Hết tháng giêng âm lịch, trời bắt đầu có nắng ấm. Muôn cây cành nẩy lộc đâm hoa, toả hương khoe sắc. Màu xanh lan từ mặt đất lên tận trời cao. Duy chỉ có cây xoan vẫn giơ lên nền trời muôn cánh tay với tua tủa ngón gầy guộc, khẳng khiu. Dưới những ngón tay ấy đeo đầy chùm quả xoan khô héo, màu vàng sậm. Thời tiết càng lạnh quả xoan càng quắt queo. Chỉ có sương giá mới tẩm ướp được trái xoan. Nó trở thành một loại “mứt xoan”, gần giống món ô mai chua chua, ngọt ngọt, hấp dẫn các cô, các cậu tuổi học trò. Ngày nhỏ tôi cùng bọn trẻ trong làng thường dùng súng cao su bắn xoan rồi tranh nhau bắt từng chùm quả từ cành cao rơi xuống. Bóc lớp vỏ mỏng nhăn nheo là lớp bột cỏ màu nâu vàng bao quanh cái hạt hình thoi. Lúc đầu ăn chưa quen, có vị chua hăng, nhưng ăn vài lần thấy có vị ngọt, đầm đậm. Khi xoan chín héo vào độ ngon nhất, đấy là mùa chim héc. Quê tôi, ngoài những dãy tre ôm bọc lấy làng xóm thân thương thì bạt ngàn là xoan. Có những vườn, đồi xoan tới ngàn mét vuông. Dưới bóng xoan là chè, sắn và chuối. Xoan làm cột nhà, làm cánh cửa, ván bưng...
Cả một bầu trời chim héc. Chẳng biết ở đâu mà nhiều chim đến thế. Chúng tới tấp, dồn dập như những đám mây đen ập đến lợp kín trời quê. Tôi có cảm giác như nó đã chờ sẵn ở cuối cánh đồng, nơi có dãy đồi, núi xa xa phía đông nam, chỉ đợi “lệnh” là xuất phát...