Chính sách này cũng giúp cho việc giảm khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
Việc miễn học phí mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm một số thách thức. Chúng ta cần có cái nhìn thấu đáo để phát huy mặt lợi và hạn chế những mặt trái của quyết định này.
![]() |
Với chính sách miễn học phí, học sinh, nhất là học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận giáo dục. Nguồn ảnh: Đại biểu Nhân dân |
Chính sách này sẽ tăng cơ hội tiếp cận giáo dục với mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt là với những trẻ em nghèo, hộ vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn. Người viết bài này đã có dịp đi về một số vùng núi cao, vùng biên giới đặc biệt khó khăn ở Hà Giang, Nghệ An, Lạng Sơn…, do sự hạn chế của hạ tầng giao thông, dân cư thưa thớt, kinh tế hàng hoá kém phát triển. Đời sống của người dân chủ yếu là tự cấp tự túc, trình độ mưu sinh chỉ mới vượt qua giai đoạn “săn bắt hái lượm”. Việc cho con trẻ đến trường đã là một nỗ lực lớn của gia đình, nếu phải gánh thêm khoản học phí, dẫu không lớn nhưng sẽ là gánh nặng mà bà con không dễ gì vượt qua.
Việc miễn toàn bộ học phí sẽ giảm gánh nặng tài chính: Gia đình nghèo hoặc có thu nhập thấp không phải lo lắng về học phí, giúp mọi trẻ em đều có cơ hội đi học.
Chính sách này cũng giúp giảm tỷ lệ bỏ học. Khi không phải đóng học phí, học sinh ít bị buộc phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình.
Một nền giáo dục miễn phí sẽ giúp trẻ em ở mọi tầng lớp xã hội đều có cơ hội tiếp cận giáo dục như nhau. Nhờ đó mà có thể nâng cao trình độ dân trí và chất lượng lao động. Xã hội có nền tảng giáo dục tốt hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Đặc biệt là trong nền kinh tế tri thức, giáo dục được coi là ngành trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất. Khi mọi người dân đều được đến trường sẽ giúp cho nguồn lao động của đất nước có trình độ cao hơn, giúp đất nước phát triển bền vững.
Lứa chúng tôi sinh ra thời đất nước còn chiến tranh, hầu hết đều xuất phát từ các miền quê, khi đi học được miễn học phí đã giảm áp lực tài chính cho phụ huynh. Cũng nhờ chính sách ấy nên hầu hết những gia đình nghèo nếu quyết chí học hành đều có thể trưởng thành, vươn lên thành những công dân có tên tuổi, có nhiều cống hiến cho đất nước.
Nay, chính sách miễn học phí khiến các bậc cha mẹ có thể dùng số tiền tiết kiệm từ học phí để đầu tư vào những nhu cầu khác như chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, hoặc giáo dục nâng cao (học thêm, ngoại ngữ, tin học…).
Một hệ thống giáo dục miễn phí và tốt giúp xã hội phát triển công bằng hơn, giảm bất bình đẳng giàu nghèo. Kinh nghiệm cho thấy, những nước có nền giáo dục miễn phí thường có mức sống cao hơn, trình độ dân trí tốt hơn.
Theo ước tính của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với xấp xỉ 23 triệu học sinh từ mầm non đến THPT, việc miễn học phí cho toàn bộ học sinh khối công lập trên cả nước sẽ khiến ngân sách nhà nước cần chi trả khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm học. Điều này sẽ tăng áp lực, gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước. Nhà nước phải chi một khoản tiền rất lớn để duy trì hệ thống giáo dục miễn phí, ảnh hưởng đến các khoản đầu tư vào y tế, hạ tầng và các lĩnh vực khác.
Cũng may, trong mấy năm gần đây, ngân sách quốc gia bắt đầu tăng nên chuyện bố trí thêm tiền bạc cho giáo dục là điều không quá khó. Thêm vào đó là cơ sở vật chất căn bản cho giáo dục như trường lớp, đội ngũ giáo viên với Việt Nam hiện nay đã khá tốt. Dĩ nhiên chất lượng giáo viên vẫn còn nhiều điều cần bàn.
Một điều nữa không thể không nhắc đến là việc quá tải trường công, đặc biệt là các trường nội thành. Học sinh trường ven đô thường có xu hướng vào nội thành để được hưởng nền giáo dục chất lượng cao hơn thế mới có chuyện là chạy trường, chạy lớp. Khi học miễn phí, số lượng học sinh tăng cao có thể gây quá tải lớp học, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.
Khi giáo dục miễn phí hoàn toàn, một số học sinh có thể thiếu động lực học tập vì không cảm thấy áp lực về tài chính hay trách nhiệm với việc học. Một số trường công có thể không nỗ lực cải thiện chất lượng giảng dạy vì thiếu áp lực tài chính từ phụ huynh.
Bên cạnh trường công, hệ thống trường tư đang hoạt động, phần lớn ở các đô thị. Để cạnh tranh với trường công miễn học phí, các trường tư phải nhanh chóng chuyển hướng sang phân khúc cao cấp. Khối tư nhân có thể tập trung vào nhóm học sinh có nhu cầu đặc biệt, chẳng hạn như: Chương trình giáo dục quốc tế (IB, Cambridge, AP...); Môi trường học tập cá nhân hóa, sĩ số lớp nhỏ; Cơ sở vật chất, hoạt động ngoại khóa vượt trội. Điều này có thể dẫn đến việc phân hóa mạnh mẽ hơn giữa trường tư cao cấp và trường công miễn phí.
Trên thế giới, hiện có nhiều quốc gia cung cấp dịch vụ giáo dục phổ thông miễn phí cho học sinh theo học tại các trường công lập. Để cân bằng, họ áp dụng mô hình học phí thấp kết hợp với hỗ trợ học bổng cho học sinh khó khăn, hoặc chỉ miễn phí một phần. Không hẳn mọi thứ cho không đều tốt. Thêm vào đó, khi phải chi trả cho dịch vụ giáo dục, học sinh sẽ nhận thức được cái giá của tri thức để chịu khó rèn dũa thành tài mà bớt lơ là rong chơi.
Việc miễn hoàn toàn học phí cho học sinh ở nước ta nay chỉ mới bắt đầu. Nhưng với các nước phát triển, họ có khá nhiều kinh nghiệm hay trong việc giảm và miễn học phí cho học sinh. Với Nhật Bản, họ miễn phí bậc tiểu học và THCS, hỗ trợ THPT. Theo đó, học phí tiểu học và THCS công lập được miễn phí hoàn toàn. THPT vẫn có học phí nhưng chính phủ hỗ trợ phần lớn. Nhờ đó học sinh được đảm bảo nền tảng giáo dục cơ bản. Cùng đó là hệ thống trường tư có vai trò bổ sung cho các chương trình chuyên biệt.
Ở nước Đức, nơi được coi là “thiên đường của giáo dục”, giáo dục công lập miễn phí, tư nhân vẫn phát triển. Người Đức miễn học phí ở tất cả các cấp, kể cả đại học. Trường tư vẫn tồn tại nhưng không chiếm tỷ lệ lớn. Thêm vào đó, ở Đức hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển song song với đại học. Chất lượng trường công tốt nên trường tư không quá phổ biến. Người Đức không coi giáo dục là loại hình dịch vụ với mục đích sinh lời.
Ở Singapore, quốc gia Đông Nam Á mới phát triển họ áp dụng chính sách hỗ trợ học phí nhưng không miễn phí hoàn toàn. Học sinh, công dân Singapore đóng học phí rất thấp, khoảng 5-25 SGD/tháng (90.000 - 450.000 VNĐ). Trường quốc tế và tư nhân có học phí cao hơn nhiều. Từ chính sách này, hệ thống trường công ở Sing rất mạnh, trường tư tập trung vào các chương trình quốc tế. Học sinh có nhiều lựa chọn giáo dục phù hợp với năng lực.
Không có một chính sách nào hoàn hảo. Để một chính sách mới có thể đi vào cuộc sống và phát huy tốt tác dụng cần phải có sự đồng bộ từ cơ quan ban hành chính sách, sự vận dụng của các địa phương và hơn thế là sự ủng hộ của mỗi người dân. Sự đồng thuận từ trên xuống dưới sẽ giúp cho chính sách phát huy tối đa sự ưu việt và hạn chế được những mặt không mong muốn.