Diễn đàn lý luận

Một số vấn đề sinh thái văn hóa trong nghiên cứu văn học

Lý luận phê bình
08:17 | 10/06/2023
Vận động toàn cầu hóa buộc con người phải đối diện nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề môi trường sinh thái.
aa

1. Vì sao có thể bàn đến thuyết sinh thái văn hóa trong nghiên cứu văn học?

Vận động toàn cầu hóa buộc con người phải đối diện nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề môi trường sinh thái.

Thuyết sinh thái văn hóa (Cultural Ecology) quan tâm tìm hiểu, nắm bắt và lý giải quá trình hình thành/kiến tạo, vận động và phát triển văn hóa trong mối tương quan với quá trình thích ứng môi trường sinh thái. Hẳn nhiên tương quan văn hóa và vấn đề thích ứng môi trường sinh thái có nhiều phương diện và chịu nhiều tác động khác nhau. Do đó, thuyết sinh thái văn hóa, có lẽ, chỉ một trong số hệ thống quan điểm góp phần lý giải mối quan hệ này. Đặc biệt văn học trong tương quan khăng khít với văn hóa. Lẽ đó, thuyết sinh thái văn hóa khả dĩ mang lại xuất phát điểm và góc nhìn chiếu rọi những giá trị nhân bản và vẻ đẹp của sáng tác văn học.

2. Văn chương như hệ sinh thái văn hóa.

Trên thực tế, văn hóa hình thành vận động phát triển chưa bao giờ tách rời với môi trường. Văn chương tương quan văn hóa như sinh thể thống nhứt, cố nhiên cũng ẩn chứa khả lượng tiềm tàng về vấn đề sinh thái văn hóa. Nếu xem xét văn hóa như sinh thể sống động trong mối tương giao môi trường thì văn chương như bộ phận cộng hưởng tích cực đến toàn bộ hệ sinh thái văn hóa. Bấy giờ văn chương như biểu hiện góp phần bộc lộ yếu tính của cả hệ sinh thái văn hóa. Vì lẽ đó, thuyết sinh thái văn hóa rất thiết thực và hữu dụng cho việc tiếp cận và nghiên cứu văn bản văn học. Sáng tác văn học cơ bản dựa trên chất liệu ngôn ngữ - những “mã văn hóa” cố nhiên (dù hàm lượng, bảng mã, mã lực có khác nhau) song đều ẩn chứa trong tự thân lượng tính văn hóa nhứt định. Điều này cũng cho thấy thuyết sinh thái văn hóa có thể làm rõ đóng góp của văn chương trong vấn đề hành vi ứng xử với môi trường hay rộng hơn “nhân tính môi trường” (environmental humanities) hiện nay.

3. Thuyết sinh thái văn hóa và phê bình sinh thái.

Phê bình sinh thái (ecocriticism) bao gồm nhiều chiều hướng khác nhau: chiều hướng xã hội - chính trị (sociopolitical dimension); chiều hướng nhân học (anthropological dimension); chiều hướng tâm lý sinh thái (ecopsychological dimension); chiều hướng đạo đức (ethical dimension); chiều hướng nhận thức luận (epistemological dimension); chiều hướng thẩm mỹ (aesthetic dimension)… Trong đó, chiều hướng thẩm mỹ quan tâm nhiều đến cứu xét văn bản tưởng tượng hư cấu nhằm khai mở khả năng tái định vị đạo đức sinh thái, xây dựng tinh thần mỹ học sinh thái và hệ sinh thái văn hóa nói chung. Chính ở đây, thuyết sinh thái văn hóa gặp gỡ phê bình sinh thái. Nhìn từ phía phê bình sinh thái, thuyết sinh thái văn hóa cung cấp hệ thống lý thuyết/công cụ nền tảng và phương pháp hiệu quả trong việc tái nhận thức nhân tính và văn hóa người dưới nhãn quan sinh thái.

4. Thuyết sinh thái văn hóa và sáng tác văn học

Sáng tác văn học xem như một trong số vận động của hệ sinh thái văn hóa. Qua lăng kính sinh thái văn hóa, sáng tác văn học vừa cho thấy đời sống chữ nghĩa không tách rời chu trình dịch chuyển năng lượng văn hóa trong đời sống tự nhiên và xã hội. Văn chương vừa có sự vận động độc lập tương đối với các thiết chế văn hóa/sinh giới văn hóa, vừa góp phần thúc đẩy phát triển toàn bộ hệ sinh thái. Nói khác, sáng tác văn học có khả năng tác động lại chu trình vận động năng lượng trong hệ sinh thái văn hóa/sinh giới văn hóa. Thế thì, giới văn sĩ thông qua hoạt động chữ nghĩa cũng góp phần không nhỏ vào lượng tính văn hóa xã hội, là bộ phận năng sản của năng lượng văn hóa. Từ thế giới đến tư niệm của giới văn sĩ, từ trang viết của kẻ cầm bút đến tâm hồn của bạn đọc: có thể xem như quá trình rất căn bản trong chu trình rộng lớn hơn – chu trình vận động năng lượng văn hóa. Với sinh thái văn hóa, tâm trí không đơn thuần sinh hoạt thần kinh nội tại mà là một khả thể/khả lượng tiến nhập vào đời sống con người, cũng nghĩa là khả lượng bồi lưu vào dòng dịch chuyển năng lượng văn hóa. Sáng tạo văn học nói riêng, sinh hoạt tinh thần nói chung, chẳng khác gì hoạt động trao đổi chất giữa sinh thể với sinh giới của nó. Dẫu đôi câu thơ, vài truyện ngắn hay đơn sơ mấy nhận định văn chương cũng đều tham gia vào đời sống văn hóa, nghĩa là góp phần triển hiện hệ sinh thái văn hóa. Đời sống/vận mệnh của mỗi văn bản văn học rất khác nhau. Có những vần thơ ngàn năm, có những áng văn thiên cổ, và có những “thần ngôn” chiếu diệu đến muôn đời sau; chung quy sức sống văn chương tùy thuộc vào trữ lượng văn hóa và khả năng cộng hưởng với sinh giới văn hóa trong đời sống con người.

5. Thuyết sinh thái văn hóa và vận động năng lượng văn hóa của văn bản văn học

Xem xét văn bản văn học như bộ phận hệ sinh thái văn hóa, thuyết sinh thái văn hóa có khả năng nắm bắt, định vị, phát hiện quy luật vận động của năng lượng văn hóa trong mỗi văn bản. Đồng thời, có thể lý giải một số vấn đề lịch đại của sự triển hiện văn hóa, có thể phân định dòng chảy văn học trong hệ sinh thái văn hóa ở phạm vi khác nhau. Tập trung vào sự vận động năng lượng văn hóa, thuyết này nhắm đến nắm bắt các mối quan hệ tương liên đa chiều: tương liên nội tại và tương liên ngoại hiện. Tương liên nội tại của văn bản văn học hay sự tác động qua lại giữa các “tế bào”/ “mã”/ “chất điểm” văn hóa trong cơ quan/ bảng mã/ hệ quy chiếu tự thân. Tương liên ngoại hiện của văn bản văn học hay sự tác động qua lại giữa tự thân văn bản với tất cả các bộ phận hiệp thành sinh giới văn hóa mà nó thù thuộc. Nói một cách hình tượng, nhà phê bình tìm kiếm và minh định các dòng chảy năng lượng văn hóa, chẳng khác gì dò tìm mạch nước văn hóa tàng ẩn trong ruộng vườn chữ nghĩa! Và không chỉ tìm, nhà phê bình còn kết dệt hệ thống dòng chảy nhiều cấp độ trên bức tranh sinh thái văn hóa nói chung. Để rồi, mạch nước văn hóa tưới tắm môi trường tâm hồn con người hôm nay.

6. Thuyết sinh thái văn hóa và quan điểm hệ hình tư duy văn hóa

Nếu liên hệ thuyết sinh thái văn hóa với nhãn quan hệ hình, bạn sẽ thấy đời sống văn chương đã trải qua không ít hệ hình tư duy văn hóa cũng chính là trải qua không ít hệ hình sinh thái văn hóa khác nhau. Những hệ hình tư duy văn hóa/hệ hình sinh thái văn hóa này có những biểu hiện, đặc trưng tính chất và cách thế vận động năng lượng khác nhau. Nếu bạn lập định hệ hình trên diễn trình tiền hiện đại – hiện đại – hậu hiện đại thì cũng lập thành diễn trình hệ hình sinh thái văn hóa tiền - hiện - hậu. Tuy nhiên, bản thân tiền tố tiền - hiện - hậu biểu hiện thời tính, tức võ đoán. Lẽ đó, phải chăng nên nhìn nhận hệ hình tư duy văn hóa dựa trên thể tính sinh thể văn hóa. Dựa trên thể tính mà phân định, bạn liền nhận ra diễn trình tư duy văn hóa đã trải qua các hệ hình điển phạm - khoa học - hoài nghi. Từ đây, bạn cũng nhìn ra hệ hình sinh thái văn hóa có ba biểu hiện điển phạm – khoa học – hoài nghi. Hay: (+) hệ hình sinh thái văn hóa nhân chủ; (+) hệ hình sinh thái văn hóa nhân chủ cực đoan; (+) hệ hình sinh thái văn hóa phi nhân chủ. Văn hóa xã hội hậu công nghiệp: một trong số biểu hiện của hệ hình sinh thái văn hóa hoài nghi. Bởi ở đó, năng lượng mang khuynh hướng hoài nghi/tái thiết chỉ số văn hóa là rất cao, rất phổ biến do năng lực xô đẩy/dao động của nhu cầu tái cấu trúc hệ sinh thái văn hóa. Đơn giản vì nguồn cơn thao túng làm suy kiệt môi trường sinh thái nằm ở chính bàn tay và khối óc con người. Hẳn nhiên, chiều hướng tái thiết này ẩn chứa không ít nguy cơ tiềm tàng.

7. Tích hợp văn học với thực nghiệm cảm tính và khoa học thực chứng

Từ góc nhìn thuyết sinh thái văn hóa, văn bản văn học chứa đựng nguồn năng lượng tri kiến văn hóa sinh thái rất đặc biệt. Sở dĩ đặc biệt, bởi sự tồn tại văn bản văn học cho phép nó vừa có khoảng cách nhứt định, lại có khả năng tích hợp và cũng có khả năng chuyển vượt qua các nguồn năng lượng cảm tính thực nghiệm, năng lượng lý tính thực chứng, năng lượng tâm linh khác nhau. Từ đây, bạn có thể mở ra viễn cảnh/xu hướng khả dĩ cho việc tích hợp giữa tri kiến văn học với tri kiến khoa học (nhứt là khoa học thực chứng) và tri kiến thuộc phạm vi niềm tin tín ngưỡng. Chẳng hạn các trang viết theo thể ký về sinh hoạt văn hóa và môi trường sống của con người có thể minh chứng cho khả năng tích hợp năng lượng tri kiến văn học với năng lượng tri kiến thực nghiệm và tri kiến khoa học nói chung. Sự tích hợp này mang lại ích lợi gì? Dễ thấy nhứt, sự tích hợp này góp phần làm rõ yếu tính và xu hướng vận động của hệ sinh thái văn hóa. Thế nên, dự án nghiên cứu sinh thái văn hóa không thể bỏ qua cứu xét văn bản văn học liên quan. Khả năng tích hợp này kỳ thực không có gì mới mẻ, có chăng dưới góc nhìn thuyết sinh thái văn hóa, việc nắm bắt minh định trở nên chặt chẽ nghiêm ngặt và thuyết phục hơn mà thôi!

8. Tiếp nhận hệ sinh thái văn hóa

Theo Hubert Zapf, nếu xem xét trên phương diện chức năng, việc đọc tác phẩm văn học (xem như hệ sinh thái văn hóa) có thể triển khai trên ba phương thức/mô hình: (+) mô hình đọc tổng hợp-phê phán: để chỉ ra các giáo điều/ thành kiến trì trệ trong hệ sinh thái văn hóa; (+) mô hình đọc phản biện giả định: để chỉ ra biến số hệ sinh thái văn hóa; (+) mô hình đọc tái hợp-liên kết để phác thảo và đề xuất trạng thái cân bằng bền vững cho hệ sinh thái văn hóa. Nhưng để tiến hành đặt vào khung tham chiếu nhằm đánh giá chức năng theo các mô hình trên, thiết nghĩ, nên thực hiện thao tác cơ bản: đọc và sàng lọc các thông số/mã văn hóa/ ký hiệu sinh thái (eco-semiotic). Bấy giờ, thông tin của hệ sinh thái văn hóa trong văn học được lập định trong khung tham chiếu/mô hình vừa nêu, để nhìn ra diễn trình vận động của hệ hình sinh thái văn hóa, từ đó phác thảo đề xuất. Chung quy, cách thế đọc văn bản văn học như hệ sinh thái văn hóa nhằm mục đích làm rõ hệ hình sinh thái văn hóa (cũng là hệ hình tư duy văn hóa) trên các cấp độ khác nhau. Nhờ đó, thuyết sinh thái văn hóa nắm bắt để rồi từ đó phác họa, đề xuất, cảnh báo viễn cảnh môi trường sinh thái.

9. Thuyết sinh thái văn hóa và nền văn học bền vững

Văn học với sự tham gia của nó vào hệ sinh thái văn hóa, cũng đóng góp nhứt định tạo nên trạng thái vận động bền vững. Tính bền vững mà văn học mang lại nằm ở khả năng lưu trữ ký ức văn hóa và tiếp diễn sáng tạo văn hóa, tác động đến viễn cảnh vận động văn hóa. Bền vững hiểu như khả năng duy trì hằng số phẩm tính bên cạnh biến số phẩm tính qua nhiều thời kỳ khác nhau, thì văn học trong hệ sinh thái văn hóa bền vững phải đầy đủ khả năng bảo tồn hằng số văn hóa đồng thời năng sản không ít biến số văn hóa. Sáng tác văn học, hay chủ thể sáng tác văn học, có lẽ nên ý thức sâu sắc cả hai phương diện này để hướng đến nền văn học bền vững trên khung tham chiếu hướng đến. Bản thân sáng tác văn học nói riêng, quá trình vận động văn bản văn học nói chung, thiết nghĩ, nên bao gồm trong hoạt động sáng tạo: lượng tính luân lý, lượng tính thẩm mỹ, lượng tính khai mở/đề xuất mô hình văn hóa bền vững. Văn chương bấy giờ sẽ nằm ở dòng chủ lưu đời sống.

Võ Quốc Việt

Nguồn Văn nghệ số 23/2023


Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.