TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024
Truyện ngắn dự thi
Năm đầu thi đại học, tôi rớt chỏng gọng, thiếu nửa điểm so với điểm chuẩn. Ở nông thôn nhất là vùng cao, miền núi chỗ tôi ở chỉ có học ở trường, chẳng học thêm dạy thêm gì cả. Tài liệu ôn thi cũng không, suốt ngày học sinh cấp III như tôi thả bút xuống là vào rừng chặt gỗ, kiếm củi. Anh Thành bảo, hè này mày đi đãi vàng với tao. Kiếm ít tiền sang năm về thị xã ôn thi, để sau này còn làm ông này bà nọ. Không thì chôn thân ở chốn rừng rú, lần mò kiếm ăn, vắt mũi đút miệng giống tao, cả đời như cây khô nhúng nước cũng khô. Anh nói một thôi dài, đầy văn vẻ, lại có cả thành ngữ, tục ngữ khiến tôi bật cười. Mày cười cái giề, anh Thành gắt. Bao giờ cũng vậy, tiếng “gì” qua miệng anh Thành lúc nào cũng kéo dài thành chữ “giề”. Tôi lại cười, em có nói gì đâu, thấy anh vui làm em cũng vui lây.
Minh họa: Lê Trí Dũng |
Anh Thành là anh em thúc bá với tôi, anh vai bác, tôi vai chú. Người anh cao to lực lưỡng, giọng nói to trầm, cứ như om trong nồi đất. Anh hiền lành nhưng cục tính, ai làm những việc không phải đạo hoặc trái ý anh là lập tức anh phang ngang. Bất kể người đó có tuổi tác, vai vế trong dòng họ. Anh học hết cấp 2 thì nghỉ học, phụ giúp gia đình chuyện nương rẫy. Hai năm sau anh cưới chị Lành, cô gái nết na ở làng bên, người hiền như tên. Trước ngày cưới anh gọi tôi ra góc vườn hỏi, mày thấy chị Lành được không. Tôi còn trẻ ranh, chỉ biết nói, em thấy chị đẹp. Anh trợn mắt, làm lụng giỏi mới đáng đồng tiền bát gạo. Còn đẹp, đẹp để làm gì? Đàn bà con gái chỉ cần ngoan và chăm việc đẻ đái là được.
Cũng thật lạ, anh Thành khoẻ mạnh là thế, chị Lành cũng giỏi giang việc nhà nông nhưng chuyện làm ăn mãi chẳng khá lên. Nương vườn toàn chuối với sắn, thu hoạch bán được mấy đồng lẻ. Heo, gà nuôi đàn nào đàn nấy dịch. Đến trâu bò vay vốn Ngân hàng người nghèo mua cũng tự dưng ngã lăn quay, phải xẻ thịt năn nỉ bà con lấy giúp. Chuyện làm ăn vậy, đường con cái cũng hẩm hiu. Chị Lành người cứ phây phây, ngực lúc nào cũng vun lên mà không có nổi mụn con.. Anh bảo, cái số tao mạt cả đời. Tôi bảo, sông có khúc, người có lúc. Bôn ba chẳng qua thời vận...
Tôi nhận lời đi đãi vàng cùng anh Thành. Về nhà giục mẹ xé bao cát may thành chiếc ba lô có quai đeo. Đổ đầy một ba lô gạo và sắn khô, muối, dầu ăn, cá khô xếp lên trên. Mẹ tôi bảo, mày đi với thằng Thành phải cẩn thận. Làm dâu họ này tao biết, toàn thứ nửa người nửa quỷ. Cả nhóm gồm bốn người, anh Thành, tôi và hai anh em bà con xa ở cùng xóm. Người anh tên Nhân, em tên Nghĩa, nhưng là cặp sinh đôi, cả hai nhỏ tuổi hơn anh Thành nhưng lại lớn hơn tôi chút đỉnh. Tôi trở thành thằng “đệ” của cả nhóm. Ngày chuẩn bị lên đường cả nhóm tụ bạ nhà anh Thành. Lễ bạc nhưng có chút rượu đưa cay giao kết tình thân. Tôi chỉ nửa cốc mặt đã đỏ bừng. Chị Lành dặn, lên đó anh em nhớ bảo ban nhau, cố gắng kiếm tiền mà về. Anh Thành cười, quan trọng là hậu phương phải giữ gìn. Tao về nghe tin léng phéng với ai thì đừng trách, muốn ngựa giày có ngựa giày, muốn gọt tóc bôi vôi có gọt tóc bôi vôi. Đêm đó, anh em Nhân, Nghĩa về, tôi ở lại nhà anh Thành. Nửa đêm giã rượu nghe tiếng tiếng giường ken két ở buồng trong. Xen giữa tiếng thở hồng hộc của anh Thành là tiếng rú kìm nén nhưng vẫn thoát ra ở ngay đầu lưỡi, giữa hai kẽ răng, tiếng rú của chị Lành. Tôi thiếp đi, mơ màng. Đời này là thế ư, hư thực thực hư. Hay mình còn trẻ nên chưa biết...
*
Quốc lộ 9D bắt đầu từ thị xã, chạy qua làng tôi rồi ngược lên phía tây. Con đường này mệnh danh là Con đường Vàng. Dọc theo quốc lộ có nhiều nhánh rẽ vào các bãi vàng, rẽ ở cây số nào thì bãi vàng có tên của cây số đó. Bãi vàng chúng tôi chọn nằm ở cây số 49 nên có tên Bãi Bốn Chín. Từ quốc lộ chúng tôi phải vượt qua mấy quả đồi, vào đến tận chân dãy núi Giăng Màn. Chúng tôi đãi vàng sa khoáng nên phải tìm đến những dòng sông đầu nguồn. Nơi đây sông Rào Quán chảy từ trong núi ra gặp phải những ghềnh đá lởm khởm, nước không sâu nhưng tung bọt trắng xoá. Ngược dòng sông thêm đoạn nữa bỗng thấy lòng sông cạn hơn, nước chảy nhẹ hơn. Hai bên bờ rặt một bãi đá hoang, viên nào cũng to tròn như chiếc mũ cối. Khoảng mươi, mười lăm mét lại có đám rì rì xanh tốt, rễ bò ra tận mép sông. Anh Thành hô cả nhóm dựng trại. Tay lăm lăm chiếc xà beng, anh nói, đây chắc chắn là nơi có dòng sông cổ đã mất dấu. Sông cổ này giao với sông Rào Quán nên vàng sa khoáng chắc tụ ở đây. Trại dựng xong, nhóm lửa nấu nướng, ăn uống xong trời cũng vừa tối. Đêm đầu tiên nằm trên bãi hoang, ngửa mặt đếm từng ngôi sao nhấp nháy, lòng tôi bỗng dưng trống rỗng. Trống rỗng rồi bỗng dưng chao chát lo âu. Lúc chưa lên đây, tôi cứ hình dung để rồi sung sướng với hình ảnh tôi về thị xã ôn thi, túi dắt đầy tiền. Vậy mà mới đêm đầu tiên tôi đã nghe ra một điều gì đó, cũng không chắc là điều bất an. Chỉ là điều gì đó tựa như chiếc bình thuỷ tinh trong suốt. Rồi từ từ, nước dâng lên bên trong chiếc bình. Tôi nhìn ra những hạt vàng lẫn trong cát đá, trong đám rễ rì rì xanh tốt. Những hạt vàng lấp lánh biến thành những con mắt và đám rễ rì rì xoã xượi như mớ tóc người chết trẫm mình dưới bến sông.
Ngày đầu đãi vàng tôi cứ lóng nga, lóng ngóng. Anh Thành bảo, làm cho quen, để biết dân dân cực khổ thế nào, mai này làm nhà nước, việc gì cũng phải nhớ đến dân dân. Việc đầu tiên là chọn điểm vàng. Việc này anh Thành đảm trách. Anh đi dọc triền sông, ngắm nghía, ước lượng dòng chảy của sông cổ, nhìn ghềnh đá để tưởng tượng xoáy nước, rồi chỉ vào chỗ nào đó bắt chúng tôi đào. Nhân, Nghĩa và tôi hì hục bưng từng tảng đá dẹp sang một bên, bao giờ gặp lớp đất cát mới thôi. Anh Thành bảo, lớp đất trên cùng gọi là “phong hoá”, phải lấy bằng hết đất ấy mới đến lớp “trầm tích” có vàng. Nói thì dễ nhưng lớp “phong hoá” có khi dày cả mét, đá sỏi lổn nhổn, xẻng, xà beng chạm vào cứ toé lửa. Đất “trầm tích” có vàng chúng tôi phải cẩn thận vét thậm chí từng muỗng cho vào bao mang ra sông đãi. Trước tiên đãi bằng máng dài làm bằng gỗ. Máng dài có nhiều bậc tựa bậc thang, để nằm nghiêng, bỏ đất “trầm tích” vào rồi múc nước dội. Lớp đá sỏi lần lượt trôi đi chỉ còn cát. Lại dội nước tiếp để cát tiếp tục trôi, chỉ còn cát mịn. Sau đó đưa hết cát mịn sang chiếc máng tròn làm bằng nhôm, tựa chiếc nón nhưng cạn lòng hơn. Dùng hai tay xoay máng tròn thật khéo, nước lùa vào theo vòng trôn ốc, vào rồi ra mang theo cát mịn. Khi nào cát mịn trôi đi hết thì có thể nhìn thấy vàng cám, vàng vảy lẫn vào mạt sắt. Đến đây thì dừng, gom toàn bộ mạt sắt trộn lẫn với vàng đi phơi nắng hoặc dùng chảo khò trên than hồng. Lúc nào vàng lẫn mạt sắt thật khô thì bỏ lên tờ giấy pơ luya, dùng nam châm hút hết mạt sắt chỉ còn lại vàng. Nói thì dễ nhưng thực tế làm không dễ, nhất là công đoạn xoay đãi máng tròn. Xoay không khéo, lực ly tâm mạnh thì vàng cũng trôi luôn theo cát. Anh Thành bảo, khó vậy người ta mới nói “đãi cát tìm vàng”.
Thường cuối ngày, vàng được gom vào chiếc ống lông vịt, nút chặt. Vài bữa lại gom tiếp cho vào lọ penicilin gói cẩn thận trong bao ni lon. Dân buôn vàng cuối ngày lượn lờ quanh các hầm vàng, ai muốn bán có ngay. Người ta bán vì nhiều lý do, vàng gom được nhiều sợ bị cướp, bán để mua thêm gạo, thực phẩm nhằm trụ dài ngày ở bãi vàng, bán có tiền mua rượu uống, thậm chí mua “hoa”. “Hoa” ở bãi vàng quanh đi quẩn lại chỉ có mấy ả tuổi sồn sồn, mặt hoa da phấn lỡ thời, dạt vòm từ xuôi lên. Biết anh Thành là đại ca nhóm tôi, mấy ả thường kéo đến gạ gẫm. Tôi nhớ có một ả tên Dung với chiếc nốt ruồi “thương phu trích lệ” ở đuôi mắt phải. Anh Thành bảo, trông mấy ả gớm chết nhưng ở đây lâu ngày “tràn dầu” chịu không nổi thì thôi cũng được. Tắt đèn, nhà tranh như nhà ngói. Tôi bảo, tởm. Anh Thành cười, mày còn trẻ, biết con mẹ gì. Tởm, có lúc mày phải xin vục mặt vào chỗ đó con.
Ngày đầu tiên chúng tôi dọn hết đất “phong hoá”. Ngày thứ hai bắt đầu lấy đất cát trầm tích. Đất không có nhiều, phải dùng xà beng nạy từng vỉa đá mới có được vài ba vốc. Cuối ngày thứ hai, anh Thành khò được nhúm vàng cát. Tôi nhìn, chẳng biết nhiều hay ít. Anh Thành bảo, chỗ này tạm được, khoảng 2 phân. Đủ để gạo mắm và tiền công ngang với phát rẫy thuê. Hy vọng đào sâu hơn có vàng vảy thì coi như đời tươi.
*
Bãi vàng sa khoáng không ngổn ngang như công trường. Nó kéo dài dọc theo bờ sông có khi cả chục cây số tuỳ theo chiều dài và chiều rộng bãi đá. Mỗi nhóm tới tìm một điểm hạ trại, đào hầm. Để tránh xâm phạm lãnh thổ, mỗi hầm cách nhau cả trăm mét. Nghề này khá nguy hiểm. Thứ nhất là đạo tặc. Có nhóm toàn dân xăm trổ, đào mãi chỉ có ít vàng bèn xoay sang trấn lột hầm khác. Trấn lột là cách nói nhẹ nhàng, kỳ thực đó là dao rựa, xà beng phang vào đầu nhau, chết bỏ luôn xác dưới hầm vàng lấp đá lại. Rồi thêm chuyện các bản làng đồng bào dân tộc quanh đó. Thi thoảng họ dẫn vài ba mươi người, tay lăm lăm giáo mác xuất hiện. Nhóm nào không nhanh tay xách ba lô chạy lên núi ẩn nấp thì coi như mất sạch, cả vàng lẫn gạo cơm, mắm muối. Anh Thành bảo, nghề này đánh đổi bằng mạng sống.
Đào đãi vàng tuy mệt nhọc, vất vả nhưng ban ngày lại là lúc thơ thới. Bởi có cái để mà trông, là nhúm vàng cuối ngày sau khi thổi hết mạt sắt. Ban đêm, khi tắm rửa, ăn uống xong mới là lúc buồn thảm nhất. Giữa rừng xanh núi thẳm, mấy thằng người ngồi lại ngó sao trời. Can rượu trắng 20 lít cứ thế chước ra chén cụng vào nhau côm cốp. Những đêm đầu tôi chỉ được lưng chén là ngật ngưỡng, về sau do mỏi mệt, do lạnh, đô rượu cứ thế nâng lên. Anh Thành bảo, thằng này tửu lượng khá dần, đáng mặt đàn ông. Thường thì chúng tôi ngồi quanh, giữa là tảng đá to tròn làm mâm. Anh Thành bảo, tao đại ca nhưng giữ chân trọng tài chước tửu, thằng Nhân, thằng Nghĩa phụ trách âm nhạc, rồi chỉ tôi, mày làm ca sĩ. Nhân, Nghĩa cầm hai chiếc nắp xoong gõ vào nhau giữ nhịp còn tôi bắt đầu liên khúc bô lê rô. Hát đến khi nào anh Thành ngà say hoặc mệt, lệnh nghỉ thì thôi. Can rượu đóng nắp lại, cả bọn chui vào lều nằm vật ra, ngáy vang như sấm. Một đêm, khi đã chui vào lều, rượu ngấm mà vẫn chưa ngủ được, anh Thành lè nhè nói tôi:
- Mày hát bô lê rô buồn bỏ mẹ.
- Bô lê rô bài nào chẳng buồn. Mà đãi vàng thì có gì vui... - Tôi dấm dẳn.
- Cái giề. À mà được, tao thấy mày bắt đầu có khẩu khí. Đàn ông phải thế, ngang tàng, quân tử.
Nói rồi, anh Thành hát ư ử. Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai.
- Anh lại nhớ chị Lành rồi - Tôi mơ màng nói.
- Nhớ con khỉ mẹ gì. À, mà mày tưởng tao không biết ca hả?
Anh Thành vắt chân lên người tôi cất giọng cải lương. “Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường đông thọ tiễn. Nên Võ Đông Sơ đành chia tay zĩnh ziễng Bạch Thu Hà...”
Ở góc phía trong lều, tiếng Nhân, Nghĩa cằn nhằn:
- Thôi ngủ đi hai cha nội. Ngủ mai có sức mà đào.
Tôi hình dung trong đêm tối, lúc ca cải lương, đến ba chữ Bạch Thu Hà, anh Thành nhỏ ra hai giọt nước mắt.
*
Anh Thành hỏi tôi:
- Mai sau, mày định làm nghề gì?
- Nghề gì cũng được, làm báo, viết văn, dạy học... Nghề nào kiếm cơm được, lương thiện thì làm -Tôi đáp.
- Nghĩa là mày làm để sống, sống vì mày?
- Sao anh hỏi thế? - Tôi hỏi lại.
- Là vì, tao nghĩ thế. Học hành như mày rồi cũng chỉ lo cuộc sống chính mày thì rồi ai là người nghĩ đến dân dân.
- Dân dân à. Anh lo bò trắng răng. Dân dân đã có dà nước -Tôi nhại giọng anh, trả lời.
- Mày ngu như bò. Dà nước lo mà để dân dân lao khổ thế này, giết nhau như ngoé vì mấy phân vàng thế này à? - Anh Thành vặc lại.
Hết tuần đầu tiên, cả bãi vàng Bốn Chín nghe nói có đến ba vụ thanh toán nhau, một người chết tại chỗ, bảy tám người gì đó bị thương, dìu nhau trốn về quê. Nhưng nhóm này tan tác thì lại có nhóm khác bổ sung. Một nhóm ở xã kề tôi mới lên, chị Lành gởi thư tay cho anh Thành. Nét chữ nguệch ngoạc trên tờ giấy vở xé ra. Anh Thành đọc lui đọc tới mấy lần rồi vò nhét vào đáy ba lô. Tối đến anh Thành không bày cuộc rượu, chỉ nằm gác tay lên trán. Tôi hỏi:
- Chị Lành viết gì à?
- Nó bảo tao về. Ở nhà một mình nó sợ.
- Sợ gì? Ở quê bà con láng giềng đầy, sợ gì. Có phải như bãi vàng...
- Mày chẳng hiểu gì cả. Con người mới là thứ đáng sợ nhất.
Anh Thành xoay nghiêng mặt vào vách lều, hỏi tôi:
- Mày biết thằng Mười phế liệu không?
- Có, em biết. Anh Mười tay đeo đầy vòng vàng. Nghe nói giàu lắm, nhờ buôn bán phế liệu...
- Nó bảo con Lành, thấy em vò võ mà anh đứt ruột. Thằng Thành có đem cả ký lô vàng về thì cũng dính sốt rét rừng thôi em ơi. Chẳng làm ăn chi được nữa đâu. Anh đây chết vợ, một thân một mình, không thiếu thứ gì. Chỉ thiếu em.
Anh Thành mượn cân tiểu li của đám con buôn, cân số vàng đợt đầu. Anh tuyên bố:
- Tạm cân đợt đầu 10 ngày được non 3 chỉ. Chia phần như sau: Tao chịu trách nhiệm tìm hầm, tổ chức sản xuất, đãi máng tròn, phần 1 chỉ 4 phân. Thằng Nhân đãi máng dài, thằng Nghĩa vác đất, mỗi thằng 6 phân. Còn mày, anh chỉ tôi, non 4 phân. Chúng mày có ý kiến, ý cò gì không? Tất nhiên tôi là người chẳng có ý kiến gì, theo chân “phụ” việc, kiếm đặng chừng đó là tốt rồi. Ở nhà cả mùa hè nếu đi rà phế liệu chắc cũng chỉ được bằng nấy. Nhân, Nghĩa cũng im lặng nhưng có vẻ không bằng lòng. Là bởi hôm sau, khi vác đất từ hầm ra máng dài, Nghĩa nói trỏng trỏng với tôi:
- Cha Thành tham quá thể. Ôm vàng cho nhiều rồi mất vợ cũng như không.
*
Một bữa, anh Thành hỏi tôi:
- Mày học nhiều, biết rộng nói cho tao nghe. Con người sinh ra vốn thiện hay ác?
- Em đọc trong sách thấy nói “nhân chi sơ tính bổn thiện”, nghĩa là con người sinh ra vốn thiện.
- Tao thấy không đúng.
- Vậy thì, con người sinh ra “bổn ác” - Tôi nói, để tránh đấu khẩu với anh Thành.
- Cũng sai luôn.
- Vậy theo anh, thì sao? - Tôi hỏi lại.
- Theo tao, con người sinh ra như chiếc bình. Không thiện cũng chẳng ác.
- Rồi sao nữa?
- Rồi người ta đổ vào đó thứ gì thì con người ra thế đó. Đổ cứt vào thì là bình cứt, cắm hoa vào thì thành bình hoa.
- Ai đổ, ai cắm?
- Cuộc đời.
- Cuộc đời, cụ thể là cái gì, là ai?
- Mày ngu hay giả ngu. Cuộc đời là bãi vàng này, là thằng Mười phế liệu. Là chính tao với mày, với thằng Nhân, thằng Nghĩa... Hiểu chưa? - Bỗng dưng anh Thành nổi xung lên với tôi.
Vào chiều tối ả Dung hay lượn lờ qua hầm vàng nhóm tôi. Giờ thì quen mặt, biết tên cả rồi. Ả hay léo nhéo với anh Thành:
- Đại ca có trúng mánh thì cho em út hưởng xái với. Nếu thất thì cũng xả xui đi đại ca.
- Trúng thất mẹ gì. Từ từ, vài bữa “tràn dầu” làm luôn một thể - Anh Thành trả lời rồi hỏi lại:
- Mà này, giá cả thế nào? Là cả 5 anh em trên một chiếc xe tăng cho tiện, khỏi kêu thêm người khác.
- Trời đất, thế thì chết người ta à. Nhưng cũng được, dạo này ít hầm trúng quá. Lần đầu, mày xưa em lấy rẻ toàn thể đồng chí, đồng bào một giá 2 phân - Ả Dung rành rẽ.
- 2 phân! Gần một ngày công bọn anh, hút máu à? - Anh Thành kêu lên.
- Không đâu, đại ca ơi. Giá đó là tình thương mến thương rồi. Bọn kia đòi phải 3 phân. Bớt tính toán đi đại ca, vui là chính, xoá đói giảm nghèo là mười mà đại ca.
- Thôi được, ngày nào mát trời anh xử.
Ngày chúng tôi lên bãi Bốn Chín tầm giữa tháng âm lịch. Thấm thoắt gần nửa tháng trôi qua. Lệ của bãi vàng, rằm, ba mươi, mùng một hầm nào cũng thắp hương cúng thổ thần, giang thần. Hương cháy đỏ lập loè dọc ven sông, thêm bóng những lùm cây rì rì đen thẫm như trăm ngàn bóng ma hiện hồn khiến khung cảnh càng thêm thê lương. Những đêm như thế, bãi vàng ắng lặng, không còn tiếng gõ xoong nồi và tiếng đàn miệng bô lê rô từng tưng tưng, chắt bụm, chắt bụm, chắt bùm. Đêm cuối tháng đầu tiên ở bãi vàng, tôi hỏi anh Thành:
- Bao lâu thì mình về?
- Khi nào vàng nặng túi đã rồi tính. Có khi một tháng, có khi hết cả mùa hè. Mày lo học thì chia vàng về trước.
- Hết hè về luôn đi anh. Hầm này không trúng, có khi anh lên tìm bãi khác, lại trúng - Tôi nói, ngần ngừ một lát rồi nói thêm - Anh cũng nên về sớm, có khi chị Lành trông.
- Thì cũng nghĩ vậy. Nhưng chuyến này tao quyết kiếm bằng được, ít ra cũng 1 cây vàng. Về bỏ 5 chỉ tậu con Sim Sơn, số còn lại sắm váy áo chở chị Lành mày về thị trấn chơi bời cho biết mùi phố xá. Tôi thở dài, gần nửa tháng rồi mà phần anh Thành cao nhất nhóm cũng chưa đầy chỉ rưỡi thì bao giờ mới được 1 cây.
*
Ở bãi vàng chẳng ai nhớ ngày tháng. Chỉ đếm mang máng theo con trăng, mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa... Ngày nọ, hầm tôi trúng được vàng vảy, chỉ mấy vảy thôi nhưng anh Thành đã rú lên. Vàng vảy khác vàng cám ở chỗ, vàng cám li ti như bụi mịn, vàng vảy thì nguyên miếng, nhỏ thì bằng hạt tấm, vỏ lúa, lớn có khi bằng đầu đũa. Một vảy vàng lớn cân nặng đến cả vài phân. Anh Thành tuyên bố tối nay cả nhóm ăn mừng.
Ả Dung tới lúc trăng non vừa lên. Môi đỏ choét, mùi xà bông Ca may trộn mùi mồ hôi chua loét. Ả cười giả lả:
- Chúc mừng, hân hạnh được phục vụ đại ca và mấy chú em.
Anh Thành nói với cả bọn:
- Tao thủ lĩnh, hành sự trước. Lần lượt thằng Nhân, thằng Nghĩa đến mày. Nhiệt tình vào. Làm trai cho đáng nên trai. Cáo chồn cũng biết, hươu nai cũng từng.
Anh Thành, ả Dung vào lều trước. Cả ba thằng Nhân, Nghĩa và tôi ngồi chỗ cả nhóm thường hay uống rượu. Rượu rót ra chén chạy vòng quanh. Xa xa, một khóm cây rì rì ướt đẫm trăng non. Trong lều có tiếng động ban đầu dè dặt sau cứ to dần. Thằng Nhân nói:
- Chiều nay tao nghi lão Thành lắm. Vàng cám không nhét được chứ vàng vảy ngậm vào miệng, dắt cạp quần là xong.
- Làm sao biết được ma ăn cỗ. Trông ở cái tâm mỗi người thôi, biết sao giờ. Thằng Nghĩa chiêu nửa chén rượu, tiếp lời.
Tôi ngồi im lặng nghe Nhân và Nghĩa nói chuyện. Tiếng động trong lều giờ nghe rõ hơn. Hơi thở hai người trộn vào nhau gấp gáp. Thi thoảng nghe tiếng ả Dung: Mẹ ơi, chết con mất.
Chừng nửa giờ sau anh Thành bước ra, mồ hôi đầy ngực, tóc tai xoã xượi. Anh nói, tao xong rồi đến lượt tụi bay. Một giờ sau, Nhân và Nghĩa chui ra, tôi vẫn ngồi im bên chén rượu. Anh Thành hỏi:
- Sao mày không vào?
- Tôi không thích.
- Cái giề, mày nghĩ chuyện đó là vô đạo đức à?
- Tôi không biết. Chỉ là tôi không thích.
- Thôi được, tuỳ mày. Đời còn dài, cố mà giữ lấy cái đạo của mày.
Vầng trăng non đầu tháng chợt lẩn vào đám mây nào đó. Trời bỗng tối sầm. Nhưng tôi vẫn kịp nhìn thấy ả Dung xộc xệch từ lều chui ra. Ả kéo quần lên, châm một điếu thuốc, nối ruồi “thương phu trích lệ” giật giật. Ả cằn nhằn:
- May còn một thằng em trốn nghĩa vụ quân sự. Không thì chết chắc. Cứ như ba con trâu điên. Đời thế mới biết, lấy lỗ làm lãi chẳng dễ dàng gì...
Đêm sau, anh Thành hỏi tôi:
- Mày không thích thật hay giả vờ không thích?
- Anh hỏi chuyện gì? -Tôi quên mất chuyện tối qua.
- Là tao nói cái chuyện tối qua.
- Em chẳng giả vờ gì cả. Chuyện đó em chưa từng, thế thôi.
- Mày đừng giận tao. Sự đời nó bỉ ổi vậy đó. Nhưng mày thử nghĩ coi. Đêm qua, bãi Năm Tư có thêm một nhóm mất sạch vàng, chết hết không toàn thây. Thành ra, bọn tao ít chữ, sống bản năng như trâu ngựa, được cái gì hay cái đó.
Trăng vẫn còn non như đêm qua. Ban đêm không ai đào đãi, dòng sông Rào Quán trở nên hiền lành, con nước rì rào rất khẽ. Nghe anh Thành nói, trong lòng tôi dâng lên nỗi buồn vô hạn. Tôi còn chưa đi hết hành trình con chữ, mai này có phải rơi vào kiếp sống như anh Thành, như ả Dung và Nhân, Nghĩa. Trăng từ trong đám mây đen sũng bất ngờ chui ra. Bầu trời bỗng sáng rỡ một cách kỳ lạ. Tôi thấy mình nhói bên ngực trái. Bầu trời như chiếc bình úp ngược, hút tôi dính chặt vào cõi nhân gian hèn mọn.
*
Vàng vảy vẫn thi thoảng xuất hiện trong máng tròn nhưng không nhiều. Tính đi tính lại, trừ gạo cơm, mắm muối, mỳ tôm, rượu gạo, trăm thứ hầm bà lằng kể cả “hoa”, số vàng đãi được bán đi quy ra tiền còn lại chẳng bao nhiêu. Anh Thành nói, kiểu này chắc khó đạt mục tiêu. Có lẽ phải tìm cách định hướng lại. Nghĩa thì thầm với Nhân, ông đãi máng dài nhớ để ý lão Thành, tao nghi lắm.
Anh Thành uống rượu nhiều hơn, đêm nào cũng giành tôi làm ca sĩ. Anh bảo, mày hát buồn nhưng không hay. Bô lê rô bãi vàng là phải có vàng, vàng thì phải có lửa, có máu trong đó. Anh cầm chén rượu, lảo đảo đứng lên, dạo đàn miệng trước, hát sau. Tèn tèn ten, chắt bụm, chắt bụm, chắt bụm bùm. Ván kia bây giờ đóng thuyền rồi. Gỡ ra đóng lại mấy hồi em ơi. Đôi ta, đứa đầu sông cuối sông. Thương nhau, cách trở buồn không em. Đôi khi thấy lòng mình lẻ loi. Muốn ngỏ lời rằng thương. Biết rồi câm nín hoài... Tèn ten ten, ten tèn ten tẹn.
Anh Thành say rồi, hỏi tôi:
- Mày nghĩ, đàn bà là cái giống gì?
- Anh hỏi hay thật, đàn bà thì là giống... đàn bà - Tôi bật cười.
- Ý tao hỏi là đàn bà, đại để, đàn bà nó cần cái gì?
- Tôi làm sao biết. Nhưng con người thì ai cũng cần sống no ấm, cần tình yêu thương - Tôi nói, vẻ sách vở.
- Mày nói đúng, con người cần sống no ấm. Nhưng như tao, như bọn mày thì có gọi là sống không? Sống thế này thì lấy đâu ra tình yêu với lại tình thương - Anh gục đầu một lát rồi rũ rượi nói tiếp:
- Mà nói cho cùng, dân dân đều thế cả.
Đêm qua, một nhóm đãi vàng gần làng tôi mới lên. Chị Lành có gởi anh Thành lá thư tay, cũng vẫn trang vở học trò xé ra. Không biết trong thư viết gì nhưng ngắn lắm.
Rồi mùa hè cũng trôi qua. Giấc mơ “1 cây vàng” của anh Thành cũng cán mốc. Nhân, Nghĩa mỗi người được 4 chỉ rưỡi, phần tôi xêm xêm 3 chỉ. Ngày chia tay cũng lại làm cuộc rượu tuý luý. Anh Thành kéo tôi ra sau bụi cây rì rì nói:
- Mày có nhớ hôm anh nghỉ đãi, vào bản của đồng bào dân tộc không?
- Nhớ, hôm ấy anh vào xin thuốc dấu uống đau bụng hay gì đó.
- Đúng, nhưng hôm ấy tao được già làng cho ít ngải hay lắm. Mày nhớ cất kỹ, cầm về, ngải kín nên đừng để ai thấy. Anh vừa nói vừa giúi vào túi áo tôi một gói vải nhỏ nhiều lớp, miệng túi có vẻ may kỹ. Anh dặn dò tiếp:
- Nhớ đừng để ai thấy. Nhất là 2 thằng Nhân, Nghĩa. Sau này về thị xã ôn thi hay vào đại học, lúc nào gặp bất trắc thì mở ra.
*
Tôi về nhà vừa hết hè, quày quả xuống thị xã cho kịp lớp ôn thi đại học. Giấc mơ thoát khỏi miền rừng vẫn còn nung nấu trong tôi. Ba chỉ vàng tôi dành dụm mua chiếc xe đạp, trả tiền trọ, tiền ăn, tiền học phí 3 môn khối C vừa đủ. Năm đó tôi đậu thủ khoa. Vinh quy về làng tôi mới hay, ba mẹ tôi đã giấu nhiều chuyện không cho tôi biết, sợ ảnh hưởng đến chuyện học hành.
Số là, sau chuyến đãi vàng về, anh Thành chưa kịp cưỡi chiếc Sim Sơn thì chị Lành đã bỏ đi biệt tích. Nghe nói chị đi theo anh Mười phế liệu. Rồi sau đó, Nhân, Nghĩa trong một cơn say vác rựa đến nhà anh Thành đòi lại vàng. Chúng nghi anh Thành giấu bớt vàng vảy trong những ngày đào đãi. Anh Thành vặc lại bị chúng chém chết tươi. Toà xử Nhân, Nghĩa tù giam 20 năm, không biết ngày nào ra.
Tôi nghe bàng hoàng đến mức tâm trí không còn để vào việc học. Từ thủ khoa, điểm số tôi dần tụt xuống hạng dưới trung bình tính trên sĩ số của lớp. Giai đoạn đó, đại học chia thành 2 loại: chính quy và mở rộng. Tốp trên, chính quy có học bổng, tốp dưới, mở rộng phải đóng học phí. Nhớ lời anh Thành, việc đó chắc dà nước đã nghiên cứu, khả dĩ đem lại công bằng cho dân dân. Khi rớt xuống đội hình mở rộng, tôi đã nghỉ đến chuyện bỏ học, về lại miền rừng xa ngái.
Trong cơn tủi nhục vì không còn ý chí lẫn tiền bạc để theo học tôi nhớ đến túi ngải của anh Thành. Mở chiếc rương gỗ, mò mẫm trong đống áo quần, tôi lôi chiếc túi nhỏ ra. Sau mấy lớp vải thổ cẩm, cồm cộm những hạt nhọn cứng như hạt mầm. Tôi cầm chiếc túi dốc xuống lòng bàn tay. Một vốc vàng vảy hiện ra lóng lánh.
Bà chủ tiệm vàng nói: Chỗ này vừa đúng 6 chỉ, lẻ 2 phân.
Phạm Xuân Hùng
Nguồn Văn nghệ số 50/2022