Lão Vâu đã nghe những câu ca dao như vậy khi lão đi qua các thị trấn, thị xã, thành phố, làng quê… quanh Pha Xang. “Đến Pha Xang, gặp tang thương”, “ Ngáo ngơ đến đất Pha Xang, Thân bại, danh liệt, tan hoang cửa nhà”- những câu bài răn dạy như vậy có thể nghe từ miệng những đứa trẻ nhỏ ở bất cứ đâu ngoài cao nguyên. Đó là những bài học từ xa xửa, xa xưa, cha ông họ để lại cho con cháu. Chớ qua Pha Xang, chớ qua vùng gió. Ở đó, không phải gió, mà là bão, là dông quanh năm. Không ở đâu gió dữ dội, triền miên như Pha Xang, ngày gió, đêm gió, gió như một con ngựa hoang đốc chứng phi mãi không nghỉ. Nó chạy nước đại, nhảy chồm chồm, lồng lộn điên dại. Cơn gió Pha Xang ấy, như ma, nó bắt người, cuốn người qua luôn thế giới bên kia. Trong con mắt của mọi người sống bên kia cao nguyên thì Pha Xang là vùng đất chết, vùng đất địa ngục, hầu như họ không lai vãng tới. Mà muốn đến Pha Xang cũng quá bất tiện: ô tô, xe máy không có đường đi, tất cả chỉ bằng ngựa, và đôi chân lội bộ. Hiếm hoi, đôi khi, có những nhà thám hiểm, nhà sưu tầm cổ vật, nhà nghiên cứu sinh vật…mới liều mạng đặt chân tới.
Nhiều người trong số họ, qua đất Pha Xang đã biến mất không còn tăm tích…
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest |
Hầu hết, những người sinh ra ở Pha Xang cũng đã rời mảnh đất đó ra đi…
Khi bà Ing mù, câm, điếc chết thì cả vùng Pha Xang chỉ còn lại mình lão Vâu. Những người bình thường đều đã bỏ Pha Xang từ lâu. Có điên mà bám lấy Pha Xang, sống ở Pha Xang. Ngày trước, những hậu duệ của ông tổ Pha Xang còn nhẫn nhục, cam chịu…lầm lũi bám lấy mảnh đất này vì không biết gì ngoài Pha Xang và vẫn luôn nghĩ ở bên kia núi phía Tây, phía Nam, Bắc đều là những vùng gió như cao nguyên Pha Xang mà thôi…
Bà Ing mù, câm, điếc ở lại Pha Xang vì không có con cái, không ai đưa bà đi qua bên núi và với một người phụ nữ già mù, điếc, câm, lẩn thẩn thì sống ở Pha Xang không hẳn là thảm hoạ.
Lão Vâu ở lại vì đau đớn, vì tủi hổ sau vụ khai quật mỏ dưới lòng đất tổ tiên thất bại, ở lại vì không muốn qua bên kia núi để chạm mặt đồng hương tha hương ở đấy, ở lại vì sâu thẳm trong tim, lão vẫn tin cha ông đã chọn nơi này để sinh sống chắc phải có nguyên cớ lý lẽ của nó. “Lý lẽ gì - mấy đứa cháu vặc lại lão - cha ông chúng ta bị lưu đày thôi! Chắc chắn bị lưu đày, còn không có ai điên đi chọn Pha Xang!” – “ Chắc ông tổ chúng ta là một tội phạm!” – “Ai lưu đày ông tổ chúng ta”- “Thì nhà vua, triều đình chứ ai!”- “Nhưng có ai canh giữ đâu mà cứ phải sống ở đây?”- “Bây giờ thì thế, chứ ngày xưa là bị canh giữ đấy, bốn mặt núi lính canh nhung nhúc, lăm lăm vũ khí trong tay, những kẻ bị lưu đày muốn trốn cũng không được!”-“Chúng ta bây giờ đâu phải kẻ tội phạm mà chấp nhận lưu đày ở chốn khốn nạn này!”
Lão cũng đã đi qua núi bên kia, đã để một phần đời bên kia núi học hỏi, kiếm tiền, nhưng lão ra đi với dự định sẽ quay về. Lần đầu qua bên kia núi, lão bị luôn mấy ngày chếnh choáng, bước đi chệnh choạng đôi lúc ngã oạch xuống đường. Sau này, lão mới biết có một bọn người cũng chếnh choáng như dân Pha Xang, đó là bọn thuỷ thủ đi biển nhiều năm khi bước lên bờ. Quen bước đi trên con tàu chòng chành lại bị say với đất liền bằng phẳng… Còn dân Pha Xang thì luôn nghiêng ngả vì gió. Rồi lão cũng quen với các đô thị, làng mạc không có gió như Pha Xang. Bên kia núi, thiên nhiên đẹp rực rỡ, tươi xanh, êm đềm quanh năm…Lão gần như hoà nhập với bất cứ cư dân nơi đâu lão đến. Khó nhất với lão là tiếng nói cứ âm vang như tiếng cồng… Dần dần, lão cũng tập được cách hạ giọng để nhỏ lại, nhỏ đến mức thỏ thẻ nhẹ nhàng. Nhưng, nhiều khi lão cũng không tránh được cái nhìn kỳ thị của người bên kia núi vì cái đầu nhọn nhọn của dân Pha Xang mà không giấu vào đâu được: “Lại một ông đầu nhọn! Ê đầu nhọn, mày có nhận việc này không? Thằng đầu nhọn mày bán hàng gian đấy hả? Ê thằng đầu nhọn mày làm gì như mèo mửa vậy?”
*
Tại sao người Pha Xang đầu lại nhọn, có lẽ là do gió… Đi lại trong vùng gió để khỏi bị đẩy ngã chỉ có cách cúi thấp người xuống, nghiêng người theo chiều gió, hướng đầu về phía ngọn gió. Đứa bé Pha Xang ngay từ bé, lần đầu tiên ra khỏi nhà đã học được cách di chuyển như vậy. Cả cơ thể thu lại gọn nhất, tay xếp dọc thân, bàn chân dạng ra tư thế chống đỡ, phần đầu thân thành một khối nhọn để giảm tối đa lực cản gió. Cái đầu của người Pha Xang có lẽ do gió mài mãi, mài mãi qua nhiều thế hệ mà thành nhọn hoắt. Chắc phải mấy trăm năm, gió mới đủ thời gian để biến một cái đầu người tròn như quả bóng, thành hình nhọn như đầu trái đu đủ, mà trái bóng, trái đu đủ …người Pha Xang cũng chỉ biết đến khi đi qua dãy núi phía Tây, phía Đông sang vùng dân bên ngoài. Ở Pha Xang không ai biết đến những trái cây như vậy vì chẳng có cây trái nào tồn tại trên mặt đất với gió Pha Xang. Ừ, cái đầu người Pha Xang, đúng giống luôn quả đu đủ vì nó nhọn ở đỉnh rồi được vuốt theo hình chỏm, đó có lẽ là dạng hình học phù hợp với chuyển động của gió nhất. Không chỉ đầu, cả cái vai người cũng xuôi xuống, khi hai tay nép vào sát thân, người Pha Xang trông không khác gì cái chuông nhà chùa. Đúng kiểu khí động học…
Lên sáu tuổi, lão chứng kiến một người đàn ông mất vợ trong đám cưới ở Pha Xang. Lỗi tại người chồng mang từ bên kia núi về một chiếc váy cưới theo mode may chân quá rộng, khi cả hai đang đi từ nhà gái qua nhà trai thì gió cuốn luôn cô dâu, chiếc váy rộng không khác gì chiếc dù đưa cô dâu lên cao chục mét trong sự bất lực ngơ ngác của nhà trai, nhà gái. Rồi ném cô dâu xuống chân đồi bên cạnh. Chôn cất cô dâu xong, chú rể lao đầu xuống vực tự tử vì đau buồn…
Cha ông Pha Xang vẫn luôn dặn con cháu: “Có qua eo Khế ban trưa - Buộc dây mà giữ chẳng đùa được đâu”. Cái eo Khế, cha ông vẫn truyền lại, cứ vào buổi trưa, gió xoáy tại đó mạnh gấp 10 nơi khác. Hễ đi qua đấy phải đi ít nhất hai người và nhớ buộc dây níu vào nhau, trì thêm một cục đá để khỏi bị gió nhấc xuống hồ nước ngay đấy.
Lâu lắm rồi, có một ông bố sểnh tay, con bị cuốn xuống hồ, ba ngày sau vẫn chưa thấy nổi lên…Ông bố cứ ngồi bất động bên hồ nước, hai thay chắp trước ngực cầu xin trời đất. Khi dân làng thấy ông ấy cứ quỳ như vậy ngày này, qua ngày khác, ra gọi, thì ông đã chết cứng từ lúc nào. Chết vì đau đớn, vì oán hận gió Pha Xang. Hồi nhỏ, có lần, lão Vâu hỏi cha về câu thành ngữ: “Gặp gió Pha Xang, hổ vàng vội biến”. Cha lão ậm ừ nói rằng vào đời ông tổ thứ tám, có một con hổ vàng xuất hiện ở Pha Xang. Nó săn người, săn heo, gà nuôi dưới hầm… Trai tráng rủ nhau săn nó, bị nó săn lại, chết mất nhiều mạng. Nhưng ít lâu sau thì con hổ biến mất, các cụ cho rằng nó không chịu được gió Pha Xang. Nó biến… Người ta còn đồn, gió Pha Xang thích bắt người, nhất là vào tháng ba, gió cuốn kiểu vòi rồng, ẩn hiện như ma tháng bảy: “Gió tháng ba, ma tháng bảy”. Nhiều người, đêm tháng ba ra đường, bị gió đưa đi mất, đôi người được tìm thấy thì như bị ám mất hồn, tự chui vào hang đá mà không chui ra được.
Khi lão sinh ra, dân Pha Xang còn bám trụ lại cao nguyên chỉ còn mấy nhúm người. Họ đều sống chui nhủi trong những căn nhà khoét sâu xuống mặt đất của tổ tiên, đúng ra phải gọi là những căn nhà hầm để tránh gió. Lão chỉ được ngoi lên khỏi mặt đất trong một vài sự kiện quan trọng để di chuyển đến ngôi nhà hầm khác: ngày giỗ tổ, ngày đầu năm mới, nhưng đều được cha mẹ bồng trên tay hay dắt đi. Lần đầu tiên, khi bốn tuổi, nhân lúc cha mẹ đi vắng, lão tự rời nhà một mình. Gió đã cuốn bay cái thân thể đứa bé chưa đến 10 kg của lão nhẹ nhàng như lăn một cuộn rơm khô. May lão rơi xuống hõm đất gần nhà và được giữ lại, nếu không sẽ bị cuốn đến rặng núi phía Tây cao nguyên. Khi cha mẹ lão cùng người làng tìm được, lão đã tím tái. Một đứa trẻ ở Pha Xang muốn một mình di chuyển trên mặt đất, phải được dạy cách đi, phải học, phải tập… như dân ở bên kia núi học chạy xe đạp, xe máy vậy. Phải biết cách trụ chân trên nền đất, di chuyển từng bước, cách thu mình lại để giảm lực đẩy của gió, và cách xác định hướng gió khi muốn rời nhà, không được đi theo hướng gió, sẽ bị đẩy ngã sấp mặt, không được đi ngược chiều gió vì sẽ không bước chân lên nổi, phải đi nghiêng, đường đi cắt chéo qua ngọn gió.
Không có gì trên mặt đất tồn tại với gió Pha Xang, không có cây cối nào sống nổi với gió Pha Xang. Gió dữ dội, gió triền miên, gió thổi không ngừng không nghỉ suốt ngày đêm, xé nát tua lá cây, tuốt sạch lá cây, và làm thui bất cứ chồi nào nhú ra cũng như mầm cây mới ngoi lên. Người cao nguyên không thể trồng trọt, nuôi bất cứ cây con nào trên mặt đất.
Chỉ những người Pha Xang chưa bao giờ rời quê hương đi xa, suốt đời chỉ quanh quẩn gần nhà, mới sống gắn bó với Pha Xang đến trọn đời. Còn ai ở cao nguyên đã qua bên kia núi, chứng kiến cuộc sống nhẹ nhàng tươi vui của những vùng đất khác thì trước sau hầu như đều rời bỏ Pha Xang. Nếu họ có trở về Pha Xang thì cũng chỉ sống một thời gian ngắn để tìm cơ hội đưa con, cháu, người nhà ra đi. Gia đình nào khó khăn cũng cố gắng cho một đứa con qua núi: “Phải rời Pha Xang mới có tương lai!”, “Ở bên kia núi có thể làm một năm đủ sống mấy năm”. -“ Ở Pha Xang vắt mũi không đủ nuôi miệng”.
Lão được gửi qua bên núi khi mới lên 10 tuổi. Một người bà con nhận nuôi, cho lão đi học, hơi muộn hơn trẻ con bên núi nhưng rồi lão đã vượt kịp. Lão học xong trường nghề, đi làm và kiếm được tiền…
*
Lão đã đi loanh quanh gần hết thế giới. Lão nhận ra nhiều người Pha Xang sống rải rác ở khắp nơi. Rất dễ nhận ra dân Pha Xang trong cộng đồng người: nhận ra bởi tiếng nói to như dân đi biển, bởi cái chân to bè, ngón chân cắm xuống đất, nhận ra bởi cái dáng đi nghiêng và phần thân cúi xuống, nhận ra bởi cái đầu nhọn. Nhiều người Pha Xang, sống nhiều năm ở bên ngoài hay là đời con, đời cháu giọng nói đã nhẹ đi, dáng đi không nghiêng nữa, nhưng vẫn nhận ra bởi cái đầu nhọn. Cái đầu nhọn chắc phải qua hàng chục đời mới hi vọng che giấu được… Mỗi khi gặp đồng hương lão lại tìm cách bắt chuyện: “Có nhớ Pha Xang không?”- “Không. Nhớ gì vùng đất khốn khổ ấy! À, đôi khi nhớ người thân”- “Đó đâu phải quê hương, đấy là nơi đày ải!”-“Trời, sao có một vùng đất khủng khiếp thế”-“Vẫn nhớ gió Pha Xang. Gió gì như điên, như dại!”. Đôi khi lão lại hỏi: “Có quay về Pha Xang không?”, hầu như tất cả lắc đầu: “Tổ tiên là tù nhân. Tôi đâu có phải là tù nhân!”-“Không lẽ tự đưa mình về lại vùng đất chết”-“Về nơi lưu đày ư?”
Lão Vâu trở lại Pha Xang đưa tang mẹ khi còn trai trẻ. Lão ở Pha Xang mấy tháng trời đi từ nhà này qua nhà khác thăm thú họ hàng và cứ nghĩ mãi về câu hỏi: Tại sao tổ tiên lại chọn mảnh đất này? Chọn vì cảnh đẹp ư? Pha Xang chẳng có cảnh vật nào. Chọn vì đất đai ư? Thiếu gì đất để sinh tồn trên thế giới, mấy trăm năm trước quanh Pha Xang còn bao chỗ hoang vu. Chọn vì?... Cuối cùng lão nghĩ đến những tài nguyên dưới lòng đất. Dưới lòng đất Pha Xang phải có mỏ dầu, mỏ vàng, mỏ titan, mỏ kim cương… Thì cha ông của những người Ả Rập đã chọn cả một vùng đất sa mạc cháy khô đó sao? Phải có bao nhiêu vùng đất màu mỡ lại đến mưu sinh trên sa mạc khô cằn, chỉ cát là cát, kiếm miếng nước uống đã quá khổ. Ai hay, dưới sa mạc là những mỏ vàng đen. Con cháu họ nay khui lên bán trở thành tỷ phú, họ thành những quốc gia giàu có trên thế giới! Chắc chắn dưới lòng đất Pha Xang là những mỏ tài nguyên!
Có nhiều người Pha Xang có ý nghĩ giống lão. Đôi khi gặp an ủi nhau, nghĩ về đều đó để có chút gì ấm áp với quê hương. Rồi lão kêu gọi họ họp lại bàn với nhau việc sẽ khảo sát tìm các mỏ khoáng sản ở Pha Xang. Cùng vận động, gom góp tiền bạc, để thuê thiết bị… Khi đầu lão bắt đầu có đôi sợi tóc bạc, Hội đồng hương quyết định kéo nhau về Pha Xang, khai quật tài sản cha ông dưới lòng đất tổ tiên. Họ đi đến từng nhà, hào hứng về một tương lai giàu có: Biết tại sao cha ông chọn đất Pha Xang không? Vàng đấy, dưới đất chúng ta là vàng, mỏ vàng.
Mắt người dân Pha Xang sáng rỡ lên: “Thật thế à?”
*
Cuộc đời lão và cả cao nguyên chết, tan lụi sau vụ khai quật …
Lão sống cho giấc mơ ấy, niềm tin ấy. Lão cố làm bất cứ việc gì để có tiền, lão nhẩm tính số tiền để có thể thuê máy khoan, chi phí cho việc khoan từng ngày khi lưu lạc, kiếm sống. Những người Pha Xang khác trong hội cũng vậy. Phải hơn chục năm, gom góp được khá nhiều tiền, lão mới dám hô hào mọi người cùng về quê.
Hội đồng hương ký hợp đồng thuê máy, thuê thợ khoan, chấp nhận giá thuê cao gấp ba, gấp năm vì chẳng ai muốn đến cái vùng gió chết tiệt. Mà không cẩn trọng gió xô đổ cả giàn khoan, không đùa. Cả vùng Pha Xang háo hức, nín thở chờ kết quả vụ khoan thăm dò. Đêm ngày, có hàng ngàn con mắt dán vào những chiếc cần khoan đang hối hả quay. Mũi khoan đầu tiên: chỉ có đất và cát. Mũi khoan thứ hai: vẫn chỉ cát và đất. Mũi khoan thứ ba: đất, đá, cát, sét nâu, sét vàng… Sau nửa năm, với hàng trăm mũi khoan, không có một mảy vàng, than hay dầu dính vào mũi khoan, cần khoan, hội đồng hương sạch bách kinh phí. Mọi người chán nản rời đi. Lão vẫn không cam chịu thất bại, lão đổ hết vào đấy tất cả tài sản người cha để lại, cả những thứ đồ gia bảo mà lão không bao giờ dám đụng đến để khoan tiếp mấy chục mũi tìm kiếm nữa, vẫn chỉ moi lên đất, cát, bùn đen tanh tanh mùi cây cỏ phân huỷ… Lão trắng tay.
Lão liều kêu gọi những người dân Pha Xang còn ở lại quê bỏ tiền. Lão lấy tính mạng, danh dự ra thề thốt. Những người Pha Xang đang đói ăn, nhưng tin về một tương lai tươi sáng theo lời lão đã chắt bóp góp tiền để khai quật thêm mấy chục vị trí mà lão cam kết phần đất ấy chắc chắn có mỏ tài nguyên… Nhưng ruốt cuộc chỉ là bùn, cát, đá, bùn, cát, đá…
Người dân Pha Xang đói rạc vì đã dốc hết chút tài sản cuối cùng gom góp cho dự án khai quật. Nhưng đói chưa phải là đều khủng khiếp, điều khủng khiếp nhất là chút niềm tin, chút hi vọng vẫn ấp ủ về đống của cải của cha ông dưới mặt đất không còn… Họ chết vì thất vọng.
Họ chết vì tin chắc rằng cha ông xưa đã bị lưu đày đến vùng gió khốn này này
Lão cũng lăn ra ốm, tưởng chết, và đã buông xuôi để chết. Nhưng rồi vẫn sống…
*
Những người Pha Xang không chết vì đói, vì thất vọng, đã lũ lượt kéo nhau rời bỏ quê hương sau cuộc khai quật.
Với họ cao nguyên không có gì ngoài những cơn gió man dại thổi suốt ngày đêm đến héo cả người. Rời khỏi vùng đất lưu đày chết tiệt của tổ tiên để tìm đường sống cho mình, cho con, cho cháu…
Chỉ còn lão Vâu, bà Ing mù, câm, điếc, cụ Thõng và mấy người già gần đất xa trời ở lại. Những đám thanh niên kéo nhau thành tốp, khi rời Pha Xang thường vẫn ghé qua chỗ lão: “Đi thôi cụ Vâu, đi cùng bọn cháu. Quê hương không phải là nơi chúng ta sinh ra mà nơi nuôi ta sống. Bên kia núi là quê hương cụ ạ!”, “ Ai không gắn bó với nơi chôn rau, cắt rốn hả cụ, nhưng Pha Xang có gì để chúng ta có thể sống, có gì để chúng ta hi vọng!”- “Một vùng đất không có một bông hoa, một cánh chim, và dưới lòng đất không có một gram quặng…”
Cụ Thõng ở lại vì đã gần trăm tuổi. Cụ muốn được chết ngay trên mảnh đất đã sinh ra: nếu đây là mảnh đất lưu đày thì cụ cũng đã bị lưu đày gần hết cuộc đời rồi, thêm ít năm lưu đày cũng không sao. Đã sinh ra bất hạnh, chết luôn nơi bất hạnh, qua đó nằm trong nghĩa trang của những người hạnh phúc cũng cô đơn lắm.
Cụ Thõng và những người già ra đi. Lão chuyển bà Ing đến ở cùng để chăm sóc. Đôi khi lão cố trao đổi với người đàn bà điếc, mù… bằng thứ ngôn ngữ giao tiếp đặc biệt lão học được sau nhiều tháng sống chung:
- “Bà có biết gì về vùng đất bên kia núi không?”
- “Nó như thế nào?”
- “Không có gió. À, gió nhẹ nhàng. Gió mơn man trên tóc, da người. Có thể xây nhà trên mặt đất”.
- “Lạ nhỉ? Không ở nhà dưới mặt đất”.
- “Có thể bước đi nhẹ nhàng trên mặt đất”.
- “Thế à. Không phải giữ mọi thứ khỏi bị gió cướp”.
- “Không. Ở đấy gió không cướp. Có thể để các đồ vật đâu đó trên mặt đất”.
- “Lạ hé. Không bị gió cướp”.
- “Có thể trồng cây trên mặt đất”.
- “Heo, gà, vịt…thì sao”.
- “Chúng bay nhảy trên mặt đất, tự đi tìm thức ăn, gió chỉ đùa vui mà không cuốn chúng đi”.
- “Vậy há?”
- “À, ở đó mùa xuân hoa nở thơm ngát, chim hót trên cành cây, có bươm bướm bay”.
- “May cho tôi bị mù điếc để không cảm thấy những thứ ấy không có ở Pha Xang”.
- “Phải. Bà đã hạnh phúc khi mù, điếc…!”
Bà Ing mất sau nhiều ngày hấp hối. Khi chết, đôi môi khô héo của người đàn bà tàn tật nở một nụ cười. Nụ cười hiếm hoi ở Pha Xang. Nụ cười duy nhất của người Pha Xang khi đi về cõi bên kia. Khó khăn lắm, một mình lão cũng lo được cho bà Ing nơi an nghỉ cuối cùng.
Pha Xang, giờ chỉ còn mình lão. Cao nguyên mênh mông của cha ông xem như lão cai quản. Mà lão đúng là chủ của vùng đất này vì ai rời đi sang bên kia núi cũng bảo: cho cụ đất nhà tôi đấy. Cụ muốn làm gì thì làm…
*
Hai khối hộp chữ nhật lão nhìn thấy gần eo Gió vào một buổi sáng.
Có lẽ nó đã xuất hiện ở đấy nhiều ngày vì hơn một tuần qua bị cảm sốt, lão không thể ngoi lên khỏi mặt đất. Hai khối nhà sơn xám, sáng đèn. Lão biết đó là hai cái container văn phòng (lão đã thấy ở các công trường xây dựng bên kia núi).
Gần như lão đã bò trên mặt đất để có thể đến vị trí container nhanh nhất. Lão phải dùng cả cùi chỏ nện vào cửa mới có người ra mở. Mấy thanh niên trẻ đang châu đầu vào cái bảng cảm biến lằng nhằng công thức, giật mình khi thấy lão: “Chào cụ. Cụ ở đây?”- “Ờ hờ…”- lão hắng giọng vì kinh ngạc cho cuộc gặp bất ngờ. “Chúng cháu xin lỗi vì đã tìm quanh đây để xin phép nhưng không thấy ai. Đây là đất của cụ”- “Ờ hờ…”. Mấy thanh niên trẻ mời lão ngồi xuống ghế, rót từ bình ra thứ nước trong veo mời lão. Rồi họ gọi điện qua container bên cạnh. Lúc sau, một người thanh niên đội nón bảo hộ, đeo kính mắt lồi bước qua: “Cháu phụ trách ở đây. Chúng cháu thuộc một Viện khoa học”- “Sao các anh lại đến đây?”-“Chính cháu là người đề nghị Viện khoa học được đến đây. Cháu đề nghị vì hồi nhỏ cháu có đọc mấy dòng trong nhật ký của người cố viết về một vùng đất mà ông cố gọi là “vùng gió”.-“Vậy, ông cố đã đến đây?”-“Cụ không đến, mà hơn trăm năm trước, cụ cố đã sống ở đây. Cụ rất muốn thế giới biết về “vùng gió”, “những người đầu nhọn” và cụ muốn nghiên cứu về điều đó, nhưng cụ cố đã không hoàn tất dự định vì đã mất trong một tại nạn leo núi”- “ Cụ cố là người Pha Xang?”- “ Vâng, và cháu là một người trong huyết quản mình có máu của người Pha Xang. Cháu tên là Khai ạ!”. Người thanh niên đeo kính bỏ nón bảo hộ xuống. Lão Vâu nhận ra cái đầu của người thanh niên vẫn có một chút xuôi xuôi ở đỉnh. Lão Vâu cảm động rơi nước mắt, chồm qua bàn ôm chầm lấy Khai và siết chặt.
Chấm chấm nước mắt, người thanh niên cười: “Cháu là người Pha Xang. Nhưng đã là người Pha Xang lưu lạc. Vẫn còn ký ức Pha Xang nhưng không còn quyền sở hữu đất đai của tổ tiên ở Pha Xang. Máy bay trực thăng đã hạ phòng nghiên cứu chúng cháu xuống đây 10 ngày, giờ cháu mới may mắn được gặp chủ đất. Chúng cháu đã đo đạc, thu nhập số liệu, nghiên cứu hơn một tuần.”- Khai chỉ ra ngoài cửa sổ văn phòng, lão nhìn theo: bên đó có nhiều thiết bị lạ hoắc cái nằm, cái đứng, cái dựng cao chục mét: “Ông ạ, Pha Xang đang nắm giữ một mỏ vàng to lớn nhất hành tinh này đấy!”- Lão phát một câu: “Làm đếch gì có vàng, chúng tôi đã khoan nát đất cao nguyên này, chỉ có đá, đất, bùn!…” -“Có vàng. Thực ra, còn quý hơn vàng, vàng Pha Xang là mỏ gió. Mỏ gió!”. Lão há hốc mồm: “Mỏ gió!”-“Thứ đó có người mua, bán được à?”-“Bán được, đắt giá, sẽ có nhiều người mua”. Lão hỏi đi hỏi lại hàng chục lần. Lão nắm chặt hai bàn tay của Khai. Rồi lão khóc nức nở: “Cháu ơi, ta đã tìm gần hết đời, lật tung cả đất đai tổ tiên lên vẫn không biết cha ông để lại gì cho con cháu. Đã tận cùng thất vọng. Không ngờ, nay cháu đã tìm thấy!”
Hôm đó, lão ở lại ăn tối với mấy thanh niên trẻ. Lão uống whitky, ăn thịt hộp, mấy thứ này lão chẳng lạ gì hồi còn qua bên kia núi học hành, kinh doanh. Nhưng cũng đã rất lâu lão không mó tới… Lão về đến cái nhà hầm đã quá nửa đêm.
Lời của đứa cháu Khai, mà đám thanh niên gọi là giáo sư, cứ ong ong trong tai lão: Thời năng lượng vàng đen than đá đã qua từ lâu, thời năng lượng dầu mỏ cũng sắp qua rồi, năng lượng thuỷ điện cũng sắp hết thời. Than, dầu gây ô nhiễm cho trái đất. Sẽ bị cấm sử dụng. Nhưng không cấm thì con người cũng đã khai thác gần như cạn kiệt. Số dầu mỏ còn trữ lượng sử dụng chỉ tính bằng năm. Thuỷ điện con người phải giá quá cao cho việc ngăn chặn các dòng chảy tự nhiên của các con sông, các nhà môi trường đã đấu tranh bắt ngưng hoạt động nhiều nhà máy thuỷ điện… Năng lượng thiên niên kỷ tới của con người là gió… Con người đã khai thác năng lượng gió từ nhiều năm trước, nhưng kể từ đây với những phát kiến mới về cách thu nạp, sử dụng gió, con người mới thực sự bước qua kỷ nguyên năng lượng gió ....
Gió Pha Xang trên vùng đất cao nguyên này có những chỉ số tuyệt vời về tốc độ, độ ổn định mà trên thế giới không nơi nào có. Thật tuyệt vời cha ông từ ngàn năm trước đã đặt chân đến cao nguyên này và chiếm giữ nó cho con cháu… Cha ông ta đã chọn Pha Xang cho con cháu trước cả ngàn năm!... Đêm ấy, Lão Vâu lại khóc thút thít như một đứa trẻ: lão cùng bà con đã đào nát đất Pha Xang, khoan xuống đất sâu trăm mét, không ngờ thứ tổ tiên để lại cho con cháu là thứ ở trên trời, ngay trước mắt, lão vẫn chạm vào nó hàng ngày…
Trong lần gặp sau, Khai cho lão biết rằng: thời gian tới sẽ có rất nhiều tập đoàn năng lượng “nhảy” vào Pha Xang sau khi Viện nghiên cứu công bố tài liệu nghiên cứu. Lão sẽ phải có chiến lược, sách lược để hợp tác với họ sao cho có lợi nhất cho Pha Xang. Sẽ phải đấu giá, tập đoàn nào mua gió Pha Xang cao nhất mới chấp nhận cho đầu tư. Đất Pha Xang người Pha Xang nên giữ quyền sở hữu, chỉ cho họ thuê theo hạn định, gió bán từng gói theo thời gian…
Lão nghe ù cả tai. Nhưng lão biết rằng điều đó không khó gì với con cháu Pha Xang đang lang thang kiếm sống khắp hành tinh này, không khó gì khi có những hậu duệ Pha Xang như Khai. Lão cần gọi họ về cùng với Khai, họ sẽ bàn nhau, họ sẽ tự định đoạt tương lai lâu dài nguồn tài nguyên của tổ tiên.
*
Lão lại đi qua bên kia núi.
Lão vẫn nghĩ sẽ không bao giờ đi qua bên kia núi, vậy mà cuối đời một lần nữa lại đi.
Lão lại tìm gặp từng người đầu nhọn như hồi lão kêu gọi thăm dò, khai quật lòng đất. Nhưng lần này, dễ dàng hơn nhiều, với tập tài liệu của Viện nghiên cứu trong tay, lão chỉ photo và phát cho đám dân đầu nhọn khi lão gặp ở bất cứ đâu. Lão biết thông tin này sẽ loang ra khắp thế giới theo hiệu ứng domino…
Sau ít phút giây ngỡ ngàng, họ đều bật ngửa ra về nguồn tài nguyên cha ông để lại.
Cũng có những đứa đầu nhọn mất nết bảo lão: “Lại như vụ khai quật mỏ ấy à?”- Lão đáp lại: “Tổ tiên nào cũng để cho con cháu gia sản. Gia sản gì thì phải đi tìm. Có tìm mới thấy!”
Người đầu nhọn kéo nhau trở về Pha Xang…
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2023