Diễn đàn lý luận

Nền tảng tư tưởng lý luận Văn nghệ Việt Nam

Lý luận phê bình
10:46 | 14/02/2020
Lý luận văn nghệ macxit được xem là yếu tố cấu thành hệ thống lý luận văn nghệ ở Việt Nam. Tuy mới chỉ xuất hiện ở nước ta vào những năm 30 và trở thành một bộ môn của khoa học văn học vào những năm 50 của thế kỷ XX, nhưng lại là hệ thống tư tưởng lý luận phù hợp với thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam
aa

Từ nửa sau thế kỷ XIX trở đi, đặc biệt là từ sau Cách mạng tháng Mười Nga, trên nền tảng tư tưởng chính trị, triết học, mỹ học và quan điểm của Marx, Engels, Lenin về văn học, nghệ thuật, đã từng bước hình thành hệ thống lý luận văn nghệ macxit, có ảnh hưởng rộng rãi, chi phối tiến trình vận động và phát triển của văn học, nghệ thuật nói chung, của tư duy lý luận văn học, nghệ thuật và tư duy khoa học nói riêng ở nhiều nước trên thế giới, trước hết là ở Liên Xô và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Tuy về sau, trong quá trình phát triển của hệ thống lý luận này, từ những năm 20 của thế kỷ XX trở đi, ở châu Âu và một số nước tư bản phương Tây lại nảy sinh khuynh hướng tư tưởng mỹ học được xem là “macxit phương Tây”, bao gồm những tên tuổi khá quen thuộc như: C.Caudwell, H.Marcuse, H.Lefebre, J.Sartre, L.Goldmann, R.Garaudy… nhưng khuynh hướng này ít ảnh hưởng đến Việt Nam, có chăng phải đến thời kỳ hội nhập gần đây. Vì vậy, khái niệm “lý luận văn nghệ macxit” được dùng ở đây chủ yếu nói đến hệ tư tưởng lý luận macxit chính thống do Marx, Engels, Lenin đặt nền móng.

Lý luận văn nghệ macxit được xem là yếu tố cấu thành hệ thống lý luận văn nghệ ở Việt Nam. Tuy mới chỉ xuất hiện ở nước ta vào những năm 30 và trở thành một bộ môn của khoa học văn học vào những năm 50 của thế kỷ XX, nhưng lại là hệ thống tư tưởng lý luận phù hợp với thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam. Thực tế lịch sử văn học, nghệ thuật Việt Nam từ 1930 trở đi cho thấy, lý luận văn nghệ macxit luôn luôn giữ vai trò chủ đạo và có vị trí hết sức quan trọng trong tiến trình vận động và phát triển của văn nghệ hiện đại. Dưới tác động, chi phối của hệ tư tưởng lý luận văn nghệ này, một thực tiễn văn nghệ mới bao gồm cả hoạt động sáng tác lẫn hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình đã từng bước hình thành và phát triển, mang bản chất cách mạng, tư tưởng xã hội chủ nghĩa và gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của Đảng và nhân dân ta. Ngay từ khi mới xuất hiện, với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và vai trò tiên phong của Hải Triều, Hải Khách, Hải Thanh… lý luận văn nghệ macxit đã nhanh chóng phát huy ảnh hưởng, trở thành một trong những khuynh hướng văn học, nghệ thuật chủ yếu với nhiều thành tựu được lịch sử văn học, nghệ thuật ghi nhận. Nhất là từ sau khi Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) của Đảng và bài Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam mới lúc này của đồng chí Trường Chinh, những tư tưởng macxit về văn hóa, văn học, nghệ thuật đã được khẳng định và được các văn nghệ sĩ, trí thức đón nhận nồng nhiệt. Trên nền tảng tư tưởng macxit chân chính, những phần tử giả danh, “đội lốt macxit” thời kỳ này đã được nhận diện và phê phán. Một số tác phẩm ra đời trong khoảng thời gian từ 1940 đến 1945, trong đó cuốn Văn học khái luận của Đặng Thai Mai đã thể hiện những tư tưởng mới nhất của lý luận văn nghệ macxit.

Từ sau Cách mạng tháng Tám trở đi, dòng văn học cách mạng hình thành từ thời kỳ 1930-1945 trở thành dòng chủ lưu, quy tụ trong đó các văn nghệ sĩ từ các trào lưu, trường phái, khuynh hướng khác nhau. Với ba nguyên tắc Dân tộc, Khoa học, Đại chúng được nêu lên từ Đề cương văn hóa Việt Nam, đặc biệt là với văn kiện Chủ nghĩa Marx và văn hóa Việt Nam (1948) của đồng chí Trường Chinh, Xây dựng văn nghệ nhân dân của Tố Hữu… các tư tưởng lý luận văn nghệ macxit đã xác lập được vị trí của nó trong tiến trình vận động và phát triển của văn học, nghệ thuật cách mạng, trở thành nền tảng tư tưởng và nguyên tắc sáng tạo. Từ đây “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa được xem là phương pháp tốt nhất”(1).

Từ hòa bình lập lại, đất nước đi vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Các trường đại học, các viện nghiên cứu, các hội văn học, nghệ thuật được thành lập. Nhiều cán bộ, học sinh, sinh viên được cử đi đào tạo, học tập kinh nghiệm ở các nước xã hội chủ nghĩa có trình độ khoa học tiên tiến. Từ đây, bộ môn lý luận văn học từng bước được xây dựng và phát triển. Như nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác trên thế giới, hệ thống tư tưởng mỹ học và lý luận văn học của Việt Nam được thiết kế, xây dựng dựa trên nền tảng triết học, mỹ học và lý luận văn học, nghệ thuật do Marx, Engels, Lenin đề khởi. Tuy trong hệ thống chước tác của các nhà kinh điển không có những công trình chuyên biệt về văn học, nghệ thuật, nhưng quan điểm của Marx, Engels, Lenin thể hiện trong các ý kiến trao đổi và trong các công trình triết học đã cho thấy những nguyên lý nghệ thuật cơ bản. Các quan điểm duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, lý luận nhận thức, phản ánh luận… đặc biệt là tác phẩm Tổ chức đảng và văn học có tính đảng (1905) của Lenin đã trở thành nguyên tắc phương pháp luận, thành thế giới quan và cơ sở triết-mỹ cho sự hình thành và phát triển lý luận văn học, nghệ thuật ở Việt Nam. Trong buổi ban đầu, ảnh hưởng của lý luận văn học macxit từ các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là từ Liên Xô (cũ) qua hệ thống giáo trình giảng dạy và học tập bộ môn lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam có ý nghĩa quan trọng.

Từ Đại hội Nhà văn Liên Xô lần thứ nhất (1934), Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và đi cùng với nó là phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa trở thành các khái niệm định danh nền văn học và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nền văn học khác, trong đó có Việt Nam. Trải qua các giai đoạn phát triển, thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật và thực tiễn lý luận cho thấy, lý luận văn học, nghệ thuật macxit đã trở thành hệ thống quan điểm và tư tưởng lý luận chiếm vị trí độc tôn trong tiến trình vận động và phát triển của văn học nghệ thuật ở Việt Nam. Cho đến khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào khủng hoảng và tan vỡ; khi công cuộc đổi mới ở Việt Nam được khởi động (1986); khi xu thế giao lưu và hội nhập đã trở thành quy luật tất yếu thì địa vị độc tôn, duy nhất của hệ thống lý luận nghệ thuật này mới có căn cứ để nhận thức lại. Trong bối cảnh lịch sử mới, rất nhiều hệ thống lý thuyết nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại đã được giới thiệu, vận dụng và phổ biến rộng rãi ở Việt Nam làm thay đổi nhận thức, tư duy lý luận, tư duy sáng tạo và phương pháp nghiên cứu tiếp cận văn học, nghệ thuật. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn được xác định là nền tảng, là cơ sở cho đổi mới và phát triển. Theo đó, lý luận văn học, nghệ thuật và mỹ học macxit, tuy không còn địa vị duy nhất nhưng vẫn giữ vị trí nền tảng, vị trí chủ đạo trong hoạt động nghiên cứu lý luận, phê bình và sáng tạo văn học, nghệ thuật. Trong sự cọ xát, đối sánh với các hệ thống lý thuyết và quan điểm nghệ thuật hiện đại từ các nước Âu - Mỹ tràn vào, lý luận văn học, nghệ thuật macxit có thêm các điều kiện để được nhận thức, bổ sung, đổi mới và phát triển cho phù hợp thực tiễn lịch sử và thực tiễn nghệ thuật mới. Đây cũng sẽ là định hướng để xây dựng hệ thống lý luận và phát triển văn học, nghệ thuật ở Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ở Việt Nam, văn học, nghệ thuật luôn được xem là một lĩnh vực hoạt động sáng tạo có tác động to lớn tới đời sống tư tưởng, tình cảm, nhân cách, lối sống và đời sống tinh thần thẩm mĩ của con người; đồng thời, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Do ý thức được sức mạnh đặc thù của văn học, nghệ thuật, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của đất nước từng thời kỳ, trên nền tảng chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xây dựng được hệ thống quan điểm về văn học, nghệ thuật phù hợp với thực tiễn văn nghệ Việt Nam từng thời kỳ, gắn văn học, nghệ thuật với sự nghiệp cách mạng và là định hướng cho sự phát triển.

Hệ thống quan điểm này thể hiện trước hết trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Đây là các quan điểm lớn được thể hiện qua các chủ trương, chính sách, đường lối phát triển văn học, nghệ thuật và các yêu cầu đặt ra trong từng giai đoạn, từng thời kỳ. Từ đó, hệ thống quan điểm văn học, nghệ thuật của Đảng còn được cụ thể hóa trong các tác phẩm, trong các ý kiến phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng từng thời kỳ như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu… Hệ thống quan điểm này cho thấy, nhiều khía cạnh của lý luận văn nghệ như vấn đề vai trò, chức năng của văn học, nghệ thuật; vấn đề quan hệ của văn học, nghệ thuật với hiện thực nói chung, với thực tiễn đấu tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước nói riêng. Đó là cơ sở, là căn cứ để xác định yêu cầu, nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật trong từng giai đoạn, từng thời kỳ.

Ngoài ra, hệ thống quan điểm của Đảng còn được thể hiện trong các công trình, tài liệu tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng lý luận văn nghệ từng giai đoạn, từng thời kỳ. Rất nhiều tên tuổi của các nhà lý luận văn nghệ macxit được ghi nhận như: Hồng Chương, Nguyễn Đình Thi, Hà Xuân Trường, Trần Độ, Vũ Đức Phúc, Hoàng Trinh, Nam Mộc… Các tác phẩm của họ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận cơ bản với quan điểm nhìn nhận và đánh giá thực tiễn.

Có thể xem đây là hệ thống quan điểm, lý luận nảy sinh từ thực tiễn, bắt nguồn từ yêu cầu của thực tiễn. Nó mang đặc điểm của tư duy lý luận và thực tiễn sáng tạo Việt Nam là gắn văn hóa với văn nghệ, gắn văn học với các loại hình nghệ thuật khác…

Từ thực tiễn văn học, nghệ thuật Việt Nam, có thể xem các quan điểm văn nghệ của Đảng là lý luận nảy sinh từ thực tiễn lãnh đạo, quản lý và thực tiễn hoạt động văn nghệ. Lý luận cơ bản kết hợp với lý luận thực tiễn sẽ bổ sung cho nhau để tạo nên một hệ thống năng động, không nặng về lý thuyết hàn lâm, cũng không nghiêng về kinh nghiệm chủ nghĩa.

Thực tế lịch sử phát triển của tư duy lý luận và thực tiễn sáng tạo văn nghệ Việt Nam cho thấy, các quan điểm của Đảng vừa gắn liền với các nguyên lý lý luận văn nghệ macxit, vừa gắn liền với thực tiễn. Vì vậy, ở giai đoạn nào của sự phát triển văn nghệ, các quan điểm của Đảng về cơ bản cũng đúng đắn, phù hợp, phát huy được vai trò định hướng cho hoạt động mọi mặt. Đặc biệt là các quan điểm về văn nghệ được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ mới. Tuy vậy, cũng chính thực tiễn lý luận và sáng tạo nghệ thuật cho thấy, không ít quan điểm chỉ phù hợp và đáp ứng yêu cầu của một giai đoạn, một thời kỳ nhất định. Nhìn vào thực tiễn lý luận văn nghệ trong thời kỳ đổi mới sẽ thấy không ít quan điểm, chủ trương, chính sách phù hợp các giai đoạn trước, nhưng đến giai đoạn này lại bị vượt qua, bị kiểm chứng để đổi mới và phát triển.

Nhìn một cách khái quát có thể thấy, tuy quá trình vận động và phát triển của lý luận văn học nghệ thuật macxít có lúc thăng, lúc trầm tùy theo hoàn cảnh lịch sử nhưng với văn học Việt Nam, hệ thống tư tưởng lý luận này từ khi ra đời đến nay luôn luôn được xem là hệ thống tư tưởng nền tảng cần được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện để phát triển, đáp ứng yêu cầu khách quan của đời sống xã hội và văn học.

__________

1. Trường Chinh (1948): “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”, Báo cáo tại Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai.


Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.