Trên trang cá nhân của mình tháng 4/2019, Vũ Khánh đưa lại bài Chu Văn Sơn viết về Trần Hòa Bình và email cho anh năm 2008. “Sản phẩm của con người đôi khi mang cả những thông tin đầy bí ẩn về kẻ làm ra nó. Nhất là sản phẩm nghệ thuật. Chả thế mà các cụ vẫn bảo văn chương thường vận vào mình… Phải, tiên cảm dù có giàu đến đâu, Bình cũng đã làm sao ngờ nổi đấy là đường chỉ tay tiền định của đời anh!”. Tiếc Chu, nhớ Trần, Vũ Khánh khiêm nhường tự nhận anh chỉ “phao bác dẫn ngọc” khi “ném” bản dịch Trường Can hành để có được bài bình xuất sắc của Chu Văn Sơn, đúng hơn là một nhàn đàm về lục bát và song thất lục bát vốn thu hút tài hoa, tâm huyết nung nấu bấy lâu của nghiên cứu gia, được nhà phê bình Văn Giá xem là “Lời bình sắc, kỹ, tinh…Xứng đáng làm một tư liệu văn học, kết quả của một tình bạn văn chương...”.
Cùng là một lứa tuổi Nhâm Dần, quen biết rồi thân thiết với nhau qua sinh hoạt văn chương, nghệ thuật từ thuở sinh viên, trong Đại hội những người viết văn trẻ những năm 90 và gắn bó đến sau này, những thư từ, email liên lạc giữa các anh thường chứa đựng những tri âm học thuật, ân tình như thế. Dù có giàu tiên cảm đến đâu, khi ngậm ngùi trước những dòng Chu Văn Sơn viết về người anh, người bạn vong niên tri kỷ Trần Hòa Bình, Vũ Khánh cũng không thể ngờ anh đã chạm vào đường chỉ tay tiền định của mình, để theo sau Chu Văn Sơn 4 tháng và Trần Hòa Bình 11 năm vào cùng tháng, cùng ngày; và “hôm nay, họ đã gặp nhau”1 ở mãi miền mây trắng. Có phải ngẫu nhiên không, khi kết lại bài viết thay lời ai điếu bạn mình, Vũ Khánh nhắc lại câu Chu Văn Sơn viết về Trần Hòa Bình: “Nghĩ cho cùng, họ đều là những gã lãng tử phiêu du qua cõi này bằng đôi cánh tài hoa. Họ để lại cho ta bao nhiêu anh hoa cũng là bấy nhiêu tiếc nuối”. Thì điều này, chẳng cũng chính là anh sao?”.
(Lê Tuyết Hạnh)
Thi tiên Lý Bạch |
Bàn về thơ lục bát, có lẽ Chu Văn Sơn sâu sắc hơn cả, không chỉ rải rác đây đó ở những bài phê bình tinh tế mà còn tập trung ở những chuyên luận thấu triệt: “... Chừng nào tre còn xanh, sen còn ngát, chừng nào tà áo dài còn tha thướt, tiếng đàn bầu còn ngân nga, chừng ấy những điệu lục bát vẫn tiếp tục sinh sôi trên xứ sở này. Lục bát mãi mãi là một tài sản thiêng liêng của nền văn hóa Việt” (Sức sống lục bát). Hơn thế nữa, một lần anh còn hé lộ sẽ viết hẳn một cuốn sách về lục bát. Và anh bảo: đó sẽ là “Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Vẫn mạch suy tư không ngừng về giá trị “quốc bảo” ấy của văn hóa xứ mình, trong email bàn về bản dịch Trường Can hành của Lý Bạch, hồi đó tôi gửi anh đọc chơi, Chu Văn Sơn đã nhân thể lại nói về lục bát (và song thất lục bát).
Trường ca hành
Nguyên tác:
Thiếp phát sơ phúc ngạch,
Chiết hoa môn tiền kịch.
Lang kỵ trúc mã lai,
Nhiễu sàng lộng thanh mai.
Đồng cư Trường Can lý,
Lưỡng tiểu vô hiềm xai.
Thập tứ vi quân phụ,
Tu nhan vị thường khai.
Đê đầu hướng ám bích,
Thiên hoán bất nhất hồi.
Thập ngũ thủy triển mi,
Nguyện đồng trần dữ khôi.
Thường tồn bão trụ tín,
Khởi thượng Vọng phu đài.
Thập lục quân viễn hanh
Cù Đường, Diễm Dự đôi.
Ngũ nguyệt bất khả xúc,
Viên thanh thiên thượng ai.
Môn tiền trì hành tích,
Nhất nhất sinh lục đài.
Đài thâm bất khả tảo,
Lạc diệp thu phong tảo.
Bát nguyệt hồ điệp hoàng,
Song phi tây viên thảo.
Cảm thử thương thiếp tâm,
Tọa sầu hồng nhan lão.
Tảo vãn há Tam Ba,
Dự tương thư báo gia.
Tương nghênh bất đạo viễn,
Trực chí Trường Phong Sa
Lý Bạch
Dịch nghĩa:
Tóc em mới xòa ngang trán,
Bẻ hoa trước cửa nhà chơi.
Chàng cưỡi ngựa bằng cành trúc đến,
Quanh giường nghịch ném quả mơ xanh.
Cùng sống ở đất Trường Can,
Hai đứa nhỏ chẳng hề giữ ý.
Năm mười bốn làm vợ anh,
Mặt thẹn thò không lúc nào tươi.
Cúi đầu ngoảnh vào vách tối,
Gọi nghìn câu, chẳng đáp lại một lời.
Năm mười lăm mới tươi tỉnh mặt mày,
Nguyện sống chết chẳng rời nhau.
Thường tin anh vẫn một lòng như chàng ôm cột,
Há tưởng thiếp phải lên đài cao ngóng chồng.
Năm mười sáu chàng đi xa,
Đến Cù Đường, Diễm Dự.
Tháng năm nơi ấy không thể qua,
Tiếng vượn kêu vang trời thảm thiết.
Trước cửa dấu chân bước dạo xưa,
Chỗ nào cũng rêu xanh mờ phủ.
Rêu dầy không quét được.
Lá sớm rụng theo gió mùa thu.
Tháng tám bướm bay vàng óng,
Từng đôi dập dìu trên vườn cỏ phía tây.
Cám cảnh ấy, lòng thiếp đau đớn,
Ngồi buồn bã, tuổi con gái ngày một già.
Sớm muộn chàng tới Tam Ba,
Hãy gửi thư về báo trước cho nhà.
Đón nhau không ngại vì đường xa,
Thiếp sẽ tới tận Trường Phong Sa.
Dịch thơ:
Em khi tóc mới xòa ngang trán,
Bẻ hoa cài làm dáng em chơi.
Ngựa tre chàng tới cửa ngoài,
Đùa em nghịch ném quả mai quanh giường.
Hai đứa ở Trường Can từ bé,
Cùng ngây thơ giữ ý gì đâu.
Năm mười bốn tuổi làm dâu,
Thẹn thò mặt ủ mày chau với chàng.
Mặt vùi mãi vào hàng vách tối,
Gọi nghìn câu chẳng đoái một lời.
Tuổi mười lăm mới nhoẻn cười,
Nguyện tình phu phụ suốt đời có nhau.
Tin lòng chàng chân cầu ôm cột,
Há tưởng mình đòi kiếp vọng phu.
Năm sau chàng vội viễn du,
Cù Đường, Diễm Dự tuyệt mù dặm khơi.
Chốn tháng năm ai người qua nổi,
Vượn vang trời muôn nỗi bi thương.
Trước hiên lối dạo ngày thường,
Rêu phong dấu cũ đoạn trường lòng em.
Rêu quẹn lớp đòi phen quét được,
Gió thu về xao xác lá rơi.
Bướm vàng tháng tám rong chơi,
Vườn tây trên cỏ từng đôi dập dìu.
Trông cảnh ấy ra chiều ngán nỗi,
Má phai hồng ngồi đợi ngày qua.
Bao giờ chàng xuống Tam Ba,
Hãy đưa tin trước về nhà hôm mai.
Sớm chầy chẳng quản xa xôi,
Trường Phong Sa thẳng đến nơi đón chàng.
(Bản dịch của Vũ Khánh)
Chu Văn Sơn viết: “Bài này dịch nhuyễn. Khá sát ý mà lại thoát. Nên lời không bị gò mà vẫn chuyển tải được tình ý! Thơ song thất lục bát ở đây khá hợp, vì nó gợi được hơi hướng cổ. Nếu dịch sang lục bát thuần thì vẫn chuyện ấy, vẫn tình ấy nhưng chưa chắc đã có được cái không khí cổ xưa đậm thế. Tất nhiên, không đưa vào tập “Lục bát với Thơ Đường”2 được, vì khác thể.
Song thất lục bát là một trường hợp cách tân thể loại của lục bát. Cách tân theo lối lai ghép. Có thể thấy ít nhất bốn bình diện lai ghép: 1) về thể, là lai giữa thất ngôn với lục bát; 2) về điệu, là lai giữa “bằng bặn” (2 câu đều 7) với “co duỗi”(trên 6 dưới 8); 3) về lễ, là lai giữa cái “nghiêm cẩn” (nhất nhất đều 7) và “linh hoạt” (ngắn dài đắp đổi 6-8); 4) về hồn, lai giữa hồn Tàu (song thất) với hồn Việt (lục bát)... Bóc tách ra thế, tưởng phức tạp hóa. Nhưng, không thế, không thể thấy được các sắc thái tinh vi của hình thức đâu.
Nhìn vào số phận thể loại có thể thấy: song thất lục bát khi vào hiện đại đã đuối sức. Thể thơ này đã chết trong thơ hiện đại. Vì sao? Nó cùng chung số phận với thất ngôn. Bởi vì một nửa sinh mạng của nó là thất ngôn. Vì sao thất ngôn chết? Thất ngôn là điển hình của thơ cách luật. Nghĩa là điển hình của sự gò bó, điển hình cho tính qui phạm, điển hình cho sự chế áp của lễ nghi đối với cá tính sáng tạo. Nghĩa là một thể “đóng” chứ không “mở”. Mà hiện đại là giải phóng cá tính, là tự do hóa hình thức. Cho nên tư duy thơ hiện đại dị ứng với thất ngôn. Thất ngôn bị bỏ rơi. Côi cút. Rồi chết hẳn. Song thất lục bát tất phải chết theo. Có thể nói đó là số phận không thể cưỡng được của thể loại này. Đến nay, song thất lục bát chỉ tồn tại như một thứ “cổ vật”. Khi nào cần gợi dậy hơi hướng cổ của những thi tứ, thi điệu, thì người ta mới đem nó ra khỏi bảo tàng để thực hiện việc phục cổ, kiểu làm thơ “cổ trang” thôi (giống như phim “cổ trang” của Hollyood). Dịch Trường Can hành bằng thể này là hợp.
Cũng có thể nhìn ngộ nghĩnh hơn, rằng lục bát hiện hành là một nửa còn lại của song thất lục bát. Tức ta xem song thất lục bát là một hợp thể hình thức, sản phẩm của cuộc hôn phối giữa “song thất” và “lục bát”. Đến bây giờ cái hợp thể ấy chỉ còn một nửa. Ấy là nửa lục bát. Sau một hồi lai ghép, quá cồng kềnh và trì trệ không còn theo được với hiện đại, chúng đã quyết định làm cuộc li hôn. Lục bát đã bỏ rơi cặp/song thất. Đúng ra, để sống sót, giờ đây, nó đã cắt bỏ cái phần “song thất”, cái phần “Tàu” để sống cái phần “lục bát”, cái phần “Việt” “sịn” của mình. Ấy là cách nhìn theo một giả định vui: xem lục bát không phải là thể có trước, và lục bát hiện thời là mảnh vỡ văng ra từ hợp thể “song thất lục bát”.
Thực ra, lục bát có trước và là một gia đình lớn. Để làm giàu cho nòi giống, một đứa con của gia đình lục bát đã lỡ bước sang ngang với thất ngôn mà sinh thành ra “song thất lục bát” thôi. Dầu sao, cuộc hòa huyết ấy cũng đã đem về cho đại gia đình lục bát một đứa con lai khôi ngô. Và tiếc rằng, đến nay, đúng theo mệnh số thường yểu của con lai, song thất lục bát đã chết.
Còn lục bát nòi, lục bát thuần thì vẫn sống, dẻo dai xuân sắc. Nó sống nhờ cái khí chất linh hoạt, tự do, nhờ cái tạng rất “mở” của mình. Tôi cho đó là một bí quyết tồn sinh của lục bát.
Bản dịch chọn song thất lục bát để chuyển ngữ là một thành công. Bởi trong song thất lục bát, người ta thấy một thi tứ Tàu đã bén duyên với một thi điệu Việt trong một dịch phẩm”.
1. Tiêu đề bài viết của Vũ Khánh có dẫn bài viết “Trần Hòa Bình, gã lãng tử xứ Đoài” của Chu Văn Sơn
2. Vũ Khánh, “Lục bát với thơ Đường”. Nxb Văn học. 2011.
Nguồn Văn nghệ số 16/2021