Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) tổ chức Hội nghị - Hội thảo: Tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Hiệp ước về Quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT), Hiệp ước về Cuộc biểu diễn và Bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT) và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, doanh nghiệp khai thác sử dụng. Hội nghị- Hội thảo diễn ra ngày 6/12, tại Hà Nội.
Năm 2023, Thanh tra Bộ VHTT&DL đã phối hợp với các cơ quan có liên quan ngăn chặn 2.763 wesbite, 3.611 link có nội dung vi phạm. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Hội nghị - Hội thảo được thực hiện do đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn đời sống và công tác quản lý môi trường số đang nảy sinh những vụ việc vi phạm để lại những hậu quả khá nghiêm trọng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, có đến 80% vi phạm bản quyền đang diễn ra trên các nền tảng số, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Đây là một trong những vấn nạn kéo dài mà giải pháp khắc phục triệt để vẫn là một bài toán khó.
Ghi nhận từ số liệu của Thanh tra Bộ VHTT&DL chỉ tính riêng năm 2023, cơ quan này đã phối hợp với các cơ quan có liên quan ngăn chặn, bảo đảm thuê bao/người sử dụng dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam không truy cập vào 2.763 wesbite, 3.611 link có nội dung vi phạm; xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời, gửi hàng nghìn khuyến cáo tới doanh nghiệp khai thác, sử dụng hình ảnh, âm thanh, video, sử dụng chương trình phần mềm máy tính trong sản xuất, hoạt động kinh doanh thương mại, hoạt động quảng cáo chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Mặc dù, sự vào cuộc của các cơ quan khá quyết liệt, nhưng tình trạng vi phạm bản quyền không có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn tinh vi hơn do có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ sử hữu, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị đã diễn ra và Hội thảo - Hội nghị nói trên cũng được xem là giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác bảo hộ quyền tác giả, ngăn chặn và tiến tới triệt tiêu nạn xêm phạm bản quyền nói chung, trên không gian số nói riêng.
Xuất phát từ sự kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện thể chế trong thực thi Luật Sở hữu trí tuệ, Hội nghị- hội thảo sẽ đi tập trung vào 4 chuyên đề gồm:
Chuyên đề 1: Tổng quan pháp luật Việt Nam, các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, nội dung cơ bản của Hiệp ước WCT, Hiệp ước WPPT.
Chuyên đề 2: Thực thi bảo hộ nội dung số về quyền tác giả, quyền liên quan môi trường số.
Chuyên đề 3: Khai thác, sử dụng nội dung số và áp dụng các biện pháp công nghệ trong bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.
Chuyên đề 4: Xử lý hàng hóa xâm phạm bản quyền trên các sàn thương mại điện tử.
Trong khuôn khổ Hội nghị - Hội thảo cũng sẽ diễn ra tọa đàm: Cơ chế phối hợp và giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xử lý xâm phạm bản quyền trên môi trường số.
Như vậy, chống vi phạm bản quyền trên môi trường số là vấn đề được Cục Bản quyền tác giả đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Cũng với nội dung này, từ ngày 17-21/6 vừa qua, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số với sự tham gia của đại biểu quốc tế đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội nghị đã có được sự thống nhất cao từ các đại biểu trong vấn đề bảo vệ và thực thi bản quyền trên môi trường số, coi đây là thách thức không chỉ của riêng mỗi quốc gia mà là vấn đề của toàn cầu. Vì vậy, hội nghị đã được xem là cơ hội tốt để các quốc gia, vùng lãnh thổ học tập, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tham vấn những chính sách hiệu quả hơn nữa nhằm thực thi bản quyền trên môi trường số.