liên kết với nhau!

Nhiều người mắt tinh nhìn màn hình còn bị mờ, bằng cách nào anh nhìn thấy chữ và chuột vi tính?

“Lắm lúc bất lực, trong đầu các tình tiết đang dắt nhau ra nhưng con chuột máy tính bị lạc. Đành phải tắt máy thì chuột mới hiện ra. Có đoạn đang tuôn trào, bỗng dưng bị phân tán, lúc sau mới lôi được nó ra. Như trong chiến đấu, mình phải biết địch biết ta để ứng phó. Khi ấy chữ trên màn hình vi tính phải phóng to 200 lần mới nhìn rõ mục tiêu. Viết để ghim nỗi đau quá khứ, quên đi nỗi đau hiện tại. Những lúc trái gió trở trời vết thương trỗi dậy, hành hạ, tra tấn, không cho ngủ. Nếu như không viết thì mình chỉ suốt ngày chỉ kêu rên. Viết cũng là cách ém nỗi đau xuống. Sau này tuổi càng cao, mắt mỗi ngày mờ dần, thao tác cũng lâu. Thấy vậy, bà Hạnh thương hại, ngồi đánh máy giúp, mình chỉ việc đọc các tình tiết!”

Tùng Lâm một thương binh nhiều tài lẻ, yêu văn nghệ, mê văn học, chả thế mà anh ẵm giải ba truyện ngắn - Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam phát động năm 2014-2015. Giải ba Văn nghệ Hạ Long năm 2020. Hai giải ba, Võ Huy Tâm năm 2015 và 2022. Giải nhì 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh 2023.

Ngoài làm thơ, viết văn, Tùng Lâm còn có máu văn nghệ. Năm 2000 anh thành lập Câu lạc bộ Ca hát tại khu 3A, phường Quang Hanh. Tùng Lâm cái gì cũng biết một tí. Từ đánh trống, đánh đàn, hát hò, biên đạo, làm thơ, viết văn… anh “chiến tuốt”.

Tùng Lâm sinh năm 1945, trước khi đi bộ đội anh đã lấy vợ và có một con trai. Sau giải phóng miền Nam, biết tin anh đang điều trị vết thương ở trại điều dưỡng, vợ anh đến thăm. Thấy anh băng bó từ đầu đến chân, sau lần ấy chị đã bỏ anh đi lấy chồng biệt xứ, để lại cho anh đứa con trai còn nhỏ.

Tưởng như hòa bình những người lính được yên bình nhưng thường ngày anh vẫn đang kiên cường, chống chọi, “chiến đấu” với thương tật. Hiện tại mắt anh không nhìn rõ bạn bè, chỉ nhận ra tiếng. Anh kể: Ngoài vết thương bom phang qua đùi còn một viên bom bi trong đầu, một viên trong ngực trái. Bác sĩ khuyên không nên mổ, sẽ ảnh hưởng tới tim và não. Tất cả chúng như con quái vật, tra tấn, hành hạ anh ban đêm nên phải ngủ ban ngày.

Anh may mắn có một số bạn bè yêu quý mỗi khi hội họp hoặc lên nhận giải thưởng... Còn có một người phụ nữ tên là Hạnh đang âm thầm ghé vai cho anh vịn, những lúc anh đi đứng, khi trái gió trở trời và thực phẩm làm sẵn, đóng từng túi cất trong tủ lạnh, anh chỉ việc đem ra nấu ăn, mặn hay nhạt nấu bằng cảm tính.

Thầy ơi! - Truyện ngắn của Đinh Ngọc Lâm

Thầy ơi! - Truyện ngắn của Đinh Ngọc Lâm

Baovannghe.vn - Hồi trẻ, tôi là một đứa con gái ngang ngạnh, cũng may mà trời phú cho tôi một nhan sắc nổi trội.
Ra mắt tập truyện ngắn “Linh hồn ký ức” của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng

Ra mắt tập truyện ngắn “Linh hồn ký ức” của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng

Baovannghe.vn - Sáng ngày 14/7, tại Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội, số 19 Hàng Buồm đã diễn ra buổi ra mắt cuốn sách Linh hồn ký ức của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, Kỷ lục gia nhiếp ảnh Việt Nam Phạm Công Thắng. Đây là tập truyện ngắn thứ tư của ông thuộc thể loại Ma mị – Tâm linh – Liêu trai.
Đưa y tế chất lượng cao về địa phương: Vinmec Nha Trang tiên phong phẫu thuật ung thư nội soi cho bệnh nhân lớn tuổi

Đưa y tế chất lượng cao về địa phương: Vinmec Nha Trang tiên phong phẫu thuật ung thư nội soi cho bệnh nhân lớn tuổi

Baovannghe.vn - Lần đầu tiên, một ca phẫu thuật nội soi điều trị ung thư dạ dày cho bệnh nhân lớn tuổi đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang (Khánh Hòa). Không chỉ là dấu mốc quan trọng về chuyên môn, ca mổ còn đánh dấu một bước tiến mới trong việc đưa y tế chất lượng cao về gần hơn với người dân miền Trung – nơi người bệnh từng phải chuyển tuyến xa mới tiếp cận được kỹ thuật điều trị ung thư nâng cao.
Những tuyến đường nào của Hà Nội sẽ cấm xe máy từ 1/7/2026?

Những tuyến đường nào của Hà Nội sẽ cấm xe máy từ 1/7/2026?

Baovannghe.vn - Thông tin từ ngày 1/7/2026 thành phố Hà Nội sẽ không có xe môtô, xe gắn máy, hạn chế xe ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1 đang được dự luận quan tâm.
Đội Trung Quốc đăng quang, Việt Nam làm nên lịch sử tại DIFF 2025

Đội Trung Quốc đăng quang, Việt Nam làm nên lịch sử tại DIFF 2025

Baovannghe.vn - Sau những màn trình diễn mãn nhãn và đầy cảm xúc, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2025 đã khép lại với chiến thắng thuộc về đội Jiangxi Yangfeng (Trung Quốc).