Chuyên đề

Nấc thang danh vọng

Văn học địa phương 08:43 | 10/12/2020
Mấy tháng nay, tôi đang soạn thảo tiểu thuyết “Dòng sông ước hẹn” nên ngoài giờ làm việc ở cơ quan, về nhà tôi lại vùi đầu vào chiếc máy tính. Sáng chủ nhật vừa rồi, đang say sưa “thiết kế” những trang bản thảo cuối cùng, chợt có tiếng điện thoại reo, tôi vội nghe máy. “Anh Vinh Ba chắc khó qua khỏi đêm nay…”. Giọng nghẹn ngào trong tiếng nấc của Minh Thư làm lòng tôi se lại
aa

Mấy tháng nay, tôi đang soạn thảo tiểu thuyết “Dòng sông ước hẹn” nên ngoài giờ làm việc ở cơ quan, về nhà tôi lại vùi đầu vào chiếc máy tính. Sáng chủ nhật vừa rồi, đang say sưa “thiết kế” những trang bản thảo cuối cùng, chợt có tiếng điện thoại reo, tôi vội nghe máy. “Anh Vinh Ba chắc khó qua khỏi đêm nay…”. Giọng nghẹn ngào trong tiếng nấc của Minh Thư làm lòng tôi se lại. Nếu là việc bình thường thì tôi còn cố gõ nốt vào màn hình máy tính những suy nghĩ đang còn dang dở trong đầu cho “liền mạch”. Nhưng việc này không thể chậm trễ. Tôi quyết định bay chuyến mười hai giờ trưa. Thằng cháu họ tôi làm bên An ninh Cảng hàng không, việc lấy một chiếc vé máy bay đi ngay trong ngày không khó…

Minh họa của ĐẶNG TIẾN

Tôi và Minh Thư chơi với nhau “con chấy cắn đôi” từ khi còn học phổ thông ở trường huyện. Tôi hơn Thư một tuổi nhưng học cùng một lớp như “cá mè một lứa”, cứ mày tao chi tớ vô tư. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi và Thư có may mắn thi đỗ vào Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nên càng gắn bó với nhau hơn. Sở hữu chiều cao một mét bảy tư, chả thế mà nhiều chàng trai chết mê chết mệt. Vậy mà suốt gần bốn năm học Thư chẳng yêu ai. Bỗng dưng, trước ngày thi tốt nghiệp hai tuần, nàng gửi thiếp mời dự đám cưới của mình trước sự ngỡ ngàng của bạn bè. Không ít đấng mày râu ngẩn ngơ, tiếc nuối khi biết Minh Thư đã thuộc quyền “sở hữu” của chú rể Vương Vinh Ba, người cùng quê. Cậu lớp trưởng hỏi: “Sao em không để thi tốt nghiệp xong hãy tổ chức cho đỡ vất vả, vội gì”. Thay câu trả lời, Thư nở nụ cười tươi như hoa làm ấm lòng người đối thoại. Duy chỉ có tôi là biết tường tận, vì đối với tôi, Thư không giấu điều gì. Chả là hai người quá yêu nên “chót dại”, nàng đã mang bầu hai tháng nên phải cưới vội.

Sau khi cưới xong, Vinh Ba xin cho vợ vào làm việc ở văn phòng một cơ quan quản lý nhà nước có trụ sở ngay trung tâm thành phố. Tuy trái ngành nghề đào tạo, lương thấp, nhưng đối với Vinh Ba, điều đó không quan trọng. Thư trở thành người đầu tiên trong khoa có việc làm sau khi ra trường. Còn Vinh Ba được chăm sóc, ăn học tử tế từ nhỏ đến lúc trưởng thành. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Vinh Ba tiếp tục học bốn năm nữa trở thành tiến sỹ, rồi được tuyển dụng vào công chức nhà nước. Ba năm sau, anh được bổ nhiệm Phó Trưởng phòng, một lãnh đạo phòng trẻ nhất quận thời điểm đó. Như diều gặp gió, Vinh Ba cứ từng bước leo lên nấc thang danh vọng, quyền lực. Từ Phó phòng lên Trưởng phòng, rồi Phó Giám đốc, Giám đốc Sở. Hai năm tiếp theo, anh lại được phong hàm Phó Giáo sư…

Từ khi gia đình tôi chuyển công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh để có điều kiện chăm sóc bố mẹ chồng, tôi cũng ít ra thăm gia đình Minh Thư. Phần vì thời gian, phần vì kinh tế hạn hẹp. Thư buồn lắm. Hôm tiễn tôi ra sân bay, nó bảo:

- Thỉnh thoảng thứ bảy, chủ nhật mày tranh thủ ra chơi với tao. Vé máy bay tao lo, ăn nghỉ khỏi nghĩ.

- Mày có thời gian rảnh rỗi hơn, mày vào chơi với tao trong này có tiện hơn không?

- Tao cũng có cái khó riêng. Mày biết không, từ ngày xảy ra vụ mất trộm, chồng tao như người dở hơi, chẳng cho tao đi chơi đâu xa, trừ trường hợp không thể đừng được thì phải nhờ thằng em chồng dưới quê lên trông nhà hộ mới đi được.

Tôi còn nhớ dịp hè năm ngoái, Vinh Ba đi công tác bên Mỹ, Thư mua sẵn cặp vé khứ hồi gửi cho tôi, mời ra chơi. Thế là tôi đành ra với nó, mặc dù đang có chút công việc bận. Đêm ấy, tôi và Thư dốc bầu tâm sự đủ thứ chuyện. Có lúc nó thì thầm với tôi ra điều hệ trọng lắm:

- Tao nói chuyện này chỉ mình mày biết, chứ bố tao chết rồi có sống lại tao cũng không dám nói.

- Có chuyện gì thì cứ nói toẹt ra, cứ rào trước đón sau mãi. Mày còn lạ gì tính tao nữa - Tôi sốt ruột.

Thư nhìn tôi, tin tưởng:

- Vinh Ba nhà tao được như bây giờ đều nhờ sếp Quy Chủ tịch tỉnh, chứ không có sếp “nâng đỡ” thì có phấn đấu cả đời cũng chả ngồi vào được cái ghế Phó Giám đốc, chứ nói gì đến Giám đốc Sở.

Dừng giây lát, Thư ghé sát vào tai tôi như nói thầm:

- Sắp tới khuyết một ghế Phó Chủ tịch tỉnh do sếp phó chuẩn bị nghỉ hưu. Anh Vinh Ba đã đến “đặt vấn đề” nhờ sếp Quy giúp đỡ. Ý tứ sếp cũng ủng hộ ông xã nhà tớ vào vị trí ấy. Cái khó là có tới ba gương mặt sáng giá khác cũng tham gia vào “cuộc đua” này. Anh Ba quyết định bán mảnh đất mặt tiền ở đường Hoàng Văn Thụ để chi đối nội, đối ngoại…

- Tao biết chồng mày chơi thân với ông Quy từ khi ông ấy còn làm Chủ tịch quận. Để được sếp nâng đỡ chắc cũng tốn kém lắm chứ chả ít đâu? - Tôi gợi chuyện.

- Nói thật với mày, anh Vinh Ba đối xử với sếp Quy còn hơn cả con ruột. Từ việc sếp xây nhà, tổ chức ăn hỏi, cưới xin cho con, đến những ngày sinh nhật của phu nhân sếp. Nghĩa là tất tần tật, anh ấy đều quan tâm chu đáo. Ngay chủ nhật tuần trước, sếp Quy đi Quảng Ninh dự khai mạc Carnaval Hạ Long, anh Ba cũng phải trực tiếp lái xe đưa phu nhân sếp về tận Thanh Hóa dự đám cưới đứa cháu họ.

- Vợ chồng mày cũng liều thật, mảnh đất hơn trăm mét vuông đẹp thế mà bán đi. Bây giờ quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chặt chẽ lắm, lỡ Vinh Ba mà “trượt vỏ chuối” thì mất trắng à?

Minh Thư phân bua:

- Vinh Ba mà quyết, tao gàn cũng chả được. Mà cũng chả tiếc làm gì. “Hòn bấc ném đi hòn chì ném lại”. Anh ấy sống “thoáng” nên cũng được nhiều lộc. Chả giấu gì mày, tháng vừa rồi, anh Ba cũng được chủ dự án ở Sơn Phú biếu năm trăm ngàn đô. Nhưng cũng phải biết người biết ta, miếng ăn miếng nhả. Chẳng may có sơ sểnh gì còn có người đỡ, chứ “uống nước cả cặn”, nếu không bị đẩy về hưu sớm thì cũng phải “luân chuyển” sang vị trí khác, có mà ngồi chơi xơi nước.

Chuyện cứ “dây cà ra dây muống” đến tận gần hai giờ sáng, hai chúng tôi mới lăn quay ra giường, ngủ như chết…

Dù đã bước qua tuổi bốn mươi mà Minh Thư vẫn đẹp. Nhưng đôi mắt Thư lúc nào cũng toát ra vẻ u buồn man mác. Vật chất đủ đầy nhưng tâm hồn lạnh lẽo, trống trải. Ngay bữa cơm tối là lúc hội tụ và gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong gia đình mà Thư mong muốn cũng hiếm khi có được. Nhiều bữa ngồi bên mâm cơm nguội lạnh, chờ đợi hết bố đến con chẳng thấy ai về, đành lủi thủi ăn một mình mà trong lòng “đau tức”. Thằng Hân được bố cưng chiều từ nhỏ, càng lớn càng hư, suốt ngày chơi bời lêu lổng, chẳng chịu học hành. Vinh Ba đã mời các giáo viên giỏi về dạy tại nhà mà nó vẫn “dốt đặc cán mai”. Vốn sống trong nhung lụa, nó như một ông hoàng con, thích gì được nấy, thích tiền là có tiền, chẳng ai sai khiến được nó. Chưa hết phổ thông cơ sở nó đã bỏ học, đàn đúm theo nhóm bạn xấu sát phạt đỏ đen, lô đề, cờ bạc. Mấy năm sau, Hân nằng nặc đòi vào Thành phố Hồ Chí Minh cùng với đứa bạn làm thuê cho một tiệm café. Được hơn hai tháng nó chán, điện ra xin tiền bố để thuê cửa hàng kinh doanh riêng. Nó bảo cứ làm thuê mãi bao giờ mới ngóc đầu lên được. Nghe nó nói cũng có lý. Thương con, Vinh Ba đành gửi cho nó ba trăm triệu đồng…

Chồng Thư đi biền biệt tối ngày, hầu như hôm nào cũng mười một, mười hai giờ đêm mới về. Khi thì tự lái xe nhà đưa các sếp đi chơi gôn, tennis. Khi thì đối tác mời đi nhậu nhẹt, hát hò thâu đêm. Có lần Vinh Ba vừa về đã nôn thốc nôn tháo ra giữa nhà rồi đổ gục xuống giường, chân còn nguyên giày tất. Cực chẳng đã, vợ anh nín thở, hót đi một đống hỗn độn thức ăn lẫn bia rượu, bốc lên thứ mùi tanh nồng, chua chua, khăn khẳn như cháo lòng thiu. Được ngày nghỉ, Vinh Ba cũng hiếm khi ở nhà. Không đưa sếp ra ngoại thành hoặc xuống biển “đổi gió” thì cũng chẳng thiếu lý do để vắng mặt. Việc ái ân chồng vợ cũng vì thế mà thưa thớt, “năm thì mười họa” mới có một cuộc tình chóng vánh, nhạt nhẽo như “nước ốc ao bèo”, chẳng mặn nồng như hồi mới cưới. Tuy chồng làm lãnh đạo, có điều kiện đấy nhưng gần chục năm nay, Thư chưa một lần được cùng chồng đi thăm thú đây đó, dù chỉ trong nước thôi. Duy chỉ có một lần hồi Vinh Ba mới được bổ nhiệm Giám đốc Sở, Thư mới được xuất “ăn theo” khi anh sang Seoul - Hàn Quốc dự hội thảo ba ngày theo lời mời của đối tác. Sau chuyến đi ấy, tưởng Thư sẽ phấn khởi lắm, nào ngờ nàng cứ buồn rười rượi như người mất sổ gạo thời bao cấp. Ấy là vào thời gian vợ chồng Vinh Ba sang Hàn Quốc, bọn trộm đột nhập vào nhà phá khóa, lấy hết số tiền trong két sắt và một chiếc máy tính xách tay. Cũng may trong két, Vinh Ba chỉ để có hơn một tỷ đồng tiền Việt và hai trăm ngàn đô để “chi tiêu thường xuyên”, còn mấy chục tờ ngân phiếu gửi ngân hàng để dưới mấy bộ hồ sơ nhà đất thấy có xáo trộn, nhưng không mất tờ nào. Các đồ đạc đắt tiền trong nhà vẫn còn nguyên.

Kể bọn này cũng liều thật, dám cả gan mò vào tư dinh của một lãnh đạo tầm cỡ để trộm cắp, lại ngay trên địa bàn quận trung tâm. Vụ này nếu gia đình bị hại trình báo kịp thời, Công an Phường vào cuộc tập trung điều tra, có lẽ chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ, thủ phạm sẽ bị tóm gọn, không cần sự hỗ trợ, phối hợp của Công an quận và Công an thành phố. Nhưng điều đó không xẩy ra. Phố phường vẫn yên tĩnh. Các lực lượng chức năng không biết. Bà con khối phố cũng không biết. Chỉ có vợ chồng Thư biết, tôi biết và… thủ phạm biết. Lý do cũng đơn giản. Nếu trình báo vụ việc cho cơ quan chức năng, khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”. Khi đó chủ nhà phải khai báo chi tiết tài sản có trong két sắt và giải trình nguồn gốc số tiền Việt và đô la bị mất. Cũng đơn giản thôi, với vị trí lãnh đạo một sở quan trọng như Vinh Ba, thì trong gia đình có hơn một tỷ Việt Nam đồng và hai trăm nghìn USD cũng là “chuyện nhỏ như con thỏ”, việc giải trình đối với anh không khó. Điều khó và đau đầu là phải giải trình xuất xứ những tờ ngân phiếu mệnh giá lớn kia, rồi những bộ hồ sơ nhà đất, những tấm bìa đỏ mang nhiều họ tên khác nhau. “Cái xẩy nẩy cái ung”, tai họa sẽ ập đến. Thôi đành “Ngậm đắng nuốt cay”. Không những thế, nếu lộ ra chuyện này, cả dân làng, dòng họ dưới quê sẽ khinh rẻ, miệt thị mình là kẹt sỉ, tâm đức kém bởi mấy lần các cụ cao niên, đại diện đoàn thể địa phương, rồi cả trưởng thôn đến gặp gỡ, vận động hỗ trợ, quyên góp kinh phí để sửa chữa nhà thờ, đình làng và xây dựng nhà văn hóa, mình cũng chỉ ủng hộ theo quy định “suất đinh” trong làng. Nghĩ vậy, Vương Vinh Ba quyết định im lặng là thượng sách.

Sau vụ đó, Vinh Ba cho thợ xây tôn cao tường rào bảo vệ xung quanh nhà, bên trên có hàng rào dây thép gai hai lớp chắc chắn. Bốn góc tòa biệt thự trên khuôn viên hơn ba trăm mét vuông lắp hệ thống camera giám sát. Dù tốn kém một chút nhưng đổi lấy sự yên tâm, an toàn. Vinh Ba thở phào nhẹ nhõm. Tuy vậy, từ sau vụ mất trộm ấy, ban đêm cứ thấy có tiếng động lạ từ xa cũng làm cho Vinh Ba giật mình, lo nơm nớp. Mà bọn trộm cắp chúng nó còn thính. Thấy nhà nào đi vắng nhưng có của nả nó mới đột nhập, khua khoắng. Chứ như nhà tôi, có đi vắng cả tháng cũng chả ma nào nó mò vào. Có lần gia đình tôi ra Nghệ An dự đám tang ông bác ruột, ông già hàng xóm cạnh nhà tôi đã hơn bảy mươi tuổi, nằm thao thức mãi không ngủ được, nửa đêm vùng dậy ra lan can tầng hai ngắm hoa quỳnh. Chợt thấy hai thằng đi xe máy dừng lại giữa đường quan sát. Ông già ngồi khuất sau chậu hoa giấy nên bọn chúng không nhìn thấy. Không gian vắng lặng. Một thằng thấp đậm, vô tư chỉ tay vào nhà tôi vẻ đắc trí:

- Nhà này ra Bắc từ hôm qua. Có lẽ họ về thăm quê, chắc cuối tuần mới về.

- Giở hơi rồi. Vợ chồng nhà nó đều là Nhà văn, có đ… gì mà vào cho mất công bẻ khóa.- Thằng cao gầy hậm hực nói vậy rồi cả hai lên xe chuồn thẳng.

Sau hôm đi Nghệ An về, ông già hàng xóm đã kể lại với tôi như vậy. Tôi tự động viên: Cứ như mình lại sướng, chẳng phải đề phòng, lo nghĩ gì. Làm biên tập viên cho một tờ Tạp chí, chẳng phải bon chen, xu nịnh ai. Lương tuy thấp nhưng cũng không đến nỗi khó khăn lắm. Khối người còn túng thiếu hơn mình. Có điều họ biết “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Từ sau vụ mất trộm đó, tưởng chừng cuộc sống của gia đình Vinh Ba cứ bình lặng trôi đi nếu như không xẩy ra một chuyện “động trời”…

Vào một buổi tối đầu đông năm ngoái, trời đang yên ả, bỗng dưng có trận giông lốc như bão, sấm chớp ầm ầm làm hàng chục ngôi nhà bị tốc mái ngói, mái tôn. Cơn lốc đã quật gãy một cành xà cừ to ngang thân người trước cổng nhà Vinh Ba ném sang bên kia đường. Trời tối sầm, mưa như trút nước đến cả tiếng đồng hồ, đem theo cái lạnh thấu xương. Đường phố bỗng chốc ngập thành sông. Đã gần hai mươi năm nay, thành phố mới phải hứng chịu một trận “cuồng phong” như thế khi tiết trời đã sang đông. Khi mưa vừa ngớt thì có tiếng “binh bong… binh bong…”. “Ai lại đến giữa lúc mưa gió thế này nhỉ, chắc lại có việc đột xuất”. Vinh Ba tự hỏi rồi bảo vợ ra mở cổng. Một thanh niên mặc áo mưa còn khá trẻ, “lễ phép” hỏi:

- Thưa cô, đây có phải nhà chú Vinh Ba không ạ?

- Đúng rồi.

- Chắc cô là…?

- Tôi là vợ của chú Vinh Ba.

- Thế thì may quá. Cháu xin gửi cô chú gói “bưu phẩm”.

Vừa nói, người thanh niên nọ vừa trao gói bưu phầm cho người đối diện rồi nhanh chóng lội qua đường, lên xe máy phóng thẳng theo hướng bến xe.

Dưới ánh đèn đường, qua lớp giấy bóng kính, Minh Thư nhìn rõ chiếc hộp nhỏ màu đỏ, in nổi bật hình chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Thụy Sĩ vàng chóe. Thư đi như chạy vào nhà, hớn hở khoe với chồng:

- Anh Ba ơi, có người vừa gửi cho mình gói quà, chắc là đồng hồ đeo tay.

Ngắm nhìn chiếc hộp nhỏ xinh xắn, Vinh Ba mỉm cười nhìn vợ, âu yếm:

- Chắc con trai dạo này làm ăn được nên gửi quà về nịnh mẹ đây. Vỏ hộp in hình đồng hồ nữ mà.

Vinh Ba nhẹ nhàng gỡ tờ giấy bóng kính bọc ngoài. Mở nắp hộp. Anh giật bắn người. Một ngón tay đã ngả màu thâm tím. Không ai khác, ngón tay đó chính là của thằng Hân - con anh. Chiếc nhẫn chế tác từ ngà voi còn đeo ở giữa ngón tay kia có khắc chữ “H” xác định điều đó. Minh Thư thét lên, mặt cắt không còn giọt máu. Tay Vinh Ba run run rút mảnh giấy đặt dưới chiếc ngón tay, lướt nhanh dòng chữ: “Thằng Hân con ông bà đánh bạc, vay chúng tôi ba tỷ đồng chưa trả. Ông bà phải hoàn trả cho chúng tôi vào bảy giờ tối mai tại cổng sau nghĩa trang phường Yên Phong. Nếu quá thời hạn đó, chúng tôi không nhận được đủ tiền thì ông bà sẽ “được” nhận tiếp một cánh tay nữa của thằng Hân. Còn nếu để lộ chuyện này, con ông bà sẽ mất xác trước khi công an vào cuộc”. Minh Thư òa khóc thảm thiết, giọng thất thanh: “Ối giời ơi là giời, sao đời tôi lại khổ thế này…”. Giọng Vinh Ba rít qua hai hàm răng: “Thôi em đừng ầm ĩ như thế, hàng xóm họ kéo đến bây giờ thì rách việc. Cứ bình tĩnh rồi tính”…

Vừa lo tính mạng của con, vừa sợ việc đánh bạc của nó ảnh hưởng đến con đường thăng quan tiến chức của mình, Vinh Ba đành âm thầm nén nỗi đau, đưa tiền cho hai thằng đệ tử “ruột” giao cho đối tượng đúng hẹn, không thiếu một đồng. Khi thằng quý tử “rách giời rơi xuống” trở về, vợ chồng Vinh Ba mới hoàn hồn và vỡ lẽ con mình…

*

Chiếc xe taxi đưa tôi từ sân bay về tới nhà Minh Thư mất gần hai tiếng đồng hồ do tắc đường. Vừa vào nhà, Thư gục đầu vào vai tôi khóc rưng rức:

- Đời tao khổ quá Mai ơi. Ông giời đã cho anh ấy tất cả, mà cuối cùng ông ấy lại lỡ lấy đi sạch. Hu…hu…

- Thế chồng mày làm sao? Có chuyện gì cứ bình tĩnh kể tao nghe nào - Tôi xúc động an ủi.

Qua câu chuyện nhiều lúc bị đứt quãng bởi tiếng nấc của Thư. Tôi mới hiểu và thực sự ái ngại, thương cảm cho hoàn cảnh của đứa bạn chí cốt. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần mà nó phải chịu đựng hai nỗi đau thê thảm…

Đầu tháng tư vừa rồi, ông bác của Chủ tịch Quy qua đời ở tuổi chín hai. Vinh Ba đến từ sáng sớm tham gia cùng gia đình lo tang lễ rất chu đáo. Sau khi “mồ yên mả ấm” anh mới trở về nhà. Nhiều người tưởng anh là người thân trong gia đình. Từ sau hôm ấy, chẳng biết do bị nhiễm lạnh hay do ủ bệnh đã lâu, Vinh Ba thấy tê bì chân tay, hai mắt mờ dần, thỉnh thoảng lại bị những cơn đau quái ác hành hạ. Anh nghiến răng chịu đau, chẳng thèm đi khám bệnh, vẫn làm việc bình thường. Có hôm đau quá, anh uống vài viên thuốc giảm đau rồi lại tiếp tục điều hành công việc cơ quan hoặc chủ trì các phiên họp. Ngay cả với vợ, anh cũng giấu không cho biết bệnh tình của mình. Thấy sức khỏe giảm sút nhanh quá, nhiều lần Thư khuyên chồng đi khám bệnh, anh cứ khất lần rồi trả lời qua quýt… Vào một ngày đầu tuần, khi anh đang chủ trì cuộc họp lãnh đạo Sở bàn triển khai tổ chức đấu thầu một dự án quan trọng, đột nhiên một cơn đau như xé nát gan ruột làm anh ngất lịm, gục xuống chân bàn. Mọi người hốt hoảng gọi xe đưa anh đi cấp cứu… Nằm tại phòng điều trị đặc biệt dành cho bệnh nhân nặng, Vinh Ba cảm nhận được mình bị trọng bệnh. Lúc dịu cơn đau, anh đã tâm sự thật lòng mình với vợ. Rằng anh đang trong giai đoạn làm thủ tục, hồ sơ bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch tỉnh nên anh cố giấu bệnh, không muốn để ai biết...

Những ngày đầu nằm viện, người kéo đến thăm anh tấp nập với những xấp phong bì dày cộp và hoa quả đắt tiền. Mấy ngày sau, khi kết quả các xét nghiệm được Hội đồng chuyên môn kết luận chính xác: Bệnh nhân Vương Vinh Ba bị xuất huyết võng mạc, suy thận mãn tính giai đoạn ba do tiểu đường type 2 biến chứng và ung thư gan giai đoạn cuối do rượu thì người đến thăm anh ít hẳn. Cho đến khi có Quyền Giám đốc mới thay anh điều hành công việc cơ quan thì chẳng có ma nào đến thăm cả. Mặc dù các bác sỹ đã tập trung chữa trị, nhưng bệnh tình của Vinh Ba mỗi ngày một trầm trọng hơn. Vợ anh cứ một mực đòi đưa chồng sang Singapore cứu chữa, nhưng các bác sỹ khuyên không nên đi vì sự sống của anh chỉ còn tính được từng ngày. Minh Thư thất vọng, đành phó mặc cho số phận. Ba ngày sau, bệnh viện trả anh về nhà trong nỗi tuyệt vọng của vợ và người thân.

Ngồi bên giường bệnh, tôi không thể ngờ nổi sức khỏe của anh lại diễn biến nhanh đến thế. Mới ngày nào, Giám đốc Sở Vương Vinh Ba ở độ tuổi bốn bảy đầy sinh lực và phong độ, từng có một thời tôi trộm yêu vụng nhớ, mà giờ như một ông già tám mươi gầy kiệt, hốc hác, mắt lờ đờ, nằm co quắp như con mèo hen. Cũng may, anh vừa được tiêm một lọ thuốc giảm đau cực mạnh mà Minh Thư nhờ ông anh họ là Trưởng khoa bên Viện K mua hộ. Nếu không thì anh cứ liên tục kêu đau như bò giống. Chắc lúc này anh đang nghĩ đến Hân, thằng con “trống gậy” là niềm hy vọng cuối cùng của đời anh. Từ sau vụ “vỡ trận” ở sòng bạc Casino Bavet, bị cắt cụt một ngón tay, nó đã “tỉnh đòn”. Anh xin cho nó vào làm hợp đồng trong một doanh nghiệp ở ngoại ô thành phố để dễ quản lý. Nó tu trí làm ăn nên anh cũng phần nào yên tâm. Tuy thỉnh thoảng anh vẫn phải cho thêm tiền để nó “tiêu vặt” vì lương thấp.

Khi Minh Thư vừa mang cốc dinh dưỡng để bổ sung sinh lực cho anh qua đường ống sông, Vinh Ba chợt tỉnh, cố mở to mắt nhìn vợ, giọng thều thào, đứt quãng:

- Thằng Hân đâu… mà mãi giờ này… vẫn chưa về?

- Công ty cử nó sang Thái Lan để giám sát hàng nhập. Anh yên tâm, chắc nội nhật trong ngày mai là nó về - Minh Thư trả lời chồng mà não cả ruột gan.

Lần đầu tiên Thư nói dối chồng một việc hệ trọng. Sự cố đau lòng quá làm Thư không dám nói ra vì sợ anh… vỡ tim. Đồng nghĩa với việc mãi mãi anh không bao giờ được biết sự thật - Thằng Hân con trai anh đang bị tạm giam chờ ngày hầu tòa, can tội hiếp dâm một bé gái mười ba tuổi cách đây vừa đúng một tuần, nghĩa là chỉ sau khi anh nằm viện năm ngày. Với tội danh ấy, con anh sẽ phải chịu hình phạt của pháp luật không dưới mười năm tù giam.

Tiếng con chim lợn kêu “eng éc” trên ngọn cây xà cừ trước cổng làm tôi rùng mình. Cơn mưa rả rích từ chiều làm không khí trong phòng se lạnh. Tôi kéo chiếc chăn chiên phủ tới ngang ngực cho Vinh Ba. Chợt anh đặt bàn tay gầy guộc, lạnh toát lên bàn tay tôi, đôi môi khẽ mấp máy định nói điều gì nhưng không thể. Thật trái khoáy, trước đây nhiều lần tôi định tâm sự cùng anh thì lúc nào anh cũng kêu bận. Bây giờ muốn chia sẻ cùng tôi thì anh lại chẳng thể nói được gì vì kiệt sức. Một lát sau, anh gắng gượng quay người sang phía vợ đang ngồi mé giường bên kia, chắc để nói lời “trăng trối” nhưng không kịp. Đầu anh nghẹo sang một bên rồi trút hơi thở cuối cùng trong tiếng gào khóc thê lương của Minh Thư…

Tại lễ truy điệu, mọi người xúc động lắng nghe lời điếu trầm buồn của ông Trưởng ban tổ chức Lễ tang. Đến đoạn: “Mặc dù đã được gia đình và các giáo sư, bác sỹ tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng vì bệnh nặng, Phó Chủ tịch tỉnh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Vinh Ba đã tạ thế vào hồi…” thì nhiều người mới biết cái chức trọng quyền cao kia mà Vinh Ba đảm nhiệm. Nhưng họ đâu có biết cái nấc thang quyền lực ấy mới chỉ thể hiện trong tờ Quyết định bổ nhiệm mới ký vừa ráo mực, hiện nó đang nằm im lìm trong ngăn kéo bàn làm việc của ông Chánh Văn phòng Ủy ban tỉnh. Thật nghiệt ngã, vào buổi chiều có lịch họp công bố Quyết định bổ nhiệm cho Vinh Ba thì ngay sáng hôm ấy, anh bị đột qụy phải đi bệnh viện cấp cứu rồi ra đi mãi mãi. Thì ra ông Trưởng ban tổ chức Lễ tang đã “ưu ái” giới thiệu cái nấc thang danh vọng ấy trong lời điếu để an ủi gia đình và vong linh người quá cố.

Tôi thầm tiếc cho anh. Giá như anh cứ sống vô tư, lương thiện như những người bình thường khác, bằng lòng với những gì mình có. Chẳng phải bon chen, trằn trọc mất ngủ tìm mưu tính kế. Chẳng có những cuộc rượu chè, truy hoan thâu đêm, suốt sáng. Cũng chẳng phải “hết mình” quỵ lụy, luồn cúi, hầu hạ ai để cái lưng anh không bị gù, thì anh đã có một tổ ấm viên mãn mà nhiều người nằm mơ cũng không có được. Dẫu rằng anh chỉ có thể ngồi đến cái ghế Trưởng phòng hoặc Phó Giám đốc Sở là quá với năng lực của anh rồi. Trong thời buổi đô thị hóa, làng xã cổ xưa bỗng chốc thành phố, thành phường; các công trình, dự án mọc lên như nấm sau mưa thì ở cái vị trí ấy, anh chỉ hưởng cái lộc “tự nhiên” nhân dịp lễ, tết… cũng đủ để vợ con anh sung túc cả đời mà vẫn được đánh giá là “liêm khiết”. Khốn nỗi, tiền tài, địa vị, danh lợi vốn là động cơ cố hữu, là mục đích hướng tới của anh. Rồi những tỷ lệ phần trăm dự án nọ, công trình kia làm anh thèm khát, đã thôi thúc anh âm thầm lao đầu như con thiêu thân trong cuộc đua vào chốn quan trường bằng mọi giá. Có lẽ anh nghĩ, cứ có tiền là có tất cả. Chắc anh vẫn tin câu nói của ai đó là “chân lý”, rằng cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Anh đã nhầm. Tiền có thể “mua quan”, nhưng tiền chẳng thể nào sưởi ấm được trái tim lạnh lẽo của người vợ hiền, cam chịu… những lúc cô đơn, trống trải. Tiền không thể “đưa đường chỉ lối” cho con anh thoát khỏi vòng lao lý. Tiền càng không thể cứu vãn được sức khỏe, tính mạng của bản thân khi quá ham hố cái nấc thang danh vọng mà “cố tình” để bệnh tật phát triển đến giai đoạn… vô phương cứu chữa. “Cố đấm ăn xôi”, không lựa sức mình, thuyền nhỏ cứ cố lao ra biển lớn hòng bắt cá to, anh đã phải trả giá cho những tham vọng thái quá của mình. Âu cũng là số… một kiếp người.

Nguồn Văn nghệ số 26/2020


Đời không phải “bể khổ”, nếu…

Đời không phải “bể khổ”, nếu…

Baovannghe.vn - Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 diễn ra tại Việt Nam một lần nữa khiến chúng ta suy ngẫm về giá trị tư tưởng và tính ứng dụng của Phật giáo trong đời sống hôm nay.
Người thầy đầu tiên. Truyện ngắn của Đỗ Kim Cuông

Người thầy đầu tiên. Truyện ngắn của Đỗ Kim Cuông

Baovannghe.vn - Tôi chỉ là một đứa trẻ nghèo ở một làng chài ven biển. Năm tôi mười một tuổi, cha tôi trong một chuyến đi đánh cá ngoài khơi xa bất ngờ gặp bão lớn cùng với bốn người đi trên thuyền không một ai trở về.
Thông cáo báo chí số 09, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 09, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Tư, ngày 14/5/2025, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ chín tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Biện chứng của cá nhân - Thơ Mai Quỳnh Nam

Biện chứng của cá nhân - Thơ Mai Quỳnh Nam

Baovannghe.vn- Không một ai ngoài anh/ tất cả, anh là duy nhất
"Giao cảm" - Thế giới nghệ thuật đầy màu sắc của họa sĩ Nguyễn Viết Thanh

"Giao cảm" - Thế giới nghệ thuật đầy màu sắc của họa sĩ Nguyễn Viết Thanh

Baovannghe.vn - Giao cảm là triển lãm cá nhân thứ ba, đánh dấu một chặng dừng đầy nội tâm và thi vị trong hành trình sáng tác của họa sĩ Nguyễn Viết Thanh.