Sự kiện & Bình luận

Nga Sơn một miền di sản

Lê Linh Nga
Đời sống
19:00 | 07/11/2024
Baovannghe.vn - Huyện Nga Sơn nằm ở cực đông bắc tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Thanh Hoá 42km, phía bắc và đông giáp tỉnh Ninh Bình và thị xã Bỉm Sơn...
aa

Trời chuyển sang Thu bằng những cơn mưa bất chợt, đủ làm cho bầu không khí và tâm trạng con người dịu vợi cùng thiên nhiên. Các nhà văn nữ tại Thanh Hóa chúng tôi có chuyến công tác tới huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa để tìm về một miền di sản của xứ Thanh. Nơi đây chứa đựng bao trầm tích di sản văn hóa và dấu tích của công cuộc lấn biển, khai hoang, lập địa từ ngàn xưa tới nay không bao giờ ngưng nghỉ. Những di sản văn hóa được lưu truyền, lan tỏa và trí tuệ, công sức, lòng quyết tâm của người dân Nga Sơn đã và đang đem lại cuộc sống ấm no và giàu đẹp cho vùng đất nơi đây.

Huyện Nga Sơn nằm ở cực đông bắc tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Thanh Hoá 42km, phía bắc và đông giáp tỉnh Ninh Bình và thị xã Bỉm Sơn, phía tây giáp huyện Hà Trung, phía nam giáp huyện Hậu Lộc. Với đường bờ biển dài 20km. Bình quân mỗi năm Nga Sơn lấn ra biển từ 80 đến 100m nhờ lượng phù sa sông Hồng và sông Ðáy bồi lắng. Nơi đây là một miền di sản

Theo truyền thuyết, Mai An Tiêm vốn là con nuôi của Hùng Vương thứ XVII, được vua quý mến gả Mị Nương tức là nàng Ba cho. Sau vì làm phật ý vua, An Tiêm bị đày ra đảo hoang, tương truyền nay là huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, An Tiêm cùng vợ trồng trọt, quăng chài, thả lưới, chăm chỉ làm ăn. Một hôm, An Tiêm nhặt được hạt giống cây lạ do chim mang tới, anh đem gieo trồng và cuối cùng gây được giống dưa hấu đỏ ngọt ngào, quý hiếm thường xuyên trao đổi dưa lấy thóc gạo với ngư dân. Tiếng lành đồn khắp xa gần. Vua biết tin, xuống chiếu gọi Mai An Tiêm về cho phục chức cũ. An Tiêm được coi là ông tổ của nghề trồng dưa hấu tại Việt Nam.

Vùng đảo hoang xưa dần được phù sa bồi đắp thành những làng mạc trù phú, trên núi xen đồng, dưới bao la biển biếc. Ngày nay có tên là xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, có một dãy núi mang tên Mai An Tiêm. Dưới chân núi này có đền thờ ông và được nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào ngày 12 đến 15 tháng Ba âm lịch hàng năm.

Đền thờ Mai An Tiêm ở xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Viên Lan Anh
Đền thờ Mai An Tiêm ở xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Viên Lan Anh

Trong chuyến đi này chúng tôi đến dâng hương tưởng nhớ nữ anh hùng kiệt xuất trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Nga Sơn chính là nơi dựng cờ khởi nghĩa của bà Lê Thị Hoa. Bà Lê Thị Hoa sinh ngày 15 tháng 11 năm Kỷ Mùi (2 TCN), bà sinh ra ở xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Năm 18 tuổi bà kết hôn cùng ông Mai Tiến (19 tuổi) người cùng huyện là người văn võ toàn tài. Bà cùng ông Mai Tiến sinh được 3 người con là Mai Đạt (sinh năm Mậu Dần 18), Mai Thỏa (sinh năm Canh Thìn 20), Mai An (sinh năm Nhâm Ngọ 22). Sau đó cả gia đình chuyển sang huyện Gia Lâm khi ông Mai Tiến ra làm quan huyện. Ở huyện Gia Lâm bà sinh hạ thêm người con thứ tư là Mai Trí (năm Ất Dậu 25).

Ông Mai Tiến làm quan hết sức thanh liêm, thương dân như con nên được nhân dân tôn kính, song điều đó lại trái với chính sách cai trị của phong kiến đô hộ phương Bắc. Đây là nguyên nhân khiến ông bị Thái thú Tô Định một kẻ tàn bạo và háo sắc âm mưu hãm hại, bắt giết vào năm Bính Tuất. Ngay trong đêm đó bà Lê Thị Hoa đã cùng 4 người con và những người thân tín rời khỏi huyện Gia Lâm xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (quê ngoại của bà) định dựng cờ khởi nghĩa, nhưng do lực lượng còn mỏng nên phải rút về phủ Trường An lấy vùng đất Yên Nội (nay thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) với thế đất có đường bộ, đường biển, núi non hiểm trở làm nơi khởi nghiệp trả thù cho chồng và đánh đuổi quân xâm lược. Bốn người con trai lúc đó đã trưởng thành (Mai Đạt 22 tuổi, Mai Thỏa 20 tuổi, Mai An 18 tuổi và Mai Trí 15 tuổi) tập hợp, kêu gọi nhân dân trong vùng, khai phá vùng đất mới và luyện tập chiến trận chuẩn bị khởi nghĩa với số quân lên đến 2000 người. Theo lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng, bà Lê Thị Hoa đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa này. Lê Thị Hoa cùng với Lê Chân (Hải Phòng), Thánh Thiên (Bắc Giang), Phùng Thị Chính (Hà Tây), Lý Thị Ngọc Ba (Hà Tây) là những nữ tướng quan trọng dưới trướng của Hai Bà Trưng. Năm Canh Tý (40), dưới ngọn cờ Hai Bà Trưng, quân khởi nghĩa đã đánh Tô Định thua to phải chạy về Bắc Quốc, thu giang sơn về một mối. Năm đó Trưng Vương lên ngôi vua phong tước, thưởng thực ấp cho tướng sỹ có công. Riêng nữ tướng Lê Thị Hoa từ chối nhận tước mà chỉ nhận thực ấp nhỏ ở vùng Yên Nội (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và xin cho dân được miễn tô thuế, binh dịch trong hai năm. Lê Thị Hoa cùng các con trở lại Nga Sơn để khi hoang, lập ấp, xây dựng vùng này thành một nơi dân cư đông đúc, trù phú và bà mất vào mùa xuân năm sau (41), ngày 25 tháng 2 âm lịch. Tên Lê Thị Hoa được đặt cho một số con đường ở nhiều tỉnh của Việt Nam.

Nhân dân huyện Nga Sơn đã lập đền thờ bà tại xã Nga Thiện, đền thờ và mộ chía của bà vẫn còn đến ngày nay. Đền thờ bà có đôi câu đối:

Thề trả mối thù với Tô Định, trừ khử giặc Bắc

Giữ nghĩa phò Trưng Vương, khôi phục nước Nam.

Đền thờ nữ tướng Lê Thị Hoa tại xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Viên Lan Anh
Đền thờ nữ tướng Lê Thị Hoa tại xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Viên Lan Anh

Cửa biển Thần Phù nổi tiếng với câu thơ: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm. Địa danh nơi đây gắn với nhiều truyền thuyết kỳ bí cũng như các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Điển hình như, trận chiến chống lại lão tướng Mã Viện năm 40 SCN và sự kiện Phò mã Ngô Nhật Khánh bị gió bão đánh chìm ở cửa Thần Phù khi tiến ra đánh nhà Đinh ở Hoa Lư. Khu vực này ngày nay nằm cách xa đất liền khoảng 10km. Là nơi để bạn không chỉ được tìm hiểu về lịch sử mà còn có thể ngắm cảnh đẹp yên bình của mảnh đất hiền hoà này.

Theo truyền thuyết thì khi vua Lý Thái Tông đưa quân xuống đánh Chiêm Thành ở phía Nam, đi ngang qua cửa biển Thần Phù thì gặp sóng to gió lớn khiến không thể tiến quân. May nhờ có một vị đạo sĩ cao cường giúp gió lặng sóng yên, đoàn quân mới có thể đi tiếp. Thắng trận trở về, nhà vua cho lập đền thờ tưởng nhớ vị đạo sĩ nọ. Đền thờ có tên là Áp Lãng chân nhân và nhà vua gọi tên nơi này là cửa biển Thần Phù, hay còn gọi là Thần Đầu. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi: “Núi Thạch Bi ở phường Mĩ Quan, thuộc huyện Tống Sơn. Non liền bến nước, móng đá thuyền chui. Trên vách đá có một chữ ‘Thần’ viết bằng nét son tươi thắm, tương truyền vua Lê Thánh Tông ngự đề chữ đó”. Xưa kia nước dòng sông Hoạt là nơi cửa biển Thần Phù, lúc nước dâng cao thì có thể tới gần mà nhìn rõ tấm bia. Nhưng nay cửa biển đã bị chặn, nên không dễ mà nhìn cho rõ được tấm bia này. Cũng có giả thiết cho rằng, trước đây khi vùng Nga Sơn còn mênh mông sông nước, người xưa đã lợi dụng thủy triều để tạc chữ “Thần” này. Khi thủy triều lên cao, thuyền được neo sát vào vách đá, và những người thợ sẽ tiến hành công việc điêu khắc. Mặc dù cách giải thích này chưa có cơ sở vững chắc. Cũng có thể thợ điêu khắc đã buộc dây và thả người từ trên đỉnh xuống để tiến hành công việc điêu khắc chữ “Thần” này. Ngày nay chưa có tài liệu nghiên cứu chính thức nào được công bố liên quan đến chữ “Thần” ở núi Thạch Bi. Nhiều đoàn nghiên cứu đã về khảo sát tấm bia này nhưng vẫn chưa xác thực được cụ thể nguồn gốc, lịch sử hay niên đại của chữ “Thần”.

Nguyễn Trãi khi xưa qua đây cũng để lại bài thơ “Thần Phù hải khẩu” – nguồn “Thăng Long thi văn tuyển, Nhà xuất bản Văn học năm 2010, do Bùi Hạnh Cẩn dịch:

“Nước cũ lòng về theo cánh nhạn

Lá thuyền cửa biển gió thu reo

Kình phun sóng sấm vang nam bắc

Giáo dựng non liền ngọc trước sau

Trời đất nhiều tình khơi vụng lớn

Công danh gặp hội nhớ năm nao

Dựa chèo sững đứng ngay trời xế

Sóng lạnh ngăm ngăm nổi khói chiều”.

Chữ “Thần” được tạc vào vách đá rộng 3m, cao 3,5 m trên tảng đá dựng đứng ở núi Thạch Bi, xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: VLA
Chữ “Thần” được tạc vào vách đá rộng 3m, cao 3,5 m trên tảng đá dựng đứng ở núi Thạch Bi, xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: VLA

Khu Di tích chiến khu Ba Đình được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1992, Là nơi diễn ra khởi nghĩa cuối thế kỷ XIX nhằm hưởng ứng cho phong trào Cần Vương; Chùa Vân Lỗi hay chùa Vân Hoàn toạ lạc trên lưng chừng của ngọn núi Vân Nham. Địa điểm du lịch Thanh Hóa này không chỉ là thắng cảnh đẹp mà còn rất linh thiêng; Chùa Hàn Sơn hay chùa Không Lộ, được xây dựng từ năm 1797 ngay cửa biển Thần Phù thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Chùa thờ Đức Phật là chủ đạo, bên cạnh đó còn thờ Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, thiền sư Nguyễn Minh Không, thánh Mẫu, thành hoàng làng,...; Động Bạch Á có giá trị rất lớn về mọi mặt như: văn hoá, lịch sử, nghệ thuật và cả du lịch. Bên trong động là nơi thờ Phật, nơi bà con nhân dân đến sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng và chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ thú…Toàn huyện có 285 di tích, có 49 di tích được xếp hạng (trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh, 8 di tích lịch sử cách mạng); 24 lễ hội truyền thống gắn với lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được công nhận, trong đó có lễ hội Mai An Tiêm được huyện tổ chức hằng năm.

Các nữ văn nghệ sỹ xứ Thanh đi thực tế. Ảnh: VLA
Các nữ văn nghệ sỹ xứ Thanh đi thực tế. Ảnh: VLA

Mỗi con người, mỗi vùng đất ở huyện Nga Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung đều phải trải qua những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên lẫn hoàn cảnh sống, để nỗ lực đi về phía trước trên con đường phát triển. Câu thơ của người xưa lấy bối cảnh cửa Thần Phù để nhắc nhở con người sống trong trời đất, lấy phép “tu thân” mà phấn đấu suốt đời vang lên trong tôi: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Rồi cũng chính câu thơ đó đưa chúng tôi về với đất Nga Sơn - một miền di sản đang trên đà phát triển và thu hút đông đảo khách du lịch mỗi năm.

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Baovannghe.vn - Từ ngày 13-15.12, tại TP.HCM sẽ diễn ra Tọa đàm ngành kinh doanh âm nhạc - Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 - Vietnam Music Week 2024 (VMW 2024)
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.